Vào 17/12/1999, Giáo Hoàng đã ban hành một nghi lễ tương đương với lời xin lỗi: “Là lỗi của chúng tôi.”
John Paul II đã phát biểu trước đám đông tại Cộng-hòa Séc, bày tỏ “lòng tiếc nuối sâu sắc vì [đã gây ra] cái chết tàn khốc” cho người anh hùng của họ. “Hối tiếc sâu sắc” là điều ít nhất mà Giáo-hội có thể làm.
Ấn Chứng Bằng Máu
Bị lừa đến Hội-đồng Constance với lời hứa sẽ được đảm bảo an toàn, Jan Hus ngay lập tức bị tống vào ngục sáu tháng, bị đưa ra xét xử ở một phiên tòa giả mạo, và bị bắt phải chối bỏ đức tin của mình. Tháng 7 năm 1415, ông bị lột trần, bị đội lên đầu một chiếc mũ lừa vẽ hình ma quỷ và bị gọi là “Kẻ cầm đầu Tà Giáo”—trong khi tất cả những gì ông làm là cầu nguyện cho những kẻ thù nghịch mình.
Sau đó họ dẫn ông qua đống sách đang cháy rồi xích ông vào cây cột. Khi đang bị trói vào cột như một con chó, ông nói “Chúa Giê-xu của tôi đã bị trói bằng những sợi xích cứng hơn nhiều vì cớ tôi, thì sao tôi phải xấu hổ về sợi xích rỉ sét này?” Một lần nữa họ bảo ông chối bỏ đức tin của mình, nhưng ông từ chối, tuyên bố rằng, “Những gì tôi đã giảng dạy bằng môi miệng mình, giờ tôi sẽ ấn chứng chúng bằng máu của mình.” Và ông đã làm như vậy.
Khi ngọn lửa bùng lên, ông cất tiếng hát. Viên thư ký của hội đồng tuyên bố, “Hỡi tên Giu-đa bị nguyền rủa, bởi vì người đã từ bỏ con đường bình an, và theo lời quyến dụ của dân Do Thái, chúng ta sẽ cất chén cứu chuộc ra khỏi ngươi.” Thật may, Giáo-hội Công-giáo không có thẩm quyền để cất đi chén cứu chuộc ngày hôm đó.
Sau cái chết của ông, cơn thịnh nộ bùng lên ở Bohemia. Những người theo ông đã nổi dậy chống lại La Mã trong cuộc phản đối bạo lực kéo dài hơn một thập kỷ. Jan Hus là một người giảng đạo, một nhà chính trị, một nhà tiên tri, một người ủng hộ Cải Chánh, và là một người tử đạo hàng đầu.
Con Chó Bull của Wycliffe
Khoảng năm 1369, một con ngỗng được sinh ra ở làng ngỗng. Jan Hus (tiếng Séc có nghĩa là ngỗng) được sinh ra ở Hussinec (tiếng Séc có nghĩa là thị trấn Ngỗng) thuộc vương quốc Bohemia. Sinh ra trong một gia đình nghèo khó, con ngỗng rời làng theo đuổi chức linh mục để tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn và có nhiều danh vọng hơn. Ông trở thành một người giảng đạo nổi tiếng ở Nhà-nguyện Bethlehem, nhưng dành phần lớn thời gian phục vụ trong học viện với vai trò trưởng khoa triết học ở Prague. Sống trong thời buổi xã hội bất ổn vì những mâu thuẫn giữa người nói tiếng Đức và công dân Séc, Hus trở thành một nhân vật chủ chốt cho chủ nghĩa dân tộc của Séc.
Hus sống trong thời mà thói vô đạo đức đã lây nhiễm trong giới linh mục của Giáo-hội Trung Cổ. Ông nhanh chóng rao giảng những “bài giảng gay gắt” chống lại những tội lỗi tràn lan của giới tăng lữ cho đến khi họ báo cáo ông với tổng giám mục và cấm ông giảng đạo. Khi Hus đọc Kinh Thánh và chứng kiến những giáo hoàng vào thời của mình lạm dụng quyền lực, ông kết luận rằng thẩm quyền của giáo hoàng không phải là tối thượng. Ông cần một nền móng vững chắc hơn nền móng được xây dựng từ rơm rạ và gỗ mục theo quan điểm của con người—bất kể những người đó cao trọng thế nào. Ông xây dựng đời sống và chức vụ của mình dựa trên lời Chúa.
Quan điểm của ông rằng Kinh Thánh là thẩm quyền tối thượng đã cháy bùng lên khi ông bắt đầu đọc những tác phẩm bị lên án của John Wycliffe. Hus đã trở thành một môn đồ trung tín của Wycliffe. Hus đã bảo vệ các tác phẩm của ông với sự ngoan cường đến mức một sử gia đã gọi Hus là “con chó bull của Wycliffe” (sách “The Unquenchable Flame” – “Ngọn Lửa Không Thể Bị Dập Tắt”, trang 30). Ông kiên quyết lập luận chống lại việc bán bùa xá tội, ủng hộ việc cả bánh và rượu cần được ban trong tiệc thánh, và giảng dạy bằng ngôn ngữ thông dụng (không phải tiếng La-tinh vẫn chưa được dịch ra thời đó).
Mặc dù vẫn đồng ý với Giáo-hội về các vấn đề như Thánh Lễ, nhưng lòng trung thành của ông với sự dạy dỗ của Wycliffe khiến ông bị rút phép thông công, bị bắt vì tội theo tà giáo, và bị thiêu sống.
Những Con Ngỗng Không Hề Im Lặng
Khi Hus cuối cùng bị kết án tử hình, ông tuyên bố, “Các người có thể nướng một con ngỗng, nhưng 100 năm sau một con thiên nga sẽ dấy lên và các người sẽ không thể bắt nó im lặng được.” Đúng 102 năm sau, một tu sĩ đầy nhiệt huyết đã đóng 95 luận đề lên cửa thánh đường Wittenberg.
Ông cũng nhận thấy sự mâu thuẫn giữa giáo lý của người La Mã và Kinh Thánh, và cũng muốn cải cách Giáo-hội. Ông cũng bị dẫn đến trước mặt giáo hoàng. Và cũng bị lên án là tà giáo. Trong cuộc Tranh-luận ở Leipzig (the Leipzig Debate), Luther đã bị miệt thị là một “Hussite” (người theo Hus). Ban đầu ông chối bỏ danh hiệu này, nhưng dành thời gian đọc các tác phẩm của Jan Hus giữa lúc tạm nghỉ, sau đó ông đã quay lại, khen ngợi những lời dạy từng bị lên án của Hus.
Martin Luther là con thiên nga của Jan Hus, và sau đó ông đã nhận ra mối liên kết này. Ông thường được vẽ với hình ảnh thiên nga cho đến ngày nay.
Con ngỗng cha, người tiền trạm xuất chúng của những nhà Cải Chánh, đã giữ vững lập trường của mình và chết cho đức tin. Con Thiên Nga theo sau Con Ngỗng, và Giáo-hội La Mã đã không thể khiến nó im lặng.
Dịch: Richard Huynh
Nguồn: desiringgod.org
Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com