Home Lời Chứng ‘Ngôi sao Bethlehem’ Sẽ Xuất Hiện Một Cách Hiếm Hoi Vào Ngày 21 Tháng 12: Đây Là Những Gì Mà Các Nhà Thiên Văn Học Đã Dự Đoán Về Ngôi Sao Trong Kinh Thánh Vào Đêm Chúa Giáng Sinh

‘Ngôi sao Bethlehem’ Sẽ Xuất Hiện Một Cách Hiếm Hoi Vào Ngày 21 Tháng 12: Đây Là Những Gì Mà Các Nhà Thiên Văn Học Đã Dự Đoán Về Ngôi Sao Trong Kinh Thánh Vào Đêm Chúa Giáng Sinh

by Cbn.com
30 đọc

Cuối tháng này, bạn có thể sẽ chứng kiến một sự kiện hiếm có chưa từng thấy trong gần tám thế kỷ qua trên bầu trời đêm.

FOX5NY.com đưa tin hai hành tinh lớn nhất trong hệ mặt trời của chúng ta, Sao Mộc và Sao Thổ, sẽ xếp thẳng hàng vào ngày 21 tháng 12 để tạo ra một hiện tượng mà đôi khi được gọi là “Ngôi sao Giáng sinh” hay “Ngôi sao Bethlehem”.

Khi các hành tinh xếp thẳng hàng vào ngày đánh dấu sự bắt đầu của Đông-chí, chúng sẽ tạo thành một hành tinh kép. Theo Forbes.com, đây là một sự kiện hiếm có và chưa từng thấy từ trước đến nay kể từ thời Trung-cổ. Nhưng trên thực tế, các hành tinh sẽ không chạm vào nhau. Nó chỉ trông giống như thế khi quan sát từ trái đất.

Những giả thuyết về ‘Ngôi sao Bethlehem’

Như CBN News đã đưa tin, trong khi có khá nhiều giả thuyết về danh tính của ngôi sao Bethlehem được nói đến trong Kinh Thánh, xuất hiện vào đêm Chúa giáng sinh, thì một sự kết hợp giữa nghiên cứu lịch sử, kiến thức thiên văn học và sự hiểu biết Kinh Thánh sẽ đưa ra một lời giải thích hợp lý vừa thần kỳ vừa dễ hiểu.

Giả thuyết này cho rằng Mộc tinh là một phần của ngôi sao đó. Trong thế giới cổ đại, tất cả các thiên thể đều được coi là “tinh tú” (các vì sao).

Các nhà đạo sĩ phương Đông hay còn gọi là ba nhà thông thái rất có thể là cố vấn của triều đình Ba-by-lôn, những người am hiểu thuật chiêm tinh để đưa ra hướng dẫn cho người cai trị.  Tại sao trong bao nhiêu người, Đức Chúa Trời lại chọn các nhà chiêm tinh để dẫn họ đến với Đấng là Vua trên muôn vua? Theo một số học giả, thì đây là chức vụ đầu tiên của Đấng Christ dành cho những người ngoại.

Vậy chính xác thì các nhà thông thái phương Đông này là ai?

Philo, một nhà văn Do Thái cổ đại đã nói về họ.

Chuyên gia nghiên cứu về ngôi sao Bethlehem, Rick Larson từng nói với CBN News rằng Philo “đã mô tả một trường đào tạo pháp sư cụ thể, gọi là trường phái phương Đông, và ông ca ngợi những vị đạo sĩ này. Ông nói rằng những người này hiểu được trật tự của tự nhiên và có thể giải thích nó cho người khác. Và theo Philo, họ có thể được coi là tiền thân của các nhà khoa học ngày nay.”

Những người nghiên cứu lịch sử Hội-thánh thời kỳ sơ khai đã đưa ra dự đoán về ngày sinh của Đấng Christ là vào khoảng năm thứ 3 TCN, mặc dù các học giả khác thì nói rằng đó là năm thứ 7 TCN vì có một vài điều gây nhầm lẫn về cái chết của Vua Hê-rốt giữa hai ngày đó.

Các nhà thông thái này có thể đã nhìn thấy một hiện tượng thiên văn học gọi là giao hội (sự hội tụ của các vì sao) diễn ra trong một khoảng thời gian từ tháng 8 năm thứ 3 TCN đến tháng 6 năm thứ 2 TCN. Khi một hành tinh đi qua một hành tinh khác, và khi nhìn từ trái đất, thì chúng trông giống như đang xếp thẳng hàng – điều đó có ý nghĩa rất lớn đối với những nhà cố vấn chiêm tinh này.

Bây giờ chúng ta biết hiện tượng giao hội này có ý nghĩa như thế nào đối với các đạo sĩ khi họ quan sát nó từ vùng đất xa xôi của mình. Hiện tượng giao hội gồm chòm sao Sư Tử, Kim tinh, Mộc tinh và sao Regulus (ngôi sao sáng nhất trong chòm sao Sư Tử).

Đối với người Ba-by-lôn, sư tử đại diện cho Y-sơ-ra-ên. Sao Kim tượng trưng cho tình mẫu tử. Sao Mộc tượng trưng cho tình phụ tử hoặc vương quyền. Và sao Regulus tượng trưng cho địa vị hoàng gia.

