Viết cho Sài Gòn, những ngày nóng đến lạ thường.
Cái nắng gay gắt của buổi trưa càng góp phần làm tôi thêm chạnh lòng với những điều mình đã nghe và thấy. Đến tại bệnh viện Nhi Đồng 2, khoa Nội Tổng hợp, lầu 2, ấn tượng ban đầu của tôi là những em bé còn rất nhỏ nằm đầy hai bên hành lang đường đi, những ống kim tiêm, chai thuốc, bông băng… giờ đây được thay cho những món đồ chơi, những con búp bê… và trở thành những vật dụng tiếp xúc thường xuyên của các con, những cái đầu trẻ thơ trọc lóc hoặc tóc rụng gần hết cùng những tiếng khóc thét của trẻ nhỏ vì đau đớn… Xót!
Vì đã đến 1 lần nên không khó khăn để tìm ra nơi nằm nghỉ của hai mẹ con trong vô số chỗ nằm tại hai bên hành lang của khu vực chữa bệnh. Khi đến nơi chỉ thấy chiếc chiếu và mấy túi đồ nhưng không thấy hai mẹ con đâu. Hỏi những người bên cạnh thì biết hai mẹ con đang đi ăn trưa. Vài phút sau, hai mẹ con trở về và không quên chào đón tôi bằng một nụ cười thật tươi và trìu mến, ai không biết chắc vẫn nghĩ hai mẹ con đều khỏe mạnh nên mới vui vẻ như thế! Ngồi xuống bên chiếc chiếu đơn sơ được trải tạm dưới nền đất, khi hỏi tại sao không có giường như những bệnh nhân hành lang khác, cần phải mướn hay có sẵn, thì người mẹ trả lời bằng tiếng Kinh lơ lớ của mình: “Hôm trước có một cái nhưng người ta lấy lại và nói là của họ. May có người thương cho mình chiếc chiếu để nằm.”
Cậu bé Mang Thanh Bình cùng mẹ của em.
Bé trai tên là Mang Tí, Mang là họ của người dân tộc thiểu số khu vực Đức Bình, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận. Nhưng khi cầu nguyện dâng em cho Chúa, ông Mục sư đã đặt lại tên cho em là Mang Thanh Bình với lời cầu chúc sự bình an cho cuộc sống của em khi tin Chúa, với những khó khăn về bệnh tật em vẫn sẽ được bình an vì đặt lòng tin vào Chúa yêu thương. Gia đình em hiện là tín hữu Tin Lành nhóm tại khu vực Đức Bình thuộc Tánh Linh, Bình Thuận. Nhà có mẹ, em và đứa em gái.
Nắm tay của em, xem những vết kim đâm để lấy máu, truyền dịch… tôi không khỏi xót xa vì sự vô tư của trẻ thơ vẫn còn đong đầy trong ánh mắt của con trẻ, với em, “mấy cái này không đau đâu vì ở quê con đi học, đi rẫy bị trầy trụa còn đau hơn nhiều!”. Sinh năm 2001, chỉ vừa 13 tuổi, thế nhưng “những ngày tháng ở nhà con phụ mẹ làm rẫy ngoài giờ đi học, nay con phải nằm thế này, đêm nào cũng truyền 2 chai thuốc, cả ngày thì mệt nhưng không ngủ được vì nằm ngoài đây, người ta nói chuyện ồn lắm!”, em trả lời tôi như kể lại một câu chuyện rất đỗi đời thường của chính mình. Với em, những ngày ở bệnh viện là những ngày được tiếp xúc với thế giới hiện đại của những cầu tuột, nhà banh, xe điện chạy… trong khuôn viên bệnh viện, là những lúc thèm món “thịt gà” mà không thể ăn vì dễ làm em bệnh nặng hơn, là sự ham thích của cậu con trai nhỏ với những cây súng đồ chơi nhưng phải để dành tiền cho mẹ lo thuốc thang chữa bệnh cho con…
