Home Văn Nghệ Tản văn: CẢM KHÚC THU SANG

Tản văn: CẢM KHÚC THU SANG

by Hồ Galilê
30 đọc

Không chói chang như mùa hè nắng đổ, không lạnh lẽo như mùa đông băng giá, không sắc màu rực rỡ như mùa xuân căn đầy sức sống, mùa thu thì lại hoang hoải, êm ả, một chút gió heo may lành lạnh mang theo cái thanh âm dìu dặt xơ xác mà thanh yên, vàng vọt mà bình lặng. Sắc thu như in dấu trong tâm khảm con người, mùa của những hoài niệm miên man, như đưa hồn ta tìm về miền ký ức xa xăm. Một chút dư thanh của ngày xưa cũ, cũng đủ cho ta an vui lứa tuổi đăng trình, một khi vượt qua biến động trong lòng, ta có đủ bình tâm cảm nhận khi nhìn một chiếc lá rơi trong khoảng lặng không gian. Cuộc sống này vốn đã cần lao quá đỗi làm cho làm ta cứ đa đoan lận đận mọi điều, thế nhưng thời điểm giao mùa, khoảnh khắc khúc thu sang là lòng ta dâng lên niềm cảm xúc. Ta không thể trơ băng tâm hồn, dù lòng ta có bộn bề lo toan trong cuộc sống mưu sinh, tâm hồn ta dường như đóng băng, thế nhưng khi nàng thu gõ cửa chạm đến thì sự vô tri đó hóa thành tan biến, nếu không thì sỏi đá cũng phải kêu lên. Trạng thái bâng khuâng là điều tự nhiên nó đến và là điều có thật. Khúc thu sang là khoảnh khắc vàng đã cho ta cảm nhận phút giây hạnh phúc như tìm gặp lại được cố nhân thủa nào:

“Bâng khuâng nắng thu vàng trên lá”.

Trong niềm tin chắc chắn vào một Thiên Chúa thực hữu vĩnh hằng, tôi luôn ý thức:
Đức Chúa Trời đã tạo ra không gian và thời gian. Sách Sáng-thế ký đoạn 1 câu 1 chép: “Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất” từ ngày thứ nhất đến ngày thứ sáu, trong tuần lễ sáng tạo, mỗi ngày dựng nên Chúa đều phán “Mọi sự là tốt lành, vậy có buổi chiều và buổi mai”… Chúa dựng nên trời đất, bao hàm cả vũ trụ bao la này, đây là một câu thật ngắn nhưng chứa đựng nhiều vấn đề thần học cùng một lúc, chữ ban đầu ở đây (Beginning) là bắt đầu tuyệt đối khởi điểm của thời gian, nói cách khác chúng ta có thời gian bắt đầu từ chữ “ban đầu” này. Đây là một lời long trọng của Đấng Tạo hóa thông báo có một sự khởi đầu do chính Ngài đặt ra cho công cuộc sáng tạo thế giới nguyên thủy. Nói cách khác, vũ trụ do Thượng Đế sáng tạo làm chuẩn cho thời gian thì trước đó không có thời gian. Thi-Thiên 90:2 “Trước khi núi non chưa sanh ra, Đất và thế gian chưa dựng nên, từ trước vô cùng cho đến đời đời Chúa là Đức Chúa Trời”.

Và trong tâm thức tôi nhận ra Thượng Đế, Đấng Tạo hóa  khởi nguyên của muôn loài, Đấng cội nguồn của vũ trụ bao la kỳ vĩ trong đó có có sự điều tiết thời tiết và mùa vụ. Diễn tiến sự sáng tạo mà kỳ thật là sự tái tạo, vì vũ trụ này Thiên Chúa sáng tạo từ trước đó lâu rồi, vậy nên vào ngày thứ tư trong tuần lễ tái tạo thì xuất hiện mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao để soi sáng, như vậy quả đất hổn độn tối tăm lúc ban sơ này bắt đầu có ánh sáng, và ánh sáng đã phân chia với bóng tối, từ đó có ngày và có đêm, có thì tiết và mùa vụ, từ đây quả đất có bốn mùa luân chuyển tuần hoàn. Hôm nay Nguyệt San Nguồn Sáng số 32 với chủ đề “ Sắc Màu Mùa Thu” âu cũng là một sự kỳ thú trong ơn Đấng Tạo hóa an bài. Hãy nghe thi hào Nguyễn Du tả về mùa thu, có thể nói đây là một trong những câu thơ hay nhất viết về mùa thu của thi ca Việt Nam nói riêng, và thi ca nhân loại nói chung, Nguyễn Du không chỉ là hiện thân tâm hồn tinh tế khi ngắm nhìn vẻ đẹp của ngoại cảnh thiên nhiên:

“Long lanh đáy nước in trời
Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng”.

