Tháng 9 năm 1853, chiếc thuyền buồm nhỏ lặng lẽ rời bến cảng Liverpool và trên tàu là Hudson Taylor – chàng giáo sĩ 21 tuổi gương mặt gầy guộc, đôi mắt nhìn xa xăm. Anh đang hướng đến một đất nước chỉ vừa mới được biết đến trong nhận thức của giới Cơ đốc tại Âu Châu, tại đó mới chỉ có vài chục giáo sĩ thiết lập cơ sở. Tuy vậy chỉ nửa thế kỷ sau đó, lúc Hudson qua đời thì Trung Quốc đã được xem là như một cánh đồng truyền giáo màu mỡ và thách thức nhất khi hàng ngàn người tình nguyện tới đó để phục vụ.
Giáo sĩ Hudson Taylor
Vị giáo sĩ triệt để
Taylor sinh ra trong gia đình của ông bà James và Amelia Taylor – cặp vợ chồng thuộc Hội thánh Giám Lý đầy nhiệt huyết với vùng Viễn Đông xa xôi, những người đã cầu nguyện cho đứa con mới ra đời của mình: “Chúng con xin dâng đứa trẻ này, nguyện nó được làm việc cho Ngài tại Trung Quốc.” Nhiều năm sau, cậu thiếu niên Hudson được kinh nghiệm cơn sinh nở thuộc linh trong suốt thời gian cậu sấp mình cầu nguyện dốc đổ và về sau cậu viết: “ở trước Ngài với một niềm kinh ngạc không thốt nên lời và một niềm vui không thể diễn tả.” Trong những năm tháng kế tiếp, chàng trai trẻ đã gấp gáp trong công tác chuẩn bị như phát cuồng, từ việc học những nguyên tắc sử dụng thuốc căn bản, tiếng phổ thông Trung Quốc và dầm mình thêm sâu nhiệm hơn trong Kinh thánh và cầu nguyện.
Con tàu của cậu đã đến Thượng Hải, một trong năm “cổng hiệp ước” mà Trung Quốc đã mở cho những người nước ngoài sau Cuộc chiến tranh Nha Phiến lần đầu Trung Quốc với nước Anh. Gần như ngay lập tức Taylor đã làm một quyết định rất triệt để (ít nhất là đối với các giáo sĩ Tin Lành vào thời kỳ đó) đó là ông đã quyết định ăn vận như người Trung Quốc và để tóc đuôi sam (như những người đàn ông Trung Quốc). Những bạn hữu Tin Lành của ông hoặc tỏ thái độ nghi ngại hoặc chỉ trích.
Về phần Taylor, ông không hài lòng với hầu hết các giáo sĩ mình gặp. Ông tin rằng họ “thế gian” và dành quá nhiều thời gian với những thương nhân Anh Quốc và những chính khách – những người họ cần cho công việc dịch thuật của mình. Thay vào đó, Taylor muốn đức tin Cơ đốc được đưa vào nội địa Trung Quốc. Vì vậy, chỉ sau vài tháng đặt chân đến trong khi ngôn ngữ vẫn còn là một thách thức thì Taylor, cùng với Joseph Edkins đã tiến vào vùng nội địa, xuống thuyền xuôi theo dòng sông Hoàng Phố để phân phát Kinh thánh và chứng đạo đơn.
Khi Hiệp hội Truyền bá Phúc Âm Trung Quốc – tổ chức hỗ trợ cho Taylor không còn đủ khả năng để trả lương cho các giáo sĩ vào năm 1857, Taylor đã xin rút khỏi tổ chức và trở thành một giáo sĩ độc lập, tin cậy rằng Đức Chúa Trời sẽ cung ứng cho những nhu cầu của ông. Cũng trong năm đó, ông kết hôn với Maria Dyer – con gái của một giáo sĩ có cơ sở tại Trung Quốc. Ông tiếp tục tuôn đổ chính mình cho công việc và Hội thánh nhỏ ông lập tại Ninh Ba tăng trưởng lên 21 thành viên. Nhưng vào năm 1861, ông đã bị ốm rất nặng (có lẽ do bệnh viêm gan) và đã buộc phải trở lại nước Anh để hồi phục.
