Máy bay của hãng hàng không Cebu Airline cất cánh lúc 1 giờ sáng ngày 27/12/2013, đến sân bay Manila sau hơn 2.5 giờ bay. Chúng tôi chuyển qua nhà ga nội địa, chờ 7 tiếng chuyển sang máy bay Air Asia để đi Tacloban. Phòng chờ nhỏ và thấp, hàng trăm khách ngồi san sát nhau, các khách đi chuyến Tacloban có lẽ hầu hết là ở tỉnh Leyte vì hành lý xách tay rất nhiều mà đa phần là thực phẩm khô.
Sân bay Tacloban là một doi đất nằm nhô ra biển nên cũng bị thiệt hại nặng. Mái tôn nhà ga đã được lợp lại nhưng trần nhà, nhiều vách tường, khu vệ sinh và các công trình xung quanh nhà ga chính vẫn còn đổ nát, những cây lớn trốc gốc, ngã đổ được cưa thành đoạn ngắn vẫn chưa được dọn dẹp. Các vách kiếng của phòng chờ đã bay mất, người ta lấy bạt nhựa che tạm một phần. Người bán hàng rong ở ngoài vẫn có thể vén tấm bạt nhựa để bán đồ ăn cho các khách đã xong thủ túc hàng không vào phòng chờ ra máy bay!
Trên đường từ sân bay vào thành phố và khu dân cư khác, nhà cửa gần như sụp đổ hoàn toàn, hàng chục ngàn căn nhà tại các khu dân cư dọc biển cũng như nằm sâu hai ba cây số trong đất liền giờ tan hoang, chỉ còn lại những đống rác, đống xà bần gạch vụn, đống gỗ cũ vụn nát, những đống tôn, sắt trông như những bãi đồng nát ở khắp nơi… Nhiều ngôi nhà trống hoát chỉ còn những bức vách hay cột bê-tông nằm chơi vơi, những khung sườn nhà bằng sắt xiêu vẹo nằm trơ trọi giữa mưa nắng…
Tại một khu dân cư ven biển, trước đây là làng chài đông đúc, hàng ngày nhộn nhịp thuyền bè ra khơi đánh cá và trở về, những thuyền buôn cá và các tiệm bán dụng cụ cho ngành ngư nghiệp như lưới, phao nhựa, dây thừng… và hàng trăm quán xá kinh doanh khác thì nay không còn nữa. Không còn bất cứ chiếc thuyền nào vì tất cả hàng ngàn thuyền bè đã bị gió bão và sóng thần nhận chìm, cuốn đi mất không thể tìm được sau trận bão và sóng thần ngày 8/11/2013 vừa qua. Tại khu dân cư dọc biển hiện nay chỉ còn chỏng chơ những bãi cọc gỗ mà trước đây là các trụ đỡ của hàng ngàn căn nhà, cứ tưởng như một bãi cọc để gia cố đất bờ biển vậy! Một vài gia đình đang cố gắng dựng lại những căn nhà tạm để trú mưa nắng, nhưng chỉ là số rất ít trong hàng ngàn gia đình sống trong làng này.
Chúng tôi gặp một chị còn trẻ đang bồng đứa con nhỏ trên tay. Gia đình của chị có mẹ đã bị chết trong trận bão và sóng thần, các con nhỏ may mắn vẫn còn sống sót. Cả nhà không còn gì để ăn, mọi vật dụng trong nhà đều bị gió bão và nước cuốn đi hết. Những người sống sót là nhờ bám vào những khúc gỗ, trôi giạt hàng giờ, bị sóng nước đưa lên phía đường lộ. Rất nhiều người chạy ẩn mình tại Trung Tâm Tổ Chức Sự Kiện của thành phố cách đó chừng 500m, tưởng có thể an toàn vì tòa nhà lớn có ba tầng, nhưng chỉ những người lên tầng 2 và tầng 3 mới sống sót được. Hơn 1.000 người ở tầng trệt bị chết khi sóng nước ập vào, tràn lên đến trần nhà! Thật là khủng khiếp. Nước tràn lên quá nhanh, những người đến sau không thể chạy lên tầng trên kịp, hàng trăm người dồn lại tại chân cầu thang, chỉ trong vòng mấy phút, sóng thần ập đến đã nhận chìm tất cả!
