Tổ chức vì trẻ em World Vision đang kêu gọi sự góp mặt của nhiều nhà từ thiện đến với sự kiện nhân đạo Oslo Humanitarian Conference với chủ đề xoay quanh cuộc khủng hoảng tại Nigeria và khu vực hồ Chad để tìm ra phương hướng giúp đỡ 8 triệu trẻ em đang sinh sống nơi đây.
Khoảng 2.4 triệu người bị mất đi nhà cửa vì nạn bạo lực và xung đột, họ mắc kẹt ở những địa điểm khó tiếp cận. Hơn 1.2 triệu trong số đó là trẻ em.
World Vision cho biết những em nhỏ bị kẹt lại khả năng cao bị ép đi lính, trở thành nạn nhân lạm dụng tình dục hoặc vướng vào hôn nhân dưới độ tuổi.
“Đây là một cuộc khủng hoảng của những đứa trẻ bị lãng quên. Trẻ em không chỉ phải hứng chịu các tội ác kinh khủng, rất nhiều trong số đó còn phải đối mặt với những hậu quả do đói khát và bệnh tật đem lại”, Kathryn Taetzsch, giám đốc khu vực của World Vision chia sẻ.
“Nhiều trẻ em chịu đựng tổn thương và cần đến hỗ trợ tâm lý cũng như vật lý. Chúng tôi đặc biệt lo lắng cho những em bị mắc kẹt giữa các nhóm vũ trang, bị bắt làm con tin hoặc ép buộc tham gia chiến đấu”.
Tổng cộng khoảng 17 triệu người dọc khắp Niger, Chad, Nigeria và Cameroon chịu ảnh hưởng bởi tình trạng bạo lực kéo dài do Boko Haram cùng quân đội gây ra. Trong số những người chịu ảnh hưởng, 10.7 triệu người cần đến sự trợ giúp nhân đạo khẩn cấp.
Trong khi sự lo lắng thường dành cho các em gái hay phụ nữ vị họ thường là đối tượng bị bắt cóc tại Nigeria, các em trai cũng chịu nhiều lạm dụng hoặc bị ép buộc phải cầm súng chiến đấu.
Chỉ trong 3 năm trở lại đây, các nhóm vũ trang đã bắt cóc hơn 10.000 bé trai và huấn luyện trong các trại quân đội, làng mạc bỏ hoang hoặc khu vực rừng núi. Các em trai, đôi khi là các em gái, từ độ tuổi lên 5 đã bị đầu độc bằng bạo lực, đánh bom tự sát hoặc bắt làm gián điệp. Kể từ 2014, 86 trẻ em đã được dùng cho mục đích đánh bom tự sát, 38 vụ xảy ra trong năm ngoái.
Một cậu bé 12 tuổi, Mohamed, được World Vision hỗ trợ trong thời gian gần đây. Trước kia em từng sống với gia đình tại Nigeria trước khi bị bắt cóc bởi các tay lính Boko Haram.
“Ngày Boko Haram tấn công vào làng lần đầu tiên, em đang bán hàng ở chợ”. Sợ hãi bỏ chạy nhưng Mohamed bị bắt và đem đến khu tập trung ở trong thị trấn. Mohamed kể lại những điều kẻ bắt cóc nói: “Chúng tao sẽ dạy dỗ mày, dạy mày Kinh Quran và mày sẽ trở thành một chiến binh”.
Kể từ đó, hàng ngày Mohamed phải ghi nhớ nhiều câu trong Kinh Quran, bị đánh đập nếu đọc chậm hoặc làm việc sai ý. May mắn rằng sau đó hai tháng, cậu bé được giải cứu bởi ông của mình và hiện đang được World Vision tích cực hỗ trợ tại trại tị nạn.
“Những đứa trẻ như Mohamed sẽ tiếp tục phải trả giá cao nhất cho cuộc khủng hoảng này trừ khi những nhu cầu bảo vệ và nhân đạo của chúng được đáp ứng, cũng như tìm được một giải pháp nhanh chóng mà dài lâu cho cuộc chiến”, Kathryn Taetzsch nói.
Đi kèm với những tác động biến đổi khí hậu và sự nghèo đói tàn khốc, cuộc chiến này để lại hậu quả vô cùng to lớn. Đất đai dần khô cằn, hồ Chad cũng cạn dần. Mực nước xuống thấp, chất lượng nước cũng rất tệ, vụ mùa nghèo nàn, gia súc chết dần chết mòn.
Hàng triệu người lẩn quẩn tìm kiếm nguồn thức ăn và nước uống vì nguồn thu nhập từ đánh bắt cá, nông nghiệp hay buôn bán trao đổi là rất hạn chế. “Sống sót đã gần như trở thành điều kỳ diệu”, ông Taetzsch nói. “Tương lai của thế hệ này đang trong cơn nguy cấp. Mức độ của cuộc khủng hoảng cùng với sự phản ứng chưa kịp thời của cộng đồng nhân đạo đạt đến mức độ cao chưa từng có. Nhiều thập niên của công tác nhân đạo và phát triển sẽ bị đe doạ nếu như cộng đồng toàn cầu tiếp tục nhắm mắt trước mức độ và sự nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng này”.
World Vision đã nâng cấp mức độ khẩn cấp của khu vực hồ Chad lên tương đương với báo động cấp 3 của Liên Hiệp Quốc. Tổ chức nhân đạo này đang triển khai nhiều chương trình mới ở phía tây Chad và nâng tầm can thiệp vào Đông Niger để đáp ứng nhu cầu cấp bách của khoảng 300.000 người.