Đức Chúa Jêsus đi vào thành Giê-ru-sa-lem trên lưng một con lừa con. Đây không phải một cảnh tượng xa xỉ, nhưng nó đem đến trong tâm trí sự diễu hành đắc thắng của một vị vua.
Đức Chúa Jêsus đi vào thành Giê-ru-sa-lem trên lưng một con lừa con. Đây không phải một cảnh tượng xa xỉ, nhưng nó đem đến trong tâm trí sự diễu hành đắc thắng của một vị vua.
Một người dâng một tế lễ cho Đức Chúa Trời, phải dâng nó bằng một cách để Đức Chúa Trời chấp nhận họ (một cách vui mừng) qua tế lễ đó. Điều quan trọng không phải là chính của lễ, mà là tấm lòng của những người dâng và nhận của lễ.
Lê-vi Ký 22:10–33
10 Không người nào ngoài gia đình thầy tế lễ được ăn các lễ vật thánh. Khách trọ hay người làm thuê trong nhà thầy tế lễ đều không được ăn lễ vật thánh. 11 Nhưng người nô lệ được thầy tế lễ mua về hoặc được sinh ra trong nhà sẽ được phép ăn thức ăn của thầy tế lễ. 12 Nếu con gái của thầy tế lễ lấy chồng không phải là thầy tế lễ thì sẽ không được ăn phần từ lễ vật thánh. 13 Nhưng nếu con gái của thầy tế lễ đã góa chồng hay ly dị mà không có con, nay trở về ở với cha như khi còn trẻ thì nàng sẽ được ăn thức ăn của cha. Không người nào ngoài gia đình thầy tế lễ được phép ăn các lễ vật thánh cả.
14 Nếu người nào vô ý ăn lễ vật thánh thì phải đền lại cho thầy tế lễ vật thánh đã ăn, cộng thêm một phần năm giá trị vật ấy. 15 Thầy tế lễ không được làm ô uế lễ vật thánh mà dân Y-sơ-ra-ên dâng lên Đức Giê-hô-va 16 khi để cho người ngoài ăn lễ vật thánh, khiến họ mắc tội và phải đền lễ vật. Ta là Đức Giê-hô-va, Đấng thánh hóa các vật đó.’” 17 Đức Giê-hô-va phán với Môi-se: 18 “Hãy truyền bảo A-rôn, các con trai người và toàn dân Y-sơ-ra-ên rằng: ‘Nếu một người trong nhà Y-sơ-ra-ên hoặc ngoại kiều sống giữa họ đã hứa dâng hay tự nguyện dâng tế lễ thiêu lên Đức Giê-hô-va 19 thì phải dâng một con đực không tì vết bắt từ bầy bò, hoặc chiên con hay dê cái. 20 Các con không được dâng một con vật có tì vết vì sẽ không được đoái nhậm.
21 Khi một người đã hứa dâng hay tự nguyện dâng lên Đức Giê-hô-va một tế lễ bình an bằng bò hay chiên thì phải dâng một con vật không tì vết mới được đoái nhậm. 22 Các con không được dâng cho Đức Giê-hô-va một con vật mù mắt, què chân, bị thương tích, ghẻ chốc hay lở lói. Đừng bao giờ đem những con vật như thế đặt lên bàn thờ làm tế lễ thiêu dâng lên Đức Giê-hô-va. 23 Các con có thể dâng một con bò hay chiên con có chân quá dài hay quá ngắn làm lễ vật tự nguyện, nhưng nếu dâng nó làm lễ vật khấn nguyện thì sẽ không được đoái nhậm. 24 Trong toàn xứ, các con không được dâng lên Đức Giê-hô-va con vật có tinh hoàn bị giập, bị rách hay bị thiến. 25 Các con cũng không chấp nhận một con vật nào như thế từ người nước ngoài để làm thức ăn cho Đức Chúa Trời. Chúng sẽ không được đoái nhậm vì đã bị thương tật và tì vết.’”
26 Đức Giê-hô-va lại phán với Môi-se: 27 “Một bò con, chiên con hay dê con mới sinh ra phải được ở bên mẹ nó bảy ngày. Từ ngày thứ tám trở đi nó có thể được chấp nhận làm tế lễ dùng lửa dâng lên Đức Giê-hô-va. 28 Không được giết cả bò mẹ lẫn bò con, chiên mẹ lẫn chiên con trong cùng một ngày.
29 Khi các con dâng tế lễ tạ ơn lên Đức Giê-hô-va thì phải dâng thế nào để được đoái nhậm. 30 Phải ăn tế lễ trong chính ngày đó, không nên để lại bất cứ thứ gì đến sáng hôm sau. Ta là Đức Giê-hô-va.
31 Vậy các con hãy gìn giữ và làm theo các điều răn của Ta. Ta là Đức Giê-hô-va. 32 Không được xúc phạm đến danh thánh Ta để Ta được tôn thánh giữa con dân Y-sơ-ra-ên. Ta là Đức Giê-hô-va, Đấng thánh hóa các con, 33 là Đấng đã đem các con ra khỏi Ai Cập để làm Đức Chúa Trời của các con. Ta là Đức Giê-hô-va.”
Suy ngẫm và hiểu
Đức Chúa Trời giải thích cách thực hiện một tế lễ thánh (c.10-16) và ban cho những sự chỉ dẫn về cách dâng tế lễ. Khi dân sự của Đức Chúa Trời dâng một của lễ, họ phải dâng nó để nó được chấp nhận. Điều này dạy chúng ta hai điều. Thứ nhất, một tế lễ dâng cho Đức Chúa Trời không được dâng một cách bất cẩn và máy móc, nhưng phải được dâng với tất cả tấm lòng của chúng ta, để Đức Chúa Trời có thể nhận nó một cách đẹp lòng. Thứ hai, cho dù chính là tấm lòng của chúng ta là quan trọng, chúng ta cũng không được bỏ qua về hình thức dâng ở bề ngoài: của lễ phải không có tì vết (c.17-33).
Đức Chúa Trời là Đấng như thế nào?
C.17-25 Đức Chúa Trời, Đấng đòi hỏi một của lễ không tì vết, ban cho một người làm của lễ không tì vết. Đức Chúa Jêsus nhập thể đã trở nên một của lễ không tì vết. Bây giờ chúng ta có thể trông cậy nơi Ngài và dự phần vào công việc của sự sáng tạo mới thông qua đời sống bởi quyền năng của sự giải phóng của Đức Chúa Jêsus.
Ngài ban cho tôi bài học gì?
C.10-16 Một người thế tục không được ăn một của lễ thánh. Chỉ bởi vì điều gì đó tốt đẹp, nó không có nghĩa chúng ta tất cả đều có thể có nó. Cũng không có nghĩa một điều gì đó phải làm chỉ vì chúng ta muốn nó. Chúng ta có thể hạnh phúc nhất khi chúng ta sở hữu chỉ những thứ Đức Chúa Trời ban cho chúng ta và vui hưởng những gì Đức Chúa Trời cho phép. Thông qua sự suy ngẫm một cách sâu sắc và sự cầu nguyện, chúng ta hãy chắc chắn rằng lòng tham của chúng ta không vượt qua ranh giới của những việc làm đẹp lòng Đức Chúa Trời.