Còn gì đẹp hơn cảnh thu sang qua ngòi bút của vị đại thi hào dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa kiệt xuất của thế giới. Đó là một bức tranh sơn thủy hữu tình với cảnh sắc mùa thu sinh động, điển hình.

Đó là thơ tả cảnh vật với những thành quách, núi non, mây vàng trong buổi chiều se lạnh, hơi nước toả lên như những sợi khói lam trong hoàng hôn hắt bóng, trong sắc khói lam chiều đó những thành quách như vừa kiên cố lại vừa mềm mại, thơ mộng cùng với nó là nét duyên dáng của núi non đang ngả bóng lúc chiều tà.

Trong tập thơ “Thơ thơ” của Xuân Diệu năm 1938 có bài “Đây mùa thu tới” ông tặng cho Nhất Linh tôi thích hai câu thơ khá lạc quan, sau một chặng đầu tác giả khá bi quan, góc nhìn nói về mùa thu ảm đạm và buồn bã:

“Đây mùa thu tới – mùa thu tới
Với áo mơ phai dệt lá vàng”.

Tôi vinh dự được gặp và học từ nhà thơ này năm 1983 khi tập huấn cho khóa Biên tập viên Đài truyền thanh cơ sở.Nhà thơ Hữu Thỉnh trong bài Thu Sang, tức thời khắc chuyển động lúc giao mùa từ cuối hạ sang thu trong thể Ngũ ngôn khá ấn tượng:

Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về
Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu
Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi.

Nhân đây khi nói về mùa thu, thì không có đủ thì giờ để bộc bạch hết nội tâm và quang cảnh lúc thu sang đối với những ai có tâm hồn lãng mạn. Ngoài văn xuôi bài “Tôi đi học” truyện ngắn của Thanh Tịnh và tùy bút “Cảm thu” của Đinh Hùng mà học sinh ngày xưa các bạn đều nhớ khi vào bậc Trung học đệ nhất cấp:

“Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường.
Tôi không thể nào quên được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng”.
(Thanh Tịnh)
– “Thu năm nay, tôi lại đi trên con đường vắng này nghe từng chiếc lá rơi trên bờ cỏ”.
(Đinh Hùng)

Riêng tôi ấn tượng nhất trong bài Cảm thu của thi sĩ Đinh Hùng, phải chăng đây là một tùy bút mà từng hình ảnh, câu chữ trôi theo dòng cảm xúc, gắn bó thiết tha với nỗi niềm riêng. 
 Trong bài tùy bút đó có vài đoạn mà tôi thuộc làu, tôi nhiều khi lẩm nhẩm, độc thoại một mình như một kẻ phiêu lãng đã quên mình lãng du:

… “Tôi nhớ một người lữ khách nào xưa, ra đi từ một mùa thu… Thế rồi cũng một mùa thu trở lại những bước đầu tiên trên con đường bạn, mắt buồn như nước, mảng tìm hồn mình hiu hắt trong hồn thu mới… Thu đã về đây, tôi làm lữ khách đi hết sông này, sông khác, cả núi, cả đèo và lại cả rừng cả suối, bây giờ tôi cũng về đây để buồn thêm một ít, nhớ thêm một ít, và yêu thêm rất nhiều”…

