Thảo – con nhỏ tôi ghét nhất từ trước đến giờ. Tôi không thích cái cách dễ thương của nó, nhất là cái cách nó vô tư nhìn cuộc sống mà không nghĩ ngợi, không toan tính gì. Tôi không thích cái cách thờ ơ và vô tâm của nó đối với tất cả mọi thứ xung quanh. Tóm lại tôi rất ghét con nhỏ này và nó không biết vì sao tôi lại ghét nó nhiều đến vậy. Nhưng càng ghét tôi lại càng thích chơi chung với nó, đi đâu tôi cũng rủ nó theo, các buổi tập diễn văn nghệ chào mừng tân sinh viên thì không thể thiếu tôi với nó. Tôi cũng không thể hiểu nổi mình. Tôi chán tôi, chán cái cách hành động không ăn khớp với suy nghĩ.
Thế là từ năm nhất đến giờ tôi chơi với nó được 1 năm. Nó có hỏi tôi “Mày ghét tao sao đi đâu mày cũng rủ tao đi chung hết vậy Thơ”. Tôi trả lời giọng sượng ngắt “Ờ, thì ghét nhau và đi chung nhau… cũng có sao, mày hỏi nhiều quá”. Rồi tôi đi thẳng về phía trước, ngồi phệt xuống mấy bực thềm – chỗ bước lên bước xuống của tụi sinh viên. Con Thảo ngơ ngác trước cái cách trả lời vô duyên của tôi rồi cũng một mạch chạy đến ngồi cạnh tôi. Từ trước giờ, tôi là đứa rất không biết cách nói chuyện, vì thế tôi ngại nói về Chúa cho tất cả lũ bạn của tôi, cả với con Thảo mặc dù lòng rất muốn. Sự thôi thúc đó thật mạnh mẽ trong tôi khi lần này là cơ hội tốt để tôi kêu nó tin Chúa vì tụi tôi gần nghỉ hè và cũng ít gặp nhau.
– Ê, Thảo, Thảo… Mày tin Chúa nhe – tôi ngập ngừng ấp úng và rất khó để nói trọn vẹn câu đó dù nó chỉ có mấy chữ.
– Sao mầy kêu tao tin Chúa làm gì?
– Thì mầy tin Chúa đi, nghe lời tao, tao không có dụ mầy đâu, Chúa tốt lành lắm đó.
– Tốt là tốt thế nào… – con Thảo trố mắt nhìn tôi.
– Ờ, thì Chúa chết rồi Chúa sống lại… thôi mày đừng hỏi nữa, bữa nào tao dẫn mày đi truyền giảng thì mày biết thôi.
Con Thảo nó cũng im lặng sau câu “Chúa chết rồi Chúa sống lại”, nó cũng chẳng ý kiến gì việc tôi rủ nó đi truyền giảng cuối tháng này. Con Thảo là vậy, nó luôn biết cách nghe lời đến ngây ngô ra vì nó xem tôi là “đứa bạn” – mà nói cái gì nó cũng tin.
– Ngày mai là truyền giảng cuối tháng rồi, mày đi đến nhà thờ với tao nhe Thảo. Tới đó người ta giải thích cho mày cặn kẽ hơn về Chúa tốt lành như thế nào. Chúa không có ghét mày như tao ghét mày đâu. Yên tâm.
– Thiệt không đó, mà nhà thờ chỗ nào, rồi mai đi sao?
…….
Tối hôm truyền giảng, tôi qua rước nó. Nó đã đứng trước cửa chờ tôi. Thế là, 2 đứa tôi đèo nhau trên chiếc xe Dream cũ đến nhà thờ.