Tham khảo
22:10-16 Các thầy tế lễ và gia đình của họ sống được nhờ thức ăn từ các của dâng đến đền thờ. Các thầy tế lễ phải bảo vệ thức ăn thánh để những người không được phép ăn không thể ăn chúng (c.15-16).
Cầu nguyện: Chúa ôi, xin hãy giúp chúng con vui hưởng chỉ những gì Ngài cho phép, dâng những gì Ngài sẽ chấp nhận một cách đẹp lòng và bắt chước sự thánh khiết của Ngài.
Đọc Kinh Thánh trong năm: Xa-cha-ri 9-11
Phao-lô đã không nản lòng, ngay cả khi đối diện với sự chết. Điều này là vì ông đã thấy được ngày hôm nay qua viễn cảnh của sự đời đời, vì ông đã tin nơi lời hứa về sự sống lại của thân thể và về việc ở đời đời với Chúa.
II Cô-rinh-tô 5:1-10
1 Vì chúng ta biết rằng nếu nhà tạm ở dưới đất của chúng ta bị phá hủy thì chúng ta có nhà vĩnh cửu ở trên trời, bởi Đức Chúa Trời xây dựng chứ không bởi tay con người. 2 Thật vậy, chúng ta thở than trong nhà tạm nầy, và tha thiết ước mong được mặc lấy nhà của chúng ta ở trên trời. 3 Vì được mặc nhà ấy vào, chúng ta sẽ không bị trần trụi. 4 Thật vậy, khi còn ở trong nhà tạm nầy, chúng ta thở than dưới những gánh nặng, không phải chúng ta muốn lột bỏ, nhưng muốn được mặc thêm vào, để cho những gì hay chết được nuốt mất bởi sự sống. 5 Đức Chúa Trời là Đấng đã chuẩn bị chúng ta cho điều nầy, và Ngài đã ban Thánh Linh làm bảo chứng cho chúng ta. 6 Vì vậy, chúng ta phải luôn mạnh dạn và biết rằng khi còn ở trong thân thể nầy, chúng ta cách xa Chúa, 7 vì chúng ta bước đi bằng đức tin, chứ không bởi mắt thấy. 8 Vậy, chúng ta luôn mạnh dạn và mong muốn rời bỏ thân thể nầy để được ở với Chúa thì hơn. 9 Cho nên, dù ở trong thân thể nầy, dù ra khỏi, chúng ta cũng làm hết sức để được đẹp lòng Chúa. 10 Vì tất cả chúng ta đều phải trình diện trước tòa án Đấng Christ để mỗi người nhận lãnh tùy theo điều thiện hoặc ác mình đã làm lúc còn trong thân xác.
Suy ngẫm và hiểu
Ngay giờ này, chúng ta đang sống trong sự mong mỏi về nhà đời đời của Đức Chúa Trời và thân thể phục sinh, vì chúng ta thở than về thân thể thuộc về đất của mình, là thân thể giống như những nhà tạm yếu ớt. Đức Thánh Linh, Đấng không ngừng đổi mới chúng ta, là sự bảo đảm của Đức Chúa Trời về sự phục sinh về thân thể của chúng ta. Mặc dù sẽ tốt, nếu có thể rời bỏ thân thể của chúng ta ngay lập tức và ở với Chúa, nhưng thực sự, quan trọng hơn là làm đẹp lòng Chúa ngay bây giờ. Điều này là vì sau này khi chúng ta đứng trước ngai đoán xét của Đấng Christ, Chúa sẽ báo trả cho chúng ta theo cách ăn ở của đời sống chúng ta (c.1-10).
Đức Chúa Trời là Đấng như thế nào?
C.8-10 Đức Chúa Trời sẽ đoán xét mỗi người và từng người một người trong chúng ta theo hành động của chúng ta. Đức Chúa Trời đoán xét chúng ta sống làm đẹp lòng ai khi chúng ta còn ở trong thân thể thuộc về đất của chúng ta. Đừng hiểu lầm giáo lý của ân điển và cư xử một cách ngạo mạn, như thể bạn sẽ tránh được đoán xét.
Ngài ban cho tôi bài học gì?
C.6-7 Vì Đức Thánh Linh, Đấng đảm bảo sự phục sinh, ở cùng với ông nên Phao-lô luôn có can đảm. Thậm chí ông không sợ chết. Sự can đảm này đến từ việc nhận biết rằng dù ông không thể ở với Đức Chúa Trời trong thân xác thuộc về đất này của ông, nhưng ông tin rằng Đức Chúa Trời sống và tể trị. Cho nên, Phao-lô không phán xét đời sống mình dựa trên thực tế của đời này, điều sẽ bị hư mất.
Tham khảo
5:1 nhà tạm ở dưới đất của chúng ta. Thân thể con người hiện tại sẽ chết. Nhà vĩnh cửu ở trên trời, … bởi Đức Chúa Trời xây dựng. Thân thể phục sinh mà các tín hữu sẽ nhận được vào ngày cuối cùng (xem I Tê-sa-lô-ni-ca 4:13-18; Khải Huyền 21:1-22:5).
5:2-4 Phao-lô mong mỏi sự phục sinh (có nghĩa là được mặc tiếp thêm nữa; xem c.1) để không thấy bị trần truồng hoặc không mặc quần áo. Điều này có thể nhắc đến trạng thái trung gian, trong đó linh hồn của những người tin ở với Đức Chúa Trời, nhưng họ chưa có thân thể phục sinh.
Cầu nguyện: Chúa ôi, dù chúng con sống hay chết, xin hãy giúp chúng con sống với Ngài và làm đẹp lòng Ngài.
Đọc Kinh Thánh trong năm: Ê-xê-chi-ên 7-9
Phao-lô bảo chúng ta rằng báu vật của Đức Chúa Jêsus đã được đặt ở trong chúng ta, những người giống như những chiếc bình đất sét dễ vỡ, để bày tỏ quyền năng vĩ đại của Đức Chúa Trời và sự sống của Đức Chúa Jêsus trong thân thể chúng ta.
II Cô-rinh-tô 4:1-18
1 Thế thì, bởi sự thương xót của Đức Chúa Trời, chúng tôi nhận được chức vụ nầy, nên chúng tôi không nản lòng. 2 Chúng tôi khước từ những việc làm mờ ám và đáng xấu hổ; chúng tôi không dùng sự xảo quyệt hoặc giả mạo lời Đức Chúa Trời. Trái lại, khi thẳng thắn tỏ bày chân lý, chúng tôi để lương tâm của mọi người nhận định về chúng tôi trước mặt Đức Chúa Trời. 3 Nếu Tin Lành của chúng tôi có bị che khuất thì chỉ che khuất đối với những người bị hư mất. 4 Thần của đời nầy làm mù lòa tâm trí của những người vô tín, để họ không thấy ánh sáng Tin Lành vinh quang của Đấng Christ, là hình ảnh của Đức Chúa Trời. 5 Vì chúng tôi không rao giảng chính mình, mà rao giảng Đức Chúa Jêsus Christ là Chúa; và bản thân chúng tôi là đầy tớ của anh em vì Đức Chúa Jêsus. 6 Bởi Đức Chúa Trời là Đấng phán rằng: “Ánh sáng phải chiếu ra từ bóng tối,” đã soi sáng lòng chúng tôi, ban ánh sáng để hiểu biết vinh quang của Đức Chúa Trời trên gương mặt Đức Chúa Jêsus Christ.