Tại Anh, Taylor – người giáo sĩ với tấm lòng trăn trở vẫn tiếp tục dịch Kinh thánh sang tiếng Trung Quốc (một công việc ông đã bắt đầu hồi còn ở Trung Quốc), học cách trở thành người đỡ đẻ và tuyển thêm nhiều giáo sĩ. Trở ngại đó là dường như tại nước Anh người ta ít hứng thú với Trung Quốc, ông viết: “Những nhu cầu và tuyên bố thuộc linh của Trung Quốc.” Trong một phần của bản tuyên bố này ông đã trách: “Liệu có thể nào Cơ đốc nhân Anh Quốc ngồi yên vị khoanh tay trước ngực trong khi số đông người [tại Trung Quốc] đang hư mất – hư mất vì thiếu hiểu biết – vì thiếu hiểu biết mà nước Anh đang quá giàu có.”
Taylor tin quyết rằng cần phải có một tổ chức đặc biệt để truyền giáo nội địa Trung Quốc. Ông đã lên kế hoạch tuyển lựa 24 giáo sĩ: hai người cho mỗi một tỉnh chưa được chạm tới trong số 11 tỉnh chưa được chạm tới vùng nội địa và hai người cho Mông Cổ. Đó là một kế hoạch tầm cỡ hẳn sẽ khiến cho những người tuyển mộ kỳ cựu cũng phải bở hơi tai: kế hoạch này sẽ làm gia tăng 25% số lượng giáo sĩ cho Trung Quốc.
Chính Taylor cũng chịu suy nhược trong sự lo ngại: Ông lo lắng về việc sai phái những người nam, người nữ vào trong vùng nội địa mà không có sự bảo vệ; nhưng cùng lúc ấy ông cũng đau đáu về hàng triệu người Trung Quốc đang chết dần mà không có hi vọng từ Phúc Âm. Vào năm 1865 ông viết trong cuốn nhật ký của mình: “Khoảng hai hay ba tháng, một tranh đấu không ngừng nghỉ… Tôi đã nghĩ mình mất trí mất rồi.” Một người bạn mời ông đến vùng duyên hải phía nam nước Anh, tới Brighton để nghỉ một khoảng thời gian. Và chính tại đó, trong lúc đi dọc bờ biển, nỗi u ám trong Taylor đã tan biến:
“Tại đó Chúa đã thắng hơn lòng vô tín của tôi và tôi đầu phục bản thân trước Ngài trong công việc này. Tôi nói với Chúa rằng mọi trách nhiệm cũng như từng vấn đề và hậu quả phải được yên nghỉ trong Ngài, như một đầy tớ của Chúa thì phần của tôi là vâng lời và đi theo Ngài.”
Sứ mạng mới của ông, điều mà ông gọi là Hội Truyền Giáo Nội Địa Trung Quốc (CIM) có một số nét đặc trưng bao gồm cả điều này: các giáo sĩ của Hội sẽ không được đảm bảo về tiền lương hoặc không được kêu gọi hỗ trợ tiền bạc; họ đơn giản phải tin cậy Đức Chúa Trời sẽ đáp ứng mọi nhu cầu của họ; hơn thế nữa, các giáo sĩ của Hội sẽ phải mặc như người Trung Quốc và sau đó hết sức truyền Phúc Âm vào trong nội địa Trung Quốc.
Chỉ trong một năm đột phá của mình, Taylor, vợ và bốn đứa con cùng 16 vị giáo sĩ trẻ tuổi đã lên tàu khởi hành từ London để hiệp cùng năm giáo sĩ khác đang ở tại Trung Quốc làm việc dưới sự chỉ dẫn của Taylor.