Vừa rồi, chúng ta đi nhanh qua vài nét chấm phá của văn hoc, thi đàn Việt Nam, mục đích cuối cùng tác giả bài viết này trọng tâm vẫn là văn thơ Cơ-đốc, niềm tin của tôi vẫn tập chú vào Chúa và tâm hồn cao đẹp vẫn dành cho Chúa trên tất cả.Tôi yêu thơ Thanh Hữu, qua ba tập thơ “Bên Dòng Nước”, “Cất Cánh Bay Cao” và “Nắng Đã Lên Rồi” mới biết ông là một người hầu việc Chúa đã hưu hạ, một cây bút khá nội lực, hầu như tất cả bài thơ nào của ông cũng có chủ đề câu gốc Kinh Thánh, giòng thơ ông câu nào cũng ngọt ngào êm ả, lặng lẽ trôi đi như một dòng sông tuổi thơ. Tôi lại càng ngưỡng mộ nhà thơ Tường Lưu, ông là cây đại thụ và là hồn cốt của nền thi ca Cơ-đốc, ông có hàng ngàn thi phẩm, tiêu biểu một vài câu viết về mùa thu quá cảm xúc đến chạnh lòng:

“Bâng khuâng nắng thu vàng trên lá
Sầu lên tầng mây trắng… giang hồ
Nghe con chim hót sao buồn quá
Chạnh lòng nhớ câu hát mẹ ru”.

Thời khắc nầy đã vào thu, ở đây không có không khí man mác của cái dáng thu buồn trong thơ văn miêu tả, không bâng khuâng luyến nhớ như bao chiều xa vắng, và thật cũng ít có cảm giác hoài niệm miên man…

Thế nhưng nơi đây vẫn ắp đầy những chiếc lá vàng rơi rụng, những cánh hoa giấy đủ màu tươi thắm, chúng tả tơi rụng xuống trong cơn mưa cuối hạ, lúc lập thu vẫn còn mưa lớn và chúng tan tác trôi nhanh theo dòng nước chảy, những tiếng ve sầu của mùa hạ cuối vẫn còn râm rang đây đó, những cánh đồng còn trơ lại gốc rạ với những con diều no gió, khói lam chiều quyện bay lên từ những giàn mướp bên sau bếp chồ, mái nhà ngói cũ phong rêu thấp lè tè vẫn còn hiện hữu bên cạnh những dãy nhà cao tầng nông thôn mới. Bất chợt những cơn mưa rào đổ xuống ầm ầm như thác lũ, nước mênh mông đầy ắp cả sân đường, lũ trẻ con trần truồng vô tư, chúng hồn nhiên xô đẩy cút chạy đây đó, thân thể ướt đầm rong rơi đuổi bắt những chiếc bóng nhựa nhẹ tênh trôi nhanh, hay con thuyền giấy mong manh dập dềnh trên dòng nước chảy. Rồi cũng có những cơn mưa trầm tịch rã rích suốt đêm, tiếng quốc ai oán vọng về theo nhịp thở của non sông…

Viết đến đây, tôi lại cảm nhớ đến Bình Tú Ngọc một bút danh mà cũng ít người biết đến, ông là một mục sư sang Hoa Kỳ du học từ những năm 2015, dù ông không phải là nhà thơ Cơ-đốc nổi trội, tuy nhiên tôi lục lạo trong Thư viện thi ca Tin Lành, tôi bắt gặp bài thơ “Ai vẽ mùa thu đẹp quá ta” có mấy câu thơ về mùa thu hay quá:

Đã biết bao lần đón Thu sang
Cũng bấy nhiêu lần yêu màu vàng
Mùa Thu sao nhiều người yêu thế?
Mùa Thu, mùa của sự mơ màng…
“Ai vẽ mùa Thu” (3) đẹp quá ta?
Trời mây, non nước, với những hoa
Lòng người xao động khi thưởng thức
Thi thơ, nhạc họa với đờn ca…
Tạ ơn Đấng Tuyệt Mỹ trên cao (4)
Tạo nên vũ trụ đẹp biết bao
Thiết lập thì giờ và thời tiết (5)
Cho con người vui hưởng tuyệt sao!…

Ghi chú:
(3): Tựa đề của tập truyện của Mục sư – Nhà văn Lữ Thành Kiến: “Ai Đã Vẽ Màu Thu?”
(4): Theo ý trong sách Sáng-thế ký 1:31
(5): Theo ý trong sách Sáng-thế ký 1:14
Có một nhà văn, nhà thơ Cơ-đốc mà tôi cũng rất thích, ông cũng là một mục sư đầy ơn ở Hoa Kỳ, lại là con người đam mê văn chương, cuộc đời ông tận hiến cho công việc Chúa và dám trả giá hy sinh cho sự tồn vong báo chí truyền thông Tin Lành, ấy vậy mà tâm hồn (Vũ) không kém phần phóng khoáng, thơ ông tự do nhưng lại lãng mạn đến cùng:

tôi và thu một bầu trời
trên cao là nắng bên người lá bay
tôi vàng cả một trời mây
trong tôi là cả một ngày sang thu
con chim nhớ mộng bay vù
làm tôi nhớ lại mịt mù áo bay…
(vũ và lục bát bài số 71)

