Xuất Ai Cập Ký 13:17-22
17 Vả, khi Pha-ra-ôn tha dân Y-sơ-ra-ên đi, Đức Chúa Trời không dẫn dân ấy đi theo đường về xứ Phi-li-tin, là đường gần hơn hết, vì Ngài nói rằng: E khi dân thấy trận mạc, dời lòng trở về xứ Ê-díp-tô chăng. 18 Cho nên Đức Chúa Trời dẫn chúng đi vòng theo đường trong đồng vắng, về hướng Biển Đỏ. Dân Y-sơ-ra-ên cầm khí giới ra khỏi xứ Ê-díp-tô. 19 Môi-se dời hài cốt Giô-sép theo mình, vì Giô-sép có bắt dân Y-sơ-ra-ên thề quyết rằng: Chắc Đức Chúa Trời sẽ viếng các ngươi; hãy dời hài cốt ta theo các ngươi khỏi đây. 20 Vả, chúng đi khỏi Su-cốt, đóng trại tại Ê-tam, ở cuối đầu đồng vắng. 21 Đức Giê-hô-va đi trước dân sự, ban ngày ở trong một trụ mây, để dẫn đường đi; ban đêm trong một trụ lửa, để soi sáng cho chúng, hầu cho được đi luôn ngày và đêm. 22 Ban ngày trụ mây chẳng bao giờ cách xa dân sự, trụ lửa ban đêm cũng vậy.
Suy ngẫm và hiểu
Cho dù con đường nhanh nhất đến đất Ca-na-an là qua đất của người Phi-li-tin, Đức Chúa Trời dẫn dân Y-sơ-ra-ên theo một con đường khác. Điều này là bởi vì dân Y-sơ-ra-ên chưa đủ mạnh để đánh nhau với người Phi-li-tin (c.17-18). Khi Môi-se ra khỏi Ai Cập, theo như một trong các ước muốn của Giô-sép khi hấp hối (Sáng Thế Ký 50:25) ông mang theo hài cốt của Giô-sép (c.19).
Đức Chúa Trời hướng dẫn dân Y-sơ-ra-ên bằng trụ mây và trụ lửa, để dân Y-sơ-ra-ên có thể tiếp tục một cách an toàn trên con đường của họ vào hoang mạc (c. 20-22).
Đức Chúa Trời là Đấng như thế nào?
C. 20-22 Đức Chúa Trời dẫn dắt dân Y-sơ-ra-ên bằng trụ mây và trụ lửa. Trong suốt hành trình của họ, dân Y-sơ-ra-ên có thể xác nhận sự hiện diện của Đức Chúa Trời qua trụ mây và trụ lửa. Đối với chúng ta ngày nay có lời hứa của Đức Chúa Trời rằng Ngài sẽ ở cùng chúng ta cho đến tận thế, và Kinh Thánh và Đức Thánh Linh hỗ trợ điều này. Bằng cách dựa vào Đức Thánh Linh và suy ngẫm về lời Chúa chúng ta có thể luôn luôn kinh nghiệm được sự hiện diện sống động của Đức Chúa Trời.
Ngài ban cho tôi bài học gì?
C.18-19 Môi-se, theo như ước muốn của Giô-sép, đã mang theo mình hài cốt của Giô-sép ra khỏi Ai Cập. Đó là thời điểm, trong đó đức tin lớn của Giô-sép (một người vui hưởng mọi vinh quang và khao khát muốn Vương quốc của Đức Chúa Trời, không phải là Ai Cập lại được lớn lên như ngọn lửa không thể bị dập tắt. Hài cốt của Giô-sép là một thông điệp yên lặng cho chúng ta thấy các giao ước sẽ được làm thành một cách chắc chắn như thế nào.
Tham khảo
13:19 Việc mang theo hài cốt của Giô-sép đã làm thành những ước nguyện cuối cùng của ông (Sáng Thế Ký 50:24-25); Điều đó tái xác quyết cho dân Y-sơ-ra-ên rằng Đức Chúa Trời đã giữ những lời hứa mà Ngài đã đưa ra trước đó rất lâu. Hê-bơ-rơ 11:22 đã thấy mong ước của Giô-sép được chôn cất trong Miền Đất Hứa như một bằng chứng “đức tin” của ông nơi những phước hạnh trong tương lai của Đức Chúa Trời, bao gồm “một quê hương tốt hơn, nghĩa là, quê hương trên trời” (Hê-bơ-rơ 11:16; so sánh với Hê-bơ-rơ 11:1, 10, 13-16, 39-40).
13:21-22 Xuyên suốt các sự kiện trong Xuất Ai Cập Ký, mây và lửa đồng hành và có ý nghĩa là sự hiện diện của Chúa: tại bụi gai cháy (3:2), ban cho dân sự ma-na (16:10), trên núi Si-nai (19:18), và ở trong đền tạm (40:38).
Cầu nguyện: Xin hãy giúp chúng con kinh nghiệm được sự hướng dẫn của trụ mây và trụ lửa qua lời Chúa ngày hôm nay.
Đọc Kinh Thánh trong năm: Phục Truyền Luật Lệ Ký 5-7
Được Sự Cho Phép Của Liên Đoàn Đọc Kinh Thánh Su Việt Nam