7 Nhưng chúng tôi đựng báu vật nầy trong những bình đất, để bày tỏ rằng quyền năng tối thượng nầy đến từ Đức Chúa Trời, chứ không phải từ chúng tôi. 8 Chúng tôi bị chèn ép mọi cách, nhưng không bị nghiền nát; bị bối rối, nhưng không tuyệt vọng; 9 bị bắt bớ, nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã, nhưng không bị tiêu diệt. 10 Chúng tôi luôn mang sự chết của Đức Chúa Jêsus trong thân thể mình, để sự sống của Đức Chúa Jêsus cũng được biểu lộ trong thân thể chúng tôi. 11 Bởi trong khi sống, chúng tôi thường bị nộp cho sự chết vì cớ Đức Chúa Jêsus, để cho sự sống của Đức Chúa Jêsus được biểu lộ trong thân thể hay chết của chúng tôi. 12 Như vậy, sự chết hành động trong chúng tôi, còn sự sống thì hành động trong anh em. 13 Bởi có cùng một lòng tin như lời đã chép: “Tôi đã tin, nên tôi nói,” cũng vậy, chúng tôi tin, nên mới nói. 14 Vì chúng tôi biết rằng Đấng đã khiến Chúa là Đức Chúa Jêsus sống lại, cũng sẽ khiến chúng tôi sống lại với Đức Chúa Jêsus, và đem chúng tôi cùng với anh em vào trong sự hiện diện của Ngài. 15 Tất cả những điều nầy xảy đến là vì anh em, để ân điển càng đến với nhiều người hơn và càng có nhiều người dâng lời cảm tạ hơn, để đem lại vinh quang cho Đức Chúa Trời.
16 Vậy nên, chúng tôi không nản lòng, dù con người bên ngoài bị suy mòn dần nhưng con người bên trong ngày càng đổi mới hơn. 17 Vì sự hoạn nạn nhẹ và tạm của chúng ta sẽ đem lại cho chúng ta vinh quang cao trọng và vĩnh cửu, 18 bởi chúng ta không chú tâm đến những điều thấy được, nhưng chú tâm đến những điều không thấy được. Vì những điều thấy được chỉ là tạm thời, còn những điều không thấy được là vĩnh cửu.
Suy ngẫm và hiểu
Là một sứ đồ, người đã nhận được sự thương xót của Đức Chúa Trời, Phao-lô đã không nản lòng, và đã bày tỏ Phúc Âm đúng như nó vốn có. Tuy nhiên, một số kẻ đã sa vào sự lừa gạt của Sa-tan, đã không thể thấy ánh sáng và đã tiếp tục đi con đường đến sự hủy diệt (c.1-5).
Phao-lô so sánh bản thân mình với chiếc bình gốm đựng Phúc Âm. Điều này không có nghĩa ông là một người có khả năng, mà là quyền năng của Đức Chúa Trời được bày tỏ qua đời sống yếu đuối của ông. Vì thế, Phao-lô không đầu hàng hoàn cảnh, ngay cả khi ở giữa nhiều khó khăn, nhưng đã dẫn dắt nhiều người đến sự sống bởi quyền năng của Chúa (c.6-18).
Đức Chúa Trời là Đấng như thế nào?
C.7 Người ta tích trữ những thứ quý giá trong két sắt, nhưng Đức Chúa Trời đặt báu vật của Ngài (Đức Chúa Jêsus, Phúc Âm vinh hiển cứu sự sống) trong những bình bằng đất sét dễ vỡ. Bằng việc khiến cho những kẻ mạnh và những kẻ kiêu ngạo thất bại qua những người yếu đuối, Đức Chúa Trời đã cho thấy rằng quyền năng thật nằm ở nơi Ngài, chứ không phải ở nơi con người.
Ngài ban cho tôi bài học gì?
C.13-14 Cũng giống như vị thi sĩ, người tin cậy nơi sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời ngay cả khi bị mắc kẹt trong bẫy sự chết (Thi Thiên 116), Phao-lô cũng tin dẫu rằng ông chết, thì Đức Chúa Trời, Đấng đã khiến Đức Chúa Jêsus sống lại, sẽ giải cứu ông và khiến ông sống lại để đứng trước Đức Chúa Trời.
Tham khảo
4:6 Phao-lô dùng việc tạo ra ánh sáng trong Sáng Thế Ký 1:3 để mô tả sự biến đổi như bình minh của sự sáng tạo mới trong thế gian bị sa ngã này. vinh quang của Đức Chúa Trời trên gương mặt của Đức Chúa Jêsus Christ. Nhận biết vinh quang của Đấng Christ (4:4) là gặp gỡ sự vinh quang biến đổi đời sống của Đức Chúa Trời.
Cầu nguyện: Thưa Chúa, Ngài là Đấng ban cho chúng con hy vọng lớn, xin hãy giúp chúng con sống một cách dạn dĩ và chân thật như những nhân chứng về giao ước của Ngài.
Đọc Kinh Thánh trong năm: Ê-xê-chi-ên 4-6
Đa-vít nhớ lại những ngày khi ông bị Sau-lơ và những kẻ thù của ông truy đuổi. Ông mô tả Đức Chúa Trời, Vầng Đá của ông ở giữa những khó khăn đó, đã can thiệp qua việc đáp lời cầu nguyện của ông và giải cứu ông như thế nào.
2 Sa-mu-ên 22:1-20
1 Đa-vít hát chúc tụng Đức Giê-hô-va bài ca nầy trong ngày Đức Giê-hô-va giải cứu vua khỏi tay mọi kẻ thù và khỏi tay Sau-lơ: 2 “Đức Giê-hô-va là tảng đá, là đồn lũy của tôi, và là Đấng giải cứu tôi. 3 Đức Chúa Trời là tảng đá của tôi, nơi tôi tìm được chỗ ẩn náu, là cái khiên và là sừng cứu rỗi của tôi, là pháo đài và nơi nương náu của tôi, Đấng giải cứu tôi khỏi những kẻ hung bạo. 4 Tôi sẽ kêu cầu Đức Giê-hô-va, Đấng đáng được ngợi ca; và tôi sẽ được giải cứu khỏi các kẻ thù. 5 Các lượn sóng của tử thần vây quanh tôi, những dòng thác diệt vong làm tôi kinh hãi; 6 những dây của âm phủ quấn quanh tôi, bẫy tử thần đã bắt lấy tôi. 7 Trong cảnh khốn cùng, tôi cầu khẩn Đức Giê-hô-va; tôi kêu cầu Đức Chúa Trời của tôi. Từ Đền Thánh, Ngài nghe tiếng tôi; tiếng kêu cầu của tôi thấu đến tai Ngài. 8 Bấy giờ, đất rung động và lung lay, nền các tầng trời cũng rung chuyển và rúng động, vì Ngài nổi giận. 9 Khói bốc ra từ mũi Ngài; lửa thiêu rụi ra từ miệng Ngài, và than hồng cháy rực từ Ngài. 10 Ngài xé các tầng trời và ngự xuống; dưới chân Ngài có mây dày đặc. 11 Ngài cưỡi một chê-rúp vụt bay; Ngài hiện ra trên cánh gió. 12 Ngài dùng bóng tối bao phủ quanh mình, như một cái lều với lượng nước lớn trong đám mây dày đặc. 13 Từ ánh sáng rực rỡ trước mặt Ngài, than cháy bừng lên đỏ rực. 14 Đức Giê-hô-va cho nổi sấm trên các tầng trời; Đấng Chí Cao phát ra tiếng của Ngài. 15 Ngài bắn tên ra, quân thù tán loạn; phát chớp nhoáng, khiến chúng tan tành. 16 Bởi lời quở trách của Đức Giê-hô-va và bởi hơi thở ra từ mũi Ngài, lòng đại dương xuất hiện, thềm lục địa lộ ra. 17 Từ trên cao, Ngài đưa tay ra nắm lấy tôi, kéo tôi ra khỏi vực nước sâu. 18 Ngài giải cứu tôi khỏi kẻ thù cường bạo, khỏi những kẻ ghét tôi, vì chúng mạnh hơn tôi. 19 Chúng tấn công tôi trong ngày tôi lâm nạn, nhưng Đức Giê-hô-va đã nâng đỡ tôi. 20 Ngài đem tôi ra nơi rộng rãi và giải cứu tôi, vì Ngài vui thích tôi.
