Kinh thánh: Nêhêmi 8:1-12
1 Bấy giờ, dân sự đều nhóm hiệp như thể một người, tại phố ở trước cửa Nước. Chúng nói với E-xơ-ra là thầy thông giáo, xin người đem quyển sách luật pháp của Môi-se mà Đức Giê-hô-va đã truyền dạy cho Y-sơ-ra-ên. 2 Ngày mồng một tháng bảy, thầy tế lễ E-xơ-ra đem luật pháp đến trước mặt hội chúng, người nam và nữ, cùng những người có thông sáng nghe hiểu được.
3 Người đứng tại phố ở trước cửa Nước, đọc trong quyển ấy từ rạng đông cho đến trưa, có mặt các người nam và nữ, cùng những kẻ có thể hiểu được. Cả dân sự lắng tai nghe đọc sách luật pháp. 4 Thầy thông giáo E-xơ-ra đứng trên một cái sạp bằng gỗ mà người ta làm nhân dịp ấy; Ma-ti-thia, Sê-ma, A-na-gia, U-ri, Hinh-kia, và Ma-a-xê-gia, đứng gần người ở bên hữu; còn bên tả người thì có Phê-đa-gia, Mi-sa-ên, Manh-ki-gia, Ha-sum, Hách-ba-đa-na, Xa-cha-ri, và Mê-su-lam. 5 E-xơ-ra dở sách ra trước mặt cả dân sự, vì người đứng cao hơn chúng; khi người dở sách ra, thì dân sự đều đứng dậy. 6 E-xơ-ra ngợi khen Giê-hô-va Đức Chúa Trời cao cả; cả dân sự bèn giơ tay lên, mà đáp lại rằng: A-men, A-men! Rồi chúng cúi đầu, sấp mặt xuống đất mà thờ lạy Đức Giê-hô-va. 7 Giê-sua, Ba-ni, Sê-rê-bia, Gia-min, A-cúp, Sa-bê-thai, Hô-đi-gia, Ma-a-xê-gia, Kê-li-ta, A-xa-ria, Giô-xa-bát, Ha-nan, Bê-la-gia, và người Lê-vi, đều giải cho dân sự hiểu luật pháp; và dân sự đứng tại chỗ mình. 8 Họ đọc rõ ràng trong sách luật pháp của Đức Chúa Trời, rồi giải nghĩa nó ra, làm cho người ta hiểu lời họ đọc.9 Nê-hê-mi, quan tổng trấn, E-xơ-ra, thầy tế lễ và thầy thông giáo, cùng người Lê-vi mà dạy dỗ dân sự, bèn nói với cả Y-sơ-ra-ên rằng: Ngày nay là thánh cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời của các ngươi; chớ để tang, cũng đừng khóc lóc. Vì cả dân sự đều khóc khi nghe đọc các lời luật pháp. 10 Nê-hê-mi nói với chúng rằng: Hãy đi ăn vật gì béo, uống đồ gì ngọt, và hãy gởi phần cho những người không có sắm sửa gì hết; vì ngày nay là thánh, biệt riêng ra cho Chúa của chúng ta. Chớ buồn thảm, vì sự vui vẻ của Đức Giê-hô-va là sức lực của các ngươi.
11 Vậy, người Lê-vi làm cho cả dân sự đều được yên ổn, mà rằng: Khá nín đi, vì ngày nay là thánh, đừng sầu thảm chi. 12 Cả dân sự bèn đi đặng ăn và uống, gởi cho những phần, cùng vui vẻ lắm; vì chúng có hiểu các lời người ta đã truyền dạy cho mình.
