Quý độc giả biết gì về những người đáng thương nầy? quý độc giả có hành động nào bày tỏ quan tâm đến họ chưa? Xin hãy đồng hành cùng một CTV của chúng tôi đến với những mảnh đời đáng thương đó.
Sau một đêm dài trên chuyến xe nằm từ Đà Nẵng lên cao nguyên. Chúng tôi đến Pleiku khi trời mới vừa hừng sáng. Cao nguyên tiết trời se lạnh bởi những cơn mưa chuyển mùa. Vẫn cái màu đất đỏ quyện vào nhau trong cái mộc mạc thân thương như tình cảm của người dân cao nguyên. Cảm giác sau một thời gian trở lại thăm vùng đất đỏ, vẫn ấm nồng và tinh khôi như ngày nào! Tôi đang hình dung ra gương mặt của những người bạn thân tình đã làm việc với nhau trong nhiều năm qua, thì cũng là lúc xe đưa chúng tôi đến tận nhà người quen.
Sau khi liên lạc và lên kế hoạch đi thăm các làng phung tại Gia Lai, chúng tôi được người bạn ở địa phương mời đi ăn sáng và uống cà phê cao nguyên. Cà phê cao nguyên mới uống tuy không ngon, nhưng được một cái là nguyên chất. Người bạn cho biết rằng, muốn thưởng thức hết cái ngon của cà phê cao nguyên thì phải uống thật chậm và thong thả. Có lẽ đó là phong cách rất cao nguyên của vùng đất đỏ và cũng là đặc thù có một không hai trên dải đất chữ S thân thương của chúng ta. Chúng tôi được các anh chị em đặc trách lo cho mục vụ phung tại Gia Lai đưa đến các buôn làng xa để thăm viếng và ủy lạo. Những con đường đất đỏ dài hun hút đến với những làng xa, hai bên đường toàn là cà phê và tiêu. Cuộc sống tuy có cải thiện nhiều, nhưng vẫn còn những nét hoang sơ, lạc hậu.
Lòng tôi rung lên khi đặt chân đến ngôi nhà nguyện dành cho những người phung và trẻ mồ côi. Vẫn những con người mộc mạc đáng thương với thân thể đầy thẹo tích vì di chứng phung. Ôi thương làm sao những gương mặt ngây thơ của những đứa trẻ mồ côi. Di chứng phung đã lấy đi chúng tất cả những thân thương đùm bọc của cha mẹ. Những anh chị em trong mục vụ phung & mồ côi đã đùm bọc lo cho các cháu trong nhiều năm qua. Thế hệ này rồi tiếp theo thế hệ khác, họ đùm bọc và giúp nhau cái áo, cái quần, cái chữ, nhưng trên hết là gieo trồng ánh sáng đức tin cho những tâm hồn đầy bất hạnh này.
Tôi thầm cảm phục những con người âm thầm góp phần trong mục vụ cao quý này. Họ là ai? Họ chỉ là những con người tầm thường, đã từng đi qua những trũng đau thương trong cuộc đời. Chính những va đập trong cuộc sống đã đưa họ đến với ánh sáng đức tin. Tình thương và ơn cứu độ của Thiên Chúa đã đến sưởi ấm những tâm hồn này, và cũng chính bởi tình thương đó đã cảm thúc họ dấn bước vào mục vụ đầy nhân ái này.
Tôi đã không cầm được nước mắt khi tận tay mở xem những vết thương. Trên những vết thương là băng vải đã úa màu, mùi hôi lẫn mùi thúi sộc lên từ những nơi lỡ loét. Khi được hỏi: Tại sao không thay băng? Một câu trả lời chung mà tôi thường được nghe đó là: Băng vải đâu mà thay? Tôi được cho biết rằng chính bệnh nhân phải tự tay giặt những băng vải thì mới có mà dùng lâu dài. Cũng một phần do những nơi lỡ loét cứ ra nước vàng hoài cho nên không có đủ băng để mà thay. Hằng tháng những anh chị em trong mục vụ phung đều viếng thăm và ủy lạo. Giúp cho họ gạo, mì gói, quần áo và thuốc men, nhưng rất tiếc họ không phải là người được huấn luyện về y tế nên cũng không giúp được nhiều cho những bệnh nhân nặng.
Nhiều bệnh nhân hoàn toàn không còn cảm giác, nhất là những bệnh nhân bị mù, khi nấu ăn đưa cả bàn tay vào lửa mà không hề hay biết gì cả! Dường như chính quyền sở tại không đủ nhân lực lẫn ngân sách để có thể giúp đỡ cho những bệnh nhân phung nơi đây. Trong cộng đồng xã hội thì thi thoảng có được những tổ chức từ thiện từ thành phố HCM lên thăm vài lần trong năm mà thôi. Thường họ đi với một đoàn rất đông cho nên không thể đi đến những làng phung ở xa và hẻo lánh được. Vì vậy, số phận những người phung ở những nơi hẻo lánh thật rất đáng thương và tội nghiệp.
Theo chỗ tôi được biết hiện có trên 500 bệnh nhân phung sống trong các buôn làng tại Pleiku. Số phận của họ thật không có bút mực nào diễn tả hết được. Họ sống leo lét từng ngày, từng tuần và từng tháng trôi qua. Cũng là một kiếp người, với định kiến ngàn đời cùng với bao thị phi dành cho những người mang di chứng phung. Họ đã bị ném vào dòng nước ngược, biết tìm đâu một mảnh phao trôi. Đó cũng là tiếng gào thét trong tận cùng của nhà thơ Hoàng Yến, người đã mang di chứng phung cùi đến hơi thở cuối cùng, mà vẫn không có một người thân viếng thăm. Còn bạn thì sao? Khi đọc những dòng chữ này hy vọng rằng bạn sẽ làm một điều gì đó thiết thực để những đôi mắt ngây thơ của những đứa trẻ mồ côi nơi cao nguyên bừng lên một niềm hy vọng, để những mảnh đời bất hạnh người phung nơi cao nguyên có thêm một mùa xuân trong đời!!!
Mục sư Huỳnh Trung Thiên (Theo hoithanhtinlanhvietnam.org)