Home Lời Chứng Những Người Giáo Sĩ Ấy, Cái Chết Của Họ Đã Không Vô Ích.

Những Người Giáo Sĩ Ấy, Cái Chết Của Họ Đã Không Vô Ích.

by Ban Biên Tập
30 đọc

Vào năm 1921, một cặp vợ chồng giáo sĩ tên là David và Svea Flood  với con trai hai tuổi của mình từ Thụy Điển bay đến Trung tâm truyền giáo của Châu Phi. Tại đây họ đã gặp gỡ  một cặp vợ chồng khác đến từ Scandinavia, Ericksons , bốn người  họ cùng nhau tìm kiếm sự dẫn dắt của Chúa trong sứ mạng truyền giáo. Là những người trẻ đầy nhiệt huyết, tận tâm sẵn sàng hi sinh cho Chúa, họ làm theo sự dẫn dắt của Chúa, ra khỏi trung tâm truyền giáo, đem Phúc Âm đến một ngôi làng hẻo lánh.

Đây là một bước tiến lớn trong đức tin của họ. Tại ngôi làng hẻo lánh của N’dolera, họ đã bị từ chối bởi người trưởng làng, ông  không cho phép họ được bước vào ngôi làng của mình vì ông sợ những người dân làng sẽ xa lánh các vị thần họ đang thờ phượng trước đây. Hai cặp vợ chồng chọn cách đi một nửa dặm lên dốc và xây dựng những túp lều bằng bùn rồi sống tại đó.

Họ cầu nguyện cho một bước đột phá trong tâm linh của những người dân làng tại đây, nhưng vẫn chẳng có ai tin Chúa. Cơ hội tiếp cận duy nhất của họ với dân làng là qua  một chàng trai trẻ, người  được phép bán cho họ gà và trứng hai lần một tuần.  Svea Flood -. Người nữ giáo sĩ nhỏ bé chỉ cao 1m50 ấy đã quyết định rằng nếu đây là người duy nhất cô có thể tiếp cận, cô sẽ cố gắng để dẫn cậu bé đến đức tin với Chúa Giê-xu. Và trên thực tế, sau nhiều tuần yêu thương và làm chứng cho cậu bé, cậu bé đã  tin nhận Đấng Christ làm Cứu Chúa của mình.

Ngoài cậu bé ra không có thêm một sự khích lệ nào mà Chúa bày tỏ cho họ. Trong khi đó, bệnh sốt rét vẫn tiếp tục tấn công lần lượt  từ thành viên này đến thành viên khác của nhóm. Đến lúc này vợ chồng Ericksons cảm thấy họ đã chiụ đủ đau khổ, họ quay về  trung tâm Sứ mạng nhưng David và Svea thì vẫn quyết tâm bám trụ lại  N ‘ dolera.

Sau đó, thật bất ngờ, Svea được tin mình mang thai ở giữa vùng hoang dã nơi không có một sự giúp đỡ nào. Đến ngày sinh con (1923) trưởng thôn cho phép một nữ hộ sinh đến giúp cô. Một bé gái đáng yêu đã chào đời, họ đặt tên bé gái là Aina (A-ee-nah).

Trước khi sinh em bé, sức khỏe của Svea đã rất yếu bởi những cơn sốt rét. Sau khi sinh, sức khỏe của cô lại càng yếu hơn. Sau mười bảy ngày chiến đấu trong sự cầu nguyện, cô  đã qua đời.

Tại khoảnh khắc đó, tâm trí  David tan vỡ, tấm lòng anh đầy sự cay đắng, anh đào một ngôi mộ chôn người vợ trẻ 27 tuổi của mình rồi mang đứa con nhỏ xuống núi, trở về trung tâm truyền giáo. Anh giao lại con gái nhỏ cho vợ chồng Ericksons, và nói, “Tôi sẽ trở về Thụy Điển. Tôi đã mất đi người vợ của tôi,  tôi không thể chăm sóc  con gái mình. Chúa đã hủy hoại cuộc sống của tôi.” Anh cùng cậu con trai hai tuổi trở về nhà, từ bỏ sự kêu gọi của mình.
Trong vòng tám tháng, vợ chồng Ericksons bị mắc một căn bệnh bí ẩn (một sốngười tin rằng họ đã bị đầu độc bởi một trưởng lão địa phương vì người trưởng lão này ghét các nhà truyền giáo) và cả hai vợ chồng đã chết chỉ cách nhau vài ngày.

Bé gái Aina chín tháng tuổi lại được trao cho một cặp vợ chồng truyền giáo người Mỹ tên là Berg , họ đổi tên của Aina thành  “Aggie” và cuối cùng đưa bé trở về Hoa Kỳ khi Aggie ba tuổi.