Nhà thờ tôi cuối tháng nào cũng có truyền giảng. Con Thảo thường ngày nó nói nhiều ở mọi lúc, mọi nơi, tôi luôn phàn nàn nó về điều đó vì tôi là một đứa ít nói và chỉ thích sự yên tĩnh. Nhưng hôm nay, đến nhà thờ nó không nói lấy 1 câu, nó thay những câu nói bằng những ánh nhìn quan sát đầy vẻ tò mò, nó nhìn khung cảnh nhà thờ, những vật trang trí, nhìn những người trong nhà thờ, cây organ đang nằm gần chỗ sân khấu… Sau khi các tiết mục trong chương trình truyền giảng diễn ra thì cũng đến giờ “trao sứ điệp Tin Lành” của ông mục sư đến các thân hữu. Tôi ngồi im quan sát con Thảo. Mắt nó vẫn dán vào sân khấu và ánh nhìn đầy nghiêm nghị hướng về phía mục sư. Đôi tai chăm chú của nó như rót từng lời nói của ông mục sư. Tôi thầm lòng “Thảo ơi, mày tin Chúa nhe Thảo, tao cố gắn lắm mới chở mày tới được đây. Mày không tin Chúa là cuối tháng báo cáo tao ê mặt với mọi người lắm”. Phần vì tôi cũng muốn nó tin Chúa để được cứu, phần vì cuối tháng này nhóm nhỏ tôi có buổi chia sẻ về cách làm chứng của từng người dành cho bạn trong lớp học của mình. Nếu con Thảo không tin Chúa, thì mọi người trong nhóm nhỏ sẽ nhìn tôi bằng ánh mắt chẳng mấy thiện cảm vì không hoàn thành mục tiêu nhóm đề ra.
Đến giờ kêu gọi tin Chúa, tôi nhờ cô chấp sự đứng phía sau băng ghế của tôi hướng dẫn nó lên tin Chúa. Lúc đó, tôi núp phía sau cây cột vì tôi rất ngại dẫn người khác lên để cầu nguyện tin Chúa. Tôi thấy con Thảo được bà chấp sự nói vài câu gì đó rồi cố đẩy nó lên chổ bục sân khấu để cầu nguyện. Con Thảo đưa mắt tìm tôi, nó thấy tôi núp sau cây cột. Nó cũng cầu nguyện với những lời lặp lại trống không, không có tấm lòng nó trong lời cầu nguyện đó. Sau này, nó mới kể lại cho tôi nghe, lúc đó trong lòng con Thảo thầm nghĩ “Chết rồi, mình bước lên đây không biết người ta có bỏ bùa mình không nữa, sao con Thơ nó trốn mình vậy ta, không lẽ nó để người ta bỏ bùa mình thiệt. Nghe nói Tin Lành là đạo chuyên đi dụ người khác, ghê quá. Sao bây giờ ba mẹ ơi, thôi cố gắn thêm chút nữa rồi chùn về, đừng có tin lời mấy người này…”
Sau nghi thức cầu nguyện tiếp nhận Chúa, con Thảo chạy đến chỗ tôi, buông vài lời trách móc rồi sau đó tôi chở nó về nhà. Mấy ngày sau nó cũng có vài thắc mắc hỏi tôi. Có cái tôi trả lời được, có cái tôi không trả lời và trả lời không được. Nói chung, lòng tôi rất khó chịu khi trả lời những cái gì liên quan đến Chúa, đến niềm tin của mình. Tôi không biết là mình có tin Chúa thiệt không vì những câu trả lời của tôi xuất phát từ kiến thức kinh thánh, niềm tin – thứ mà từ nhỏ giờ đi nhà thờ tôi vẫn được dạy chứ không phải xuất phát từ tấm lòng yêu mến Chúa và muốn nói về Chúa.
Tôi cũng không từ bỏ mục tiêu “con Thảo”. Tôi rủ nó đi nhóm NTC (nhóm thông công) vào cuối tháng, rủ nó đi nhà thờ, rủ nó đi truyền giảng, sinh hoạt nhóm nhỏ. Sinh hoạt được một thời gian, không biết nó hiểu gì không hay đã tìm hiểu Chúa qua ai khác (ngoài tôi) trong nhóm nhỏ sinh hoạt, nó quyết định tin Chúa. Con Thảo thầm thì một mình với lời cầu nguyện đơn sơ (nó kể lại với tôi sau này) là “Nếu Chúa có thật và nếu những lời con nghe về Chúa là thật thì Chúa làm cho con tin Chúa đi”. Thế là Chúa Thánh Linh làm việc trong lòng nó và nó tin Chúa thật.
Ngày hôm sau đến trường, nó lôi tôi ra chỗ bậc thềm – nơi mà lần đầu tiên tôi kêu nó tin Chúa. Nó bẻn lẽn nói:
– Thơ, Thơ. Tao báo mày cái này nè, hôm qua tao cầu nguyện tin Chúa rồi đó. Tao tin Chúa nhe Thơ.
