Ga-la-ti 5:1-15 1 Đấng Christ đã giải phóng để chúng ta được tự do. Vậy hãy đứng vững, đừng đặt mình dưới ách nô lệ một lần nữa. 2 Tôi, Phao-lô, nói với anh em rằng nếu anh em phải chịu cắt bì thì Đấng Christ không ích gì cho anh em cả. 3 Tôi lại xác quyết với tất cả những ai chịu cắt bì rằng họ buộc phải tuân giữ toàn bộ luật pháp. 4 Anh em nào muốn được xưng công chính bởi luật pháp thì đã lìa khỏi Đấng Christ, đánh mất ân điển rồi. 5 Còn chúng ta thì bởi đức tin và nhờ Thánh Linh mà trông đợi niềm hi vọng về sự công chính. 6 Vì trong Đấng Christ Jêsus, điều có giá trị không phải là cắt bì hay không cắt bì, nhưng là đức tin thể hiện qua tình yêu thương. 7 Anh em đang chạy giỏi như thế mà ai đã ngăn trở anh em vâng phục chân lý? 8 Sự xúi giục đó hẳn không đến từ Đấng gọi anh em. 9 Một ít men làm dậy cả đống bột. 10 Trong Chúa, tôi tin chắc rằng anh em sẽ không suy nghĩ khác với tôi; nhưng kẻ quấy rối anh em, bất kể là ai, sẽ phải bị hình phạt. 11 Thưa anh em, về phần tôi, nếu tôi còn rao giảng việc cắt bì thì tại sao tôi vẫn bị bắt bớ? Nếu đúng như thế, thập tự giá đâu còn là chướng ngại nữa. 12 Ước gì những kẻ gây rối cho anh em tự cắt mình đi là hơn! 13 Thưa anh em, anh em đã được gọi để hưởng tự do; chỉ có điều là đừng dùng tự do ấy như một cơ hội để sống cho xác thịt, nhưng hãy lấy lòng yêu thương mà phục vụ nhau. 14 Vì cả luật pháp được tóm tắt trong một lời nầy: “Ngươi hãy yêu người lân cận như mình.” 15 Nhưng nếu anh em cứ cắn nuốt nhau thì hãy coi chừng, kẻo anh em tiêu diệt lẫn nhau. |
Suy ngẫm |
C.1-4 Nếu một Cơ-đốc nhân lựa chọn được cắt bì và phụ thuộc vào luật pháp, dù rằng Chúa Jêsus Christ đã giải phóng tất cả những tín đồ, thì cũng chẳng khác gì sự chối bỏ Đấng Christ. C.5-6 Phép cắt bì hay bất kỳ một quy định nào khác của luật không có quyền làm cho Cơ-đốc nhân được công chính. Các Cơ-đốc nhân chỉ có thể được công chính qua đức tin, mà Đức Thánh Linh ban cho họ. C.7-12 Phao-lô khuyên người Ga-la-ti hãy quăng đi những giáo sư giả, những người đem đến sự bối rối cho hội thánh và hãy chạy bằng đức tin của người tự do. Ngoài ra, mặc dù họ có sự tự do, để sự tự do này không trở nên buông tuồng, Phao-lô khuyên rằng họ hãy khiêm nhường phục vụ lẫn nhau. |
Ngài ban cho tôi bài học gì? |
Mặc dù chúng ta không được cứu bởi việc làm của luật pháp, song những người được cứu có công việc của đức tin, điều được bày tỏ bằng tình yêu thương trong đời sống của họ. Đức tin của bạn nơi Đức Chúa Trời được thể hiện trong đời sống hằng ngày của bạn như thế nào? |
Cầu nguyện: Xin hãy giúp con không bị sa vào sự dạy dỗ chối bỏ ân điển của Đấng Christ và xin hãy giúp con đứng vững trong chân lý của Tin lành. Đọc Kinh Thánh Trong Năm: Ê-xơ-tê 1-3 |
nô lệ
Ga-la-ti 4:1-11
1 Tôi muốn nói rằng bao lâu người thừa kế còn thơ ấu, dù làm chủ toàn bộ tài sản, thì cũng không khác gì một nô lệ. 2 Người ấy còn phải ở dưới quyền của những người giám hộ và quản gia cho đến thời hạn mà người cha đã định. 3 Chúng ta cũng vậy, khi còn thơ ấu, chúng ta làm nô lệ cho các thần sơ đẳng trong thế gian.4 Nhưng khi kỳ hạn đã được trọn, Đức Chúa Trời sai Con Ngài đến, do một người nữ sinh ra, sinh ra dưới luật pháp, 5 để chuộc những người ở dưới luật pháp, và nhờ đó chúng ta được nhận làm con nuôi của Ngài. 6 Vì anh em là con, nên Đức Chúa Trời đã sai Thánh Linh của Con Ngài ngự vào lòng chúng ta kêu lên: “A-ba! Cha!” 7 Như vậy nhờ ơn Đức Chúa Trời, anh em không còn là nô lệ nữa mà là con; và nếu là con, thì anh em cũng là người thừa kế.