Trung Tâm Tổ Chức Sự Kiện này hiện vẫn là một trong những điểm tạm cư của hàng trăm gia đình sống chen chúc bên trong. Còn ngoài sân vườn là những lều bạt do UNICEF và UNHCR lập nên, cũng có nhiều gia đình dùng bạt nhựa hay tôn cũ dựng lều tạm để tạm cư. Người sống phải sống tại nơi hơn 1.000 người bị chết chỉ mới gần hai tháng trước đây. Lúc này là mùa mưa, nước đọng vũng chung quanh các lều bạt, điều kiện sinh sống thật rất khó khăn. Điện và nước sinh hoạt hoàn toàn chưa có tại Tacloban và các nơi khác.
Không thể tưởng tượng được cảnh bão và sóng thần tàn phá nếu không nhìn tận mắt. Xe chạy trên nhiều tuyến đường mà tuyến nào chúng tôi cũng thấy nhà cửa, trường học, nhà thờ, bệnh viện, cơ xưởng… bị tan hoang và đổ nát. Những đống rác khắp nơi là một phần còn lại của những khu nhà trước đây. Những dãy phố nằm sâu trong đất liền thì đỡ hơn, nhưng cũng có nhiều nhà cửa bị sụp đổ và hư hại nặng.
Thành viên của Ủy Ban đến thăm làng chài Barangay 60 – Barangay là đơn vị hành chính tương đương với cấp phường xã ở Việt Nam.
Thành phố Tacloban có 138 Barangay
Sân bay tại Tacloban nằm gần biển bị trận bão đánh sập phải ngưng hoạt động, nay đã tạm hoạt động trở lại nhưng vẫn còn hư hỏng
Làng chài ven biển giờ chỉ còn chỏng chơ những cây cọc, phía bên trên là nhưng ngôi nhà kiên cố hơn cũng bị tàn phá hoàn toàn.
Một vài khu vực người ta dựng lên những ngôi nhà tạm để trú mưa nắng
Khu vực này người dân phải đi vào các lều tạm để sinh sống
Nhà ven biển gần như thiệt hại hoàn toàn, người dân không biết bao giờ mới trở lại sinh sống trên ngôi nhà cũ
Nhiều người quay về làng để tìm những gì còn lại trong đống đổ nát
Bà cụ thẫn thờ trước nền nhà cũ vì trải qua cú sốc mất mát quá lớn đối với bà
Trung tâm tổ chức sự kiện của thành phố Tacloban giờ là nơi tạm trú của hàng trăm người. Khi trận lũ xẩy ra, có hơn 1.000 người bị chết khi vào đây để tránh bão vì những cơn sóng thần đã đưa những cột nước cao đến tầng 2
Một khu chợ cá ven biển bị tàn phá không thể sử dụng được nữa
Nhà máy làm bằng sắt cũng trở thành đống sắt vụn
Ngôi nhà xây kiên cố cũng chỉ còn lại khung bê-tông
Khu vực quanh cảng biển trong thành phố Tacloban cũng bị san bằng
Tài sản quý giá của các gia đình cũng trở thành phế liệu
Một chiếc tàu sắt lớn có đề chữ CEBU, là tên một thành phố trên đảo Cebu cách Tacloban chừng 1 giờ bay, còn nếu đi bằng tàu thì khoảng 6 tiếng. Chiếc tàu sắt này bị sóng đánh dạt và đưa từ biển lên tới ven đường cách mé biển hàng trăm mét. Không biết người ta sẽ đưa nó xuống nước trở lại bằng cách nào, vì chung quanh quanh là nhà cửa ngổn ngang.
Một chiếc thuyền lớn bị sóng đánh dạt vào bờ, ngay nơi sinh sống của nhiều gia đình, người ta đã làm nhà tạm ở xung quanh.
Khu vực nhà ở xa biển nhưng vẫn bị bão đánh sập
Rất nhiều khu vực nhà sụp, hệ thống ông nước cũ vẫn còn và bị hư hỏng làm nước chảy ra đường
Người dân mừng Giáng Sinh 2013 xung quanh một ngôi sao lớn xung quanh là những ngôi nhà sụp đổ
Một ngôi trường học có hàng ngàn người chạy vào trú, trong chốc lát nước tràn vào,
sóng đánh tung cả mái nhà làm hơn 400 người chết.
Kế bên là ngôi mộ tập thể trước sân nhà thờ chôn hơn 400 người này.
