Home Quốc Tế Hội Thánh Nhóm Lại Mỗi Ngày Tại Hàn Quốc Và Tấm Lòng Cầu Nguyện Cho Triều Tiên

Hội Thánh Nhóm Lại Mỗi Ngày Tại Hàn Quốc Và Tấm Lòng Cầu Nguyện Cho Triều Tiên

by Ban Biên Tập
30 đọc

Với hội thánh Myungsung tại Seoul, Hàn Quốc, việc nhóm lại thờ phượng và cầu nguyện mỗi tuần một lần là không đủ để đáp ứng nhu cầu của hàng trăm ngàn thành viên. Hoạt động này của hội thánh Myungsung được diễn ra mỗi ngày trong suốt 35 năm qua.

Vào một buổi sáng sớm tại Seoul, người ta dễ bắt gặp hình ảnh dòng người với hàng ngàn tín hữu đổ ra đường đi ngược hướng với một dòng người khác đang ùn ùn kéo vào nhà thờ sau khi phải chờ đợi dưới thời tiết đầy lạnh lẽo.

Khi tín hiệu được đưa ra cũng là lúc dòng người bên ngoài đổ vào nhà thờ lấp kín những khoảng trống, đâu đó cũng có rất nhiều người vội vã chạy nhanh để kịp dự giờ nhóm.

Thờ phượng mỗi ngày

Nhà thờ Myungsung mỗi ngày đều tổ chức 4 buổi cầu nguyện sáng sớm. “Cơ đốc nhân không thể sống thiếu đức tin và cầu nguyện, dù chỉ một giây phút. Tôi tin rằng lời nguyện cầu mỗi sáng là phước lành Chúa ban cho chúng ta. Chính vì thế, tôi vui mừng vì sự nhóm họp này, cho dù nhà thờ ở khá xa và mất nhiều thời gian để đến đây”, một thành viên lớn tuổi tên Seon Gyoo Kim nói.

Gần đây, hội thánh này đã tổ chức lễ kỷ niệm 35 năm thành lập. Rất nhiều lãnh đạo hội thánh trên khắp thế giới đã tề tựu về Seoul cho lễ kỷ niệm kéo dài một tuần.

Kể từ khi mục sư Samhwan Kim thành lập hội thánh này vào năm 1980, nhà thờ này đã chứng kiến sự tham gia thờ phượng của hơn 120.000 thành viên. Mục sư Samhwan Kim chia sẻ rằng chìa khoá của sự thành công này chính là nhờ vào tấm lòng cam kết đối với sự cầu nguyện và sự trung thành với những lẽ phải mang tính lịch sử của Cơ đốc giáo.

1

“Sức mạnh của hội thánh đến từ Phúc Âm trong Kinh Thánh và từ truyền thống chúng ta được thừa hưởng từ cha ông. Nếu chúng ta giữ gìn những giá trị đó, thế giới sẽ đi theo chúng ta và chúng ta sẽ dẫn đầu kỷ nguyên này”, mục sư Kim nói.

Cho đến tận ngày hôm nay, mục sư Kim đã bước qua độ tuổi 70 nhưng vẫn luôn khoẻ mạnh để dẫn dắt hai ca cầu nguyện mỗi sáng.

Hội thánh Myungsung là nhà thờ trưởng lão lớn nhất trên thế giới. Hội thánh này đã gây dựng nên 24 hội thánh nhỏ khác và hỗ trợ hơn 500 nhà truyền giáo tại 63 quốc gia trên thế giới. Hội thánh Chúa tại đây cũng góp phần to lớn trong việc hỗ trợ chỗ ở cho trẻ em, bệnh viện và các hoạt động xã hội.

Mục sư Kim chia sẻ rằng chính sự cầu nguyện đã làm cho những mục vụ tại hội thánh của ông được trở thành hiện thực. Ông và hội thánh tin rằng nếu thật lòng cầu xin, Chúa cũng sẽ làm điều tương tự, thậm chí ở những nơi bắt bớ tàn bạo như Bắc Triều Tiên.

Hiệp nhất trong cầu nguyện

“Triều Tiên đang ngập tràn trong sự tuyệt vọng, nhưng cùng lúc đó cũng là thời điểm đầy hi vọng trong Đấng Christ”, mục sư Kim nói. “Isaiah 9 chép rằng, ‘Dân đi trong nơi tối tăm đã thấy sự sáng lớn; và sự sáng đã chiếu trên những kẻ ở xứ thuộc về bóng của sự chết’”.

