Chúng tôi ao ước rằng thông qua việc học biết những khó khăn, gian khổ của 100 năm hình thành và phát triển của Tin Lành trên đất nước, mỗi chúng ta càng biết ơn Chúa về sự gìn giữ, chở che của Ngài. Và mỗi người phải ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc góp phần phát triển Hội Thánh và phục hưng dân tộc Việt Nam trong tương lai.
Mời quí vị theo dõi kỳ cuối cùng của chuyên đề: “100 năm Tin Lành đến Việt Nam”.
Ðất nước Thống nhất sau 1975 nhưng Giáo Hội Tin Lành vẫn chưa thống nhất. Tổng Hội Miền Bắc có tư cách pháp nhân nhưng chỉ được hoạt động trên Miền Bắc và bị hạn chế rất nhiều. Tổng Liên Hội Miền Nam cũng chỉ được hoạt động từ Quảng Trị đến Cà Mau. Như vậy đất nước thống nhất nhưng Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (C&MA) vẫn có hai Giáo Hội khác biệt.
Về công tác huấn luyện và đào tạo, năm 2003, Thánh Kinh Thần học viện được cho phép tổ chức với 50 sinh viên. Đến năm 2009, Viện tuyển sinh năm thứ Tư: 115 sinh viên với 26 thuộc sắc tộc miền Nam và 15 sinh viên miền Bắc. Các khóa Thần Học Bổ Túc đáp ứng nhu cầu người lãnh đạo Hội Thánh Miền Nam (tốt nghiệp trở thành Mục Sư Nhiệm chức) đã hoàn tất 600 vị. Hội thánh đang xúc tiến hoàn tất Thần Học Viện tại Sài Gòn. Lớp Thần Học Tại chức khóa 2 bắt đầu từ Tháng Ba 2009 gồm 60 học viên từ dân tộc Hmong, Sán Chỉ và Tà Pẻng học tại Hà-nội. Đây là những lớp đào tạo giảng sư nhiệm chức cho 130 hội thánh mới được công nhận
Lễ khai giảng khóa thứ 3, năm 2009 của Thần học viên Hội Thánh TLVNMN
Viện thần học tạm thời mượn lầu 4 Hội thánh Sài Gòn
Thần học viện ở Quận 2, TP.HCM đang được xây mới
Lớp thần học tại chức tại Hà Nội
Lớp học Kinh thánh tại chức của người H’mong năm 2008
Ngoài Tổng Hội Tin Lành Miền Bắc và Tổng Liên Hội Tin Lành Miền Nam (C&MA) được công nhận và có tư cách pháp nhân, Tháng Chín năm 2007 nhà nước công nhận thêm: Hội Thánh Cơ Ðốc Truyền Giáo (WEC). Giáo phái này có 21000 tín hữu nhóm họp trong 200 địa điểm, đa số là người sắc tộc.
Ở Việt Nam hiện nay có khoảng 53 hệ phái tư gia khác đang hoạt động. Các Hội Thánh tư gia hầu hết chỉ được phép đăng ký hợp pháp hóa (Cho phéo hoạt động nhưng chưa có tư cách pháp nhân). Năm 2007 chỉ có 35% Hội Thánh Tư Gia được cấp giấy phép. Miền Tây Bắc, trong số 1200 điểm nhóm, năm 2009 nhà nước mới công nhận 13. Tháng 10 năm 2007, một số Hội Thánh Tư Gia Việt Nam được đăng ký tòan quốc gồm:
- HT Liên Hữu Cơ Ðốc (MS Ðinh Thiên Tứ)
- HT Mennonite (MS Nguyễn Quang Trung)
- HT Trưởng Lão (MS Nha)
- HT Báp Tít Ân Ðiển (MS Lê Quốc Chánh)
- HT Báp Tít Việt Nam (MS NguyễnThông).
Cho đến hiện nay, có thêm Hội thánh Bap-tit Việt Nam đã có tư cách pháp nhân. Hội thánh Liên Hữu Cơ đốc đã tổ chức kỳ Đại hội đồng chính thức lần đầu tiên vào cuối tháng 9 vừa qua. Sắp tới đây sẽ là kỳ Hội đồng của Hội thánh Ngũ Tuần…
Hiện tại, Hội Thánh Tin Lành Miền Nam là giáo hội lớn nhất với khoảng 1 triệu tín đồ. Hội Thánh Tin Lành Miền Nam hiện vẫn yêu cầu nhà nước hoàn trả hằng trăm cơ sở của Giáo Hội mà nhà nước chiếm dụng từ sau 1975, nhưng chưa được đáp ứng. Hiện nay “điểm nhóm” là hình thức chiến lược để phát triển Hội Thánh Miền Nam. Ðiểm nhóm khi được phép hoạt động, sẽ dần trở thành chi hội của Hội Thánh. Các nhà thờ đô thị mở cửa tổ chức truyền giảng hằng tuần, số tín hữu gia tăng nhiều. Ngày 3-6 tháng 3 năm 2009, Hội đồng 45 của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (Miền Nam) đã diễn ra tại câu lạc bộ thể thao Nguyễn Du, thành phố Hồ Chí Minh. Đây là kỳ hội đồng diễn ra ở một địa điểm bên ngoài nhà thờ. Hội đồng đã bầu ra Ban Trị Sự Tổng Liên Hội nhiệm kỳ 2009 – 2013 gồm 23 vị như sau:
Thường trực Tổng Liên Hội
HỘI TRUỞNG: MS Thái Phước Trường
PHÓ HỘI TRUỞNG thứ I: MS Phan Vĩnh Cự
PHÓ HỘI TRUỞNG thứ II: MS Ngô văn Bửu
TỔNG THƯ KÝ: MS Lê Cao Quý
PHÓ TỔNG THƯ KÝ: MS Phan Quang Thiệu
THỦ QUỸ: MS Nguyễn Hữu Bình
PHÓ TỔNG THỦ QUỸ: MS Nguyễn Ngọc Thuận
16 ỦY VIÊN gồm:
Nữ TĐ Trần Thị Liễu, MS Điểu Huynh, MS Siu Y Kim, MS Y Ky Êban, MS Phan Ân, MS Trần Thế Thiên Phước, MS Trần Công Chánh, MS Trương văn Ngành, MS Phan văn Cử, MS Ramah Loan, MS Lưu Tự An, MS Lê Hoàng Phúc, MS Nguyễn Xuân Sanh, MS Bùi Phụng, MS Châu văn Sáng, MS Nguyễn Văn Ngọc.