Một điều khi nói đến thi ca Cơ-đốc thời hiện đại trong nền thơ mới, không thể không nhắc đến mục sư Lữ Thành Kiến, như bài thơ (vũ và lục bát bài số 71) như vừa nói trên, cốt cách thơ ông tự do, đọc thơ ông độc giả như được giải phóng sự nặng nề, gò bó khô khan cứng nhăc, nhưng đâu đó ông vẫn giữ được nếp nền nã thể Đường luật và luôn mang tâm hồn tươi mới, tôi thích chàng lãng tử này, đúng là (Chàng từ Nhã-ca bước ra). Tình cờ lang thang trên Internet Google và bơi đúng vào kho Thư viện thi ca Tin Lành, bỗng dưng tôi bắt gặp mục “Bài thơ: Thu Mênh Mông” (Phạm Khánh Vũ – Lữ Thành Kiến). Ông là một mục sư mà tôi cũng rất quí mến, và ông cũng chính là Chủ bút Nguyệt San Nguồn Sáng hiện nay:

Tháng chín mưa dầm trên mái ngói
Người ra đi chia nửa trời sầu
Chẳng lẽ như chim lười biếng hót
Mà người thì thôi đã quên nhau
Tôi về nghe thu rơi với mộng
Nắng vàng hiu hắt ngủ bên hiên
Ngẩn ngơ lá rụng trong hồn mỏng
Nụ cười thơm ngát giấc man thiên
Hay đã xa rồi mưa dưới gót
Con đường tình tự cỏ cây vàng
Tháng chín tôi về hoa lá khóc
Nhớ người nước mắt nhỏ mênh mang
Hái nụ tình hồng nghe rất lạ
Thương áo người xanh buổi tiễn đưa
Tay đan đứng dưới chùm lá nõn
Mới biết yêu nhau thế cũng vừa
Người đi mùa dâu vàng năm ngoái
Nên có khi buồn như hôm nay
Một mình nghe cả mùa thu tới
Đôi mắt tình không cứ thở dài
Tháng chín tôi về xa như gió
Chút lòng cuồng ngã giữa chiêm bao
Nhớ áo xanh ngày xưa quá đỗi
Ngoài trời mưa gõ nhịp mưa mau
Tháng chín vàng đôi tay ngưỡng vọng
Ôi khóm tường vi đứng ngậm ngùi
Người đi thuở ấy không còn nhớ
Mưa hồng rơi xuống xót xa tôi.
Tuần báo Tuổi Ngọc.