– Mày biết gì về Chúa mà tin Chúa – tôi nheo đôi mày hỏi nó nhưng trong lòng cũng có chút thích thú và vui vui về điều nó nói.
– Thì là tao hỏi mấy đứa trong nhóm và anh chị hướng dẫn về Chúa, người ta giải thích tao nghe cặn kẽ lắm, còn làm chứng cho tao về cuộc đời của họ. Tao thấy Chúa tốt lành như mày nói. Sau đó tao tìm hiểu Chúa qua kinh thánh, qua bác gu gồ…
Nó cứ tiếp tục nói với tôi về những điều đang nảy nở trong lòng nó, về niềm tin và chân lý mà nó mới biết được. Nó làm chứng ngược lại cho tôi. Tấm lòng tôi trước giờ trống không nhưng hôm nay sao nó thổn thức lạ, thường ngày tôi hay chưởi con Thảo là “con nói nhiều” nhưng hôm nay dường như tôi nuốt lấy những lời nó nói và lắng nghe cách say sưa. Cách nó nói chuyện rất đơn sơ, nó bộc bạch tất cả điều nó nghĩ cách chân tình. Lúc đó, tôi rơi nước mắt khi nào không biết. Giọt nước mắt đó là giọt nước mắt vui mừng cho niềm tin đúng đắn mà con Thảo tìm được, giọt nước mắt của sự ăn năn vì không tin Chúa, trước giờ xem Chúa chỉ là Chúa của ba mẹ mà chưa là Chúa của mình, giọt nước mắt thầm cảm ơn Chúa vì đã dùng con Thảo – đứa lúc trước không tin Chúa, bây giờ tin Chúa và còn làm chứng về Chúa ngược lại cho tôi.
– Ê, Thảo, tao cũng tin Chúa nữa – tôi nói với con Thảo sau lời kể của nó.
Hai đứa cầm tay nhau cầu nguyện rồi khóc với nhau khi nào không hay, kể từ khi đó, tôi không còn ghét con Thảo nữa, không phải vì nó đứng về phe của tôi trong niềm tin mà là vì tấm lòng của tôi được Chúa biến đổi, tôi không còn làm chứng về Chúa với bạn bè bằng thành tích nữa mà là tấm lòng yêu mến Chúa thật sự, tôi cũng không còn ngại ngùng vì dẫn bạn lên tin Chúa nữa mà là trực tiếp quỳ gối với bạn trong giây phút đó. Tôi thấy cuộc sống mình được biến đổi cách lạ thường kể từ sau khi tôi tin Chúa thật.
Sau này, con Thảo tin Chúa cách mạnh mẽ lắm. Nó với tôi là đôi bạn gắn kết trong việc học, việc chia sẻ niềm tin. Mới đây, tôi với nó cùng soạn một bài thuyết trình về Chúa Giê-xu và trình bày với các bạn trước lớp qua môn học “Tôn giáo”. Cả lớp rất thích thú nghe vì không phải tụi nó chấp nhận Chúa mà đây là kiến thức mới mẻ mà trước giờ chưa ai nói với tụi nó hoặc tụi nó chưa tìm hiểu. Sau bài thuyết trình của tụi tôi, cũng có vài đứa đến hỏi thêm về những điều tụi tôi nói. Đến cuối mỗi tháng, tôi và con Thảo nhận thiệp mời truyền giảng và đi mời những đứa trong lớp.
Con Thảo cũng kể với tôi về những khó khăn trong cuộc sống gia đình khi nó tin Chúa. Ba mẹ nó la nó dữ lắm, còn điện thoại cho tôi bảo tôi đừng có dắt nó đi nhà thờ, đừng có lôi kéo nó. Kể từ ngày con Thảo tin Chúa, nó không còn vô tâm với những việc xảy ra trong nhà, nó luôn đỡ đần mẹ nó những việc nhà và giúp đỡ ba nó khi ba cần nó giúp. Nó tìm cách nói chuyện với ba mẹ nó và những người họ hàng nhà nó trước việc nó bị bắt bớ. Lúc trước, mỗi lần nó về quê, cả gia đình và các em ra đón nó ở ngõ. Còn bây giờ khi về nhà, nó không còn thấy được cảnh đó và luôn phải chấp nhận vẻ mặt lạnh lùng của mọi người trong nhà. Nó đã quá quen với những câu cảnh báo và đe dọa của ba mẹ nó “Nếu mày chọn Chúa thì đừng về nhà nữa”. Nó kể những điều đó với tôi xen lẫn nước mắt.
