Tổng cộng 60 người trong đại gia đình Marguerite Barankitse bị giết hại nhưng nhà hoạt động nhân đạo này vẫn quyết định tha thứ đối với những kẻ đã gây ra tội ác thay vì nuôi dưỡng sự thù hận.
Lựa chọn sự thương xót thay vì căm ghét, tình yêu to lớn đã chiến thắng sự bạo tàn giữa vòng cuộc nội chiến ở đất nước Burundi. Cuộc nội chiến từng cướp đi mạng sống của hơn 300.000 người.
Suốt khoảng thời gian 13 năm nội chiến (1993 đến 2006) nhấn chìm đất nước đông Phi này, Barankitse là người góp công lớn giúp cứu sống và nuôi dưỡng hơn 30.000 em nhỏ mồ côi.
Vào tháng 4 vừa qua, bà được nhận giải thưởng nhân đạo Aurora danh tiếng. Trong một bài phỏng vấn với ChristianPost, Barankitse cho biết mặc dù những đớn đau và kinh hoàng phải trải qua, bà vẫn không bao giờ từ bỏ hy vọng vào con người, tin rằng không có tội ác nào là không thể tha thứ.
Khi cuộc nội chiến nổ ra ở Burundi, mặc cho bao nguy hiểm và áp lực, Barankitse quyết dựng nên một trại trẻ mồ côi tên Maison Shalom, giúp đỡ và nuôi nấng trẻ em của hai nhóm người Hutu và Tutsi đang tham chiến. Từng có lần phải chứng kiến 72 người bị sát hại ngay trước mắt, nhưng điều đó vẫn không làm bà ngừng tìm cách cứu giúp người Hutu và Tutsi.
“Khi cuộc chiến bắt đầu, năm 1993, vụ diệt chủng, tôi chứng kiến nhiều điều hung ác. Thật khó khăn với tôi, bởi vì họ giết hại gia đình tôi, rất nhiều người, 60 người trong gia đình tôi”, bà nói.
Bà không hiểu tại sao người Hutu và Tutsi lại chìm đắm vào cảm giết chóc lẫn nhau kể từ khi đất nước giành được độc lập năm 1959 mặc cho phần lớn trong số họ là người theo đạo Cơ Đốc và cùng tin tưởng một Đức Chúa Trời.
Barankitse quyết định trở thành một giáo viên và nhà hoạt động nhân đạo để góp phần gây dựng hoà bình, sự thấu hiểu dân tộc tại chính đất nước mình.
“Tôi muốn thế hệ mới, cả người Hutu và Tutsi, sẽ phá vỡ vòng lẩn quẩn của bạo lực. Tôi sẽ nuôi dạy chúng với nhân phẩm và tình yêu. Khi bạn có sự kiên định, không ai có thể cản bạn. Tôi bắt đầu với một vài đứa trẻ, 25 em sống xót qua vụ thảm sát tại một ngôi nhà của vị cha xứ, và sau đó tôi tiếp tục công việc cứu giúp trẻ em suốt 10 năm nội chiến còn lại”, bà kể.
“Tôi không muốn thù hận. Tôi muốn tin vào con người. Đối với tôi, thậm chí tội phạm, họ vẫn là những người anh em, và tôi sẽ tiếp tục chỉ cho họ đâu là ánh sáng”.
Bà nhớ lại lời Chúa Giêxu nói trên thập tự, “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì”, trong Lu-ca 23:34.
Với câu Kinh Thánh này làm ánh sáng soi lối mình, Barankitse thề nguyện rao giảng Phúc Âm về sự tha thứ và tình yêu đến mọi trẻ em trên thế giới.
“Tôi dạy trẻ em cách yêu thương, cho dù chúng có là tội phạm, bởi vì tôi không ghét bỏ chúng. Tôi muôn chúng bị trừng phạt, tôi muốn phải chịu tội trước toà, chúng phải bị xử phạt, nhưng tôi không muốn chúng bị giết hại. Nếu chúng là tội phạm, sâu thẳm trong tim chúng vẫn là những con người. Với tình yêu thương, chúng ta có thể hàn gắn thế giới”, Barankitse nói.