Tất cả những điều này hiệp lại theo tư duy của người Ba-by-lôn chúng ta có được gì? Một thông điệp rõ ràng và được lặp đi lặp lại rằng: một vị vua vĩ đại đã được sinh ra ở Y-sơ-ra-ên.

Larson đã sử dụng các công cụ thiên văn được máy tính hóa để theo dõi sự hội tụ của các tinh tú trên trời bao gồm Sao Mộc, Sao Kim, chòm sao Sư Tử và sao Regulus, và tính toán sao cho quay trở lại thời điểm chúng đã từng xuất hiện.

“Chín tháng sau lần hội tụ đầu tiên đó – xin nhắc lại ở đây là ‘chín tháng’ – thời kỳ mang thai của một con người. Chúng tôi thấy Sao Mộc và Sao Kim kết hợp với nhau để tạo thành ngôi sao sáng nhất mà mọi người từng thấy,” Larson nói.

Đó là vào giữa tháng 6 năm thứ 2 TCN – một lần nữa gần với sao Regulus trong chòm sao Sư Tử. Cuối cùng, Larson theo dõi tất cả để đưa ra kết luận rằng đó là vào ngày 25 tháng 12 năm thứ 2 TCN.

“Tất nhiên, những người thời đó không sử dụng lịch của chúng ta ngày nay – bạn biết đấy, ngày 25 tháng 12 chẳng có ý nghĩa gì đối với họ cả. Họ chưa bao giờ nghe nói về tháng 12, nhưng với chúng ta, đó có thể là một dấu hiệu và thật thú vị khi ngày 25 tháng 12 cũng là dịp để mọi người tặng quà cho nhau,” Larson chia sẻ.

Các tầng trời rao truyền sự vinh hiển của Đức Chúa Trời

Với kính thiên văn ngày nay, sự hùng vĩ của bầu trời có thể được nhìn thấy rõ hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, ngay cả bằng mắt thường, tác giả thi thiên cũng đã tuyên bố “Các tầng trời rao truyền sự vinh hiển của Đức Chúa Trời.”

Làm thế nào người có thể viết ra được như vậy? Ngôi sao Bethlehem có thể là một ví dụ trong việc loan báo về sự giáng sinh của Đấng Mê-si? Hay đây chỉ là một thể loại chiêm tinh vớ vẩn?

“Kinh Thánh chống lại thuật chiêm tinh. Mấy chuyện như xem sao xem tướng, cho rằng các vì sao có thể sắp đặt cuộc đời của bạn, dẫn dắt bạn hay bất cứ điều gì tương tự như vậy – bạn có biết đó là một tội chết người trong Cựu Ước không?” Larson nói.

Nhưng Kinh Thánh cũng nói rằng Đức Chúa Trời đặt các dấu hiệu trên bầu trời. Có lẽ Ngôi sao Bethlehem giống như một nhiệt kế báo hiệu thời điểm trọng đại đã gần kề.

“Nhiệt kế có thể cho bạn biết nhiệt đột của một thứ gì đó là nóng hay lạnh nhưng nó không thể làm bạn nóng hoặc lạnh – bởi vì nó không phải là một tác nhân có thể gây ảnh hưởng. Các ngôi sao cũng như vậy. Theo Kinh Thánh, chúng có thể cho bạn biết mọi thứ; chúng có thể là dấu hiệu từ một quyền năng từ Chúa trên cao. Nhưng chúng không thể khiến bạn làm bất cứ điều gì, chúng chỉ là những quả cầu đang bốc cháy thôi, bạn biết đấy,”  Larson nói.

Người La Mã đã nghĩ rằng ngôi sao đó là chỉ về họ — Tuy nhiên, nó lại loan báo sự đến của Vua trên muôn vua

Tất nhiên, người La Mã được biết là đã cai trị khắp nơi trên thế giới vào thời điểm đó, và họ nghĩ rằng ngôi sao là chỉ về họ và họ thậm chí còn đặt ngôi sao trên một trong những đồng tiền của mình cùng với hình ảnh của Caesar Augustus, điều này cho thấy một ngôi sao có thể tạo ấn tượng như thế nào. Nhưng đó là ngôi sao của Đế-chế La Mã chứ không phải ngôi sao Bethlehem. Và đó có lẽ là điều đã khiến các nhà thông thái chọn đi đến Y-sơ-ra-ên.

Trong khi phàm nhân Augustus đã chết từ lâu trong lịch sử, Chúa Giê-xu thì vẫn được hàng triệu người trên khắp thế giới tôn thờ cho đến ngày nay như là An-pha và Ô-mê-ga, là Khởi Nguyên và Kết Thúc, là Đấng Hằng Hữu, Đấng đã tạo ra các tầng trời và các vì sao để làm dấu chỉ sự đến của chính Ngài – Đấng đã nói rằng một ngày nào đó Ngài cũng sẽ trở lại.

Vì vậy, các nhà thông thái đã lên đường đến kinh đô của người Do Thái, thành Giê-ru-sa-lem để tìm vị vua mới được sinh ra này, và người Do Thái đã chỉ họ đến Bethlehem, một nơi mà đã được Kinh Thánh nói tiên tri rằng một vị vua sẽ được sinh ra ở đây. Phần tiếp theo của câu chuyện đã được ghi chép lại và trở thành lịch sử.

Dịch: Eunice Tu

Nguồn: cbn.com

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like