Home Văn Nghệ Đôi Dòng Tản Mạn Về THơ Diên Vĩ – Má

Đôi Dòng Tản Mạn Về THơ Diên Vĩ – Má

by Hồ Galilê
30 đọc

 

Xanh thẳm xanh – một màu xanh của biển
Dịu dàng như ánh mắt má nhìn con.
Ôi ánh mắt mẹ hiền yêu dấu
Ấm lòng con trong những lúc ưu phiền.
Ánh mắt ấy vì chúng con thao thức
Bao đêm trường bên chiếc võng à ơi
Ánh mắt ấy luôn nhìn con trìu mến
Thắp tim con những ngọn nến yêu đời.
Má yêu ơi! Lòng con khe khẽ gọi
Tiếng “Má” ngọt ngào, vọng mãi không thôi
Con gọi má khi thuyền con nghiêng ngả
Giữa biển đời cuồn cuộn những buồn vui.
Chiều nay chợt mơ về bên má
Để lòng vui như sóng biển rì rào
Để được nghe lời nguyện cầu của má
Cho vai gầy vơi nhẹ gánh lao đao!
Ngày ngày con nhớ má dịu hiền
Lòng thầm nguyện má sống trên trăm tuổi
Yêu thương trong má bao la hơn biển
Con muốn gọi hoài hai tiếng: Má ơi!…

Giao hạ nhớ Má

Diên Vĩ

 

Chúc cho tất cả các người mẹ đều khỏe mạnh và hạnh phúc nhân Ngày của Mẹ.

Thơ viết về Mẹ thì không khó, nhưng để có một bài thơ hay và chạm vào trái tim trắc ẩn của con người thì không dễ dàng chút nào. Diên Vĩ không có nhiều thơ trên diễn đàn Cơ đốc, mà tập trung cho Truyện ngắn suốt mấy năm qua. Đọc một đoạn thơ Diên Vĩ trong một truyện ngắn mang nhan đề “Tình Thơ” tôi có ý niệm rằng, cô ấy có tâm hồn thơ lãng mạn vô cùng:
“… Ngồi trên phiến đá bên những gốc dừa nhìn ra biển khơi, bất chợt những dòng thơ đối lại lời thơ xưa của Nhật Tùng vỡ òa trong tâm tưởng Khả Hân:

Hương ngọc lan tan nhanh trong cơn lốc
Cánh bướm xưa chỉ là xác phượng khô
Hỏi làm chi cho lòng buồn man mác
Cánh hồng phai, còn đâu mộng với mơ!? …”

 

Hơn thế, Diên Vĩ lại còn có thêm nhiều ân tứ khác, đó là cô đã từng phổ thơ khá thành công, như một đoạn trong một truyện ngắn “Giê-hô-va Salom”:

“…Thung lũng giờ đây đã tươi xanh màu lá, thảo nguyên bên đèo An Khê yên ả, thanh bình trong gió chiều thoảng nhẹ! Một màu xanh bát ngát, mênh mông của đồng cỏ nên thơ gợi lên trong tôi những dòng thơ phổ theo Thi thiên 23:

Giê hô va! Chúa tôi ơi
Ngài luôn chăn giữ cuộc đời của tôi
Dắt tay tôi chẳng buông lơi
Đến đồng xanh ngát, tuyệt vời suối reo

Đời tôi sẽ chẳng thiếu nghèo
Linh hồn bồi bổ vì theo chân Ngài
Lối đi công chính thẳng ngay
Vì danh Ngài chẳng đổi thay, suy tàn.

Dẫu tôi đến trũng tử thần
Lòng tôi chẳng chút ngại ngần, khiếp kinh
Giê-hô-va – Đấng anh minh
Ở cùng dẫn dắt linh trình vững an!

Chén tôi sung túc đầy tràn
Đầu tôi thơm ngát tỏa lan dầu Ngài
Gậy trượng Ngài đỡ nâng tay
Bàn ăn Chúa dọn vui vầy lắm thay!