Câu gốc 8:1″,Bấy giờ, dân sự đều nhóm hiệp như thể một người, tại phố ở trước cửa Nước. Chúng nói với E-xơ-ra là thầy thông giáo, xin người đem quyển sách luật pháp của Môi-se mà Đức Giê-hô-va đã truyền dạy cho Y-sơ-ra-ên.“
Hôm nay, chúng ta cùng suy gẫm với nhau trong phân đoạn nầy với chủ đề là: SỰ NHÓM HIỆP THÁNH hay gọi SỰ THỜ PHƯỢNG THÁNH. Câu hỏi đặt ra rằng: Tiêu chuẩn nào để được Đức Chúa Trời nhìn nhận đó là sự nhóm hiệp thánh? Dựa vào câu 1 chúng ta sẽ thấy có 4 yếu tố thể hiện trong nội dung sau đây:
- Tinh thần thờ phượng ( Bấy giờ, dân sự đều nhóm hiệp )
- Thái độ thờ phượng ( như thể một ngườ )
- Vị trí nơi thờ phượng ( tại phố ở trước cửa Nước )
- Mục đích sự thờ phượng ( xin người đem quyển sách luật pháp của Môi-se mà Đức Giê-hô-va đã truyền dạy cho Y-sơ-ra-ên )
Bây giờ chúng ta cùng đi vào phân tích nội dung phân đoạn nầy:
- 1. Tinh thần thờ phượng ( Bấy giờ, dân sự đều nhóm hiệp )
Chữ bấy giờ xác định giúp chúng ta hiểu đây là thời điểm cho biết dân Y-sơ-ra-ên sau khi bị phu tù tại đất Babylon được trở về quê hương. Và ngày hôm nay là ngày 1 tháng 7 cũng là ngày lễ lớn của dân tộc Y-sơ-ra-ên theo như luật pháp của Chúa có qui định
( Lê-vi ký 23:23-24, 23 Đức Giê-hô-va lại phán cùng Môi-se rằng: 24 hãy truyền cho dân Y-sơ-ra-ên rằng: Ngày mồng một tháng bảy, sẽ có cho các ngươi một ngày nghỉ, một lễ kỷ niệm lấy tiếng kèn thổi mà rao truyền, tức là một sự nhóm hiệp thánh vậy. )
cho nên họ có sự nhóm hiệp thánh. Nhưng có một điều làm cho chúng ta thắc mắc rằng: Tại sao lúc nầy tinh thần nhóm hiệp thờ phượng Chúa được nhìn nhận là sự thờ phượng thánh! Còn trước đó 70 năm, trước khi họ bị Chúa đoán phạt, họ đã thờ phượng như thế nào mà Chúa phán lấy làm mệt mà ngự giữa nơi thờ phượng của họ
( Ê-sai 1:13-14, Thôi, đừng dâng của lễ chay vô ích cho ta nữa! Ta gớm ghét mùi hương, ngày trăng mới, ngày sa-bát cùng sự rao nhóm hội; ta chẳng khứng chịu tội ác hội hiệp nơi lễ trọng thể. 14 Thật, lòng ta ghét những ngày trăng mới và kỳ lễ các ngươi, là nặng nề cho ta, ta lấy làm mệt mà gánh lấy. ).
Thậm chí lúc đó Chúa sai các tôi tớ của Ngài trong đó có Giê-rê-mi đến nói cùng họ rằng: về sự thờ phượng và đời sống đạo của các ngươi thật là gớm ghiếc trước mặt Chúa. Nhưng theo cách nhìn nhận của họ thì cho rằng họ đang thánh khiết và không có phạm tội gì hết, cho nên dân sự không hề sợ sệt lời rao báo và không ăn năn
( Giê-rê-mi 16:10-13, 10 Khi ngươi đem lời nầy truyền cho dân, chúng nó chắc hỏi ngươi rằng: Sao Đức Giê-hô-va rao những tai nạn nầy cho chúng tôi? hoặc chúng tôi có tội gì? hoặc chúng tôi đã phạm tội gì nghịch cùng Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng tôi? 11 Ngươi bèn khá đáp rằng: Đức Giê-hô-va phán: Ấy là tại tổ phụ các ngươi đã bỏ ta, mà theo các thần khác, đặng hầu việc và quì lạy các thần ấy, mà đã lìa bỏ ta, và không giữ luật pháp ta. 12 Còn các ngươi lại làm xấu hơn tổ phụ mình; vì, nầy, các ngươi ai nấy đều theo sự cứng cỏi của lòng ác mình, chẳng lo nghe ta. 13 Cho nên ta sẽ ném các ngươi ra khỏi đất nầy, vào trong một xứ mà các ngươi và tổ phụ các ngươi cũng chưa từng biết, tại đó các ngươi sẽ hầu việc các thần khác đêm ngày; vì ta sẽ không ban ơn cho các ngươi.)
Bây giờ chúng ta cùng đối chiếu lại xem cùng một dân sự nhưng lại có 2 thời điểm thờ phượng khác nhau đó là: ( Trước khi bị phu tù và sau khi phu tù trở về ) họ đã nhóm hiệp trong tinh thần như thế nào để được kể là thánh và một bên kể là gớm ghiếc.