8 Trước kia, khi chưa biết Đức Chúa Trời, anh em làm nô lệ cho các thần vốn không phải là thần. 9 Nhưng bây giờ anh em đã nhận biết Đức Chúa Trời, hay đúng hơn là đã được Đức Chúa Trời biết đến, thì sao anh em còn trở lại với các thứ thần linh hèn yếu, nghèo nàn đó? Anh em muốn trở lại làm nô lệ cho chúng sao? 10 Anh em hãy còn giữ ngày, giữ tháng, giữ mùa, giữ năm! 11 Tôi lo ngại cho anh em, e rằng tôi đã lao nhọc vô ích vì anh em.
Suy ngẫm:
C.1-7 Trong thời của Phao-lô, luật La-mã nói rõ dù là một người là con một người chủ (hoặc một người thừa kế), nếu người ấy chưa đủ tuổi, anh ta phải ở dưới sự chăm sóc của quản gia. Người con này chỉ có thể trở thành người thừa kế, khi anh ta đủ tuổi mà người cha đã định. Phao-lô dùng thực tế này như một ví dụ và sử dụng “người quản gia” (người giám hộ) và ‘đến thời hạn mà người cha đã định’ là một phép ẩn dụ cho “luật pháp” và “sự đến của Chúa Jêsus”. Nói cách khác, khi đến thời điểm mà Đức Chúa Trời đã định, Ngài đã sai Chúa Jêsus xuống để giải thoát các con cái, là những người đang ở dưới quyền giám hộ của luật pháp và phục hồi địa vị là người thừa kế của mình
C.4 Khi kì hạn đã được trọn . Đức Chúa Trời sai Con Ngài vào đúng thời điểm trong lịch sử nhân loại, sự giám sát để cung ứng của Đức Chúa trời đối với các sự kiện trên thế giới đã hướng dẫn và chuẩn bị các dân tộc và các nước cho sự nhập thể và chức vụ của Đấng Christ và cho sự rao giảng Tin lành.
C.5 Hình ảnh sự nhận của Phao-lô có lẽ được lấy từ trong Cựu Ước khái niệm Đức Chúa Trời gọi dân Y-sơ-ra-ên là “con” của Ngài và so sánh điều này với khái niệm của người La-mã trong việc nhận một người con (thường thì là một người trưởng thành rồi) để lập người ấy làm người thừa kế toàn bộ tài sản của gia đình.
Ngài ban cho tôi bài học gì?
Khi người Ga-la-ti đã kinh nghiệm sự tự do của Tin lành rồi, nhưng họ cứ cố quay lại với luật pháp và thậm chí đã trở thành những nô lệ. Còn bạn thì sao? Dù bạn có thể có vẻ ngoài khác với người Ga-la-ti, thì có những thần tượng nào trong lòng bạn hay những ý nghĩ (tiền bạc, công, danh, thú vui, vv…) mà bạn phải từ bỏ sự tự do vì chúng hay không?
Cầu nguyện: Xin hãy giúp con phục vụ Ngài bằng đức tin như là con cái Ngài, hơn là một nô lệ trong nỗi sợ hãi.
Đọc Kinh Thánh Trong Năm: Nê-hê-mi 3-5
Mặc dù ít khi được nói đến, điều nầy là một sự thật mà mọi Cơ đốc nhân từng trải đều biết và là một điều mà mỗi chúng ta cần học biết để không bị đánh gục.
Nếu Satan ghét những người đã cải đạo để theo Chúa Giêxu thì chúng càng cay đắng hơn khi họ tăng trưởng thêm trong Chúa mỗi ngày. Không như nhiều người nghĩ, một đời sống đầy dẫy Đức Thánh Linh không phải là một đời sống yên bình chỉ tràn đầy niềm vui, mà thật ra là hoàn toàn ngược lại.
Satan ghét Cơ đốc nhân vì nhiều lý do. Thứ nhất là vì Đức Chúa Trời yêu chúng ta, và ai được Đức Chúa Trời yêu thì hiển nhiên là sẽ bị Satan ghét! Lý do thứ hai là, khi trở nên con cái Đức Chúa Trời, Cơ đốc nhân tạo nên một gia đình hiệp nhất với Cha và hiệp một trong đức tin.
Vì Chúa rất yêu bạn…
Thứ ba, mọi Cơ đốc nhân đều từng là nô lệ của Satan nhưng đã thoát khỏi gông xiềng của chúng, và Satan không thể bỏ qua điều đó được. Lý do thứ tư, đời sống cầu nguyện của mỗi Cơ đốc nhân là một mối đe dọa thường trực đối với vương quyền của Satan. Cơ đốc nhân là những người đã làm nên một cuộc nổi loạn thánh để thoát khỏi thế gian và đến với Đức Chúa Trời.
Satan không biết mối đe dọa của chúng sẽ đến từ hướng nào. Chúng không biết được khi nào sẽ có một Êli khác, hay một Đaniên khác được dấy lên!
Anh Vũ dịch từ Đổi mới mỗi ngày của A.W.Tozer
{chronocontact}tin_chua_online{/chronocontact}