Suy ngẫm và hiểu
Đa-vít nhớ lại và ngợi khen Chúa đã bảo vệ ông khỏi tay của Sau-lơ và những kẻ thù của ông như thế nào. Đa-vít là một người yếu đuối, người luôn luôn bị săn đuổi, mạng sống luôn bị hiểm nguy, nhưng Đức Chúa Trời luôn luôn ở cùng với Đa-vít và canh giữ cho ông (c.1-7). Đức Chúa Trời giống như một người mẹ, người lao qua lửa và nước để cứu đứa con đang hấp hối. Bởi vì Đa-vít đã trải nghiệm Đức Chúa Trời hành động cách này để giải cứu ông, ông tin chắc vào tình yêu thương nóng cháy của Đức Chúa Trời dành cho ông (c.8-20).
Đức Chúa Trời là Đấng như thế nào?
C.17-20 Giống như khi Ngài giải cứu dân sự của Ngài qua Biển Đỏ, Đức Chúa Trời cũng giải cứu Đa-vít khỏi cái chết không thể tránh khỏi, trở thành nơi ẩn náu của ông, và hướng dẫn ông tới con đường an toàn và bình an. Thế gian quay đi khỏi chúng ta, khi chúng ta không có sức mạnh để trợ giúp, nhưng Đức Chúa Trời giải phóng chúng ta và vui mừng trong chúng ta cho đến cùng. Đức Chúa Trời là một người cha yêu thương và chăm sóc cho chúng ta.
Ngài ban cho tôi bài học gì?
C.5-7 Đa-vít bị đe dọa bởi hoạn nạn lớn và cái chết. Lúc này, khi Đa-vít kêu cầu trông cậy nơi giao ước, Đức Chúa Trời nghe lời cầu nguyện của ông. Những lời tuyệt vọng và than khóc của chúng ta có thể thay đổi thành những lời sự sống và hy vọng, khi kêu khóc của chúng ta và sự đáp lời của Đức Chúa Trời đến cùng với nhau. Vì thế, không có hoàn cảnh nào là vô ích khi tìm kiếm Đức Chúa Trời, và không có hoàn cảnh nào mà chúng ta không cần tìm kiếm Ngài.
Tham khảo
22:1 Tựa đề bài ca của Đa-vít không đề cập đến một sự kiện cụ thể, mà đề cập đến việc Đức Giê-hô-va giải cứu vua Đa-vít khỏi tay của tất cả các kẻ thù của ông. Những sự mô tả tỉ mỉ tương tự, tiếp theo “Ông nói” (c.2), có thể tìm thấy trong tựa đề của các bài ca của Ai Cập trong thiên niên kỷ thứ hai.
Cầu nguyện: Chúa ôi, tình yêu thương của chúng con, điều không bao giờ bị rúng động và Vầng Đá của chúng con, xin hướng dẫn đời sống của chúng con.
Đọc Kinh Thánh trong năm: Giê-rê-mi 21-23
Áp-sa-lôm, con trai của Đa-vít, âm mưu chiếm ngôi của cha mình.
2 Sa-mu-ên 15:1-12
1 Sau đó, Áp-sa-lôm sắm cho mình một cỗ xe, ngựa kéo xe, và năm mươi quân chạy trước mặt ông. 2 Áp-sa-lôm thường dậy sớm, đứng bên đường dẫn vào cổng thành. Nếu gặp ai có việc kiện cáo gì phải đến vua để xin xét xử, thì Áp-sa-lôm gọi người ấy đến và hỏi: “Ngươi ở thành nào?” Khi người ấy đáp: “Đầy tớ ông thuộc một trong những bộ tộc của Y-sơ-ra-ên,” 3 thì Áp-sa-lôm liền nói: “Nầy, vụ kiện của ngươi là đúng và hợp lý; nhưng không có ai thay mặt vua để nghe ngươi đâu.” 4 Rồi Áp-sa-lôm nói tiếp: “Ồ! Phải chi ta được chỉ định làm quan xét trong xứ! Khi ấy, bất cứ ai có việc kiện tụng và cần xét xử sẽ đến với ta, ta sẽ xét xử công minh cho người ấy.” 5 Hơn nữa, mỗi khi có ai đến gần để cúi lạy Áp-sa-lôm thì ông đưa tay ra đỡ lấy người ấy và hôn. 6 Áp-sa-lôm làm như vậy đối với tất cả những người Y-sơ-ra-ên đến tìm vua để xin xét xử; như thế, Áp-sa-lôm đã chiếm được lòng người Y-sơ-ra-ên.
7 Bốn năm sau, Áp-sa-lôm thưa với vua: “Xin cho phép con đi đến Hếp-rôn để làm trọn lời hứa nguyện mà con đã khấn với Đức Giê-hô-va. 8 Vì trong lúc ở Ghê-su-rơ thuộc A-ram, đầy tớ bệ hạ có khấn nguyện rằng: ‘Nếu Đức Giê-hô-va đem con trở về Giê-ru-sa-lem thì con sẽ phụng sự Đức Giê-hô-va.’” 9 Vua trả lời: “Hãy đi bình an.” Vậy, ông lên đường đến Hếp-rôn. 10 Sau đó, Áp-sa-lôm sai người bí mật đi khắp các bộ tộc Y-sơ-ra-ên nói rằng: “Ngay khi anh em nghe tiếng kèn thì hãy nói: ‘Áp-sa-lôm làm vua tại Hếp-rôn!’” 11 Có hai trăm người từ Giê-ru-sa-lem đi cùng Áp-sa-lôm. Họ là những khách mời, vô tình mà đến và không hay biết gì về chuyện đó. 12 Trong lúc Áp-sa-lôm dâng sinh tế, ông sai mời A-hi-tô-phe, người Ghi-lô, là một cố vấn của Đa-vít, từ thành Ghi-lô đến. Âm mưu phản loạn mạnh thêm, và số người theo Áp-sa-lôm càng ngày càng đông.