Tại Barangay này vẫn còn hơn 100 người khác chưa tìm thấy xác
Tại một khu dân cư khác ở về phía nam thành phố Tacloban. Trong sân trước của khuôn viên nhà thờ Công giáo là khu mộ lập vội để chôn hơn 400 người bị chết trong trận bão và sóng thần vừa qua. Người dân tại khu này đã chạy trốn bão trong ngôi trường kế bên. Gió của siêu bão Hải Yến trong phút chốc cuốn bay mái tôn, rồi nước của sóng thần tràn đến, hơn 400 người bị chìm ngập và chết trong nước, chỉ có số ít người may mắn còn sống sót. Những ngôi mộ là vun đất nhỏ, tấm bia mộ là tấm gỗ, tôn cũ…viết vội tên người quá cố. Có những người tuổi năm mươi, bảy mươi, có những trẻ em năm ba tuổi, có những tấm bia có tên 1 người, hai người, năm người trong một gia đình…tất cả có chung một điểm: ngày qua đời là 8/11/2013!
Một người đàn ông tuổi trung niên gầy ốm với nước da ngăm đang ngồi bên ngôi mộ của gia đình ông. Khuôn mặt buồn thảm trầm ngâm. Chúng tôi đếm có 12 tên người thân của ông được viết trên tấm bảng. Ông chỉ cho biết tên của vợ ông, của những đứa con, anh chị em…. Trong tích tắc, 12 người thân yêu của ông chết chìm trong nước trong khi nhà của ông cách bờ biển hàng trăm mét. Căn nhà của ông cũng bi gió bão làm sụp đổ và nước cuốn hết tất cả, chẳng còn lại bất kỳ vật dụng gì. Hiện ông phải ở tạm nhà người bà con. Làm sao ông có thể ổn định lại cuộc sống sau biến cố tang thương này? Và làm sao ông có thể ổn định lại tinh thần nghĩ đến chuyện làm gì để sinh sống và làm sao để lại có căn nhà? Suốt gần 2 tháng qua ngày nào ông cũng đến ngồi bên cạnh ngôi mộ thắp nến tưởng nhớ những người đã khuất. Yên lặng nhìn hàng tên trên tấm bia mộ đơn sơ, tâm thần ông như đang chơi vơi nơi nào…. Ông xúc động khi chúng tôi ôm ông và tặng một chút quà để an ủi. Chúng tôi chia sẻ với ông nếu các người thân của ông tin nơi Chúa thì một ngày nào đó ông sẽ còn gặp lại họ trên thiên đàng. Những người thân của ông đã đến đó trước và đang chờ ông. Chúa vẫn yêu thương ông, dù hoàn cảnh nào đi nữa cũng hãy tin cậy nơi Ngài.
Bên cạnh ngôi mộ tập thể 12 người này chúng tôi xoay qua vài bước là một ngôi mộ tập thể khác, trên bia mộ bằng ván ép có một danh sách dài hơn. Chúng tôi đếm từ trên xuống, tất cả 22 tên được viết bằng tay trong hai cột. Một người đàn ông khác cũng độ tuổi trung niên đang đứng tiếp chuyện vài người quay lại nói chuyện với chúng tôi. Gia đình anh có 22 người bị chết trong trận siêu bão Hải Yến. Ông chỉ tên người vợ rồi lần lượt đến các con, cháu nội ngoại, anh chị em… đã bị chết. Chúng tôi không biết dùng lời nào để an ủi anh được vì sự đau thương không thể tả này. Ai có thể tưởng tượng trong phút chốc một gia đình đã mất đi 22 người! Mới trước đó vài giờ họ vẫn còn nói chuyện, cùng lo cách tránh bão, tưởng đã được an toàn khi cả nhà cùng chạy đến ẩn núp trong ngôi trường chắc chắn. Chỉ trong vài giờ từ 8 giờ sáng ngày 8/11, mọi sự xảy đến không ai ngờ. Họ bị chết giữa ban ngày, người này thấy người kia hoảng loạn ngụp lặn trong sóng nước dữ dội cuốn chìm….
Ngôi mộ tập thể trước nhà thờ Công giáo
Một người đàn ông mất đi 12 người thân gồm vợ, con, cháu.