Tôi chỉ biết cầu nguyện cho nó, cho niềm tin của nó và cho gia đình nó. Có lẽ, đây là giai đoạn nó chịu thử thách để lớn lên. Rồi đây, tôi tin ba mẹ con Thảo cũng dừng lại việc bắt bớ mà chấp nhận niềm tin của nó vì nó thay đổi quá nhiều theo hướng tích cực, so với con Thảo vô tâm trước đây. Rồi đây, con Thảo sẽ mạnh mẽ hơn và có nhiều kỷ niệm hơn với Chúa trong hành trình theo Chúa của nó. Cuộc đời mỗi người mỗi khác, tôi không có những kinh nghiệm bị bắt bớ từ gia đình vì tôi theo đạo dòng. Con Thảo thì nó tin Chúa một mình và chịu bắt bớ. Nhưng chính Chúa đã dùng niềm tin đơn sơ của nó để thay đổi tôi, một đứa vô tín – theo đạo nhưng chưa hề biết Chúa. Rồi đây Chúa cũng sẽ dùng con Thảo để thay đổi sự vô tín trong lòng ba mẹ nó, tôi tin như thế và vẫn tiếp tục cầu nguyện cho nó.
chia sẻ tin lành
Học Cách Chia Sẻ Đức Tin Từ Vị Phó Hiệu Trưởng Từng Là Người Hồi Giáo
Với một người giữ chức vụ Phó hiệu trưởng tại một trường đại học danh tiếng, chắc hẳn người đó phải có cuộc sống rất bận rộn. Tuy nhiên, Phó hiệu trưởng David Nasser của trường đại học Liberty University lại không quản ngại điều đó mà ngược lại rất tích cực trong công tác truyền rao Tìn Lành Cứu Chúa ra xung quanh.
Khi xảy ra cuộc cách mạng tại Iran, lúc bấy giờ David Nasser mới chỉ là một cậu bé, ông cùng với gia đình theo Hồi giáo truyền thống của mình đã rời bỏ quê hương Iran đến Mỹ sinh sống.
Vài năm sau đó, cha mẹ ông trở thành chủ của một nhà hàng tại thành phố Birmingham, bang Alabama. Các thành viên trong hội thánh địa phương đã ghé thăm nhà hàng của gia đình ông và nhận thấy rằng nhà hàng này đang rất thiếu hụt nhân viên. Họ đã sẵn sàng xắn tay áo lên và đứng phục vụ bàn như những người làm đích thực.
Một trong số những người đó là người hát dẫn tại nhà thờ, anh ta đã dẫn cha của Nasser đến với buổi luyện tập cho dàn hợp xướng. Cha của Nasser đã trình bày về nhu cầu người làm tại nhà hàng và mạnh dạn yêu cầu giúp đỡ, ông nói rằng bất kì ai trong dàn hợp xướng cũng có thể đăng kí làm theo ca tại nhà hàng của ông.
Đây là một phần trong chuỗi sự kiện đã dẫn dắt cả nhà Nasser đến với Chúa.
Và đó cũng chính là điều mà Nasser tin rằng rất cần thiết để đem Phúc Âm tiếp cận những người theo Hồi giáo. Qua những chia sẻ của ông, chúng ta có thể học hỏi nhiều điều để đem Phúc Âm rao ra, đến gần hơn với những người xung quanh mình chứ không phải chỉ là người Hồi giáo.
“Khi mà chúng ta nói về việc ‘tiếp cận một ai đó’, đó mới chỉ dừng ở trí tưởng tượng trừ khi chúng ta thực sự bước ra,” ông nói. “Nhưng một khi bạn nhìn ra và nhận thấy rằng bạn có những người bạn Hồi giáo đang làm việc quanh mình, hay những gia đình Pakistan vừa chuyển đến khu bạn sinh sống. Đó chính là điều mà những người trong hội thánh Báp-tít ở Birmingham đã làm cho gia đình tôi.”