Suy ngẫm và hiểu
Áp-sa-lôm, con trai của Đa-vít, bắt đầu lật đổ quyền lực và vương quyền của vua Đa-vít, cha anh ta. Áp-sa-lôm giành lấy tiếng tăm trong vở kịch mà anh ta diễn bằng cách sử dụng nhiều ngựa và xe chạy trước anh ta để loan báo sự hiện diện của mình. Không chỉ có việc này, Áp-sa-lôm còn tìm cách lợi dụng một điểm yếu rõ ràng anh ta nhìn thấy trong hệ thống luật pháp của vương quốc. Khi người ta đến cổng thành, cần sự đoán xét, anh ta đi trước để vừa đổ lỗi cho cha mình về việc thiếu một quan xét và cũng nịnh nọt bằng cách viếng thăm và hôn họ. Bằng cách này anh ta đã giành được sự mến mộ của dân Y-sơ-ra-ên, và sau đó đi đến Hếp-rôn để lập nên một vương quốc phản loạn chống lại cha của mình (c.1-12)
Đức Chúa Trời là Đấng như thế nào?
C.6 Bản tính của Đức Chúa Trời được bày tỏ ngược lại với bản chất của dân Y-sơ-ra-ên. Trong khi con người dễ dàng bị ảnh hưởng bởi việc ưa nhìn, sự tráng lệ và bối cảnh, và việc nịnh bợ, Đức Chúa Trời vẫn ở cùng với Đa-vít không phải vì điều gì tốt đẹp trong Đa-vít, nhưng hoàn toàn chỉ bởi vì ân điển của Ngài.
Ngài ban cho tôi bài học gì?
C.10-12 Chuẩn bị cho ngày phản loạn, Áp-sa-lôm đã sử dụng 200 người từ Giê-ru-sa-lem để lay động ý kiến của dân chúng, và đã sai mời A-hi-tô-phe vào thời gian dâng của lễ, và bằng việc sử dụng ông ta như một cố vấn, đã lôi kéo được sự đồng tình của dân chúng. Lúc này, dường như kế hoạch vạch ra một cách kỹ càng của Áp-sa-lôm đã đưa anh ta đến thắng lợi anh ta mong muốn. Dầu vậy, quyền lực có được bởi âm mưu, sự phản bội và sự phản loạn không thể chiếm được tấm lòng của Đức Chúa Trời.
Tham khảo
15:1 xe và ngựa, với năm mươi quân chạy trước mặt anh ta. Sự hãnh diện tự tôn của Áp-sa-lôm đối lập với sự khiêm nhường của Đa-vít (1 Sa-mu-ên 26:9-11; 2 Sa-mu-ên 7:18; 15:25–26). Sau này A-đô-ni-gia cũng cư xử như vậy tương tự, tự tôn cao chính mình, “rằng, Ta sẽ làm vua” (1 Các Vua 1:5). Xem cả 1 Sa-mu-ên 8:11.
Cầu nguyện: Cha ôi, xin hãy giúp các Hội Thánh của chúng con không bị lôi cuốn vào việc đi theo những người lãnh đạo giả dối.
Đọc Kinh Thánh trong năm: Ê-sai 33-35
Ích-bô-sết, người con trai còn lại cuối cùng của Sau-lơ, đã bị ám sát, chỉ còn lại Mê-phi-bô-sết, người con trai bị què của Giô-na-than, trong dòng dõi của Sau-lơ. Như Đức Chúa Trời đã phán, nhà của Sau-lơ đã bị sụp đổ hoàn toàn.
2 Sa-mu-ên 4:1-12
1 Khi Ích-bô-sết, con của Sau-lơ, nghe tin Áp-ne đã chết tại Hếp-rôn thì bủn rủn tay chân, và cả Y-sơ-ra-ên đều kinh hãi. 2 Lúc bấy giờ, con của Sau-lơ có hai đội trưởng đội xung kích: một người tên là Ba-a-na, một người tên là Rê-cáp; cả hai đều là con của Rim-môn ở Bê-ê-rốt thuộc bộ tộc Bên-gia-min — Người Bê-ê-rốt được xem như người Bên-gia-min, 3 vì họ đã trốn đến Ghi-tha-im, và kiều ngụ ở đó cho đến ngày nay —
4 Giô-na-than, con của Sau-lơ, có một con trai què cả hai chân. Khi hay tin từ Gít-rê-ên về cái chết của Sau-lơ và Giô-na-than, nó mới được năm tuổi. Người vú nuôi đem nó chạy trốn; trong lúc chị vội vã chạy đi, nó té nên bị què. Tên nó là Mê-phi-bô-sết.
5 Hai con của Rim-môn người Bê-ê-rốt, là Rê-cáp và Ba-a-na đi đến nhà Ích-bô-sết vào ban ngày giữa lúc nắng nhất, trong khi vua đang nằm nghỉ trưa. 6 Họ vào tận trong nhà, giả vờ lấy lúa mì, rồi đâm vào bụng Ích-bô-sết. Sau đó, Rê-cáp cùng với anh là Ba-a-na trốn đi. 7 Lúc họ vào nhà thì vua đang nằm nghỉ trên giường trong phòng ngủ, họ đâm chết và chặt đầu vua. Rồi họ mang đầu vua đi suốt đêm theo đường A-ra-ba.
8 Họ đem đầu của Ích-bô-sết về Hếp-rôn, dâng cho vua Đa-vít, và tâu với vua: “Đây là đầu của Ích-bô-sết, con của Sau-lơ, kẻ thù của bệ hạ, vẫn tìm hại mạng sống bệ hạ. Ngày nay, Đức Giê-hô-va đã báo thù Sau-lơ và dòng dõi người cho bệ hạ, là chúa tôi.” 9 Nhưng Đa-vít đáp với Rê-cáp và Ba-a-na, các con của Rim-môn người Bê-ê-rốt: “Thật như Đức Giê-hô-va hằng sống, là Đấng đã cứu ta khỏi tất cả các hoạn nạn, 10 khi có người đến báo tin cho ta: ‘Kìa! Sau-lơ đã chết,’ và nghĩ rằng mình là một sứ giả đem tin mừng, thì ta đã bắt và giết kẻ đó tại Xiếc-lác, để trả công cho việc báo tin như thế. 11 Huống chi những kẻ hung ác đã giết một người công chính nằm trên giường trong nhà người ấy! Vậy bây giờ, ta lại không đòi máu người từ tay các ngươi, và diệt các ngươi khỏi mặt đất sao?” 12 Rồi Đa-vít truyền lệnh cho các đầy tớ mình giết hai người đó; họ chặt cả tay chân chúng, rồi treo xác gần bên hồ Hếp-rôn. Nhưng họ đem đầu của Ích-bô-sết chôn trong mộ của Áp-ne, tại Hếp-rôn.