Trời vừa tối, mưa và gió nhẹ. Nhiều ngọn nến được thắp lên bên các ngôi mộ khi màn đêm bắt đầu bủa vây. Những ngọn nến heo hắt trong gió, những người còn lại yên lặng ngồi tưởng nhớ những người thân yêu của mình, ngày này qua ngày khác…không biết bao giờ mới được nguôi ngoai. Cú sốc lớn trong cuộc đời mỗi người là khi có người thân ra đi một cách bất ngờ, khi hãy còn lành mạnh, khi cùng đang sinh hoạt, cùng đang xây đắp cho tương lai, và mức độ sốc tăng lên bội phần khi mà cùng một lúc có nhiều người thân bị chết trước mắt mình mà không thể cứu được. Thật quá sức chịu đựng của con người. Sự thiệt hại vật chất có thể phục hồi trong một thời gian nào đó, nhưng những chấn động tâm lý thì rất lâu, thật rất lâu về sau mới có thể phục hồi, có nhiều người bị trầm cảm mãi mãi không thể qua khỏi được.
Mỗi ngày ông ra đây ngồi nhiều giờ để cầu nguyện và tưởng nhớ người thân của mình
Chiều tối, nhiều người khác cũng đến khu một tập thể để đốt nến, tưởng nhớ người thân.
Một số gia đình tự dựng lều tạm cho mình vì họ không muốn di chuyển đi nơi khác
Siêu bão Hải Yến kèm với sóng thần trong hai ngày 8.11.2013 đã gây thiệt hại rất lớn trên một diện rộng hơn 300km của các tỉnh Cebu, Leyte, Samar, Negros, Panay, Palawan. Nhiều nơi sóng dâng cao tràn vào tới 7km sâu trong đất liền làm hơn 500.000 nhà cửa sụp đổ, 10 triệu người phải sơ tán, 3,5 triệu người trở thành vô gia cư, khoảng 8.000 người chết, hơn 1.000 người mất tích, toàn bộ nền kinh tế hầu như ngưng trệ. Hai tháng sau, nơi chúng tôi đến là thành phố Tacloban với cảnh tan hoang, nhưng còn nhiều thành phố khác cũng bị tình trạng tương tự. Nhiều người Việt đã đến Palawan là đảo ở phía Tây của Philippines, tức gần với Việt Nam hơn, để sinh sống. Bão Hải Yến cũng đã tràn qua đây với sức gió tuy không mạnh nhưng cũng gây thảm cảnh khủng khiếp cho hàng chục ngàn gia đình. Tại đây cũng có nhiều nhà cửa đổ nát hoàn toàn, nhiều người bị thương và chết, thuyền bè bị chìm, mọi hoạt động của người dân đều bị đình trệ. Trong hai tháng qua, hàng triệu người tại những khu vực bị bão và sóng thần chỉ có một mối lo là làm sao để sống sót và vượt qua cú sốc quá lớn này.
Các tổ chức cứu tế của Liên Hiệp Quốc, tổ chức phi chính phủ (NGO) và chính quyền địa phương đang tích cực cung cấp lương thực, thuốc men, quần áo… để giúp cho hơn 3.5 triệu người vừa bị mất nhà cửa không bị chết đói. Nhiều lều bạt, nhà gỗ tạm đã và đang được dựng nên để người dân có chỗ trú tạm trong 6 tháng tới. Nhưng những nhu cầu lớn của họ như làm sao có lại nhà để ở, có việc làm cho người lao động, khởi động lại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, mua lại thuyền bè, ngư cụ để phục hồi hàng trăm làng chài… vẫn còn là vấn đề nan giải và dài lâu cho chính phủ và các tổ chức từ thiện. Phải mất hàng chục năm mới có thể xây dựng lại các nền tảng hạ tầng kinh tế và nhà cửa để có cuộc sống như trước khi bị bão.
Hàng ngàn lều tạm của Cao Ủy Liên Hiệp Quốc dựng lên cho người dân ở tạm
Bệnh viện dã chiến và trung tâm cứu hộ của Unicef
Ngày 28.12.2013, chúng tôi có dịp đi thăm một số nhà thờ Tin Lành của Hội Thánh C&MA (Hội Truyền Giáo Phúc Âm Liên Hiệp), còn gọi là CAMACOP. Các giáo sĩ của Hội C&MA đã đến Philippines vào khoảng năm 1901. Cho đến nay có khoảng 50.000 tín hữu trong chừng 3.000 Chi hội lớn nhỏ. Ở Tacloban chỉ có ba Chi hội mới được thành lập vài năm với số tín hữu mỗi nơi 70-80 người. Nơi nhóm lại là nhà của các Mục sư, những căn nhà nhỏ dành một phòng cho sinh hoạt thờ phượng mỗi sáng Chúa nhật. Philippines là một quốc gia phần đông là Công giáo La-mã. Việc mở mang Hội Thánh Tin lành không hề đơn giản.
