“Tôi nghiện cảm giác lúc nhìn thấy nụ cười của những đứa trẻ đang chiến đấu với ung thư”, mục sư Erik Rees nói. Đây là câu nói gợi lại lời nói của Rick Warren: “Tôi nghiện cảm giác được nhìn thấy những cuộc đời thay đổi”.
Hành trình 5 năm của ông Erik từ một nhân sự tại một trong những hội thánh lớn nhất nước Mỹ đến việc lãnh đạo một tổ chức nhằm giúp đỡ bệnh nhi ung thư khởi đầu bằng một tin xấu vào hồi tháng 3/2011. Cô con gái sắp tròn 12 tuổi của ông, Jessie bị ung thư não. Tại thời điểm đó, mục sư Rees đang phục vụ tại Saddleback Church và nhanh chóng trở thành một người ảnh hưởng lớn tại đây.
Trong 10 tháng và 2 ngày tiếp đó, Erik và Stacey Rees – cùng với 2 người con gái khác – đã giúp đỡ Jessie vượt qua trận chiến sống còn này. Họ nhanh chóng cho Jessie điều trị xạ trị và hóa trị. Jessie là bệnh nhân ngoại trú nên họ đưa đón cô bé đến bệnh viện mỗi tuần. Khi đang trên đường đưa Jessie đến bệnh viện cho lần điều trị thứ 3, cô bé đã hỏi bố mẹ rằng khi nào những đứa trẻ khác được về nhà.
“Chúng tôi đã nói với Jessie rằng có những đứa trẻ khác đang chiến đấu với những căn bệnh ung thư khác. Một số phải ở bệnh viện nhiều ngày, nhiều tháng hoặc không may mắn, những bệnh nhi bạch cầu có thể phải ở lại cả năm”, ông Erik kể lại.
Và từ đó, câu hỏi của Jessie từ băng ghế sau đã thay đổi cuộc sống của cả gia đình.
“Làm thế nào chúng ta có thể giúp các bạn ấy?”, Jessie hỏi.
Khi về đến nhà, Jessie đã lấy một số túi giấy đựng bữa trưa và bắt đầu trang trí với những hình vẽ xinh xắn và viết những lời khích lệ lên túi như “Hãy khỏe lại” và “Hãy giữ niềm tin”. Cô bé muốn bỏ những con búp bê của cô vào túi và tặng cho những đứa trẻ ở bệnh viện.
Cũng vào cuối tuần đó, mục vụ mang tên JoyJars ra đời. Tên đệm của Jessie là Joy và những chiếc bình (jars) được dùng để đặt tên cho mục vụ này. Màu sắc sặc sỡ với những món đổ chơi nhỏ bên trong, những chiếc bình của Jessie không phải để chữa bệnh ung thư nhưng để giúp đẩy lùi triệu chứng tuyệt vọng của căn bệnh này.
“Thành thật mà nói, mọi điều cô bé muốn làm, chúng tôi sẽ thực hiện bởi vì tôi biết đồng hồ đã hẹn giờ. Nếu cô bé muốn mang đồ chơi cho những đứa trẻ khác, tôi sẽ tìm cách để làm, giống như những cha mẹ khác”.
Khi một người bạn khích lệ cô bé “không bao giờ bỏ cuộc”, Jessie lấy đó làm phương châm và nó trở thành cụm từ mà cô tặng cho những đứa trẻ khác khi cô bé phát tặng JoyJar.
Trong vài tháng tiếp theo, Jessie và bạn bè của cô bé đã tặng khoảng 3,000 phần quà JoyJar. Trong cuốn sách Never Give Up (không bao giờ bỏ cuộc) mà mục sư Erik viết lại câu chuyện của Jessie, ông thừa nhận rằng nỗ lực JoyJar ban đầu là cách để xóa ung thư khỏi tâm trí Jessie và cho cô bé một điều tích cực để tập trung vào, nhưng ông sau đó ông nhận ra cả gia đình được lợi ích từ hành động này.
Ngày 5/1/2012, Jessie “trở về Thiên Đường”. Hơn 9,000 người đã tham dự lễ tưởng niệm của cô bé tại Saddleback Church. Sau 10 tháng dồn hết sức lực cho Jessie, Erik và Stacey cùng 2 người con gái – J.T và Shayla – ngồi lại thảo luận về những điều sắp tới, liệu họ nên tiếp tục nỗ lực của Jessie hay đặt dấu kết thúc cho giai đoạn này trong cuộc đời họ.
“Phương châm của Jessie là không bao giờ, không bao giờ bỏ cuộc. Làm sao chúng ta có thể?”, Shayla hỏi
Với di sản của Jessie trong tim, gia đình Rees cam kết thực hiện mơ ước giúp đỡ mọi trẻ em mắc bệnh ung thư của con gái bé bỏng. Jessie Rees Foundation (JRF) được thành lập và đã có được mối quan hệ hợp tác với hơn 250 bệnh viện nhi trên khắp thế giới. Họ đã gửi tặng hơn 123,000 phần quà JoyJar tới các bệnh nhi tại Mỹ và 30 quốc gia khác.
Khi trẻ được nhận một phần quà, gia đình trẻ có cơ hội đăng kí với JRF để nhận được sự hỗ trợ. Nếu gia đình đồng ý, JRF sẽ tiếp cận toàn bộ gia đình, từ đứa trẻ bị ung thư, cha mẹ tới anh chị em bằng liều thuốc hi vọng, niềm vui và tình yêu. Liều thuốc đó có thể là bất cứ điều gì, từ một tấm bưu thiếp, một phần quà Joyjar, hộp đồ chơi cho anh chị em của trẻ.
“Chúng tôi cố gắng để cả gia đình biết rằng họ không đơn độc và chúng tôi quan tâm đến họ, và chúng tôi cổ vũ họ không được bỏ cuộc”, mục sư Rees nói.
Vân Anh