Suy ngẫm và hiểu
Khi Ích-bô-sết nghe tin về cái chết của Áp-ne, ông mất hết can đảm, và cuối cùng ông đã bị chính các thuộc hạ của mình là Ba-a-na và Rê-cáp, giết chết. Nhưng kết thúc câu chuyện này, Mê-phi-bô-sết, con trai của Giô-na-than, đột nhiên xuất hiện. Không giống như Ích-bô-sết, người đã chống nghịch Đa-vít, Mê-phi-bô-sết sẽ được Đa-vít trọng đãi vì lời hứa với Giô-na-than (1 Sa-mu-ên 20:14-17; chương 9). Trong khi đó, Ba-a-na và Rê-cáp đã đến với Đa-vít mong đợi một phần thưởng lớn, nhưng Đa-vít đã giết họ. Lại một lần nữa, Đa-vít đã bày tỏ rằng nước của ông sẽ là một nước theo đuổi ý muốn của Đức Chúa Trời, chứ không phải là sự tham lam xảo trá của loài người (c.1-12).
Ngài ban cho tôi bài học gì?
C.1, 6-7 Vào lúc nghe tin Áp-ne chết, Ích-bô-sết đã trở nên bất lực, và đã bị chính các thuộc hạ của mình giết chết. Đây là bản chất của quyền lực con người không có Đức Chúa Trời. Không có người ủng hộ mãi mãi hoặc quyền lực mãi mãi. Vì thế, vua của Y-sơ-ra-ên (các Cơ Đốc nhân) không được khát khao quyền lực như thế, thay vào đó chờ đợi Đức Chúa Trời tể trị trên mọi lĩnh vực của đời sống của họ.
C.4 Bấy giờ, hậu tự duy nhất còn lại của Sau-lơ là Mê-phi-bô-sết, con của Giô-na-than. Nhưng ông bị què từ khi còn nhỏ và không thể được xem là người thừa kế ngai vàng. Người còn lại của nhà Sau-lơ chỉ phụ thuộc vào lời hứa mà Đa-vít đã hứa với Giô-na-than. Tương tự, không phải là quyền lực hoặc của cải là điều cho phép chúng ta hưởng một đời sống thật sự. Chỉ có sự thành tín của Chúa, Đấng đã hứa tình yêu không đổi, mới có thể bảo vệ và giữ gìn chúng ta.
Tham khảo
4:10-11 Điều này nhắc đến sự việc trong 1:13-16. Ít nhất thì người A-ma-léc đã đưa ra lý do rằng Sau-lơ đã bảo cậu ta giết mình, nhưng cái chết của Ích-bô-sết thì rõ ràng là giết người. Tuy nhiên, ở đây, Đa-vít không nói gì về Ích-bô-sết là người được xức dầu của Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Đức Chúa Trời, chúng con chỉ trông đợi sự thịnh vượng Ngài ban cho chúng con. Xin hãy giúp chúng con không bị mù lòa bởi quyền lực của đời này.
Đọc Kinh Thánh trong năm: Châm Ngôn 22-24
Đa-Vít Trở Thành Vua Của Giu-Đa
Được Đức Chúa Trời dẫn dắt, Đa-vít được dân Giu-đa xức dầu làm vua tại Hếp-rôn, trong khi đó con trai của Sau-lơ là Ích-bô-sết, cũng được Áp-ne xức dầu làm vua.
http://wp.me/p7rWHI-80f
2 Sa-mu-ên 2:1-11
1 Sau đó, Đa-vít cầu hỏi Đức Giê-hô-va: “Con có nên đi lên một thành nào trong xứ Giu-đa không?” Đức Giê-hô-va đáp: “Hãy đi.” Đa-vít hỏi tiếp: “Con phải lên thành nào?” Đức Giê-hô-va đáp: “Hếp-rôn.” 2 Đa-vít đi đến đó, đem theo hai người vợ là A-hi-nô-am, người Gít-rê-ên, và A-bi-ga-in, trước kia là vợ của Na-banh ở Cạt-mên. 3 Đa-vít cũng đem theo những người ở với mình, cùng với gia đình họ, lên ở trong các thành của địa phận Hếp-rôn. 4 Người Giu-đa đi đến đó và xức dầu tấn phong Đa-vít làm vua nhà Giu-đa.
Người ta đến báo cho Đa-vít: “Dân ở Gia-be Ga-la-át đã chôn cất Sau-lơ.” 5 Đa-vít sai sứ giả đến nói với người Gia-be Ga-la-át: “Nguyện Đức Giê-hô-va ban phước cho các ngươi, vì các ngươi đã có lòng nhân từ đối với Sau-lơ, chúa các ngươi, mà chôn cất người! 6 Nguyện Đức Giê-hô-va bày tỏ sự nhân từ và thành tín đối với các ngươi! Ta cũng sẽ hậu đãi các ngươi vì các ngươi đã làm điều nầy. 7 Nguyện tay các ngươi được mạnh mẽ, khá tỏ ra là những người dũng cảm; vì Sau-lơ, chúa các ngươi đã chết, nhưng nhà Giu-đa đã xức dầu cho ta làm vua của họ.”
8 Bấy giờ, tổng tư lệnh quân đội của Sau-lơ là Áp-ne, con của Nê-rơ, đưa con trai của Sau-lơ là Ích-bô-sết qua Ma-ha-na-im, 9 lập người làm vua Ga-la-át, A-su-rít, Gít-rê-ên, Ép-ra-im, Bên-gia-min, và cả Y-sơ-ra-ên. 10 Khi Ích-bô-sết, con của Sau-lơ, bắt đầu trị vì Y-sơ-ra-ên thì đã bốn mươi tuổi, và người cai trị hai năm. Chỉ có nhà Giu-đa theo Đa-vít mà thôi. 11 Thời gian Đa-vít làm vua nhà Giu-đa tại Hếp-rôn là bảy năm sáu tháng.
Suy ngẫm và hiểu
Mặc dù Sau-lơ đã chết, nhưng Đa-vít đã không cố chiếm ngai vàng của Y-sơ-ra-ên ngay lập tức. Nếu có bất cứ điều gì, ông lùi lại một bước và cầu hỏi Đức Chúa Trời, vâng theo mạng lệnh của Ngài, và đi lên Hếp-rôn. Điều này là vì Đa-vít đã biết rằng Đấng cai trị thật của Y-sơ-ra-ên là Đức Chúa Trời và ông chỉ đơn giản là một đầy tớ, người phải vâng theo mạng lệnh của Đức Chúa Trời. Tại Hếp-rôn, Đa-vít đã được chỉ định làm vua của Giu-đa. Là một người đã được xức dầu làm vua của Y-sơ-ra-ên, đây là một khởi đầu không quan trọng, nhưng đó là một quá trình huấn luyện cho Đa-vít để trở thành vị vua thật của toàn Y-sơ-ra-ên (c.1-7).
Trong khi đó, ở phía bắc, Ích-bô-sết, con trai của Sau-lơ được Áp-ne, cận thần của Sau-lơ lập lên làm vua (c.8-11).
Đức Chúa Trời là Đấng như thế nào?
C.1 Vì Đa-vít đã tìm kiếm ý muốn Đức Chúa Trời, nên Đức Chúa Trời đáp lời ngay lập tức. Điều này là vì Đức Chúa Trời đẹp lòng điều Đa-vít cầu hỏi Ngài, ngay cả khi điều đó không cần thiết. Tương tự như vậy, Đức Chúa Trời sẽ đẹp lòng với chúng ta khi chúng ta tìm kiếm ý muốn Ngài trong mọi hoàn cảnh.