Chúa luôn thương xót tôi rày
Phước hạnh Ngài sẽ láng lai suốt đời
Giê-hô-va, Chúa cao vời
Nhà Ngài tôi sống muôn đời thỏa vui!”.

Ngần ấy thôi, ta cũng đủ nhận biết Diên Vĩ giàu tình cảm về đường thơ.

Bài thơ về Má của Diên Vĩ làm tôi sực nhớ đến bài hát Lòng Mẹ nổi tiếng của Nhạc sĩ Y Vân đã đi vào lòng người:

“Lòng Mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào/ Tình Mẹ tha thiết như giòng suối hiền ngọt ngào/ Lời Mẹ êm ái như đồng lúa chiều rì rào./ Tiếng ru bên thềm trăng tà” …

Nhạc sĩ Y Vân đã cho ra đời bài hát thật đậm nét Tình Mẫu tử. Còn Diên Vĩ viết về Má của mình, khi cô làm phép tính cộng hưởng Má với Biển đang giao thoa trong tình cảm…
Biển lúc nào cũng bao la và xanh thẳm, có phải vì thế mà Diên Vĩ đã ví sánh ánh mắt dịu dàng của Má nhìn con. Biển thẳm xanh và bát ngát, mặc dầu nước biển có vị mặn, nhưng biển lòng của Má thì ngọt ngào, nước biển từ lòng Má đã hóa thành dòng sữa ngọt ngào để nuôi con. Diên Vĩ đã từng ưu phiền trong cuộc đời và rồi cô kinh nghiệm từ ánh mắt của Người đã làm cho cô ấm lòng trở lại:

 

“Xanh thẳm xanh – một màu xanh của biển
Dịu dàng như ánh mắt má nhìn con.
Ôi ánh mắt mẹ hiền yêu dấu
Ấm lòng con trong những lúc ưu phiền.”

 

Từ ánh mắt dịu hiền, giờ đây ánh mắt mang nhiều nỗi niềm thổn thức vì con. Khi trái gió, lúc trở trời, con trằn trọc thâu đêm, là lúc làm cho Má mất ăn, mất ngủ âu lo, thổn thức… cô in đậm tâm trạng của Má vào tận trong nơi sâu kín của lòng mình. Những đêm mùa hạ nóng bức vô cùng, thì là lúc Má phải ngồi bên chiếc võng đung đưa, dỗ dành con ngủ với tiếng à ơi của Má  mà Diên Vĩ không bao giờ quên. Theo nhịp đưa của cánh võng là ánh mắt Má luôn vận động nhìn với lòng yêu thương trìu mến. Cũng với cử chỉ đơn thuần như vậy, nhưng là cả một tình yêu bao la và cao quí của Má ngày xưa… nó cứ dần theo Diên Vĩ trên trường đời, và nó như ngọn nến thắp lên niềm tin, yêu đời, yêu cuộc sống hôm nay cho cô từ thuở nào:

 

“Ánh mắt ấy vì chúng con thao thức
Bao đêm trường bên chiếc võng à ơi
Ánh mắt ấy luôn nhìn con trìu mến
Thắp tim con những ngọn nến yêu đời.”

 

Đọc thơ Diên Vĩ, tôi có cảm tưởng lúc nào cô cũng nhắc đến Mẹ mình như là một điệp khúc và hành trang vào đời:

 

“Má yêu ơi! Lòng con khe khẽ gọi
Tiếng “Má” ngọt ngào, vọng mãi không thôi
Con gọi má khi thuyền con nghiêng ngả
Giữa biển đời cuồn cuộn những buồn vui.

