Để kết tội Đức Chúa Jêsus, người Pha-ri-si gọi người ấy đến và thẩm vấn anh, là người đã từng bị mù. Dù vậy, khi họ không có được câu trả lời mong muốn, họ đuổi anh ấy đi. Khi Đức Chúa Jêsus gặp anh ấy ở bên ngoài, Ngài đã bày tỏ Ngài là ai và đã mở mắt người có đức tin.
Giăng 9:24-34
24 Một lần nữa, những người Pha-ri-si lại gọi người trước đây đã bị mù, và nói: “Hãy tôn vinh Đức Chúa Trời! Chúng tôi biết người nầy là kẻ có tội.” 25 Anh trả lời: “Tôi không biết ông ấy có phải là kẻ có tội hay không. Nhưng tôi chỉ biết một điều, ấy là trước tôi đã mù mà bây giờ thấy được.” 26 Họ lại hỏi: “Ông ta đã làm gì cho anh? Ông ta đã mở mắt anh ra sao?” 27 Anh đáp: “Tôi đã nói với các ông rồi mà các ông không chịu nghe. Tại sao các ông lại muốn nghe nữa? Có phải các ông cũng muốn trở nên môn đồ của ông ấy không?” 28 Họ lăng mạ anh ta và nói: “Mầy mới là môn đồ của ông ấy, chứ chúng ta là môn đồ của Môi-se. 29 Chúng ta biết Đức Chúa Trời đã phán với Môi-se, nhưng về người nầy thì chúng ta không biết từ đâu đến.” 30 Người mù trả lời: “Người đã mở mắt cho tôi mà các ông không biết từ đâu đến thì quả là một việc lạ. 31 Chúng ta biết Đức Chúa Trời không nghe những kẻ có tội, nhưng nếu ai kính sợ Ngài, và làm theo ý muốn Ngài thì Ngài nghe người ấy. 32 Từ xưa đến giờ, chưa hề nghe nói có ai mở mắt cho người mù từ lúc mới sinh. 33 Nếu người nầy không đến từ Đức Chúa Trời thì không thể làm được gì cả.” 34 Họ trả lời: “Cả con người của mầy vốn sinh ra trong tội lỗi mà còn muốn dạy chúng ta sao?” Rồi họ đuổi anh ta ra ngoài.
Suy ngẫm và hiểu
Người Pha-ri-si tranh luận rằng một người không tuân giữ ngày Sa-bát thì không phải là một người đến từ Đức Chúa Trời và cố ép buộc người đã từng bị mù đồng ý với họ. Cho dù người đó chưa được học Luật Pháp một cách hệ thống, anh ấy cũng biết rằng điều xảy ra với thân thể mình là một phép lạ diệu kỳ mà chỉ có Đức Chúa Trời mới có thể làm được, và tranh luận rằng đó chính là bằng chứng Đức Chúa Jêsus đến từ Đức Chúa Trời. Người Pha-ri-si, không thể tranh cãi được thêm nữa chống lại lý luận này, đã đuổi người ấy như một phương sách cuối cùng (c.24-34).
Ngài ban cho tôi bài học gì?
C.25, 30-33 Dẫu rằng người đã từng bị mù, có ít sức mạnh và kiến thức hơn những người Pha-ri-si, nhưng anh đã làm chứng một cách dũng cảm về sự thật rằng Đức Chúa Jêsus đã mở mắt cho anh. Điều này là bởi vì anh có sự tự tin rằng công việc loại này không thể được làm bởi một người không đến từ Đức Chúa Trời. Chúng ta cũng có thể làm chứng nếu chúng ta có kinh nghiệm. Nếu chúng ta không rao truyền sứ điệp về Đức Chúa Jêsus, liệu có phải bởi vì chúng ta có quá ít kinh nghiệm về Ngài, hay không?
C.34 Có những người tin theo như họ nhận biết và những người không tin bất chấp những điều họ nhận biết. Người đã từng bị mù đến với đức tin như anh ấy đã nhận biết và đã phản ứng tương đương với đức tin của mình. Ngược lại, có phải những người Pha-ri-si đã tạo ra lô-gíc trái ngược, bất chấp những điều họ đã biết, và đuổi người đã từng bị mù ra ngoài, khi họ không thể phản bác được nữa về những lời công bố của anh ấy, hay không? Liệu chúng ta có tin nhiều bằng mức chúng ta nhận biết và đáp ứng nhiều bằng mức chúng ta tin, hay không?
Tham khảo
9:31-33 Lập luận chính của người này là Đức Chúa Trời không nghe các tội nhận, phản ánh một chủ đề trong một số đoạn của Cựu Ước (ví dụ, Thi Thiên 34:15; 66:18; 109:7; 145:19).
Lập luận thêm của người này là không có tiền lệ đối với việc mở mắt cho một người mù từ khi sinh ra, cũng được xác nhận bởi không có những ví dụ tương tự trong Cựu Ước hoặc trong những nguồn ngoài Kinh Thánh. Kết luận của người này (so sánh với Giăng 3:2) trùng với cái nhìn phổ biến của người Do Thái rằng phép lạ được thực hiện để đáp lời cầu nguyện.
Cầu nguyện: Hỡi Chúa, xin hãy giúp chúng con trải nghiệm được mối quan hệ phong phú với Đức Chúa Jêsus và dũng cảm rao truyền lời của Chúa.
Đọc Kinh Thánh trong năm: Dân Số Ký 1-4