Tôi yêu mùa thu trong tình yêu Thiên Chúa mặc khải, nhất là lúc giao mùa, cuối hạ đầu thu, nên cứ thêu dệt giấc mơ hồng dành cho người mình yêu mến!:Mùa thu sang anh sẽ  kết  mây hồng
May áo mới làm quà thu trang điểm
Để cô dâu đón tiệc cưới thiên đàng (*)
Cùng chàng rể hân hoan mùa ân điển.
Ghi chú:
(*)Tiệc cưới Chiên con Khải Huyền 19:7-9
Phước thay cho người được mời đến dự tiệc cưới Chiên Con!”
Một góc nhỏ nỗi niềm trong tâm hồn khi đón mùa thu sang, sâu xa tâm thức vẫn là lòng biết ơn Đấng Tạo hóa, Đấng tôi tôn thờ và phụng sự, tôi luôn luôn tự hào vì Chúa tôi Đấng làm nên bốn mùa diễm tuyệt:
Thu sang ta hãy tự hào
Mình là con Chúa điểm tô bốn mùa.
Thưa các bạn!
Một thực tiễn mà mọi người phải chấp nhận đó là, dù mùa nào cũng có nét đẹp riêng của nó, đặc biệt là mùa thu, khoảnh khắc tuyệt vời là lúc giao mùa cuối hạ đầu thu, nhưng rồi mùa thu của uyên ương cũng có giai đoạn phải lỗi nhịp chia xa. Điều đáng tiếc và đáng buồn thay cho con người là cuộc sống dưới đất này buồn nhiều hơn vui, vì đời người hữu hạn, tuổi thọ ngắn ngủi không thể cho ta hưởng trọn từng nét đẹp của Đấng Tạo hóa dưới cảnh Ta-bà lâu dài này được. Dù mùa thu có đẹp đến mấy, qua ngòi bút tài năng của thi hào Nguyễn Du. Mùa thu thường được dùng trong thơ ca âm nhạc và cả văn học để chỉ về những hoài niệm vui buồn trong quá khứ hay những cảnh chia tay đầy luyến nhớ như đoạn thơ nói cảnh Thúc Sinh và nàng Kiều trong giây phút dùng dằng chia tay tại Lâm Tri, một bức tranh sơn thủy hữu tình đẹp đẽ của mùa thu, thiên nhiên bao la, bát ngát với “rừng phong thu”, vén lên cả một miền quan san – cửa ái, núi non trùng điệp bỗng chốc nhuốm bởi màu sắc đỏ ối của rừng phong. Lâm Tri nơi đây không phải là miền quan ải, thế nhưng lứa đôi vừa chia tay thì cả rừng phong như đã nhuộm màu biệt ly cách trở:
“Người lên ngựa kẻ chia bào

Rừng phong, thu đã nhuốm màu quan san

Dặm hồng bụi cuốn chinh an

Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh”.


…bởi vì cuộc sống con người trên đất này rồi sẽ có ngày kết thúc theo qui luật của Tạo hóa, vì án lịnh khi tổ phụ loài bất tuân mạng lệnh của Thượng Đế. Billy Graham nhà truyền giáo nổi tiếng thế kỷ 20 nói một câu bất hủ “Sự chết là đáp số của mọi thế hệ”. Vì đời người hữu hạn, ngắn ngủi ví thể hoa rơi, thời gian trôi nhanh như thoi đưa, như nước chảy qua cầu. Bạn hãy suy niệm và có hướng đi cho cuộc đời mình, vì Chúa dựng nên bạn mục đích là để bạn sống miên viễn một khi bạn nhận biết mình là con của Trời nên phải thờ phượng hầu việc Ngài. Bạn đã từng ăn cơm để sống, ông bà ta thường nói câu cửa miệng, cơm là hạt ngọc Trời cho. Qủa đúng như vậy, bài hát đồng giao ai ai cũng biết nằm lòng“Lạy trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày, lấy đầy bát cơm”… uống nước Trời ban, hít thở không khí (0xy) miễn phí Trời cho mấy chục năm sống trên đất này mà bạn lại không biết ơn Trời sao?, sao lại không thờ phượng ông Trời? v.v… thái độ vong ơn ấy là bạn đang đặng tội với Trời tức Đấng Tạo hóa càn khôn đó.
Có một điều buồn là đời người ngắn ngủi quá, vì thời gian trôi qua không một chút ngại ngần và nuối tiếc, mới ngày nào chúng ta còn là một em bé, giờ đây đã là một trung niên, lão niên, thời gian thôi thúc trôi nhanh, như bóng câu cửa sổ. Bạn hãy nghe tiếng đồng hồ quả lắc treo trên tường, như nhắc đi nhắc lại cho bạn cùng một điệp khúc “tích tắc… tích tắc…”, ban đêm yên tĩnh trên giường trước lúc đi ngủ, bạn thử đặt tay lên lồng ngực và nghe nhịp đập con tim: “mau lên”!… “mau lên”!… 
Trong mỗi khắc của thời gian, mỗi nhịp đập của con tim, tôi luôn tưởng nhớ đến Đấng Tạo hóa. Vì thời gian vận hành theo qui luật vũ trụ tạo hóa, sự xoay vần con tạo tựa như điệp khúc, tựa như nhịp đập con tim vậy, nên bạn mới chứng kiến thời gian hữu hạn, có cảnh đông tàn, xuân đến, hạ về và thu sang. Bạn có bao giờ hình dung quả tim kỳ diệu như thế nào không? Không ai hiểu vì sao nhưng quả tim đã trở thành biểu tượng toàn cầu về tình yêu. Người Trung Quốc gắn liền nó với trung tâm của hạnh phúc, dân Hy Lạp tin rằng trái tim là cái nôi của linh hồn, còn theo người Ai Cập thì quả tim tạo ra cảm xúc và trí tuệ.
Hãy thử nghĩ, trong vòng chưa tới 1 phút, quả tim to bằng nắm tay của bạn có thể cung cấp máu cho mọi tế bào trong cơ thể. Trong một ngày 24h, gần 100.000 nhịp tim bơm 2.000 gallon máu giàu oxy đi khắp 96.000 km các mạch máu liên kết tế bào của các cơ quan nội tạng và bộ phận cơ thể. Bạn thấy công trình kỳ diệu trên cơ thể mình mà Thiên Chúa tạo ra chăng? Bạn có bao giờ nghe câu “Thiên sinh nhơn hà nhơn vô lộc” chưa? Nôm na câu này là Trời sinh người sinh lộc, liệu bạn có biết ơn ông Trời?…
Bạn hãy tưởng nhớ và biết ơn đến Đấng Tạo hóa, là Đấng hoài thai bạn từ trong lòng mẹ. Tưởng nhớ Đấng Tạo hóa là một thắc mắc siêu hình để nhận biết mình từ đâu mà có, tại sao mình có mặt trên đất nầy và mình có đây để làm gì, tương lai mình sẽ ra sao v.v…
Sa-lô-môn là vị vua khôn ngoan và giàu có nhất của nước Do Thái ông sống khoảng năm 900 trước Công nguyên, ông khuyên giới trẻ hãy biết tận hưởng tuổi xuân nhưng không quên Đấng Tạo hóa:

“Hỡi kẻ trẻ kia, hãy vui mừng trong buổi thiếu niên, khá đem lòng hớn hở trong khi còn thơ ấu, hãy đi theo đường lối lòng mình muốn, và nhìn xem sự mắt mình ưa thích, nhưng phải biết rằng vì mọi việc ấy, Đức Chúa Trời sẽ đòi ngươi đến mà đoán xét. Vậy, khá giải sầu khỏi lòng ngươi, và cất điều tai hại khỏi xác thịt ngươi; vì lúc thiếu niên và thì xuân xanh là sự hư không mà thôi”.Truyền-đạo 11:9-10

Riêng về người già ông khuyên:
“Hãy tưởng nhớ Đấng Tạo hóa ngươi, trước khi dây bạc đứt và chén vàng bể, vò vỡ ra bên suối và bánh xe gãy đổ ra bên giếng”.Truyền-đạo 12:6 Dây ở đây nói về chiếc đèn treo trên cột nhà hay lán trại bằng một dây xích nhỏ, chiếc đèn làm hình bóng về linh hồn còn sợi dây chỉ về thể xác. Dây đứt chén rơi, vò vỡ ra nước bị đổ, đèn tắt bóng tối bao trùm, lúc ấy hồn lìa khỏi xác, thân thể này tan thành bụi tro trở vào đất y nguyên cũ, nhưng Thần Linh tức linh hồn người trở về nơi Đức Chúa Trời là Đấng ban nó. Đức Chúa Trời ban cho bạn và tôi có thân xác và linh hồn, linh hồn ở trong thân xác khi đó bạn là một loài sanh linh cao quí, loài có linh hồn sống mà Thượng Đế ban cho, lúc này bạn quyết định mọi vận mệnh của mình trong hiện tại và tương lai:

– Một là thờ phượng và phụng sự Đấng Tạo hóa – Đấng dựng nên bạn tức là Đức Chúa Trời, và người Việt Nam gọi là Ông Trời.

– Hai là chối bỏ Đức Chúa Trời – Không chịu ăn năn, từ khước ơn cứu rỗi vĩ đại của Ngài qua Chúa Cứu Thế Giê-su là Đấng trung bảo.

