Giăng đã làm chứng cho Đức Chúa Jêsus cho đến cuối cùng và dạy rằng những người thuộc về Đấng Christ phải làm chứng về Ngài, với chính Đức Chúa Jêsus là trung tâm. Câu 31-36 giải thích lý do khiến Đấng Christ phải sống lại và tóm tắt toàn bộ nội dung của chương 3.
Giăng 3:22-36
22 Sau đó, Đức Chúa Jêsus và các môn đồ đi đến miền Giu-đê. Ngài ở lại đó với họ và làm báp-têm. 23 Giăng cũng làm báp-têm tại Ạt-nôn, gần Sa-lim, vì ở nơi nầy có nhiều nước và người ta đến để chịu báp-têm. 24 Lúc ấy Giăng chưa bị cầm tù.
25 Bấy giờ, có sự tranh luận về nghi lễ tẩy sạch giữa các môn đồ của Giăng và một người Do Thái. 26 Họ đến với Giăng và nói: “Thưa thầy, người đã ở với thầy bên kia sông Giô-đanh, đã được thầy làm chứng tốt, bây giờ đang làm báp-têm và mọi người đều đến với ông ấy.” 27 Giăng trả lời: “Nếu không phải từ trời ban cho thì không ai có thể nhận được điều gì. 28 Chính anh em làm chứng cho tôi rằng tôi đã nói tôi không phải là Đấng Christ, nhưng tôi được sai đến trước Ngài. 29 Ai cưới cô dâu, người ấy là chàng rể; còn bạn của chàng rể đứng lắng nghe và rất vui mừng khi nghe tiếng của chàng rể. Đó chính là niềm vui trọn vẹn của tôi vậy. 30 Ngài phải được tôn cao, còn tôi phải hạ xuống.
31 Đấng đến từ trên cao thì trên tất cả. Người ra từ đất thì thuộc về đất, nói những việc thuộc về đất; nhưng Đấng đến từ trời thì trên tất cả. 32 Ngài làm chứng những gì Ngài đã thấy và nghe, nhưng không ai tiếp nhận lời chứng của Ngài. 33 Ai tiếp nhận lời chứng của Ngài thì xác nhận rằng Đức Chúa Trời là chân thật. 34 Vì Đấng mà Đức Chúa Trời đã sai đến thì rao truyền lời của Đức Chúa Trời, vì Đức Chúa Trời ban Thánh Linh cho Ngài không giới hạn. 35 Cha yêu thương Con và giao tất cả mọi sự trong tay Con. 36 Ai tin Con thì được sự sống đời đời, ai không chịu tin Con thì chẳng kinh nghiệm được sự sống đâu, nhưng cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời vẫn ở trên người ấy.”
Suy ngẫm và hiểu
Nhiều người bắt đầu tập trung lại khi Đức Chúa Jêsus bắt đầu làm phép báp-têm. Khi thấy điều này, các môn đồ của Giăng đã thuật lại cho Giăng. Nếu Giăng ganh tỵ, ông hẳn phải rất bực mình. Tuy nhiên, bằng việc sử dụng sự so sánh với một đám cưới, Giăng đã giải thích rằng Đức Chúa Jêsus là chàng rể còn ông là bạn của chàng rể, vì thế, Đức Chúa Jêsus phải được tôn cao còn ông phải hạ xuống (c.22-30). Như Giăng mong muốn, Đức Chúa Trời sẽ tôn cao Đấng Christ để Đấng Christ sẽ ngự trên tất cả cõi tạo vật và trở thành nhân chứng, Đấng dạy dỗ Lời Chúa nhờ Đức Thánh Linh. Những ai tin Đức Chúa Jêsus sẽ nhận được sự sống đời đời từ Đức Chúa Trời, còn những người không tin sẽ chịu cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời (c.31-36).
Đức Chúa Jêsus là Đấng như thế nào?
C.35-36 Vì Đức Chúa Jêsus là Vua duy nhất được Đức Chúa Trời ủy thác toàn quyền cai trị thế gian, một đời sống đức tin nơi Đức Chúa Jêsus và vâng phục Ngài liên tục là cách duy nhất đến sự sống đời đời. Thật vậy, một đời sống đức tin và sự thuận phục đã là sự sống đời đời, và hễ ai khước từ con đường sự sống đó là đã đang sống dưới cơn thịnh nộ.
Ngài ban cho tôi bài học gì?
C.29-30 Như sự vui mừng của bạn chàng rể đến từ sự vui mừng của chàng rể, hơn là cảm giác buồn và tiếc vì mất các môn đồ và những người theo mình, Giăng vui mừng vì sự vui mừng của Đức Chúa Jêsus trong việc thấy mọi người được thanh tẩy. Đối với Giăng, chàng rể vui mừng và chàng rể là trung tâm chú ý là mục đích duy nhất trong đời sống và mục tiêu mà ông đặt ra để hoàn thành.
Tham khảo
3:32 Những gì đã thấy và nghe nhắc đến sự tồn tại đời đời của Đức Chúa Jêsus ở trên trời và tri thức vô hạn của Ngài về bản tính và ý định của Đức Chúa Trời. Không ai tiếp nhận lời chứng của Ngài có khả năng có nghĩa là chỉ có rất ít người (ít nhất là đến thời điểm đó) đã tiếp nhận nó (nhưng một số người đã tiếp nhận rồi; xem câu 33). Xem 1:10, 11 cho những phép khái quát tương tự.
3:34 Tham chiếu 1:32-33. Cũng xem Khải Huyền 3:1; 5:6. Trong bối cảnh này về việc Đức Chúa Cha sai Con xuống, Giăng đang nói rằng Đức Chúa Cha ban Đức Thánh Linh cho Đức Chúa Jêsus cách không giới hạn. Những người khác đã từng được và sẽ được ban cho quyền phép bởi Đức Thánh Linh với một chừng mực nào đó, nhưng Đức Chúa Jêsus có sự xức dầu không giới hạn từ Đức Thánh Linh.
Cầu nguyện: Nguyện Chúa là mục đích trong đời sống và nguyên cớ để vui mừng của chúng con.
Đọc Kinh Thánh trong năm: Sáng Thế Ký 31-33