Rô-ma 15:1-13
1 Chúng ta là người mạnh phải gánh vác những khiếm khuyết của người yếu, chứ không chỉ biết làm vừa lòng chính mình. 2 Mỗi người trong chúng ta nên làm vừa lòng người lân cận mình để giúp ích và xây dựng họ. 3 Vì Đấng Christ cũng không làm vừa lòng chính mình, như có lời chép: “Lời nhục mạ của những kẻ phỉ báng Ngài đã đổ trên con.” 4 Những gì đã được chép từ xưa đều nhằm dạy dỗ chúng ta, để nhờ sự kiên định và khích lệ của Kinh Thánh mà chúng ta có niềm hi vọng. 5 Cầu xin Đức Chúa Trời của sự kiên định và khích lệ giúp anh em sống hòa hợp với nhau theo gương Đấng Christ Jêsus, 6 để anh em đồng một lòng, một miệng mà tôn vinh Đức Chúa Trời, là Cha của Chúa chúng ta là Đức Chúa Jêsus Christ.
7 Vậy, anh em hãy vì vinh quang của Đức Chúa Trời mà tiếp nhận nhau, cũng như Đấng Christ đã tiếp nhận anh em. 8 Tôi xin nói, Đấng Christ đã vì chân lý của Đức Chúa Trời mà trở thành đầy tớ của những người được cắt bì, để khẳng định những lời hứa đã ban cho các tổ phụ, 9 và khiến dân ngoại tôn vinh Đức Chúa Trời vì sự thương xót của Ngài. Như có lời chép: “Bởi đó, Con sẽ ca ngợi Chúa giữa muôn dân và chúc tụng danh Ngài”
10 và có lời chép: “Hỡi dân ngoại, hãy cùng vui với dân Chúa,”11 và rằng: “Hỡi tất cả dân ngoại, hãy ca ngợi Chúa và muôn dân khá chúc tụng Ngài!”
12 Ê-sai cũng nói: “Từ Gie-sê sẽ ra một cái rễ, là Đấng cai trị dân ngoại; Dân ngoại sẽ hi vọng nơi Ngài.”
13 Cầu xin Đức Chúa Trời là nguồn hi vọng làm cho anh em ngập tràn niềm vui và bình an trong đức tin, để nhờ năng quyền của Đức Thánh Linh, anh em được chứa chan hi vọng!
Suy ngẫm và hiểu
Một Cơ Đốc nhân mạnh mẽ là một người hiểu sự tự do của mình trong Đấng Christ và nhạy bén với các quyền lợi của những người khác. Nhưng một Cơ Đốc nhân yếu đuối là một người không tăng trưởng trong đức tin vì sự cam kết của người đó là nghi thức và truyền thống. Tuy nhiên, cả hai đều là anh em trong Đức Chúa Jêsus (c.1-6). Tương tự, cả người Do Thái lẫn các dân ngoại đều là anh em trong Đấng Christ. Cho nên, họ phải tiếp đón nhau và khi họ ngợi khen Chúa như một người, sẽ có niềm hy vọng ngập tràn mà Đức Chúa Trời sẽ tuôn đổ (c.7-13).
Đức Chúa Trời là Đấng như thế nào?
C.8-12 Đức Chúa Trời đã chấp nhận cả người Do Thái lẫn người ngoại trong Đấng Christ. Phao-lô nhấn mạnh rằng Cựu Ước đã bày tỏ thực tế này và khuyên các Cơ Đốc nhân hãy trở nên một và đừng phân biệt người Do Thái và người ngoại nữa. Như vậy, một cộng đồng trở nên một là ý muốn của Đức Chúa Trời. Chúng ta hãy khao khát tôn vinh Đức Chúa Trời bằng việc sống hòa thuận với anh em mình trong tình yêu thương của Đấng Christ và đừng bị chia rẽ.
Ngài ban cho tôi bài học gì?
C.1-2 Trong một cộng đồng đức tin, những người có đức tin mạnh mẽ phải gánh vác khiếm khuyết của những người yếu đuối. Nếu người mạnh mẽ tìm cách cai trị người yếu đuối, thì đây là một sự vi phạm nguyên tắc của nước Đức Chúa Trời. Các mối quan hệ trong cộng đồng của chúng ta như thế nào? Cộng đồng của chúng ta có tôn trọng người yếu đuối và tạo ra một môi trường, nơi đức tin của họ có thể được tăng trưởng mạnh mẽ hơn không?
Tham khảo
15:1-3 Những người mạnh mẽ có trách nhiệm khoan dung và giúp đỡ người yếu đuối, thay vì sống ích kỷ để thỏa mãn ham muốn của riêng mình. Đời sống Cơ Đốc đặt việc làm cho người khác mạnh mẽ làm trung tâm. Đấng Christ là tấm gương cao nhất của việc sống vì vinh quang của Đức Chúa Trời, như đã được bày tỏ trong sự trích dẫn Thi Thiên 69:9.
15:8 Những người được cắt bì ở đây đề cập đến những người Do Thái. Trong việc thực hiện lời hứa cứu chuộc của Đức Chúa Trời đối với người Do Thái, sự thành tín của Đức Chúa Trời và sự thành tín của Lời Ngài được bày tỏ. 15:13 Hy vọng là một từ nối từ c.12. Niềm vui và sự bình an đến từ việc tin cậy Đức Chúa Trời, nhưng sự tin cậy như thế rốt cuộc là món quà của Đức Chúa Trời cho những người tin ngập tràn trong hi vọng chỉ bởi ân điển Ngài.
Cầu nguyện: Xin hãy giúp chúng con thực hành tình yêu thương của Đấng Christ với nhau bằng quyền năng của Đức Thánh Linh.
Đọc Kinh Thánh Trong Năm: Thi Thiên 16-18