Bạn biết đó, thì tiết và mùa vụ là hai yếu tố sinh tồn mà Thượng Đế ban cho nhân loại, bạn không thể phủ nhận ơn Trời, câu ca dao Việt Nam dường như mọi người dễ nhớ, nhất là những người trong lứa tuổi yêu đương:
“Cầu trời mưa thuận gió hòa
Cho đồng lúa tốt, cho chiều lòng em”.
Hôm nay bạn sống và hưởng được bốn mùa trên đất, có Đông lạnh. Xuân hồng, Hạ trắng, Thu mơ… Sắc màu mùa thu sẽ là bức tranh thiên nhiên toàn cảnh sinh động sẽ đem đến cho bạn nhiều gam màu kỳ thú, để bạn cảm nhận và thưởng thức. Bạn hãy tận hưởng và biết ơn Đấng Tạo hóa diệu kỳ.

Ngài cho chúng ta sống có một thời kỷ niệm, được hưởng bốn mùa, trong đó mùa thu mát mẻ, có gió heo may làm tâm hồn nao nao cảm xúc, mỗi lần thu sang là thêm niềm phấn khích, mong chờ thu đến trong khắc khoải như nhà thơ Chế Lan Viên “Chao ôi mong nhớ, ôi mong nhớ/Một cánh chi thu lạc cuối ngàn” thu đến nhưng rồi thu lại đi, nàng bỏ ta lại một mình, đã bao lần như thế… cảm giác đó, nó như một con sông quá vãng cứ chảy mãi trong lòng ta. Dù cho thời gian có phôi pha, tháng năm có vùi dập… Có thể, cũng có lúc ta nhạt lòng, hờ hững từ đâu cứ chắn, cứ xô, cứ lấp không cho ta được nối giòng với hiện tại. Nên ta phải viết khúc thương này trao cho Nguyệt San Nguồn Sáng, nhìn sắc màu mùa thu ta cảm nhận được tình yêu của Đấng Tạo hóa dành cho con người là quá tuyệt vời. Chàng biết ơn Chúa mãi mãi. Kinh Thánh ít nói về mùa thu, tuy nhiên câu Kinh Thánh tuyệt vời được tìm thấy trong Cựu ước rất ý nghĩa. Ta hớn hở vui mừng đón nhận ơn thương xót từ Thượng Đế, đón nhận cơn mưa phước lành từ trời làm tươi mát đất đai, đượm nhuần phù sa cây cỏ xanh màu và lòng người an yên thái hòa. Hy vọng mùa thu này với bài viết tản văn tùy bút “Cảm Khúc Thu Sang” sẽ đem lại nét đẹp cố hữu đích thực của nó, xua tan những ngày nắng hạn khô hanh, thời tiết mưa thuận gió hòa, phục hoạt cuộc sống nhân sinh. Nàng thu diễm tuyệt xin Đấng Tạo hóa ban ân sủng dư dật cho mọi người. Ngài khoát lên chiếc áo cho muôn loài dáng thu kiều diễm thanh tao:
“Nếu anh chị em trung tín vâng giữ các điều răn tôi truyền lại cho anh chị em hôm nay, tức là hết lòng hết linh hồn kính yêu Chúa, Đức Chúa Trời của anh chị em và phục vụ Ngài,
Ngài sẽ cho mưa xuống trên xứ đúng mùa, cả mưa vào mùa thu lẫn mưa vào mùa xuân để anh chị em thu hoạch hoa màu, rượu mới và dầu. Ngài cũng cho cỏ xanh tốt ngoài đồng để nuôi gia súc, và anh chị em sẽ được ăn uống thỏa thích”.Phục-truyền Luật-lệ ký11:13-15 Bản Dịch Mới.

Thay lời muốn nói!

Nguyệt San Nguồn Sáng số mới 32 tháng 9 xin chào mừng quý bạn độc giả đã gắn bó với tập báo này suốt thời gian qua. “SẮC MÀU MÙA THU” hy vọng sẽ đem đến cho mọi người không khí vui vẻ, tinh thần lạc quan và niềm tin vững chắc. Thiên Chúa ban phước dồi dào cho qúi vị có được một mùa thu diễm tuyệt.


– Ban Biên tập Tạp chí Đặc San Cội Nguồn và Nguyệt San Người Chăn Bầy báo Điện tử.
– Ban Điều hành Nguyệt San Nguồn Sáng.
– Ban Biên tập Website hoithanh.com.
– Ban Biên tập Website Sống Đạo Online.
Kính chúc Quí độc giả sức khỏe và niềm vui mỗi ngày.

Hồ Galilê – Lập Thu 2024.

Bài vở cộng tác hoặc góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like