Trong trường hợp của gia đình ông, các thành viên trong hội thánh đã tìm kiếm sự tương đồng và gây dựng mối quan hệ tốt.
David Nasser giải thích rằng: “Nếu bạn có những người hàng xóm Hồi giáo, hãy bỏ ra thời gian ghi nhớ tên của họ. Có thể họ sẽ có con cái cùng tuổi với con cái bạn. Bắt đầu chơi cùng nhau. Xuất hiện và giúp họ cắt cỏ. Hoặc ra tay giúp đỡ nếu họ vừa chuyển đến. Khi bạn hiểu rõ họ, giúp họ trông nom con cái hoặc nhiều việc khác. Đơn giản là xây dựng một tình bạn dựa trên sự phục vụ lẫn nhau.”
Một điều quan trọng nữa nên nhớ khi làm bạn với những người Hồi giáo đó là phải cực kì nhạy cảm với những vấn đề văn hoá. “Cho phép văn hoá của họ xâm nhập vào đời sống của bạn. Hãy thử thức ăn của họ, tìm hiểu xem cuộc sống ở quê hương họ như thế nào. Dành thời gian tìm hiểu về văn hoá của họ.”
“Chúng ta phải thích ứng bản thân với đức tin của họ. Một phần quan trọng của điều đó chính là nhìn vào cuộc sống của người đó. Sẽ thật tuyệt vời nếu như bạn bắt đầu hỏi họ về đức tin của họ,” ông nói.
“Nó cho thấy bạn cảm thấy điều thú vị từ họ. Chúng ta nên sẵn sàng học hỏi.”
Mặc dù việc có mối quan hệ tốt là một nền tảng để bắt đầu đưa những người xung quanh về với Vương Quốc Đức Chúa Trời, nhưng nó là không đủ.
Chúng ta phải chia sẻ Phúc Âm bằng lời nói, nhưng phải làm đúng cách.
“Có người vừa mới nhảy vào đã lập tức cuộc trò chuyện. Chúng ta nên bắt đầu mọi thứ với lòng trắc ẩn. Tìm kiếm sự tương đồng, sau đó chia sẻ về Đấng Christ,” ông giải thích. “Đó là điều Chúa Giêxu đã làm. Ví dụ như với người đàn bà tại giếng nước. Trước khi Chúa nói bà không còn tội lỗi nữa, Ngài đã tiến đến và ngồi cùng bà.”
Giống như Chúa Giêxu, động lực chia sẻ Phúc Âm của chúng ta không nên đem ra sự sợ hãi nhưng là đem ra tình yêu.
“Việc muốn đưa ai đó về với Chúa vì người đó có ý muốn giết bạn không phải là một động lực quá tệ nhưng luôn còn một động lực tốt hơn thế. Thay vì tìm kiếm sự an toàn cho bản thân, chúng ta nên đem đến sự an toàn cho những người bạn của mình,” lời khuyên của David Nasser.
“Nếu mục tiêu cuối cùng đó là việc đưa người bạn đó về với Chúa chứ không phải là tìm kiếm sự an toàn cho bản thân [như kiểu cứu người khác vì sợ họ làm hại mình] thì bạn sẽ có được cả hai điều đó; người đó không còn là kẻ thù nữa, nhưng là anh chị em mình.”
“Người Hồi giáo không phải là kẻ thù; họ là phần thưởng. Chúng ta là một phần của Vương Quốc duy nhất nơi mà Chúa của nơi đó thậm chí đã chết cho kẻ thù của mình. Đó là chúng ta vì họ, không phải là chúng ta đối nghịch họ. Chúng ta muốn nhìn thấy họ quay đầu về với Đấng Christ. Và chúng ta cần có lòng trắc ẩn dành cho những con người mà mình nên đứng dậy vì họ.”
