Home Lời Chứng Sơ Lược Tiểu Sử: Mục sư Thomas Stebbins – Tôn Thất Bình (1933-2018) – Phần 1

Sơ Lược Tiểu Sử: Mục sư Thomas Stebbins – Tôn Thất Bình (1933-2018) – Phần 1

by Ban Biên Tập
30 đọc

Theo tin từ Florida, Mục sư Thomas Stebbins (Tôn Thất Bình) đã về với Chúa vào sáng ngày 15/2/2018 tại Florida, Hoa Kỳ.  Tang lễ được cử hành vào lúc 2:00 chiều ngày 20/2/2018 tại Alliance Community Chapel.  Địa chỉ 600 S. Florida Avenue tại DeLand, Florida, 32720.  Thư Viện Tin Lành xin giới thiệu với bạn đọc một ít về tiểu sử của Mục sư Thomas Stebbins.

Mục sư Thomas Hartman Stebbins sinh ngày 19/5/1933 tại Huế, Việt Nam; và  về với Chúa vào ngày 15/2/2018 tại Florida, Hoa Kỳ.

Gia Đình

Mục sư Thomas Stebbins là con trai út của ông bà  Irving R. Stebbins.  Cha của Mục sư Thomas Stebbins là Irving Randolph Stebbins và mẹ của ông là Mary Jones Hartman.   Mục sư và bà Irving R. Stebbins  là những giáo sĩ tiên phong của Hội Truyền Giáo Phúc Âm Liên Hiệp (Christian and Missionary Alliance) tại Việt Nam. Hai người đến hầu việc Chúa tại Việt Nam vào năm 1918, lúc đó cả hai còn độc thân.  Sau một một năm quen biết trong khi cùng tập sự hầu việc Chúa, Giáo sĩ Irving R. Stebbins ngỏ lời cầu hôn với Giáo sĩ Mary J. Hartman tại Đà Nẵng, và được nhận lời.  Sau đó, hai người đã thành hôn với nhau.

Ông bà  Irving R. Stebbins sanh được 7 người con là Harriette, Ruth, Robert, Betty, George , Anne, và Thomas, tất cả đều sinh tại Việt Nam.  Ngoại trừ một con trai phải phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ khi Đệ Nhị Thế Chiến diễn ra, sáu người con còn lại của ông bà  Irving R. Stebbins về sau đã trở thành giáo sĩ, hầu việc Chúa tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Thomas Stebbins và các anh chị. Thomas là cậu bé nhỏ nhất.

Tên Việt Nam

Vì Mục sư Thomas Stebbins sinh tại Huế, và tên Thomas Stebbins của ông phát âm giống với chữ Tôn Thất Bình trong tiếng Việt; hơn nữa những người tin Chúa được Chúa gọi là con của Đức Chúa Trời và được kể vào dòng hoàng tộc, cho nên trong những năm về sau Mục sư Thomas Stebbins đã chọn tên Việt Nam của mình là Tôn Thất Bình.

Thời Thơ Ấu

Vào thời gian đó, các giáo sĩ sau khi hầu việc Chúa 5 năm tại khu vực truyền giáo, họ được về nước một năm để nghỉ ngơi, thăm viếng gia đình, đi làm chứng vận động để nhận được sự cầu nguyện và hổ trợ cho nhiệm kỳ 5 năm kế tiếp.  Năm 1936, Giáo sĩ và bà  Irving R. Stebbins về Hoa Kỳ nghỉ phép.  Đây là lần đầu tiên cậu bé Thomas Stebbins được thấy Hoa Kỳ, quê hương của cha mẹ mình.

Năm 1937, gia đình Giáo sĩ Irving R. Stebbins trở lại Việt Nam, tiếp tục hầu việc Chúa tại Huế.  Trước khi trở lại Việt Nam, những người thân yêu trong gia đình của Giáo sĩ Irving R. Stebbins đã gom tiền để mua tặng ông bà một chiếc xe Ford mới sản xuất năm 1937 để mang về Việt Nam.  Năm 1938, những người bạn của Giáo sĩ Irving R. Stebbins đã gởi tặng một số vật liệu và phụ tùng để ráp được một căn nhà di động do xe Ford kéo để Giáo sĩ Irving R. Stebbins có thể chở nhiều người đi đến những vùng quê lo công việc Chúa.  Tin tức về căn nhà di động đã được báo vào hoàng cung.  Hoàng đế Bảo Đại đã cho mời Giáo sĩ Irving R. Stebbins mang xe đến để tham quan.  Cậu bé Thomas Stebbins được cha cho đi theo, và cậu bé hãnh diện vì được bắt tay với Hoàng đế Việt Nam.