Vợ chồng Bergs yêu qúy Aggie nhưng sợ rằng nếu họ cố gắng trở lại châu Phi để truyền giáo, một số trở ngại pháp lý có thể làm họ mất quyền nuôi Aggie. Vì vậy, họ đã quyết định ở lại Hoa Kỳ  và trở thành mục sư. Aggie lớn lên ở South Dakota và trở thành một thiếu nữ, cô học trường thần học ở Minneapolis. Tại đây, cô gặp và kết hôn với một diễn giả trẻ tên là Dewey Hurst.

Nhiều năm trôi qua, gia đình Hursts tràn đầy vui mừng trong một Hội Thánh kết quả. Aggie đã sinh con đầu lòng là một bé gái, sau đó đến một bé trai. Trong thời gian này, chồng cô trở thành chủ tịch của một trường cao đẳng Cơ đốc  tại Seattle.  Aggie vui thích khi cô tìm thấy rất nhiều di sản có nguồn gốc từ Scandinavia ở đó.

Năm 1963, một ngày kia Aggie phát hiện ra một cuốn tạp chí tôn giáo Thụy Điển xuất hiện trong hộp thư của cô. Cô không hề biết ai đã gửi nó, và tất nhiên cô không thể đọc được vì cô không biết tiếng Thụy Điển. Nhưng khi cô lật các trang báo, cô đột nhiên dừng lại một bức ảnh. Bức anh đó chụp một khung cảnh nguyên thủy ở trung tâm của châu Phi, giữa bức ảnh là một ngôi mộ và một  thập tự giá có dòng chữ khắc tên mẹ cô trên đó, Svea Flood.
Aggie vội lên xe và tìm đến một giảng viên đại học người mà cô biết ông có thể dịch bài viết. “Bài báo  này nói gì?” Cô hỏi. Người giảng viên dịch câu chuyện được viết trên báo.

Nó nói về các nhà truyền giáo, họ đã đi đến N’dolera ở Congo vào năm 1921… sự ra đời của một bé gái da trắng … cái chết của người mẹ giáo sĩ trẻ … một cậu bé châu Phi đã được dẫn đến với Chúa Giê-xu … và sau khi tất cả những người da trắng đã bỏ đi, cậu bé châu Phi lớn lên và đã thuyết phục già làng để cho anh ta xây dựng một trường học ở làng.
Bài báo cho biết làm thế nào mà dần dần, cậu bé đó giờ đây đã lớn lên và đã dẫn dắt tất cả học sinh của mình đến với Chúa Giê-xu… những đứa trẻ lại giúp cha mẹ của chúng đến với Chúa … thậm chí người đứng đầu làng đã trở thành một Cơ Đốc Nhân. Ngày nay (1963) đã có sáu trăm Cơ Đốc Nhân trong ngôi làng đó.

Bởi vì sự sẵn lòng của David và Svea Flood đã trả lời sự kêu gọi của Chúa đến châu Phi, bởi vì họ, dù đã phải chịu đựng quá nhiều khó khăn nhưng vẫn trung thành làm chứng và giúp một cậu bé đến với Chúa Giê-xu, để rồi giờ đây đã có sáu trăm người trong làng được cứu. Và cậu bé ngày xưa đó nay đã trở thành người đứng đầu của Giáo Hội Pentacostal và là lãnh đạo của 110.000 cơ đốc nhân ở Zaire (trước đây là Congo thuộc Bỉ).

Ngày ấy, khi Svea Flood qua đời, người ta đã từng nghĩ rằng Chúa đã dẫn những người giáo sĩ trẻ này đến châu Phi rồi bỏ mặc họ, xa lánh họ trong lúc họ cần Chúa nhất.
Nhưng bốn mươi năm sau, người ta mới nhận ra ân điển và kế hoạch của Ngài dành cho dân làng N’dolera là diệu kỳ thể nào….

Nhân kỷ niệm đám cưới hai mươi năm của Rev. Dewey và Aggie Hurst, trường đã tặng họ một  món quà là một kỳ nghỉ đến Thụy Điển. Cô Aggie được gặp cha ruột của mình. Cha cô bây giờ đã già và tái hôn. Ông có bốn người con, cuộc đời ông đã bị tàn phá bởi rượu, ông bị đột quỵ nhưng vẫn cay đắng Chúa. Ông đã giữ một quy tắc trong gia đình của mình : “Không bao giờ được đề cập đến Chúa, vì chính Chúa đã cướp tất cả mọi thứ từ tôi.”
Sau một cuộc hội ngộ đầy cảm xúc với anh em kế của mình, Aggie muốn gặp cha cô. Những người anh em của cô dặn cô rằng. “Cô có thể nói chuyện với ông, nhưng mà ông ấy rất ốm yếu, cô tuyệt đối không được nói về Chúa, ông ấy sẽ nổi cơn thịnh nộ. ”

Aggie không bỏ cuộc. Cô bước vào căn hộ tồi tàn, vỏ chai rượu ở khắp mọi nơi, và đến gần người đàn ông bảy mươi ba tuổi đang nằm trên một chiếc giường nhàu nhĩ.