Ngài ban cho tôi bài học gì?
C.4-11 Đa-vít đã trở thành vua của Giu-đa, nhưng chưa được mười một chi phái khác của Y-sơ-ra-ên công nhận. Trong hoàn cảnh này, Áp-ne, đầy tớ của Sau-lơ, đã lập Ích-bô-sết, con trai của Sau-lơ làm vua. Bởi vậy, đối với Đa-vít, quá trình trở thành vua của Y-sơ-ra-ên không hoàn toàn dễ dàng. Nhưng qua điều này, Đa-vít học được cách phụ thuộc vào Đức Chúa Trời trong mọi khó khăn.
Tham khảo
2:l-3 Sau-lơ không còn đuổi theo ông nữa và Xiếc-lác bị đốt, Đa-vít sau khi đã cầu hỏi Chúa (như trong 1 Sa-mu-ên 23:2), thì dời đến địa phận Hếp-rôn cùng với gia đình và những người của ông. Những người vợ của ông là người vùng đó, và ông đã gửi những phần của chiến lợi phẩm từ trận chiến với dân A-ma-léc cho các trưởng lão trong xứ đó (1 Sa-mu-ên 30:26-31). Hếp-rôn là thành quan trọng nhất của phía nam Giu-đa và không xa Bết-lê-hem.
2:4 Dường như Giu-đa đã quyết định rằng việc có một vua là điều tốt lành; nhưng thay vì tìm một người bà con của Sau-lơ (là người từ chi phái Bên-gia-min, 1 Sa-mu-ên 9:1), thì người ta lại chọn một người của riêng họ làm vua, người anh hùng Đa-vít, người đã được Chúa chọn (1 Sa-mu-ên 16:1-23; 25:30). Ngay cả trong đời Sau-lơ, Giu-đa đã thành lập phần quân đội riêng (1 Sa-mu-ên 11:8; 15:4), và bấy giờ nó đã sẵn sàng hành động độc lập với các chi phái còn lại của Y-sơ-ra-ên.
Cầu nguyện: Lạy Đức Chúa Trời, mặc dù con đường của chúng con có thể bằng phẳng, xin hãy giúp chúng con cầu nguyện với Ngài trước tiên.
Đọc Kinh Thánh trong năm: Châm Ngôn 7-9
Đa-vít đã làm bài ai ca để than khóc về cái chết của Sau-lơ và Giô-na-than, và truyền dạy bài ai ca này cho chi phái Giu-đa. Đa-vít tiếc thương, vì những sự chết này là sự mất mát của cả dân tộc lẫn cá nhân.
2 Sa-mu-ên 1:17-27
17 Bấy giờ, Đa-vít làm bài ai ca để khóc Sau-lơ và Giô-na-than, con trai Sau-lơ, 18 mà truyền dạy cho con dân Giu-đa: Đây là bài ca Cây Cung, được chép trong sách Gia-sa: 19 “Hỡi Y-sơ-ra-ên! Kẻ danh vọng của ngươi đã bị giết trên các đồi cao! Ôi sao các anh hùng nầy lại gục ngã! 20 Đừng loan tin nầy ở Gát, chớ rao truyền trong các đường phố Ách-ca-lôn, kẻo các con gái Phi-li-tin vui vẻ, và bọn con gái kẻ không cắt bì mừng rỡ chăng! 21 Hỡi các núi Ghinh-bô-a! Nguyện sương móc và mưa chẳng sa xuống trên ngươi, và đồng ruộng chẳng sinh ngũ cốc để làm tế lễ; vì ở đó, cái khiên của anh hùng bị nhem nhuốc, tức là cái khiên của Sau-lơ, sẽ không còn được xoa dầu nữa. 22 Cung của Giô-na-than chẳng quay về mà không dính đầy máu kẻ chết, và mỡ của những dũng sĩ; gươm của Sau-lơ cũng chẳng trở về không. 23 Sau-lơ và Giô-na-than thương yêu nhau thắm thiết, khi sống, lúc chết cũng chẳng rời nhau: họ nhanh hơn chim ưng, mạnh hơn sư tử! 24 Hỡi các thiếu nữ Y-sơ-ra-ên, hãy khóc thương Sau-lơ! Người đã mặc cho các cô áo điều lộng lẫy, cài trên áo các cô đồ trang sức bằng vàng. 25 Ôi, sao những dũng sĩ phải gục ngã giữa chiến trận! Giô-na-than bị giết chết trên các đồi cao. 26 Giô-na-than, anh tôi ơi! Lòng tôi quặn thắt vì anh. Anh làm cho tôi thỏa dạ; tình yêu của anh đối với tôi thật diệu kỳ, hơn cả tình yêu người nữ. 27 Ôi, sao những anh hùng ngã xuống, và vũ khí của họ thành vô dụng, bỏ đi!”
Suy ngẫm và hiểu
Đa-vít đã nhìn thấy cái chết của Sau-lơ và Giô-na-than từ cái nhìn của nước Trời, và than khóc cho hai người lãnh đạo, một sự mất mát đối với chính ông và dân Y-sơ-ra-ên. Cho nên, ông đã làm bài ai ca và truyền lệnh cho dân mình hát bài ai ca ấy (c.17-18).
Đa-vít làm bài ai ca này để miêu tả sự dũng cảm, sự đẹp đẽ và vẻ đẹp của Sau-lơ và Giô-na-than. Trong đời Sau-lơ, chắc chắn đã có một số sai lầm, đặc biệt là sự bất tuân của ông ta đối với ý muốn của Đức Chúa Trời, nhưng Đa-vít không nói về những điều này; thay vào đó, ông tập trung vào sức mạnh và những thành tựu của Sau-lơ để khen ngợi vẻ đẹp của dân sự Đức Chúa Trời (c.19-27).
Ngài ban cho tôi bài học gì?
C.17-18 Đa-vít đã làm bài ai ca mà dân Giu-đa có thể than khóc một cách công khai. Thời đại này dạy chúng ta rằng nếu chúng ta tỏ ra buồn bã thì chúng ta đang thừa nhận sự yếu đuối của mình và vì thế không phù hợp để nắm giữ quyền lực. Tuy nhiên, thay vì lẩn tránh sự phiền muộn, nếu chúng ta thừa nhận rằng đau đớn là đau đớn, thừa nhận thực tế của nó, sự đau đớn sẽ không làm chúng ta mệt mỏi và không thắng chúng ta được.
C.26 Tình bạn giữa Giô-na-than và Đa-vít còn mạnh hơn cả tình mẫu tử hoặc tình yêu vợ chồng. Thực tế là cái chết của Giô-na-than xác nhận Đa-vít là người kế vị ngai vàng ngay lập tức, đã không an ủi được Đa-vít. Trên đời này, có những điều còn quan trọng hơn cả tiền bạc, danh vọng, quyền lực.