Theo CharismaNews
Bài vở cộng tác và góp ý xin gởi về tintuc@hoithanh.com
Nhờ lời nói ân hậu, việc làm nhơn đức – chúng ta là người cầm đèn, cầm đuốc, soi sáng lối đi. Chúa Jesus dạy: “Chính Ta là Ánh Sáng của thế giới. Người nào theo Ta sẽ không còn đi trong tối tăm, nhưng có ánh sáng của sự sống” Giăng 8:12
Chúa là Nguồn Sáng. Anh, Chị, tôi là ánh sáng, là đuốc soi đường – vì chúng ta nhận ánh sáng từ Nguồn Sáng bất diệt. Chúa Jesus là Ánh Sáng thật. Ngài đã đến trần gian, soi sáng mọi người (Giăng 1:9).
Ngày nào Anh, Chị Em và tôi bị cắt đứt với Nguồn Sáng, chúng ta sẽ cầm đuốc bước đi trong bóng tối – như đuốc hết dầu, như đèn hết tim. Chúng ta được đốt cháy lên để soi sáng – cho người ta thấy. Chiếu sáng, với quyết tâm và có chủ đích!
Ðốt đèn thì phải hao dầu, tốn điện. Phải trả giá để chiếu sáng. Chúa Jesus vào đời tại thành Bethlehem năm xưa. Ngài là Ánh Sáng của thế giới, Ánh Sáng của sự sống (Giăng 8:12). Ánh Sáng đó đắc giá vô cùng. Chúa đã trả giá tối hậu trên thập tự giá, để chiếu ánh sáng cứu rỗi cho quý vị và tôi.
Là ánh sáng, chúng ta tự nhiên chiếu sáng, với quyết tâm, có chủ đích, tốn kém, chúng ta còn chiếu sáng công khai, rõ ràng. Chiếu sáng công khai – có khi, không dễ dàng, không tự do, phải không? Có những nhóm người không thân thiện, không cởi mở với Ánh Sáng. Vì thích bóng tối, họ tìm cách dập tắt Ánh Sáng.
Tại sao? “Ánh Sáng đã chiếu vào thế gian nhưng người đời yêu chuộng bóng tối hơn Ánh Sáng, vì hành vi của họ là gian ác” (Giăng 3:19). Ánh sáng tươi vui, ấm áp. Chiếu sáng để xua đuổi bóng tối, để cho người ta thấy vẻ đẹp vinh quang của Chúa. Ánh sáng đem hân hoan, an ủi, nâng đỡ tinh thần.
Hoa lá, loài vật thức giấc, sinh động khi ánh sáng mặt trời vươn lên. Khi Chúa Jesus vào đời, thế giới đang chìm trong đem đen u tối. Chúa là Ánh Sáng tuyệt vời – soi sáng mọi người (1:9). Ngài là Nguồn Sống và là Nguồn Sáng cho nhân loại (1:4).
Chúa muốn chúng ta chiếu sáng. Ðốt đèn, để trên chân đèn, chiếu sáng mọi người, chứ không để dưới thùng. Không phải chỉ chiếu sáng trong bốn bức tường nhà thờ, nhưng cả bãi đậu xe, sân trước, vườn sau, trong nhà, sở làm, trường học, tiệm ăn – nơi mình giao tiếp, gặp gỡ, giải trí.
Ánh sáng có giá trị hữu ích cho sức khỏe, ngăn ngừa bịnh tật. Ánh sáng bày tỏ. Nhờ ánh sáng của Chúa và Lời Chúa, chúng ta thấy chính mình, như soi gương.
Ánh sáng chỉ đường, như hải đăng – cho tàu vượt đêm tối, tránh bờ đá hiểm nguy, cặp bến an toàn. Ánh sáng cảnh cáo hiểm nguy để mình dừng lại kịp thời.
HoiThanh.Com xin gửi lời chúc mừng năm mới 2010 đến tất cả quí độc giả toàn thế giới
Xin Chúa giúp mỗi chúng ta can đảm chiếu sáng rạng rỡ – để cảnh cáo hiểm nguy, để hướng dẫn, soi đường, với quyết tâm, có chủ đích, công khai, rõ ràng – mời gọi nhiều người đến với tình yêu và ân sủng cứu chuộc của Chúa yêu thương – suốt năm mới 2010.
Xin Chúa chiếu sáng mặt Ngài trên dân tộc và quê hương Việt nam thân yêu của chúng con, Chúa ơi.
Amen.
Mục sư Hồ Xuân Phước