“Tôi tin rằng sẽ đến lúc Phúc Âm đến với họ. Chúng ta cần cầu nguyện để Chúa cứu lấy Triều Tiên. Chúa sẽ làm việc trên họ thông qua sự cầu nguyện của chúng ta. Ngài sẽ đem lại sự tự do cho vùng đất này và làm những điều diệu kì để mở đường ngay trong nơi hoang mạc”, mục sư Kim nói.

Mục sư Samhwan Kim.

Mục sư Samhwan Kim.

Nam và Bắc Triều Tiên đã bị chia cắt suốt 65 năm qua. Kể từ đó, Hàn Quốc trở thành một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất trên thế giới trong khi người anh em lại trở nên vô cùng thù địch và lạc hậu.

Tại hội thánh Myunsung, các thành viên coi vấn đề chia cắt là một nan đề vô cùng quan trọng trong mỗi lời cầu nguyện của mình. Ngay tại nhà thờ này cũng có một nhóm người tị nạn đến từ Triều Tiên. Mặc cho đã được tự do nhưng họ vẫn bị ám ảnh bởi chế độ thống trị tàn bạo ở phía bên kia biên giới.

“Chúng tôi thường xuyên gặp ác mộng rằng mình bị đưa về Triều Tiên. Mỗi khi thức dậy vào buổi sáng, tôi cảm thấy sự tự do nhưng nó cũng đi kèm một ý nghĩ đau buồn về gia đình mình, những người đang phải sống ở phía bên kia biên giới, thiếu mất sự tự do”, một người tị nạn tên Wonjoon Sung cho biết.

Mặc dù những người tị nạn này chỉ được biết đến Chúa sau khi trốn thoát khỏi Triều Tiên nhưng họ cũng đã chứng kiến nhiều cảnh tượng bắt bớ đối với Cơ đốc nhân tại đây.

“Tại miền bắc, Cơ đốc nhân bị cô lập và tra tấn. Họ bị tách ra và ngay lập tức gửi đến những nơi như trại tập trung”, một người trốn thoát khác tên Hyejin Lim chia sẻ.

Gieo mầm Phúc Âm theo con đường đơn lẻ

Cho đến nay, hội thánh Chúa tại Triều Tiên vẫn đang không ngừng phát triển. Một người phụ nữ tên Yunsun Lee kể lại rằng có nhiều người Triều Tiên đến Trung Quốc và được biết đến Phúc Âm bởi các nhà truyền giáo ở khu vực biên giới. Mặc dù phải đối mặt với nguy cơ bị giam giữ hoặc thậm chí bị giết, nhiều người trong số đó vẫn quay trở lại quê nhà tìm cách rao giảng Tin Lành.

“Sau khi họ quay trở lại miền bắc, họ truyền giáo cho nhiều người khác, tiến hành với từng người một trong các tầng hầm. Sau đó, những thành viên mới đem gia đình hay bạn bè của mình đến”, bà Yunsun nói. “Bằng cách này, Phúc Âm được rao ra trong bí mật. Nếu điều này bị lộ ra ngoài, cả gia đình đó sẽ bị sát hại. Các hội thánh tại đây phải hoạt động dưới tầng hầm bí mật, nhưng họ vẫn rất năng động”.

Trong lúc đó, những thành viên đã tìm thấy an toàn tại miền Nam không ngừng khóc thương kêu cầu Chúa cho người thân của mình tại miền Bắc. Họ không ngừng tin rằng chính lời nguyện cầu của mình sẽ là chìa khoá để Chúa cứu lấy những người thân và đồng bào phía bên kia biên giới.

“Tôi thật sự cầu nguyện rằng Phúc Âm Chúa sẽ vào được đất Triều Tiên để người dân nơi đây có thể sống nhưng những người tự do. Mỗi người đều có quyền tự do, nhưng tại nơi đây, quyền căn bản đó bị tước bỏ”, bà Woonjun Lee nói. “Tôi tha thiết cầu nguyện rằng Chúa sẽ để ân phước này đến được với người dân Triều Tiên”.

Cơ đốc nhân Hàn Quốc cùng cầu nguyện cho Triều Tiên trong một buổi cầu nguyện hồi năm 2012.

Cơ đốc nhân Hàn Quốc cùng cầu nguyện cho Triều Tiên trong một buổi cầu nguyện hồi năm 2012.

Nguồn CharismaNews

Bình Luận:

You may also like