“Cha ơi?” Cô ấy nói ngập ngừng.

Ông quay lại và bắt đầu khóc. “Aina,” ông nói, “Cha không bao giờ muốn bỏ con đâu”

“Không sao cha ơi,” cô trả lời, ôm ông nhẹ nhàng trong vòng tay cô  “Chúa đã chăm sóc cho con, cha à.”

Toàn thân ông đơ cứng, những giọt nước mắt dừng lại.

” Chúa quên tất cả chúng ta. Cuộc sống của chúng ta bị  như thế này là vì Ngài.” Ông quay mặt lại vào tường.

Aggie xoa nhẹ lên khuôn mặt của cha mình và sau đó tiếp tục, ngẩng cao đầu.
“Cha à, con có một chuyện muốn kể với cha, câu chuyện này là sự thật. Cha đã không đi đến châu Phi trong vô vọng. Mẹ con cũng đã không chết một cách vô ích.

Cậu bé mà cha mẹ đã làm chứng và dẫn đưa đến với Chúa, cậu đã lớn lên và  cả làng đó đã đến với Chúa. Hạt giống mà cha mẹ trồng tiếp tục tăng trưởng và phát triển. Hôm nay (khoảng 1964) có sáu trăm người châu Phi hầu việc Chúa vì cha mẹ đã trung tín với sự kêu gọi của Chúa”

“Cha ơi, Chúa Giê-xu đã yêu thương cha và Ngài chưa bao giờ ghét bỏ cha đâu.”

Người đàn ông già quay lại nhìn vào đôi mắt cô con gái mình, ông thấy thư thái hơn, ông bắt đầu trò chuyện. Và vào cuối buổi chiều hôm đó, ông đã quay lại với Chúa, Đấng mà ông đã từng giữ sự giận dữ suốt nhiều thập kỷ qua.

Vài ngày tiếp theo, hai cha con được hưởng những giây phút ấm áp bên nhau. Aggie và chồng sớm phải trở về Mỹ và sau mấy tuần cô nhận được tin cha cô, David Flood,  đã về với Chúa.

Mấy năm sau, vợ chồng cô được tham dự một hội nghị truyền giáo ở Luân Đôn, Anh. Một bản báo cáo đã được đưa ra từ đất nước  Zaire (cựu Congo thuộc địa của Bỉ). Mục sư đại diện cho quốc gia đó cũng thay mặt 110.000 tín hữu tại đó đã có một bài phát biểu hùng hồn về sự nhân rộng của Phúc Âm trong Quốc gia của mình. Aggie hỏi anh xem anh đã từng được nghe nói về David và Svea Flood. “Tôi chính là con gái của họ.”

Người đàn ông bắt đầu khóc. “Vâng, thưa bà,” người đàn ông trả lời bằng tiếng Pháp, lời nói của ông sau đó được dịch sang tiếng Anh.
“Chính Svea Flood là người dẫn tôi đến Chúa Giêsu. Tôi là cậu bé đã mang thức ăn cho cha mẹ cô trước khi cô được sinh ra. Trong thực tế, cho đến ngày nay phần mộ của mẹ cô được tưởng nhớ và vinh danh bởi tất cả chúng tôi.”

Ông ôm cô trong tay. Sau đó, ông tiếp tục, “Cô phải đến châu Phi để xem, bởi vì mẹ cô là người nổi tiếng nhất trong lịch sử của chúng tôi.”

Sau đó Aggie Hurst và chồng đã đến châu Phi. Họ được chào đón và cổ vũ bởi đám đông dân làng. Cô cũng được gặp người đàn ông mà cô từng gặp từ rất nhiều năm trước, khi cô chưa đầy một tháng tuổi, cha cô đã thuê ông đưa cô xuống núi trong một cái võng.
Nhưng giây phút ấn tượng nhất là khi các mục sư đưa Aggie đến thăm mộ của mẹ cô. Ngôi mộ được đánh dấu bằng một chữ thập màu trắng. Cô quỳ trên mảnh đất châu Phi, nơi sinh ra cô, cầu nguyện và tạ ơn Chúa. Ngày hôm sau, trong giờ lễ tại nhà thờ, Mục sư đọc Giăng 12:24:

“Tôi bảo thật anh em, nếu hột lúa mì không rơi xuống đất và chết đi, nó vẫn chỉ là một hạt giống duy nhất. Nhưng nếu chết đi, nó tạo ra nhiều hạt giống.”

Sau đó, ông tiếp tục đọc Thi Thiên 126: 5: “Những ai gieo trong nước mắt sẽ gặt trong vui mừng.”

Thanh Huê Dịch.

( Trích từ câu chuyện cuộc đời Aggie Hurst, Aggie).

Hình ảnh mang tính chất minh hoạ.

Bình Luận:

You may also like