Biên giới CHAD-SUDAN – Hàng triệu người dân Sudan đã phải rời bỏ nhà cửa vì chiến tranh. Chạy trốn khỏi bạo lực và mất mát, nhiều gia đình tìm đường sang quốc gia láng giềng Chad, nơi các tổ chức cứu trợ Cơ Đốc như World Vision đang cung cấp sự hỗ trợ thiết yếu.
Chuyến hành trình gian nan đưa chúng tôi băng qua một trong những vùng sa mạc khắc nghiệt nhất thế giới với năm chặng bay, kết thúc bằng một cú hạ cánh đầy rung lắc trên đường băng đất. Cái nóng ập đến ngay khi đặt chân xuống, như một lời nhắc nhở về môi trường khắc nghiệt nơi đây.
Phóng viên CBN News đã tháp tùng đoàn cứu trợ của World Vision ở rìa phía nam sa mạc Sahara để ghi lại những gì được mô tả là cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất thế giới hiện nay.
Tại đây, các nhân viên cứu trợ đang hỗ trợ những người tị nạn trốn chạy khỏi cuộc nội chiến tàn khốc giữa quân đội chính phủ Sudan và lực lượng bán quân sự Rapid Support Forces (RSF).
Tại đây, những gương mặt của người tị nạn kể lại câu chuyện mất mát không thể tưởng tượng nổi.
“Tôi đã từng đến nhiều khu vực có người tị nạn trên thế giới, nhưng đây là một trong những nơi tồi tệ nhất mà tôi từng chứng kiến,” bà Margaret Schuler, Phó Chủ tịch tổ chức World Vision, chia sẻ với CBN News.
Gần hai năm qua, cuộc xung đột đã khiến 14 triệu người phải rời bỏ nhà cửa, trong đó nhiều người chọn chạy sang các quốc gia láng giềng như Chad để tìm sự an toàn. Ước tính đã có hơn 700.000 người Sudan vượt biên sang Chad trong vòng hai năm trở lại đây.
Chad chỉ là một trong số nhiều quốc gia trong khu vực đang dang tay đón nhận hàng trăm nghìn người Sudan tị nạn.
Tại khu vực biên giới, nhân viên UNHCR Mohammad Abahkar đang làm công việc đăng ký, phần lớn là phụ nữ và trẻ em.
“Khi tôi trò chuyện với họ, có người nói chồng mình đã bị giết, có chị em kể rằng họ bị cưỡng bức,” Abahkar chia sẻ với CBN News. “Họ đến đây chỉ với một túi nhỏ đựng vài bộ quần áo. Thậm chí không có gì để ăn.”
CBN News đã gặp Mariam Ahmed Ishaq khi cô đang băng qua biên giới trên lưng lừa, ánh mắt lẫn lộn giữa nhẹ nhõm và đau thương.
“Tôi mất hết mọi thứ – quần áo, đồ đạc, vật dụng trong nhà,” Ishaq nói. “Họ phóng hỏa đốt nhà tôi, thiêu rụi tất cả.”
Với hơn 60.000 người thiệt mạng, cái giá con người phải trả cho cuộc chiến này là nỗi đau không thể hình dung – như câu chuyện của Maha, người vừa kịp thoát khi lực lượng RSF bao vây ngôi làng của cô.
“Họ cưỡng hiếp các cô gái ngay trước mắt chúng tôi,” Maha kể lại. “Họ giết người ngay trước mặt chúng tôi. Tôi không nghĩ mình có thể sống sót. Cuộc chiến đã cướp đi hai người anh của tôi, còn một người thì mất tích, chúng tôi không biết anh ấy còn sống hay đã chết.”
Tổn thất thật sự không chỉ nằm ở những con số.
“Lực lượng RSF ập vào nhà tôi và bắn chồng tôi ngay trước mặt tôi,” Amman Abduraham, một người tị nạn Sudan, chia sẻ với CBN News tại khu vực biên giới. “Họ cướp sạch mọi thứ rồi đốt nhà. Chồng tôi sống sót, nhưng vết thương của anh ấy vẫn chưa lành.”
Những câu chuyện về sang chấn tâm lý, mất mát và sự sống sót kỳ diệu vang vọng khắp các trại tị nạn. Nhiều phụ nữ chia sẻ nỗi sợ hãi tột cùng khi không biết tin tức gì về người thân yêu.
“Chồng tôi là người chăn bò. Anh ấy đi chợ bán bò vào đúng ngày chiến sự nổ ra – gần hai năm rồi. Từ đó đến giờ tôi không còn nhận được tin gì từ anh. Tôi không biết anh còn sống hay đã chết,” Khadija Jabar Abakar, một người tị nạn khác kể.