Một buổi ăn sáng là 20 ngàn đồng để em đủ sức truyền thuốc, người mẹ sẽ ăn phần cơm nguội của ngày hôm trước. Trưa và chiều thì hai mẹ con đi xin cơm trắng do các nhóm từ thiện phát trong bệnh viện, rồi mua 10 ngàn thức ăn cho hai buổi. Chiếc điện thoại được một người vào thăm cho để liên lạc với gia đình ở quê, muốn sạc thì xuống quầy Thông tin và tốn phí 3 ngàn đồng. Một ngày xoay vòng khoảng 40 ngàn nhưng sẽ giảm được nếu có ai thương cho thức ăn để ăn cơm. Chật vật là thế nhưng cả hai mẹ con đều vui vì “ở đây ăn vẫn ngon hơn ăn cơm với muối hột ở nhà”… Vậy mà giờ đây, đơn thuốc và đợt truyền máu kế tiếp con cần thì chi phí đã lên tới hàng chục và trăm triệu. Một lần truyền máu con sẽ khỏe được khoảng gần hai mươi ngày. Ung thư máu là thế, căn bệnh với những đơn thuốc đang là bài toán quá khó cho hai mẹ con. Hiện tại, hai mẹ con đang chờ kết quả xét nghiệm tủy và trên tinh thần sẽ trở về quê vì biết mình không đủ khả năng chạy chữa. Một tháng nếu không kịp thời thay máu và truyền thuốc sẽ là thời hạn cuộc đời của con, đứa trẻ chỉ vừa 13 tuổi với những ước mơ, những suy nghĩ non nớt của trẻ thơ.
Câu cuối cùng mà tôi được nghe từ hai mẹ con đó là “mỗi ngày cầu nguyện để xin Chúa chữa cho con khỏe mạnh để về nhà, em gái ở nhà một mình phải tự lo ăn uống và đi học. Chỉ biết xin Chúa thôi chứ giờ đâu biết phải làm sao!” Đồng thời là lời xin của người mẹ để có một quyển Kinh Thánh nhỏ cho hai mẹ con đọc khi ở bệnh viện…
Sự đơn sơ của người mẹ, sự ngây ngô của cậu con trai làm xót lòng tôi, người vẫn hay so sánh mình chưa được gì, thua kém gì so với những người xung quanh. Ít ra tôi vẫn còn được quá nhiều so với họ… Cuộc sống vẫn trôi từng ngày và không biết điều gì sẽ đến ở tương lai của em. Có thể đó là một tháng cho sự sống của em, hay dù chỉ một ngày, một tuần trôi qua tiếp theo, nhưng tôi tin, tin vào sự bình an và hy vọng của hai mẹ con đã có nơi Chúa yêu thương, tin rằng những tấm lòng quan tâm bằng lời cầu thay và giúp đỡ của mọi người dành cho mẹ con em.
Trưa thứ năm 03.4.2014
Tường Vi
Qua lời chia sẻ vô cùng xúc động từ một con cái Chúa, chúng ta biết thêm rằng ngoài kia những anh em mình còn đang phải đấu tranh với cuộc sống khó khăn, bệnh tật để sống qua ngày. Nhưng điều quan trọng nhất là niềm tin và tình yêu của những con người như thế dành cho Đức Chúa Trời không hề chuyển dời. Tạ ơn Chúa vì những cuộc đời mang lại vinh hiển cho Danh Ngài. Kính mong con cái Chúa gần xa thêm lời cầu nguyện và góp phần giúp đỡ cho trường hợp của gia đình em Mang Thanh Bình hiện mắc phải căn bệnh ung thư máu. Nguyện Chúa ở cùng em và gia đình, ban phước dư dật lên cuộc đời ý nghĩa của em.
Mọi sự giúp đỡ, hỗ trợ xin vui lòng liên hệ:
MSNC Trình Minh Thi – quản nhiệm Chi hội Đồng Kho (điểm nhóm Đức Bình), Huyện Tánh Linh, Tỉnh Bình Thuận.
SĐT: 0919850338.
BBT
Bài vở cộng tác và góp ý xin gởi về tintuc@hoithanh.com