Ở một vài khía cạnh, Bắc Triều Tiên có lẽ không phải là nơi quá đỗi tồi tệ đối với Cơ Đốc nhân.
Mặc dù được xếp hạng quốc gia chống lại Cơ Đốc nhân dữ dội nhất trên thế giới, đất nước Đông Á có 26 triệu dân này thực sự có một hệ thống hội thánh ngầm mạnh mẽ và họ có nhiều thông điệp đức tin mạnh mẽ dành cho anh em Cơ Đốc khắp nơi.
Trong suốt 14 năm qua, Open Doors USA luôn xếp Triều Tiên ở vị trí số một trong danh sách những quốc gia bắt bớ Phúc Âm. Gần đây nhất, trên kênh Hope 103.2, tiến sĩ Eric Foley, người đứng đầu của đài Voice of the Martyrs Korea chia sẻ về câu chuyện đức tin của anh em tín hữu tại Triều Tiên. Ông cho rằng việc miêu tả Triều Tiên là “một quốc gia với đầy dẫy hàng rào thép gai xung quanh… là một hình ảnh không chính xác”.
Foley không phủ nhận Cơ Đốc nhân nơi đây bị đối xử như khủng bố trước mặt chính quyền, Kinh Thánh, nhà thờ và các buổi cầu nguyện đều bị nghiêm cấm. Ông cũng chứng thực có không ít Cơ Đốc nhân bị xử tử hoặc nhốt trong các trại tập trung. Nhưng dù cho những mối đe doạ đến tính mạng như thế, Cơ Đốc nhân Triều Tiên vẫn rất mạnh mẽ và sáng tạo trong việc chia sẻ đức tin.
“Người Triều Tiên phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng nó không hoàn toàn đúng nếu nghĩ rằng ở đó chỉ toàn mây đen bao trùm lấy mọi dân”, ông Foley nói. “Họ cũng có niềm hân hoan, sức mạnh và hy vọng”.
Ông cho biết Cơ Đốc nhân Triều Tiên không xem quốc gia họ là nơi tồi tệ nhất trên thế giới như cách mà người nước ngoài nhìn vào họ. “Không phải bởi vì cuộc sống không khó khăn, nhưng bởi vì họ tin Đức Chúa Trời đã đến gần họ trong một cách đầy thực tế, gần đến mức phần còn lại của chúng ta khó lòng có thể tưởng tượng nổi”.
Foley cho biết ông từng nói với một nhóm Cơ Đốc nhân Triều Tiên rằng các anh em tại Mỹ đang cầu nguyện cho họ và nhận được một trả lời làm ông choáng váng.
“Các bạn cầu nguyện cho chúng tôi ư? Chúng tôi đang cầu nguyện cho các bạn đấy!”, một người nói với ông. “Đó là vấn đề với các bạn, Cơ Đốc nhân Mỹ và Cơ Đốc nhân Nam Hàn! Các bạn có quá nhiều, các bạn đặt đức tin vào tiền bạc và sự tự do. Ở Triều Tiên, chúng tôi không có tiền bạc và cũng không có tự do, nhưng chúng tôi có Đấng Christ và chúng tôi biết chỉ Ngài là đủ”.
Người này cũng cho biết họ không cầu nguyện để có được sự tự do mà người Mỹ có được bởi vì “sự tự do trong Đấng Christ là điều không thể can thiệp hay lấy đi bởi bất kỳ quyền lực nào”.
“Họ không cầu nguyện để chế độ độc tài thay đổi. Họ không cầu nguyện cho tiền tài hay sự tự do. Họ cầu nguyện nhiều thêm Đấng Christ và được phản ánh Đấng Christ nhiều hơn qua đời sống mình. Đó chính là điều chúng ta nên cầu nguyện cho chính mình”, ông Foley cho biết.