 

Cái hay của tác giả là gọi Má lúc vui cũng như lúc buồn, nhất là ở đây… cuộc đời con có lúc nghiêng ngả, bất an và lắm muộn phiền, thì hai tiếng “Má ơi!” đã như là tiếng cầu cứu khi phong ba bão táp, cô được sự bình tịnh trong tâm hồn. Biển đời đang ba đào cuộn sóng, vùi dập đời con, thì Má có liền bên cạnh, âu rằng lúc đó lòng cô tìm lại được sự an vui, mặc dầu hoàn cảnh bên ngoài vẫn chưa thay đổi.
Khổ thơ thứ tư, bỗng đâu Diên Vĩ lại đưa cô về một buổi chiều, như buổi chiều nay, cô mơ về bên Má. Chắc có lẽ lúc nầy Diên Vĩ đã lên xe hoa về Thành phố Sài Gòn hoa lệ, xa rời biển Nha Trang thùy dương cát trắng hiền hòa, nên cô nhớ về Má rất nhiều là phải lắm. Đọc đến đây, dư âm mấy câu thơ ngày xưa của Chiêu Đăng lại kéo về trongh tôi:

“Nha Trang nước biếc trời xanh
Sóng vờn bãi biển, gió lành rung cây
Còn nhiều cảnh lạ điều hay
Càng đi thấy nước non nhà càng yêu”.

 

Tôi rất thích biển Nha Trang và tôi đã đến đó vài lần, vào những tháng đầu của năm 2003 khi mà Mục sư Quản nhiệm vừa mới về yên nghỉ nơi nước Chúa trước đó vài tháng. Lúc bấy giờ, tôi còn đang làm Thư Ký Hội Thánh, nên phải Đại diện cho Ban Chấp sự Hội Thánh Tin Lành Trường An – Đại Lộc – Quảng Nam, nhân ngày Lễ cưới của một nam tín hữu trong Hội Thánh, tôi phải có mặt ở Hội Thánh Tin Lành Nha Trang để Cầu nguyện khai lễ và có quà chúc mừng cho đôi bạn mới. Đêm đó chúng tôi ra bờ biển để ngắm cảnh về đêm, bầu trời đầy trăng sao và gió cứ mát dịu ngọt ngào từ biển làm cho tâm hồn lâng lâng, thỏa thích.

Tôi đồng cảm với Diên Vĩ khi cô mơ về tiếng sóng biển rì rào, cô hình dung như tiếng nguyện cầu của Má. Để cô nghe được gánh Má đang mang được vơi nhẹ thêm ra. Ở đây cô không trưng dẫn Kinh Thánh Ma thi ơ 11:28 “Hãy đến với Chúa, chúng ta sẽ được yên nghỉ…”:

“Chiều nay chợt mơ về bên má
Để lòng vui như sóng biển rì rào
Để được nghe lời nguyện cầu của má
Cho vai gầy vơi nhẹ gánh lao đao!”

 

Có người đã nói một cách ví von rằng: Thiên Chúa không có mặt khắp nơi nên Ngài đã tạo dựng nên người Mẹ. Dĩ nhiên Thiên Chúa có mặt khắp nơi và câu nói nầy cho thấy tình thương của người Mẹ đã được so sánh với tình thương của Thiên Chúa. Ngài đã thể hiện tình thương của Ngài qua người Mẹ hiền của mỗi một chúng ta. Lời Chúa qua tiên tri Êsai 49 câu 15 đã so sánh tình thương Thiên Chúa với tình thương của người Mẹ hiền như sau:
“Dễ thường có người đàn bà nào lại quên đứa con mình cho bú, không thương đến con trai ruột của mình sao? Dù cho có người đàn bà quên con mình, ta cũng chẳng quên ngươi”.
Khổ thơ cuối cùng cũng là đoạn kết, tác giả vẫn cứ nói về Má như một điệp từ mà không nhàm chán, ngày ngày cô nhớ về Má không nguôi. Cô luôn ước mong và nguyện cầu luôn cho Má mạnh khỏe, và những mong cho cụ bà sống trên 100 tuổi. Cô muốn vượt quy luật thời gian của câu:

 

“Nhân sinh thất thập cổ lai hy”.

