Tôi rất thích mùa đông, là khi được về nhà sau một năm đi học xa. Trời miền Bắc lạnh hơn chút xíu khi đã sang đông đạp xe đạp cùng bạn bè hoặc một ai đó đi ăn kem. Cả thủng kem khói bốc nghi ngút, vậy mà cắn một miếng tê hết cả răng. Thích mùi khoai hay bắp nướng tỏa hương trên những con dốc đi học về đói meo, chưa ăn mà đã thấy ngọt nơi đầu lưỡi. Rồi những buổi chạy xe lòng vòng trên sân trường rụng đầy lá bàng đỏ… Thích dậy muộn vào mỗi buổi sáng, nhà kế bên dậy sớm dọn hàng mở nhạc nhè nhẹ, ai đó hôn nhẹ lên má hơi lạnh làm nó khẽ cựa mình rồi lại quấn tròn mền như một con mèo lười. Khẽ mở mắt bắt gặp nụ cười thân quen của mẹ.
Có một gia đình là hạnh phúc, nhưng với nhiều người có thể là không? Bởi tôi muốn kể một câu chuyện mà tôi gặp vào buổi tối tại quán chè trước làng đại học.
Vì người bạn trai của cô bạn cùng phòng trọ đã thi xong nên về quê sớm, chúng tôi rủ nhau ra quán chè làm lễ chia tay. Đang cười nói vui vẻ thì một đứa bé ăn xin chừng 12 hay 13 tuổi đến đưa mũ ra đứng đợi, cả nhóm im lặng không ai nói gì chỉ trong vài giây khi đứa bé cất lời xin. Nhưng khi thằng bé nói xong cả nhóm lại ồn ào và quay lại câu chuyện của mình. Không phải vì vô tâm mà là vì đã quá quen khuôn mặt thằng bé. Đều đặn hàng ngày vẫn đi xin khắp các quán, và cũng là hình ảnh quen thuộc của làng đại học quốc gia này. Ít nhất trong chúng tôi ai cũng đã từng cho tiền nó một lần. Đứng một hồi lâu, biết không có gì thằng bé lẵng lặng bỏ đi.
Một tên trong nhóm chúng tôi nói: “hôm ngồi trong quán nét thấy nó vào chơi game chứ đâu?”
Chúng tôi bàn tán một hồi những lần gặp thằng bé, rồi chuyển chủ đề , nói chuyện rôm rả. Tôi đùa gọi thêm một ly chè khi mọi người đã ăn xong hết, đang cười nói bỗng nghe tiếng:
-Cô ơi cho con vài đồng đi cô?
Tôi quay người lại bắt gặp một thằng nhóc ăn xin, không phải đứa hồi nãy, mà là một thằng bé nhỏ xíu, chân đất, đen thui, bộ quần áo thun cộc lốc, nó mở đôi mắt to tròn nhìn tôi. Mọi người lúc này lại im lặng thêm lần nữa chăm chú nhìn thằng bé.
-Cô không có tiền, con ăn chè không cô cho? Tôi nói.
– Cô cho tiền con lấy , cho gì ăn được con xin , và cái gì dùng được con cũng nhận nữa…
Tôi và cả nhóm bạn nhìn nó ngạc nhiên vì cách trả lời:
– Vậy thì con ngồi xuống đây.
Thằng bé lanh lẹ ngồi xuống không chút rụt rè. Tôi đưa ly chè gọi thêm hồi nãy cho thằng bé và dặn ăn đau bụng không được la cô đâu nghen. Nó dạ rồi cầm lấy ăn ngon lành.
Ngồi nói chuyện chúng tôi hỏi về cuộc sống của thằng bé: nó trả lời rành rọt , ngây thơ và cũng khá tinh ranh, làm chúng tôi hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi từng bạn trong nhóm hỏi:
– Con làm gì ở đây giờ này chưa về nhà, đã muộn rồi ?
– Đang còn sớm mà, nhà con bên Trạm 2, gần mà, con còn đi khắp nơi xuống tận Bến Tre ấy.
– Ai đưa con đi?
– Con đi một mình, không biết thì hỏi đường, rồi quá giang người ta còn cho tiền, cho ăn nữa.
– Vậy năm nay con bao nhiêu tuổi?
– Con năm nay chín tuổi (nhưng trông nó thật nhỏ bé), con về quê nhưng ở với ông bà chán lắm, suốt ngày cứ bắt con không được ra sông, bắt ở trong nhà không được đi đâu xa chán chết.
– Vậy cha mẹ con đâu?
– Ba con mất hồi con còn bé xíu, con còn hai em gái nữa , mẹ con đi bán vé số. (Rồi quay sang nhìn tôi, “mẹ con còn mập hơn cô nhiều lắm nữa kìa!” làm cả hội cười ầm lên. Thằng bé như thu hút cả nhóm .
– Con không đi học à?
– Không, nhưng con biết được mười mấy chữ đó. Cả ngày con đi ăn xin tỉnh dậy lúc nào đi lúc ấy, tối mấy giờ về cũng được, mẹ đâu có la. Chỉ có dượng là hay đánh nhưng không hay đánh bằng ba con nữa. Mà sao hai ông bà cãi lộn hoài mà hổng thấy bỏ mà vẫn yêu nhau. Ông này lâu thế không biết, chứ mấy ông chước thì đâu được mấy ngày. Cả nhóm tròn mắt nhìn nhau, không nhịn nổi cười).
– Vậy con tính sau này con làm gì? Chừng nào con lấy vợ?
– Con sau này làm xã hội đen, đi uýnh lộn, bắt tụi nó kiếm tiền cho. Lúc ấy con gái cần gì phải lấy, con không lấy vợ .
-Vậy 20 năm sau cô hẹn con tại quán chè này khi ấy con làm xã hội đen rồi, cho cô phỏng vấn ngen.
-Lỡ con bị bắt thì sao? À, nhưng nếu chừng ấy con sẽ trả tiền chè cho cô. (Vừa cười thằng bé vừa nói). Thôi chết mấy giờ rồi, muộn mất , con về đây cô chú trả tiền chè nhé.
Cái dáng nhỏ bé chạy xa dần , thằng bé đem đến cho chúng tôi những giây phút cười thoải mái, nhưng khi nó đi cả nhóm đều im lặng, cũng đứng dậy ra về trong lòng mỗi đứa đều có những suy nghĩ riêng, nhìn nhau thở dài .
Còn rất nhiều những cảnh đời bất hạnh trên quê hương… (Ảnh: Zing)
Cả làng đại học này còn có bao nhiêu đứa như nó? Và xứ lạnh quê tôi thì sao? Tôi có nơi để về, còn nó, không biết tết này nó ăn tết ở đâu?
CAT – tintuc@hoithanh.com.
Bạn có suy nghĩ gì sau khi đọc truyện ngắn này?