Hội thánh Chúa tại Iran luôn nằm trong tình trạng nguy hiểm rình rập nhưng cũng trong hoàn cảnh đó chứng kiến sự lớn mạnh nhanh chóng chưa từng có. Nhiều câu chuyện về niềm hy vọng được nhắc đến trong lúc khó khăn bủa vây.
Câu chuyện về niềm hy vọng
Lời chứng của một Cơ Đốc nhân tên Narineh về sự biến đổi đầy kinh ngạc đang diễn ra tại Iran.
Câu chuyện này kể về Feridoon, một người đàn ông bị kết án tử sau khi giết chết một người có tên Afshin. Gia đình của nạn nhân suốt thời gian dài luôn cảm thấy “hận thù và đau đớn”, họ chỉ muốn Feridoon bị xử tử càng nhanh càng tốt. Tuy nhiên, qua sự kết nối của Narineh, tình yêu và ân điển của Đấng Christ đã đến được với cả hai đầu của mối thù hận này.
Suốt thời gian dài, những nỗ lực của Narineh dường như muối bỏ bể. Nhưng rồi, “chỉ hai ngày trước hành quyết, gia đình Afshin đã được kinh nghiệm sự biến đổi trong tâm hồn”. Thông qua lời chứng của Narineh và bộ phim về Chúa Giêxu, Thánh Linh đã động chạm tấm lòng họ. Họ quyết định vào tù thăm Feridoon. Ở đó, họ nói với Feridoon rằng họ tha thứ cho cậu ta. Sau đó, họ tìm đến những người lãnh đạo để mong muốn tha tội chết cho Feridoon. Mọi ánh mắt đều ướt đẫm ngày hôm đó, không ai có thể hiểu được lòng thương mà gia đình Afshin dành cho Feridoon”.
Gia đình này nói: “Nhờ vào Đấng Christ! Ngài chính là người đã giúp chúng tôi bày tỏ lòng thương xót và cũng chính Đấng Christ đã muốn chúng tôi tìm thấy đời sống mới”.
Sự sống đã thực sự tuôn tràn trong gia đình Afshin ngày hôm đó. Sau lời mời gọi của Narineh, tất cả những người có mặt đã cầu nguyện dâng mình cho Đấng Christ. Sự thù hận tan chảy, thay vào đó là tình yêu, ân điển và sự tha thứ. Hiện tại, cả hai gia đình đều đang dẫn dắt một hội thánh tư gia.
Tăng trưởng nhưng nhiều thách thức
Lời chứng sau đây đến từ một mạng lưới hội thánh ngầm ở Iran. Người đại diện của Pars Theological Centre, trung tâm chuyên huấn luyện các nhà lãnh đạo thuộc linh cho phong trào hội thánh ngầm tại Iran, cho biết: “Chúng tôi chứng kiến nhiều điều đáng ghi nhận, những câu chuyện đầy kinh ngạc”.
Người đại diện của Pars cũng cho biết hội thánh Iran đang “kinh nghiệm sự tăng trưởng chưa từng có”, quốc gia này đang giống như “mắt bão” của thế giới những người Hồi giáo tìm thấy Đấng Christ.
Mặc dù phát triển nhanh chóng, hội thánh Iran vẫn có nhiều nghi ngại về chiều sâu và chất lượng môn đồ hoá, đặc biệt giữa vòng những người mới tin Chúa. Ngoài ra, số lượng lãnh đạo và nguồn lực cũng vô cùng thưa thớt để dẫn đưa phong trào thuộc linh đi lên cách vững chắc. Nhiều lãnh đạo Cơ Đốc đã hoạt động hàng chục năm tại Iran bị bắt giữ gần đây hoặc bị ép phải rời đi. Điều này góp phần cho sự giảng dạy sai lệch về Phúc Âm bị lan toả nhanh hơn.
Pars nhắm đến các vấn đề trong đào tạo lãnh đạo thuộc linh và môn đồ hoá, giúp đỡ hội thánh Iran có được sự phát triển theo chiều sâu.
“Chúng tôi hoạt động giống như một chủng viện. Chúng tôi nhắm đến sự phát triển lãnh đạo và giáo dục thần học dành cho phong trào hội thánh ngầm của Iran. Cách làm của chúng tôi khá phức tạp”, vị đại diện của Pars cho biết.
Trung tâm Pars hiện đang đào tạo khoảng 300 sinh viên, phần lớn đang theo học ngay tại Iran, số còn lại nằm rải rác ở 15 quốc gia có nhiều người Iran sinh sống, đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ.
Pars không có chủng viện chính thức tại Iran. Không hề có chủng viện Cơ Đốc nào được hoạt động tại Iran, mọi cơ sở như thế đều bị đóng cửa. Những hội thánh nói tiếng Ba Tư tại đây đều là bắt hợp pháp, đồng nghĩa Cơ Đốc nhân buộc phải hoạt động ngầm.
Pars bắt đầu công tác vào năm 2010 để theo kịp sự phát triển này, họ áp dụng phương thức giáo dục lai cho điều kiện tại Iran. Một trong những yếu tố chính đó là các chương trình học online, sinh viên có thể tiếp cận các bài học với nhiều video, hội thảo và người kèm với mỗi khoá học. Chương trình học cũng trải rộng những nội dung tiếng Anh sang tiếng Farsi. Pars bố trí nhiều giáo viên để gặp gỡ và hỗ trợ sinh viên trong quá trình học tập và phát triển thuộc linh.
Các buổi hội thảo phát triển cũng được tổ chức với mô hình các nhóm nhỏ trong thời gian khoảng 10 ngày. Nhiều nhóm nhỏ sinh viên được thông công, cầu nguyện và học tập trực tiếp với nhau. Có khoảng 40 buổi hội thảo như thế đã được tổ chức thành công mặc cho việc nhóm họp mang tính chất thuộc linh như thế là điều gần như không thể tại quốc gia Hồi giáo như Iran.
Nguy hiểm rình rập
Vào 2016, có đến 193 tín hữu Cơ Đốc bị bắt, rất nhiều trong số đó có phục vụ tại các hội thánh tư gia. Cũng trong năm ngoái, 60 sinh viên của Pars phải vắng mặt vì bị bắt giữ khi tham gia hoạt động tại những hội thánh ngầm. Cách đây 2 tuần, 4 sinh viên tại đây bị bắt giữ và buộc phải rời khỏi Iran ngay khi được thả ra.
Lý do bắt dữ Cơ Đốc nhân phổ biến nhất tại Iran đó là “hành động chống lại an ninh quốc gia”. Tự do tôn giáo tại Iran được đại diện Pars miêu tả: “Không có tự do cho các tôn giáo thiểu số, những người đến từ nguồn gốc Hồi giáo. Họ đối mặt sự phân biệt đối xử nặng nề và luôn chịu áp lực hay cấm đoán hà khắc. Họ mất việc, bị đá khỏi các trường học và thậm chí bị nhốt vào tù”.
Tình trạng của phong trào hội thánh tư gia Iran là rất phức tạp, mặc dù rất đa dạng và nhanh chóng nhưng cũng gặp phải rất nhiều vấn đề nan giải đồng thời chịu nhiều áp bức.