Hai năm sau đó, do biến cố Việt Nam, làn sóng di tản của người Việt tràn lan đông đảo sang Mỹ Châu, Âu Châu và Úc Châu. Rất đông Mục sư, Truyền Đạo và tín hữu đến Mỹ, Gia Nã Đại (Canada) thành lập một Giáo Hạt lấy tên: Hội Thánh Tin Lành Việt Nam Giáo Hạt Bắc Mỹ ngay từ năm 1975. Sau đó Úc Châu cũng tạo thành tổ chức hẳn hoi, trong khi Âu Châu vẫn chưa được hình thành. Lý do dễ hiểu là số tín hữu từ Việt Nam đến Âu Châu quá ít. Số Mục sư, Truyền đạo dường như chưa có ai ngoài Mục sư Nguyễn Duy Xuân ở Toulouse (Pháp), Mục sư Nguyễn văn Bình, Giáo sĩ từ Ai Lao đến Pháp vào cuối tháng 8-1975 đã được Mục sư Daniel Bordreuil giới thiệu và trao quyền cai quản Hội thánh Paris.
Ngoài ra, quý vị Mục sư, Truyền đạo, Truyền đạo Tình Nguyện còn tổ chức các Hội Đồng Hành Chánh (sau đổi thành Hội Đồng Lãnh Đạo) nhằm bàn thảo các vấn đề thiết yếu liên quan tới tổ chức một Hội Thánh Tin Lành Việt Nam phù hợp với tầm vóc của nó. Qua các Hội Đồng Hành Chánh tổ chức ở Paris, ở Bỉ, ở Đức, Hội Thánh Tin Lành Việt Nam Âu Châu đã kiện toàn tổ chức với mục tiêu truyền bá Tin Lành, gây dựng niềm tin, đào tạo người phục vụ và thực hiện các hoạt động văn hóa, xã hội cho Hội thánh nói riêng và cho cộng đồng người Việt tại Âu Châu nói chung. Đây là một tổ chức không thuộc vào một giáo phái nào, nhưng sẵn sàng tương giao và hợp tác với các giáo phái Tin Lành thuần túy.Vào thời điểm đó, Hội Thánh Tin Lành Việt Nam Âu Châu có 32 Mục sư, Truyền đạo và Truyền đạo Tình nguyện hoạt động khắp các nước Âu Châu như Pháp, Bỉ, Đức, Hòa Lan, Thụy sĩ, Đan Mạch, Na Uy, Hy Lạp. Các nước khác như Anh, Thụy Điển, Ý v.v… dù có một số tín hữu, nhưng chưa có người lãnh đạo. Các chi hội sau đây đã được tổ chức, có sự hội hiệp thờ phượng Chúa thường xuyên mỗi Chúa nhựt hay cứ hai Chúa nhựt một lần: Paris (Pháp), Toulouse (Pháp), Troyes (Pháp), Bruxelles (Bỉ), Liège (Bỉ), Heerlen (Hòa Lan), Dordrecht (Hòa Lan), Hagen (Đức), Ratingen (Đức), Bienne (Thụy sĩ), Saint Gallen (Thụy sĩ), Athenes (Hy Lạp), Slagelse (Đan Mạch), Kristiansand (Na Uy), Oslo (Na Uy) và một số trung tâm truyền giảng khác, với số tín hữu trên dưới 1.000 người.
Các chi hội địa phương tổ chức những buổi truyền giảng hoặc các trại truyền giảng, Chúa cho thu gặt được nhiều kết quả. Khá đông đồng hương Việt Nam được nghe sứ điệp cứu rỗi, một số tiếp nhận Chúa, gia nhập vào Hội thánh địa phương. Ban Truyền Giáo của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam Âu Châu nỗ lực mở các cuộc hành trình truyền giáo xuyên suốt các nước Âu Châu mỗi lần một tháng, thăm viếng từng Hội thánh, giảng bổi linh, truyền giảng, làm vững đức tin con cái Chúa, nhiều linh hồn được cứu gia nhập Hội thánh.