Tham khảo
1:21 Nguyện sương móc và mưa chẳng sa xuống – và đồng ruộng chẳng sinh ngũ cốc để làm tế lễ! Đa-vít mong muốn nơi mà Sau-lơ và Giô-na-than chết không có phước hạnh. Dòng cái khiên của anh hùng bị nhem nhuốc được so sánh với dòng tiếp theo, cái khiên của Sau-lơ sẽ không còn được xoa dầu nữa (ví dụ: “không ở trong điều kiện thích hợp”), vì những chiếc khiên bằng da được xử lý bằng dầu).
1:22 Máu và mỡ thường được dùng là một cặp từ để nhắc đến toàn bộ của lễ.
1:24 áo điều, được nhuộm màu bằng thuốc nhuộm làm từ thân của một loại côn trùng đã khô, là dấu hiệu của sự thịnh vượng (Châm Ngôn 31:21).
Cầu nguyện: Hỡi Chúa, xin ban cho chúng con tấm lòng có thể khóc khi chúng con cần phải khóc.
Đọc Kinh Thánh trong năm: Châm Ngôn 4-6
Khi Đa-vít nghe chàng thanh niên người A-ma-léc nói cho ông tin Sau-lơ và Giô-na-than đã chết ở chiến trường, và khoe khoang rằng chính anh ta đã giết Sau-lơ, Đa-vít xử anh ta tội chết.
2 Sa-mu-ên 1:1-16
1 Sau khi Sau-lơ chết, Đa-vít đã thắng người A-ma-léc trở về và ở lại Xiếc-lác hai ngày. 2 Đến ngày thứ ba, có một người từ trại quân Sau-lơ đến, quần áo rách nát, đầu đầy bụi đất. Khi đến trước mặt Đa-vít, anh ta sấp mình xuống đất mà lạy. 3 Đa-vít hỏi người ấy: “Ngươi từ đâu đến?” Người ấy đáp: “Tôi đã trốn thoát từ trại quân Y-sơ-ra-ên.” 4 Đa-vít nói: “Việc gì đã xảy ra? Hãy thuật lại cho ta.” Người ấy thưa: “Dân chúng đã bỏ chạy khỏi chiến trường, nhiều người đã ngã chết, cả vua Sau-lơ và hoàng tử Giô-na-than cũng chết.” 5 Đa-vít hỏi người thanh niên đưa tin cho ông: “Làm sao ngươi biết Sau-lơ và con trai người đã chết?” 6 Người thanh niên đưa tin thưa: “Tình cờ tôi ở trên núi Ghinh-bô-a và thấy vua Sau-lơ đang tựa vào cây giáo mình, trong khi chiến xa và kỵ binh địch bám sát vua. 7 Người quay lại thấy tôi và gọi. Tôi thưa: ‘Có tôi đây.’ 8 Người hỏi tôi: ‘Ngươi là ai?’ Tôi thưa: ‘Tôi là người A-ma-léc.’ 9 Người tiếp: ‘Hãy lại gần giết ta đi, vì ta bị choáng váng, nhưng hãy còn sống.’ 10 Vậy, tôi đến gần và giết người đi, vì tôi biết người không thể sống sau khi đã ngã gục. Sau đó, tôi lấy vương miện trên đầu người và vòng đeo tay của người đem về đây cho chúa tôi.”
11 Đa-vít nắm lấy áo mình xé ra; tất cả những người ở với ông cũng làm như vậy. 12 Họ than vãn, khóc lóc, và kiêng ăn cho đến chiều tối vì Sau-lơ và Giô-na-than, con trai người, vì dân của Đức Giê-hô-va và nhà Y-sơ-ra-ên, vì những người đã ngã chết bởi gươm.
13 Đa-vít hỏi người thanh niên đưa tin: “Ngươi từ đâu đến?” Người ấy đáp: “Tôi là con của một người ngoại bang, dân A-ma-léc.” 14 Đa-vít nói: “Ngươi không sợ khi ra tay giết người được xức dầu của Đức Giê-hô-va sao?” 15 Rồi Đa-vít gọi một thuộc hạ trẻ tuổi và bảo: “Hãy lại gần, đánh chết hắn đi!” Người ấy đánh hắn, và hắn chết. 16 Đa-vít nói với người ấy: “Máu ngươi đổ lại trên đầu ngươi! Chính miệng ngươi đã cáo tội ngươi, vì ngươi đã nói rằng: ‘Chính tôi đã giết người được xức dầu của Đức Giê-hô-va.’”
Suy ngẫm và hiểu
Người trai trẻ A-ma-léc trông chờ một phần thưởng lớn khi anh ta báo cho Đa-vít tin Sau-lơ và Giô-na-than đã chết ở chiến trường, và chính anh ta đã giết Sau-lơ. Nhưng Đa-vít đã ban sự chết cho anh ta, công bố rằng đó là tội giết người được xức dầu của Đức Chúa Trời. Người trai trẻ đã nghĩ cách sai lầm rằng Đa-vít sẽ vui mừng vì cái chết của kẻ thù mình, và việc cố gắng dùng điều đó cho thành công của riêng anh ta đã dẫn anh ta đến việc bị ngã xuống. Sự việc này cho thấy rằng nước của Đa-vít sẽ không dựa trên sự tham lam và cách thức của đời này, nhưng nước đó sẽ là một nước của mọi người theo quyền tể trị tối thượng của Đức Chúa Trời (c.1-16).
Ngài ban cho tôi bài học gì?
C.11-12 Đa-vít không thấy vui trong cái chết của Sau-lơ. Nếu mục tiêu của ông là trở thành vua, thì chắc hẳn ông đã vui rồi, nhưng vì mối quan tâm của ông là thiết lập nước Trời, nên Đa-vít đã than khóc và kiêng ăn vì cái chết của Sau-lơ. Khi nào chúng ta vui mừng và khi nào chúng ta than khóc? Câu trả lời cho câu hỏi này sẽ cho chúng ta thấy điều chúng ta mong muốn thật sự là gì.
C.13-16 Thay vì nhận được phần thưởng lớn, thanh niên người A-ma-léc lại nhận được án tử hình ngay lập tức. Đây là sự trừng phạt cho việc giết “vị vua được xức dầu”, người không ai được làm hại, nhưng đó cũng là lời công bố rằng Đa-vít vô tội đối với cái chết của Sau-lơ và sự bày tỏ ý muốn của Đa-vít rằng vương miện của vua không thể được ban cho bởi kẻ thù của Đức Chúa Trời.
Tham khảo
1:1-2 Câu 1 tiếp theo các sự việc của 1 Sa-mu-ên 30; trong 2 Sa-mu-ên 1:2 một người A-ma-léc (c.8) đã đến tường thuật lại các sự việc của 1 Sa-mu-ên 31. Có lẽ Sau-lơ đã chết vào khoảng cùng lúc khi Đa-vít trở lại Xiếc-lác, vì dân A-ma-léc đã đến vào ngày thứ ba sau khi Đa-vít trở lại. Xé áo và vãi bụi lên đầu là dấu hiệu của sự than khóc.
Cầu nguyện: Đức Chúa Trời ôi, xin hãy giúp chúng con không đặt tất cả sự đam mê của mình vào việc thực hiện những điều Ngài không đẹp lòng.
Đọc Kinh Thánh trong năm: Châm Ngôn 1-3