Một tổ chức nhân quyền từ thiện tại London sẽ mở trường tiểu học miễn phí tại khu vực nghèo khó của Pakistan nhằm mang giáo dục đến với những trẻ em nơi đây, đem lại cơ hội thoát khỏi vòng nghèo đói cho thế hệ mới.
Hiệp hội Cơ Đốc Pakistan Anh Quốc (BPCA) đã tuyên bố hồi đầu tuần rằng họ đã mua đất tại thị trấn Kasur, ngoại thành Lahore và sẽ xây dựng một ngôi trường mang tên Tim Iqbal Masih, một cậu bé bị bắn chết vào năm 1995 sau khi giúp giải thoát hàng ngàn trẻ em khỏi lao động cưỡng bức.
BPCA đã cung cấp viện trợ mở rộng đến các Cơ Đốc nhân và nhiều đối tượng khác tại Kasur sau khi nhà của một số gia đình Cơ Đốc bị hư hại nghiêm trọng do lũ lụt vào năm ngoái. Họ nhận ra nhu cầu cấp thiết cho trẻ em nơi đây chính là giáo dục.
Các lò khai thác gạch trong vùng không cố tình sử dụng lao động trẻ em cho đến khi đủ 13 tuổi, nhưng do gia đình không có khả năng chi trả học phí và chăm sóc y tế, họ phải bắt con cái lao động khi còn nhỏ tuổi.
“Trường học của chúng tôi sẽ mở cửa miễn phí, nhằm đưa các hộ gia đình thoát khỏi đói nghèo bằng cách giáo dục thế hệ tiếp theo của họ”.
BPCA cho biết nhiều gia đình có trẻ em lao động đã cam kết sẽ gửi con đến trường học. Khoảng 85% số trẻ bị lao động cưỡng ép là trẻ em Cơ Đốc.
“Trường của chúng tôi sẽ chỉ phục vụ ở cấp độ tiểu học nhưng sẽ tìm cách liên kết những học sinh có năng lực đến những cơ sở giáo dục cao hơn. Chúng tôi hy vọng qua thời gian sẽ xây dựng một trường trung học ở các vùng lân cận”.
Vị trí của ngôi trường sẽ được đặt ngay gần nơi từng có một cặp vợ chồng Cơ Đốc bị thiêu sống vào tháng 11/2014. Họ bị một nhóm Hồi giáo cực đoan buộc tội báng bổ và giết hại dã man.
Ngôi trường mới sẽ được đặt theo tên của Masih bởi vì cậu bé là đại diện cho mục tiêu mà BPCA đang cố gắng hoàn thành khi xây dựng nó. Cậu bé từng nói rằng “trẻ em nên cầm bút trong tay chứ không phải là công cụ lao động”.
Masih chỉ mới 4 tuổi khi cậu bị bắt buộc lao động vì mẹ không thể trả món nợ đã mượn cho đám cưới của người con trai lớn. Masih lao động 14 giờ/ 6 ngày/ 1 tuần nhưng không bao giờ có thể trả hết số nợ đó. Năm 10 tuổi, cậu bé cùng bạn bè chạy trốn và đi đến cảnh sát với nhiều bằng chứng cho thấy bị lạm dụng và đánh đập. Tuy nhiên, cảnh sát đã trả chúng về chủ nợ.
Sau đó, Masih đã được giúp đỡ bởi một tổ chức phi lợi nhuận và được tham gia một chương trình giáo dục trong 2 năm. Cậu bé bắt đầu lên tiếng chống lại sự lạm dụng và bất công của lao động cưỡng ép và đến các nhà máy khuyến khích trẻ em khác rời khỏi vì luật mới đã cấm lao động cưỡng ép và các hình thức nô lệ hiện đại. Cậu bé được phát biểu trước Đại hội đồng LHQ khi mới 12 tuổi. Tuy nhiên, Masih bị bắt cóc và giết chết chỉ vài tuần trước khi bắt đầu học ngành luật tại Đại học Brandeis ở Boston vào năm 1995.
“Chúng tôi đã đặt tên ngôi trường theo tên Tim Iqual Masih bởi vì cuộc đời ngắn ngủi của cậu bé đã truyền cảm hứng cho chúng tôi. Cam kết giúp đỡ người khác và sự hy sinh của cậu bé là một thông điệp dành cho tất cả chúng ta”, Wilson Chowdhry, chủ tịch BPCA phát biểu. “Giải thoát khỏi những kẻ áp bức luôn phải trả giá và những người hi sinh thường bị lãng quên. Chúng tôi muốn khát vọng giải phóng các nạn nhân của cậu bé được nhớ tới”.
Vân Anh