Những căng thẳng trong tổ chức
Taylor tiếp tục đưa ra nhiều đòi hỏi rất lớn với bản thân (ông gặp hơn 200 bệnh nhân mỗi ngày khi lần đầu ông trở lại) và trên các giáo sĩ của CIM, một số người trong đó đã nản chí. Lewis Nicol – người đã cáo buộc Taylor độc đoán, đã bị loại bỏ. Một số giáo sĩ của CIM, bị đánh thức bởi điều này và những tranh luận khác, đã rời bỏ Hội và tham gia tổ chức truyền giáo khác. Nhưng vào năm 1876 với 52 giáo sĩ, CIM đã chiếm đến 1/5 lực lượng giáo sĩ có mặt tại Trung Quốc.
Bởi vì vẫn còn rất nhiều người Trung Quốc cần được chạm tới nên Taylor đã lập ra một chính sách còn triệt để hơn: ông gửi cả những người nữ chưa kết hôn vào vùng nội địa, một động thái chịu chỉ trích từ rất nhiều người kỳ cựu. Nhưng sự kiên quyết của Taylor là không có giới hạn. Trong năm 1881, ông xin Chúa thêm 70 giáo sĩ nữa và cuối năm 1884 ông có 76 người. Cuối năm 1886, Taylor cầu nguyện xin thêm 100 giáo sĩ nữa chỉ trong 1 năm và vào tháng 11 năm 1887 ông tuyên bố có 102 ứng viên đã được tiếp nhận vào sự phục vụ.
Phong cách lãnh đạo cùng những ý tưởng lớn của ông đã tạo nên vô vàn những căng thẳng giữa hội đồng của CIM tại London và Trung Quốc. London cho rằng Taylor chuyên quyền; Taylor nói rằng ông chỉ làm gì tốt nhất cho công việc và sau đó đòi thêm nhiều cam kết hơn nữa từ những người khác: “Trung Quốc sẽ không thể được chinh phục cho Đấng Christ bằng những con người trầm lặng, yêu thương dè dặt… Dấu ấn trên những người nam, người nữ chúng ta cần sẽ phải là những người đặt Chúa Jêsus, Trung Quốc, và các linh hồn lên hàng đầu và trên hết mọi thứ và ở mọi thời điểm – thậm chí cả khi chính sự sống cũng phải ở hàng thứ hai.”
Nhịp làm việc gấp gáp của Taylor cả tại Trung Quốc và bên ngoài (tới Anh, Mỹ và Canada để tuyển lựa thêm thành viên) đã chất thêm áp lực trên sức khỏe vốn đã yếu và căn bệnh của ông. Vào năm 1990, áp lực đã trở nên quá lớn và ông đã hoàn toàn kiệt quệ cả tâm sức và thân thể. Cái giá phải trả trên chính gia đình vì khải tượng của Taylor cũng rất lớn: vợ ông Maria qua đời lúc 33 tuổi, bốn trong số 8 đứa con của ông chết trước khi lên 10. Về sau Taylor kết hôn với Jennie Faulding – một giáo sĩ của CIM.
Bên cạnh đạo đức trong công việc và lòng tin cậy tuyệt đối vào Đức Chúa Trời của ông (bất kể tổ chức CIM của ông không bao giờ cầu xin giúp đỡ tài chính thì CIM vẫn tăng trưởng và hưng thịnh) thì ông cũng đã khích lệ hàng ngàn người từ bỏ tiện nghi của phương Tây để mang sứ điệp Phúc Âm đến với vùng nội địa rộng lớn chưa được biết đến của Trung Quốc. CIM ngày nay vẫn tiếp tục hoạt động dưới tên gọi: Hội Liên Hữu Truyền Giáo Hải Ngoại (OMF).
Theo Loisusong (Steven dịch từ Christianity Today)
Bài vở cộng tác và góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com