Nhà di động tại cung điện Huế

Đến 6 tuổi (1939), như các anh chị của mình và con của những  giáo sĩ khác đang hầu việc Chúa tại Việt Nam vào lúc đó, cậu bé Thomas Stebbins được gởi đến học tại trường dành cho các con của giáo sĩ tại  Đà Lạt.   Khi đó tại Việt Nam chưa có trường dạy trẻ em bằng tiếng Anh, cho nên Hội Truyền Giáo đã thành lập một trường học tại Đà Lạt để dạy cho các con của những  giáo sĩ tại Việt Nam và trong vùng Đông Nam Á.  Sau năm 1975, trường này di chuyển sang Malaysia và tiếp tục hoạt động với tên là Dalat International School.  Các em được gởi đến trường học bốn tháng, sau đó về thăm cha mẹ một thời gian, rồi quay lại học tiếp bốn tháng. Cậu bé Thomas  Stebbins  đã học tại Trường Đà Lạt gần ba năm.

Thomas Stebbins (hàng đầu tiên, góc dưới bên phải) trong lớp học tại Trường Đà Lạt

Trong khoảng thời gian đó, Đệ Nhị Thế Chiến diễn ra tại nhiều nơi trên thế giới. Năm 1941, quân Nhật bắt đầu xâm chiếm Việt Nam.  Gia đình giáo sĩ  Irving R. Stebbins  vì có nhiều con còn nhỏ nên được Hội Truyền Giáo khuyên cần di tản khỏi Việt Nam trước khi những diễn biến xấu hơn có thể xảy ra.  Cuối tháng 10 năm 1941, cậu bé Thomas  Stebbins, lúc đó được 9 tuổi, cùng gia đình xuống tàu rời Sài Gòn sang Philippines.  Ngày 7/12/1941, quân đội Nhật tấn công Trân Châu Cảng và nước Nhật  tuyên chiến với Hoa Kỳ.  Tất cả những giáo sĩ ngoại quốc còn ở Việt Nam sau đó đã bị quân Nhật quản thúc trong trại giam tại Mỹ Tho.

Giữa tháng 11 năm 1941, gia đình Giáo sĩ  Irving R. Stebbins về đến San Francisco.  Sau đó, cả gia đình lái xe xuyên nước Mỹ trở về New York để sống tại cư xá dành cho các giáo sĩ tại Nyack.  Thomas Stebbins bắt đầu học lớp ba tại Liberty Elementary School, ở Nyack, New York.

Tiếp Nhận Chúa

Vào mùa hè năm 1942, trong năm đầu tiên ở tại Nyack, cậu bé Thomas Stebbins được mẹ dẫn đến tham dự các buổi nhóm bồi linh do Đại Học Nyack tổ chức.  Cuối mỗi giờ giảng, Merv Roselle, diễn giả của chương trình bồi linh vào lúc đó, thường kêu gọi người nghe bước  lên tin nhận Chúa.  Bà Irving R. Stebbins  thường hỏi Thomas Stebbins rằng con có muốn tiến lên để tiếp nhận Đức Chúa Jesus Christ làm Cứu Chúa của mình hay không. Cậu bé Thomas Stebbins đã nhiều lần thoái thác và trả lời rằng con đã làm điều đó rồi.  Tuy nhiên, trong đêm chót, diễn giả đã kể lại câu chuyện có một cậu bé khi đi mua hoa cho mẹ, gặp tai nạn bất ngờ bị xe lửa cán chết.  Điều đáng buồn là cậu bé đã nhiều lần trì hoãn trong việc tiếp nhận Đấng Christ làm Cứu Chúa của mình.  Câu chuyện dường như nói đúng với tâm trạng của Thomas Stebbins vào lúc đó.  Khi trở về nhà, cậu bé Thomas Stebbins trăn trở không thể nào ngủ được.  Giữa khuya, cậu bé đã gõ cửa phòng, xin mẹ cầu nguyện cho mình để tin nhận Chúa.

(Còn tiếp)

 

Nguồn: thuvientinlanh.org

Ảnh: youtube.com

Bình Luận:

You may also like