CAMACOP cũng đang nỗ lực trong công tác cứu trợ. Một số tổ chức như CAMA SERVICES và các Hội Thánh Hàn Quốc đã gửi thực phẩm gồm gạo, mì gói và thùng lọc nước. Một số tôn lợp mái và ván ép được mua từ Mindanao chở bằng tàu đến Tacloban. Chương trình của Hội Thánh C&MA ở đây mới chỉ có thể làm 46 căn nhà cho tín hữu của Hội Thánh bằng gỗ dừa, mái tôn, vách ván ép, mỗi căn 20m2 với chi phí khoảng 600 đô Mỹ/căn. Hiện đã làm được 26 căn, còn 20 căn đang được thực hiện. Loại nhà này chỉ ở tạm trong vài năm rồi phải làm lại vì chỉ dùng vật liệu nhẹ, không chịu được nước lâu dài. Các Mục sư ở đây cũng mong ước mở rộng sự giúp đỡ ra cộng đồng với tổng số 200 căn.
Một nhà thờ của Hội Thánh C&MA (CAMACOP) tại Tacloban
Một nhà thờ khác của C&MA bị sụp hoàn toàn, đang được dựng tạm lại để nhóm
Khu vực nhà tạm được nhà nước dựng lên. Mỗi hộ chỉ được 1 phòng nhỏ 6m2. Không có hệ thống nước và nhà vệ sinh
Ngoài công tác cứu trợ cho tín hữu, CAMACOP đang có gánh nặng là vận động tài chánh để xây lại 11 nhà thờ bị tàn phá hoàn toàn bởi trận bão cũng như giúp cho các tín hữu xây lại nhà ở. Trợ lý của Hội trưởng CAMACOP cho hay Hội Thánh đang cầu nguyện và vận động để có được 250.000USD (5 tỷ đồng VN) để giải quyết các nhu cầu căn bản trên, nhưng hiện nay chỉ mới được 1/5.
Ủy Ban YTXH – TLH ước ao có được sự dâng góp rộng rãi từ các Hội Thánh trong nước, các con cái Chúa và ân nhân để giúp xây lại một số nhà, mua sắm ngư cụ và các phương tiện làm kinh tế gia đình cho một số gia đình con cái Chúa và người dân Philippines. Nhu cầu thì mênh mông, nhưng một sự góp phần cụ thể dù nhỏ bé bao giờ cũng có ích hơn là chỉ suy nghĩ và cảm thương trong lòng.
Đây là cơ hội để các con cái Chúa của HTTL Việt Nam chúng ta bày tỏ tình thương với anh chị em trong Chúa tại Philippines cũng như nhiều người dân Philippines khác. Những năm trước, khi nước ta gặp thiên tai lớn, nhiều Hội Thánh và tổ chức từ thiện trên thế giới trong đó có Philippines đã tích cực giúp đỡ Hội Thánh chúng ta. Chúng tôi đã gặp rất nhiều lãnh đạo và nhân viên các tổ chức từ thiện là người Philippines đến Việt Nam thăm, tận tình đóng góp cho công tác cứu trợ khẩn cấp và cứu trợ phục hồi. Nay chúng ta cần mở rộng bàn tay nhân ái của mình để an ủi và hỗ trợ việc cứu giúp họ trong cơn khốn khó này.
Đây là lúc mà Lời Chúa đang khích lệ chúng ta hãy nói theo gương Hội Thánh tại Ma-xê-đoan: “Vì trong khi bị hoạn nạn thử thách ngặt nghèo thì lòng họ đầy tràn vui mừng và lúc họ nghèo khổ cùng cực thì thì tấm lòng giàu có rộng rãi càng dư dật….không những họ đã tự nguyện quyên góp theo khả năng, nhưng còn vượt khả năng nữa. Họ tha thiết nài nỉ chúng tôi làm ơn cho họ dự phần cứu trợ các thánh đồ…” ( IICôr 8:2-3)
“Hãy làm việc thiện rộng rãi…để nhờ thế mà nhiều người tạ ơn Đức Chúa Trời” ( II Côr 9:11)
Một mục sư của C&MA đang kiểm tra hàng cứu trợ giúp cho đồng bào
Hàng cứu trợ để dành cho thời gian tới, vì họ không biết đến bao giờ con cái Chúa mới có thể tự kiếm sống được
Theo Hoithanhtinlanhvietnam.org
Bài vở cộng tác và góp ý xin gởi về tintuc@hoithanh.com