 

Tôi vẫn nguyện cầu trong ơn Chúa và vẫn tin rằng Má của Diên Vĩ nói riêng và của tất cả bà Mẹ Cơ đốc nào cũng sẽ được mạnh khỏe, sống lâu để vui cùng con cháu. Chúa sẽ bù đắp thêm ngày tháng còn lại trên đất cho cụ Bà thay vì Ông hầu việc Chúa nhưng đã yên nghỉ trong nước Ngài từ lâu rồi.
Ngày Hiền mẫu chẳng những ghi ơn các bà Mẹ, nhưng cũng nhắc chúng ta ghi ơn Thiên Chúa là Đấng đã ban cho chúng ta sự sống, hơi thở và mọi sự khác ở trên đời, vì Ngài là Đấng Tạo hóa, cội nguồn của mọi sự sống cho nhân loại.

Diên Vĩ trở lại khổ thơ cuối cùng với đoạn thơ kết có hậu, vẫn khẳng định tình yêu của Má dành cho cô là bao la hơn biển cả và dạt dào hơn sóng đại dương và rồi cô cứ gọi hoài hai tiếng Má ơi!:

“Ngày ngày con nhớ má dịu hiền
Lòng thầm nguyện má sống trên trăm tuổi
Yêu thương trong má bao la hơn biển
Con muốn gọi hoài hai tiếng: Má ơi!…”

 

Bài thơ mang nhiều tâm trạng nỗi niềm và cảm xúc. Nó đã nói lên tình yêu của Má dành riêng đối với Diên Vĩ, nhưng nó còn mang tinh thần chung là tấm lòng của tất cả bà Mẹ Việt Nam yêu thương và đáng kính của chúng ta là những bà Mẹ Cơ đốc hôm nay. Chúng ta hãy biến ngày Lễ Hiền Mẫu (Lễ Mẹ 08/05/2016) Để tri ân các Mẹ mà Diên Vĩ gọi là Má và hãy sống như lời của Chúa dạy ở Điều răn thứ năm:
“Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi, hầu cho ngươi được sống lâu trên đất mà Giê hô va Đức Chúa Trời ngươi ban cho.” Xuất 20:12

Ai đã không còn Mẹ trên đời, cho tôi xin gửi đến các bạn bốn câu thơ đoạn kết của bài: “Đâu hình bóng mẹ” của tác giả Hồ Xuân Được:

 

Nếu ai hỏi còn đâu hình bóng Mẹ?
Xin trả lời: Mẹ sống trong lòng nay
Ngày Lễ Mẹ phước hạnh Chúa lắm thay
Hình bóng Mẹ theo tháng ngày yêu dấu…

Thân ái kính chào các bà Mẹ chúng ta.

Hồ Galilê
Ngày Lễ Mẹ 08/05/2016.

 

Tìm hiểu thêm:
Xuất xứ Lễ Mẫu Thân

Cô Alance Galise nguyên là giáo viên, vì mãi lo việc dạy học và công tác nên quên đi việc phụng dưỡng cha mẹ. Năm 1902 Ba cô qua đời, Ba năm sau mẹ cô cũng mất. Cô dằn vặt mãi trong lòng, vì không làm tròn trách nhiệm với cha mẹ. Năm 1907 kỷ niệm hai năm sau ngày mẹ mất, nhân ngày nầy cô Alance Galise muốn trở thành ngày Lễ Mẫu Thân để nhớ ơn mẹ. Cô vận động Ban Kinh Thánh và Mục sư Quản nhiệm nhà thờ để tổ chức Lễ Mẫu Thân. Đến ngày 10 tháng 05 Năm 1907 Hội Thánh cô có 407 bà mẹ tham dự. Bài giảng hôm đó Mục sư giảng ở sách Tin Lành Giăng 19:26-27 Chúa Giê su gửi mẹ cho Giăng trên Thập tự giá. Sau đó cô vận động Thượng nghị sĩ và Tổng Thống Hoa Kỳ ủng hộ. Mãi đến ngày 08 tháng 05 năm 1914 Tổng Thống Wison ban hành ngày Chúa nhật thứ hai trong tháng năm là ngày Lễ Mẫu Thân trên cả nước. Năm 1999 có 150.000 người tham gia diễu hành vinh danh cho 1.000.000 bà mẹ tại Mỹ và hơn 40 nước trên Thế giới tổ chức ngày nầy.

Bình Luận:

You may also like