Home Tin tức Tết Ấm Lòng Của Những Cụ Cao Niên Tại HT Phúc Âm, Bình Thuận

Tết Ấm Lòng Của Những Cụ Cao Niên Tại HT Phúc Âm, Bình Thuận

by Ban Biên Tập
30 đọc

Thiết nghĩ cũng nên nhắc lại một ít thông tin về lịch sử vùng đất này, nơi mà những cụ cao niên đã gắn chặt phần đời còn lại của mình từ khi rời xa quê hương.

Bắt đầu từ những ngày tháng khói lửa chiến tranh năm 1973, một phần đông tín hữu miền Trung, đặc biệt là Quảng Nam được Tổng liên hội cùng Chính quyền lúc bấy giờ tổ chức định cư ở vùng đất mới – khu Rừng lá thuộc tỉnh Bình Tuy. Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của Lịch sử đất nước cùng Hội Thánh, có những người ngã xuống trong chiến tranh, có những người không thích nghi với môi trường mới nên tiếp tục tìm đến vùng đất khác, nhưng cũng có những người kiên trì lập nghiệp, xây dựng kinh tế vững chắc, vượt qua những cơn bắt bớ và sống quay quần với nhau trong “ngôi làng Tin Lành” đầy nghĩa tình.

Bốn mươi năm trôi qua, giờ đây những người trẻ khi xưa đã bước lên tuổi cao niên cùng tấm lòng son sắt theo Chúa. Có những người đang sống cùng con cháu nhưng cũng có những cụ neo đơn, sống dựa vào nghĩa tình làng xóm. 

Từ hoàn cảnh ấy, các bạn trẻ sinh ra và lớn lên tại Phúc Âm, hiện đang học tập hoặc làm việc tại Tp HCM đã cùng cầu nguyện, dâng hiến và kêu gọi tài chính để thực hiện “mục vụ Cao niên” trong dịp Tết Nguyên đán 2013. Trong những giới hạn của chương trình lần này, các bạn đã tổ chức thăm viếng, tặng quà và cầu nguyện cho 15 cụ (trong đó có 1 cụ hiện ăn Tết ở nơi khác nên phần quà được gửi sau).

Các bạn trẻ đi thăm viếng và cầu nguyện cho các cụ cao niên vào ngày 29 Tết

Bà Năm Thỏa thuộc HT Phúc Âm 1. Bà ở một mình trong căn nhà tình thương được tặng cách đây vài năm. Bà cho biết mỗi tháng Ban Y tế – xã hội của Hội Thánh đều giúp cho phần gạo, Xã cũng giúp cho 180.000 đồng/tháng. Dầu khó khăn nhưng mà có Chúa nuôi nên luôn thỏa lòng – Bà Năm chia sẻ.

Bà Cụ Liễu, hiện đang sống cùng gia đình của người con tại HT Phúc Âm 1

Bà Cụ Tằm (HT Phúc Âm 1)

Gia đình cụ Phong, một trong những Chấp sự đầu tiên của HT Phúc Âm 1. Ông thuộc nhóm người di cư đầu tiên từ HT Quế Sơn (Quảng Nam) đến vùng đất này. Cụ ông năm nay đã 86 tuổi còn bà ở độ tuổi 85. Cả 2 cụ đều mới trải qua những tai nạn cùng bệnh tật nhưng Chúa cho khỏe lên nhiều. Dầu tuổi cao nhưng ông bà cụ là tấm gương lớn về sự trung kiên nhóm lại thờ phượng Chúa, đặc biệt là công tác chứng đạo vào mỗi ngày thứ Năm hằng tuần suốt nhiều năm liền.

Gia đình ông bà Cơ. Ông năm nay 74 tuổi nhưng đã bị mù từ khi còn ở độ tuổi tráng niên trong một lần làm đồng cuốc phải mìn. Đến thăm ông bà, các bạn trẻ được khích lệ bởi những lời chia sẻ của ông về những giai đoạn thăng trầm của lịch sử đất nước, của chiến tranh hoang tàn, đặc biệt tại vùng quê Quảng Nam. Điều đặc biệt về ông bà đó là tấm lòng yêu mến Chúa. Dường như không một ngày Chúa nhật nào thấy vắng ông tại nhà thờ.

Ông bà Phước, 83 tuổi, di cư từ huyện Nông Sơn – Quảng Nam. Ông bà có một người con ở cạnh bên, còn lại thì ở quê. Bà hiện bị bệnh phong dơi đã 5 năm, đi đứng bất tiện. Ông bà cho biết mỗi tháng HT hỗ trợ 10kg gạo, xã cũng cho 180.000 đồng.

Cụ Theo năm nay đã 93 tuổi nhưng vẫn rất khỏe mạnh. Chúng tôi đến thăm khi cụ ông còn đang loay hoay làm việc sau nhà. Điều ao ước của cụ là chúc cho các bạn trẻ luôn yêu mến và hầu việc Chúa.

Bà cụ Tin, 85 tuổi đang sống cùng một người con.

Thầy Đào Quang Long hiện đang nằm trên giường bệnh. Thầy là người hầu việc Chúa tình nguyện trong nhiều năm. Giờ sức khỏe của thầy đã yếu nhiều và hiện đang được vợ chồng người con út săn sóc.

Các bạn trẻ thăm và trò chuyện với bà cụ Tính ở gần nhà thờ Phúc Âm 2

Bà cụ Sáu (Thành) rất cảm động khi được các bạn thanh niên đến thăm. Khi được nhận quà, bà đặt trên bàn và cầu nguyện cảm ơn Chúa, dâng vật chất này lên cho Ngài. Bà cũng cầu nguyện chúc phước cho những bạn trẻ để thêm lòng yêu mến Chúa, phục vụ Ngài.


Ông bà Thêm năm nay đã 83 tuổi, sống cùng hai người con đang bị bệnh thần kinh.

Hiện Ban cao niên của HT Phúc Âm 1 và Phúc Âm 2 nhóm lại hằng tuần rất đông đủ. Cứ mỗi Chúa nhật sau giờ nhóm thờ phượng Chúa, các cụ ở lại nhà thờ dùng cơm trưa và tiếp tục sinh hoạt với Ban cao niên lúc 13h. Có thể nói đây là khu vực có số lượng thành viên người cao tuổi rất đông trong cộng đồng Tin lành tại Việt Nam. Đây là những tấm gương trung kiên trong đức tin và là nguồn khích lệ những người trẻ về sự yêu mến Chúa và phục vụ Ngài.

Lê Tuấn

Bài vở cộng tác và góp ý xin gởi về tintuc@hoithanh.com

 

Bình Luận:

You may also like