Hội Thánh Tin Lành miền Bắc dầu được Nhà nước công nhận và có tư cách pháp nhân từ rất sớm (1963) nhưng đến nay vẫn rất chậm phát triển. Trong những năm gần đây, số đồng bào sắc tộc trở lại tin nhận Chúa mỗi lúc một đông (nhất là người H’mông và Dao) thông qua nhiều phương cách truyền giáo khác nhau, đặc biệt là qua rađio.
Ngày 23-25 tháng 2 năm 2009, Đại Hội Đồng Lần Thứ 33 của Tổng Hội Hội Thánh Tin Lành Miền Bắc đã được tổ chức tại Nhà thờ Tin Lành Hoành Nhị, Nam Định quy tụ 250 đại biểu. Trong số này có 130 đại biểu người sắc tộc Hmong và Dao. Ngày 24 tháng Hai, 2009 Tổng hội Miền Bắc tổ chức lễ phong chức cho 9 Mục Sư.
Ban Thường Vụ Tổng Hội HTTL Miền Bắc nhiệm kỳ 2009-2013
Hội Trưởng: Mục Sư Nguyễn Hữu Mạc
Phó Hội Trưởng: Mục Sư Phùng Quang Huyến
Tổng Thư Ký: Mục sư Bùi Văn Sản
Tổng Thủ Quỹ: Mục sư Nguyễn Đức Đồng
Ủy viên thường trực: Mục sư Hoàng Đức Luân
Trong những năm gần đây, Nhà nước bắt đầu tạo điều kiện để Hội thánh tổ chức nhiều chương trình truyền giảng lớn ở nơi công cộng, bắt đầu tại Sân vận động Phú Thọ, Tao Đàn và sắp tới Hội Thánh đang hy vọng ở những sân vận động lớn hơn tầm cỡ quốc gia. Chính sách về Tin Lành bắt đầu có những chuyển biến tích cực hơn…
Tổng Thống Bush, Hoa Kỳ đến thăm Việt Nam và gặp gỡ với các Lãnh đạo Tin lành Miền Bắc
Đại hội Đồng HTTLVN lần thứ 45
Mục sư Nguyễn Hữu Mạc, Hội trưởng HTTL Miền Bắc dự Đại Hội Đồng của TLH HTTLVN Miền Nam
Cuộc truyền giảng lịch sử của Liên hệ phái các Hội thánh Tin Lành Phục sinh 2009 tại Sân Vận Động Tao Đàn, TP.HCM
Bức tranh Tin lành Việt Nam hiện nay thực sự rất rộng lớn và nhiều mảng khác nhau. Chúng tôi xin hẹn độc giả một dịp khác với những chuyên đề nghiên cứu sâu sắc và chi tiết hơn về Hội thánh hiện nay. Rất mong quí tôi tớ Chúa, quí học giả và tất cả quí vị cùng cầu nguyện và đóng góp cho công việc này.
Hội Thánh Việt Nam ngày hôm nay cũng đang đứng trước nhiều cơ hội mới. Một lớp trẻ nhiệt huyết và giàu khả năng, ân tứ đã được dấy lên rất đông đảo. Tinh thần hiệp một giữa hai miền đang trở nên gần hơn. Cùng với đó, các Hội thánh đang trở nên gần gũi nhau hơn trước thềm sự kiện 100 năm Tin Lành Việt Nam. Với những điều kiện mở về truyền thông, điều kiện xã hội… cùng nhiều điều kiện khác, hơn bao giờ hết người Tin Lành phải tỉnh táo, tận hiến và đứng sát gần nhau để đưa Hội thánh Chúa đến chỗ phấn hưng, sẽ có thêm hàng triệu triệu đồng bào được cứu rỗi.
Tác giả: Nguyễn Sinh
Biên tập: Lê Tuấn – Linh Ân
Hết
Bài vở, tin tức cộng tác với HoiThanh.Com xin quí vị gửi đến email: tintuc@hoithanh.com