Đức Chúa Jêsus chữa lành người bệnh vào ngày Sa-bát bởi vì ý nghĩa thực của ngày Sa-bát là để người ta được yên nghỉ.
Giăng 5:10-18
10 Những người Do Thái nói với người được chữa lành: “Hôm nay là ngày sa-bát, anh không được phép vác giường.” 11 Nhưng anh ta đáp: “Người đã chữa lành cho tôi bảo tôi: ‘Hãy vác giường ngươi và đi.’ ” 12 Họ hỏi: “Ai là người bảo anh: ‘Hãy vác giường và đi’?” 13 Nhưng người được chữa lành không biết là ai, vì Đức Chúa Jêsus đã lẩn vào đám đông tại đó. 14 Sau đó, Đức Chúa Jêsus gặp người nầy trong đền thờ thì nói với anh ta: “Nầy, ngươi đã được lành bệnh rồi, đừng phạm tội nữa, e có điều càng tệ hơn xảy đến cho ngươi chăng.” 15 Người nầy đi nói với những người Do Thái rằng Đức Chúa Jêsus là người đã chữa bệnh cho mình. 16 Do đó, người Do Thái bắt bớ Đức Chúa Jêsus, vì Ngài làm những việc nầy trong ngày sa-bát. 17 Nhưng Ngài phán với họ: “Cha Ta vẫn đang làm việc cho đến bây giờ, Ta cũng làm việc như vậy.” 18 Vì thế, người Do Thái càng tìm cách giết Ngài, vì Ngài không chỉ phá luật ngày sa-bát mà còn gọi Đức Chúa Trời là Cha, tự cho mình bình đẳng với Đức Chúa Trời.
Suy ngẫm và hiểu
Đức Chúa Jêsus chữa lành người đau bệnh suốt 38 năm chính vào ngày Sa-bát. Người Do Thái thời đó tin rằng mệnh lệnh giữ ngày Sa-bát thánh tức là họ không được phép làm bất cứ việc gì vào ngày đó. Bởi vậy, họ lập tức công kích Đức Chúa Jêsus. Mặc dù vậy, Đức Chúa Jêsus phán rằng Ngài sẽ làm việc hàng ngày vì Cha Ngài cũng đang làm việc hàng ngày. Điều này càng khiến người Do Thái tức giận hơn nữa, đến mức họ toan giết Ngài. Bởi họ cho rằng, Đức Chúa Jêsus không chỉ vi phạm ngày Sa-bát mà còn phạm thượng vì dám gọi Đức Chúa Trời là Cha mình (c.10-18).
Đức Chúa Jêsus là Đấng như thế nào?
C.17 Đức Chúa Jêsus tiếp tục ban phước trên ngày Sa-bát (sự an nghỉ) thật, bất chấp sự hiểu lầm rằng Ngài đang vi phạm ngày Sa-bát. Điều này là vì mong muốn lớn nhất của Đức Chúa Cha là ban ngày Sa-bát thật cho thế giới vốn dĩ không hề có sự an nghỉ.
Ngài ban cho tôi bài học gì?
C.10-18 Công tác chữa lành của Đức Chúa Jêsus cũng là làm trọn ý nghĩa của ngày Sa-bát. Mặc dù vậy, những người Do Thái chỉ kiếm cách để giữ hình thức của ngày Sa-bát, đã bắt bớ, thậm chí mưu toan giết Đức Chúa Jêsus vì đã chữa lành vào ngày đó. Mắt họ đã quá mù lòa vì những điều chẳng phải bản chất, đến nỗi đã từ bỏ chính bản tính của Đức Chúa Trời. Nếu Hội Thánh tiếp tục gọi thành công là phước hạnh và chỉ tập chú vào những việc khiến gây tranh cạnh và phân biệt, thì không chỉ đánh mất ngày Sa-bát thật đã được làm trọn vẹn bởi Đức Chúa Jêsus, mà Hội Thánh còn có thể là nơi mà sự chết của Đức Chúa Jêsus trở nên vô nghĩa.
Tham khảo
5:14 Đức Chúa Jêsus gặp lại người này trong đền thờ, có nghĩa là khu đền thờ lớn hơn, chứ không phải là tòa nhà thực tế, ở gần nơi sự chữa lành thực sự đã xảy ra (hồ Bê-tết-đa nằm ở phía bắc của đền thờ trên núi). “Đừng phạm tội nữa” có thể ngụ ý những gì người ấy từng chịu đựng là do tội lỗi, không hàm ý rằng mọi đau khổ là do tội lỗi cá nhân.
5:16 Những người Do Thái chống đối Đức Chúa Jêsus đã đem truyền thống tôn giáo đơn thuần của con người đặt trên tình yêu chân thật cùng lòng thương xót đối với người lân cận, điều Cựu Ước phán truyền (ví dụ, Lê-vi Ký 19:18) và Đức Chúa Jêsus là gương mẫu. Chính Đức Chúa Jêsus, chứ không phải những người Do Thái này, đã thực sự vâng phục theo Kinh Thánh.
Cầu nguyện: Thưa Chúa, chúng con tin rằng chỉ có thể tìm thấy sự an nghỉ thật trong Ngài. Xin giúp chúng con nhận lãnh cách tốt lành và vui hưởng món quà của sự an nghỉ.
Đọc Kinh Thánh trong năm: Xuất Ai Cập Ký 1-4