Nhà truyền đạo thừa nhận rằng cả người khôn ngoan lẫn kẻ ngu dại đều sẽ chết, và khi họ chết, cả hai sẽ bị quên lãng. Điều này khiến ông tuyên bố rằng sự khôn ngoan của ông cũng vô nghĩa.
Truyền Đạo 2:12-17
12 Ta quay sang suy nghĩ về sự khôn ngoan, ngu dại, và điên rồ; vì người kế vị vua sẽ làm được gì? Chẳng qua là làm điều người khác đã làm từ lâu rồi. 13 Ta nhận thấy rằng sự khôn ngoan ích lợi hơn ngu dại, như ánh sáng ích lợi hơn bóng tối. 14 Người khôn ngoan có con mắt trong đầu mình, còn kẻ ngu dại bước đi trong bóng tối. Tuy nhiên, ta thấy rồi cả hai sẽ cùng chung một số phận. 15 Nên ta tự nhủ: “Việc xảy đến cho kẻ dại cũng sẽ xảy đến cho ta; vậy, ta khôn ngoan cho lắm để làm gì?” Ta lại tự nhủ: “Đó cũng là sự hư không.” 16 Người ta chẳng nhớ mãi người khôn ngoan cũng như kẻ ngu dại; vì trong những ngày sắp đến, tất cả đều bị quên lãng. Phải, người khôn ngoan cũng như kẻ ngu dại đều phải chết!
17 Vậy, ta ghét cuộc sống, vì đối với ta, mọi việc làm ra dưới ánh mặt trời đều xấu; tất cả đều hư không, theo luồng gió thổi.
Suy ngẫm và hiểu
Như ánh sáng tốt hơn bóng tối, sự khôn ngoan tốt hơn sự ngu dại. Sự khôn ngoan chắc chắn góp phần vào một cuộc sống có giá trị, có lợi và đức hạnh hơn, nhưng nó không phải luôn luôn là trường hợp một người khôn ngoan được tôn trọng và kẻ ngu dại bị sửa phạt. Sự khôn ngoan không phải lúc nào cũng đóng góp những việc tốt, và sự ngu dại không phải lúc nào cũng mang đến sự bất hạnh. Dù vậy chắc chắn, cả người khôn ngoan lẫn kẻ ngu dại đều sẽ chết. Vì thế, nhà truyền đạo xưng nhận rằng việc nỗ lực để trở nên một người khôn ngoan trong thế giới này cũng là hư không (c.12-17).
Ngài ban cho tôi bài học gì?
C.12 Các vị vua mới sẽ chỉ lặp lại những gì các vị vua trước đó đã làm. Các thế lực mới sẽ dấy lên với những khẩu hiệu, những lời hứa và sự tuyên truyền mới, và chúng ta sẽ mong đợi từ họ những việc mới, song khi họ dấy lên, chẳng bao lâu sau chúng ta nhận ra rằng việc mong đợi một điều gì từ ai đó dưới ánh mặt trời là một việc làm vô ích và dại dột. Do vậy, chúng ta phải giữ niềm hy vọng của chúng ta chỉ ở nơi Đức Chúa Trời, Đấng duy nhất có thể khiến nhân loại được nên mới.
C.16-17 Khi chết, người khôn ngoan và kẻ dại dột đều ngang bằng nhau. Khi nhận biết điều này, nhà truyền đạo đã than vãn, gớm ghiếc cuộc sống và sự lao khổ của mình, điều chẳng hơn gì sự hư không, một sự nỗ lực theo luồng gió thổi. Nhưng Đức Chúa Trời nhớ đến những công việc khó nhọc của chúng ta. Khi chúng ta đặt đức tin của mình nơi Đức Chúa Trời và trông cậy Ngài, thì chúng ta có thể tự tin về sự phục sinh, thậm chí khi đối diện với cái chết.
Tham khảo
2:12 Sự trị vì của Nhà Truyền Đạo với tư cách là vị vua trổi hơn tất cả những người khác (1:16; 2:7, 9), và vì vậy bất cứ ai đến sau vị vua này sẽ hết sức cũng chỉ sao chép được những gì đã được thực hiện. Sau khi xác định được rằng thậm chí sự trị vì đầy ấn tượng của chính ông cũng là “hư không” (c. 1-11), ông lại quay sang xem xét giá trị của sự khôn ngoan (so sánh với 1:12-18).
2:14-16 Sự khôn ngoan, dù tốt hơn vô cùng so với sự ngu dại, cũng không đảm bảo được sự bất tử cho những người có nó: sự việc tương tự (có nghĩa là sự chết, so sánh với c.16) xảy ra với cả người khôn ngoan lẫn kẻ ngu dại (so sánh với 3:19; 9:2-3, 11). Khiến cho vấn đề tồi tệ hơn, thậm chí người khôn ngoan thường hay bị lãng quên sau khi họ chết và không có được sự ghi nhớ lâu dài nào của những người khác.
Cầu nguyện: Chúa ôi, xin hãy giúp chúng con không sợ hãi sự chết và việc bị quên lãng. Xin hãy giúp chúng con chỉ sống vì một mình Ngài, Đấng ghi nhớ chúng con.
Đọc Kinh Thánh trong năm: Ê-phê-sô 4-6