Hơn 60% dân số Sudan hiện đang rơi vào tình trạng cần hỗ trợ khẩn cấp, trong đó có tới 16 triệu trẻ em.
Một báo cáo của Liên Hợp Quốc cho biết, chỉ riêng trong năm qua, hơn 200 trẻ em – có em chỉ mới một tuổi – đã bị cưỡng hiếp ở Sudan.
“Đây là một ví dụ cho thấy rằng điều này đang được sử dụng như một vũ khí chiến tranh ở Sudan bởi tất cả các bên tham chiến, và không có phụ nữ hay trẻ em nào được an toàn,” Tess Ingram, đại diện UNICEF, phát biểu.
“Chúng ta đều biết rằng chúng ta được Chúa tạo dựng, và những anh chị em này đang chịu khổ, họ không chọn lựa sống trong hoàn cảnh này. Chúng ta có nghĩa vụ phải chăm sóc những người yếu thế,” Edouard Ngoy, giám đốc văn phòng quốc gia của World Vision tại Chad, chia sẻ.
World Vision và các tổ chức khác đang cung cấp bữa ăn cho 70.000 trẻ em tị nạn Sudan mỗi ngày.
“Đây là một chương trình chúng tôi thực hiện cùng với Chương trình Lương thực Thế giới, và đội ngũ của World Vision chịu trách nhiệm đảm bảo rằng trẻ em có bữa ăn nóng và nấu chín mỗi ngày,” Ngoy cho biết.
CBN News đã đến thăm một trường học tạm thời, nơi các đầu bếp đang chuẩn bị bữa ăn cho các em.
Dù bữa ăn khá đơn giản – cơm, đậu và dầu – nhưng đối với những đứa trẻ này, đó là sự khác biệt giữa cái đói và sự sống sót.
“Bữa ăn chúng tôi cung cấp cho các em tốt hơn những gì các em nhận được ở trong trại tị nạn,” Halima Oumar Ali, đầu bếp trưởng của trường trong trại tị nạn, chia sẻ với CBN News.
Với nhiều em, như Ikrham Abdel Kerim, 15 tuổi, mỗi bữa ăn đều được chia sẻ với gia đình ở quê nhà.
“Em có 8 em nhỏ, và các em cũng cần có thức ăn,” Kerim nói với CBN News.
Hiệu trưởng trường học, người cũng là nạn nhân của chiến tranh, cho biết chương trình hỗ trợ thực phẩm này là một yếu tố quan trọng để giữ trẻ em tiếp tục học.
“Chương trình hỗ trợ thực phẩm này là vô cùng quan trọng,” hiệu trưởng Abdul Rashid cho biết. “Các em rất thích đến trường học vì được ăn mỗi ngày, không học sinh nào muốn nghỉ học, tỷ lệ tham gia lớp học gần như hoàn hảo, và đó là điều tốt.”
Ngoài thực phẩm, World Vision còn cung cấp không gian trong các trại tị nạn, nơi trẻ em có thể tìm thấy sự an ủi và tạm thời thoát khỏi những chấn thương tâm lý.
Việc có được nước sạch, an toàn và đáng tin cậy ở vùng sa mạc Sahara không phải là điều dễ dàng. Vài tháng trước, World Vision đã đào một giếng khoan và lắp đặt khoảng hai dặm ống dẫn nước, cung cấp nguồn nước vô cùng cần thiết cho bệnh viện chính ở Farchana, Chad.
“Điều này có ý nghĩa rất lớn, nếu không có nước ở phòng khám, các phụ nữ sẽ phải tự mang theo một xô nước khi đi sinh hoặc không có đủ nước vì họ không có nguồn cung cấp,” bà Schuler chia sẻ.
Tại Farchana, CBN News đã thăm một trong những phòng khám duy nhất trong khu vực, nơi đầy ắp các bà mẹ và trẻ em, nhiều em đang phải đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng.
Hệ thống pin mặt trời mới được lắp đặt của World Vision cũng cung cấp điện, đảm bảo rằng nguồn sống thiết yếu này vẫn tiếp tục hoạt động.
“Đối với chúng tôi, việc tiếp cận nước và điện thực sự là rất quan trọng,” bác sĩ Albachir Mahamat, người điều hành Trung tâm Y tế Farchana, cho biết.
Dù phải đối mặt với những thử thách lớn, sức mạnh và sự kiên cường của các gia đình nơi đây vẫn mang lại một tia hy vọng. Đối với những người nữ như Khadija, mỗi ngày là một cuộc chiến. Tuy nhiên, tình yêu thầm lặng dành cho con cái và hy vọng một ngày nào đó sẽ trở về Sudan vẫn giúp họ vươn lên.
Dịch: Eunice Tu
Nguồn: cbn.com
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com