Hằng năm Hội Thánh Tin Lành Việt Nam Âu Châu tổ chức Đại Hội Âu Châu không có tính cách nặng về hành chánh, nhưng chú trọng vào việc bồi linh, gây dựng đức tin cho tín hữu. Những Đại Hội trong các năm qua đáp ứng đúng nhu cầu nầy, Chúa cho những kết quả lớn lao. Tại chi hội, nhiều nơi tổ chức lớp Cơ Đốc Giáo Dục, dạy lời Chúa theo từng hạng tuổi. Các lớp học đó thường tổ chức vào Chúa nhựt, tạo điều kiện cho con cái Chúa theo học lời Chúa, giúp đời sống thuộc linh họ lớn lên. Ngoài ra, Mục sư Chủ tịch hằng tháng có dịp thăm viếng các Hội Thánh, dùng lời Chúa gây dựng niềm tin cho anh em tín hữu sống ở các nước Âu Châu.
Để đào tạo người phục vụ Chúa, Hội Thánh Tin Lành Việt Nam Âu Châu tổ chức «Chương trình Nghiên cứu Phúc âm» (về sau trở thành Viện Thần học Âu Châu) nhằm hướng dẫn các học viên học hỏi lời Chúa. Chương trình học viên theo học 4 năm. Có hai cấp: Cao Đẳng và Chuyên Khoa. Các khóa học hằng năm, có lúc mỗi năm hai lần lúc đầu tổ chức tại Wetzlar (Đức) có khóa lên đến cả trăm người, trong đó hầu hết các Truyền Đạo Tình Nguyện và Truyền đạo bắt buộc phải theo học.
Về phương diện văn hóa, từ lâu Hội Thánh Tin Lành Việt Nam tại Paris có tờ báo Thông Công (sau đổi thành Đuốc Thiêng), Tây Đức có tờ Tâm Giao, Toulouse có tờ Mối Dây Thân Ái, Hòa Lan có tờ Tin Lành, Hy Lạp có tờ Nhã Điển. Các tờ báo ấy đóng góp một phần nào bồi linh, truyền giảng và phát huy nền văn hóa Việt tại Âu Châu. Trong kỳ họp Hội Đồng Mục sư, Truyền đạo tổ chức tại Hagen (Đức) từ ngày 29-12-1986 đến ngày 1-1-1987, Hội Đồng quyết định cho ra đời tờ báo Đất Mới làm tiếng nói chính thức của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam Âu Châu, và tờ báo đó mắt độc giả khắp nơi vào tháng 7-1987.
Dù đã được hình thành từ năm 1982, nhưng Hội Thánh Tin Lành Việt Nam Âu Châu thực sự có tầm vóc khởi từ năm 1985 qua Đại Hội Âu Châu I. Bước chuyển mình nầy thật quan trọng, nhưng không tránh khỏi những khó khăn trước mắt. Đa số Mục sư, Truyền đạo, Truyền đạo Tình Nguyện đều tự túc hầu việc Chúa, vừa đi làm, vừa lo cho Hội Thánh, nên chưa đủ thì giờ đáp ứng nhu cầu công việc Chúa đòi hỏi. Vả lại, Hội Thánh Tin Lành Việt Nam Âu Châu thiết lập Hội Thánh trên căn bản địa phương tự trị tự dưỡng, tự đứng trên chân mình về mọi phương diện cả xây dựng Hội Thánh, truyền giáo, đào tạo, huấn luyện người hầu việc Chúa và tài chánh, lúc đầu gặp nhiều khó khăn, nhưng về lâu về dài, Chúa đã ban phước cho Hội Thánh vững lập suốt gần một phần tư thế kỷ nay vẫn còn tồn tại và phát triển, đời chẳng ai ngờ được.