Sau khi được sắc chỉ của vua Si-ru bởi sự cảm động của Chúa, nên vua đã lệnh cho dân Y-sơ-ra-ên trở về quê hương mình
( E-xơ-ra 1:1-4, 1 Năm thứ nhất đời Si-ru, vua nước Phe-rơ-sơ trị vì, Đức Giê-hô-va muốn làm cho ứng nghiệm lời Ngài đã cậy miệng Giê-rê-mi mà phán ra, nên Ngài cảm động lòng Si-ru, vua Phe-rơ-sơ tuyên truyền trong khắp nước mình, và cũng ra sắc chỉ rằng: 2 Si-ru, vua Phe-rơ-sơ, nói như vầy: Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã ban các nước thế gian cho ta, và chính Ngài có biểu ta xây cất cho Ngài một đền thờ tại Giê-ru-sa-lem, trong xứ Giu-đa. 3 Trong các ngươi, phàm ai thuộc về dân sự Ngài, khá trở lên Giê-ru-sa-lem trong xứ Giu-đa, đặng cất lại đền thờ Giê-hô-va, là Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên, vẫn ngự tại Giê-ru-sa-lem. Nguyện Đức Chúa Trời người ấy ở cùng người! 4 Hễ dân Giu-đa còn sót lại, mặc dầu ở đâu, thì bổn dân của nơi họ ở, phải tiếp trợ họ bằng bạc, vàng, của cải, súc vật, không kể những của lễ lạc hiến về đền của Đức Chúa Trời ở tại Giê-ru-sa-lem.)
khi trở về, họ đã chứng kiến toàn cảnh đất nước cùng đền thờ Chúa tại Giê-ru-sa-lem đã bị tàn phá tan hoang, cuộc sống hiện tại thì gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Dầu vậy, ngày hôm nay là ngày nhóm hiệp thánh, tất cả dân sự từ già đến trẻ đều sốt sắng nhóm hiệp lại để thờ phượng Chúa. Bởi đâu! Mà họ lại có tinh thần như vậy? vì trong suốt thời gian 70 năm bị phu tù tại đất dân ngoại họ đã cay đắng và thấm thía về kíêp phu tù của mình như thể nào!
( Thi-thiên 137:1-4, Chúng tôi đương ngồi trên mé sông Ba-by-lôn,
Bèn nhớ lại Si-ôn, và khóc.
2 Chúng tôi treo đàn cầm chúng tôi
Trên cây dương liễu của sông ấy.
3 Vì ở đó những kẻ bắt chúng tôi làm phu tù,
Có bảo chúng tôi hát xướng;
Kẻ cướp giựt chúng tôi có đòi chúng tôi hát mừng, mà rằng:
Hãy hát cho chúng ta một bài ca của Si-ôn.
4 Trên đất ngoại bang,
Chúng tôi làm sao hát được bài ca của Đức Giê-hô-va?)
Lúc bấy giờ họ chỉ buồn thảm và khóc, họ ngồi nhớ lại những ngày tháng khi còn ở trong nhà của Chúa, họ được vui mừng, bình an, tự do hát xướng để ngợi khen Chúa. Nhưng giờ đây họ phải ngồi ở mé sông Babylon mà khóc và cây đàn cầm phải treo lên cây dương liễu, dân ngoại thì nhạo báng họ. Cuộc sống mỗi ngày thật là cay đắng và cơ cực, muốn uống 1 ngụm nước thì cũng phải trả tiền, phải mua cũi mà chụm, không còn được hường những tiêu chuẩn sung sướng, miễn phí như ngày xưa tại quê hương
( Ca-thương 5:1-4, Hỡi Đức Giê-hô-va, xin nhớ sự đã giáng trên chúng tôi;
Hãy đoái xem sự sỉ nhục chúng tôi!
2 Sản nghiệp chúng tôi đã sang tay dân ngoại,
Nhà cửa thuộc về người giống khác.
3 Chúng tôi mất cha, phải mồ côi,
Mẹ chúng tôi trở nên góa bụa.
4 Chúng tôi uống nước phải trả tiền,
Phải mua mới có củi.)
Trước đó lời Chúa đã thường xuyên cảnh báo cho họ hiểu rằng: thế nào là được hầu việc Chúa và thế nào là phục dịch thế gian
( II Sử ký 12:8, 8 song chúng nó sẽ bị phục dịch hắn, hầu cho biết phục sự ta và phục dịch nước khác là có phân biệt thể nào.)
Lúc trước tinh thần thờ phượng của họ chỉ nhóm lại mang tính lễ nghi và phô trương, thậm chí họ còn ăn cắp luôn cả ngày Sa bát của Chúa để làm việc kiếm tiền
( Giê-rê-mi 17: 21-23, Đức Giê-hô-va phán như vầy: Các ngươi hãy giữ, chớ khiêng gánh trong ngày sa-bát; chớ khiêng gánh vào cửa thành Giê-ru-sa-lem. 22 Trong ngày sa-bát, đừng khiêng gánh ra khỏi nhà các ngươi, cũng đừng làm việc chi hết; nhưng hãy biệt riêng ngày sa-bát ra thánh, như ta đã phán dặn tổ phụ các ngươi. 23 Nhưng mà, họ chẳng nghe, chẳng lắng tai; cứng cổ để chẳng nghe ta và chẳng chịu dạy.)
Trong những năm gần đây, nếu những ai đã từng sinh sống tại nước Mỹ, chúng ta sẽ nhìn thấy được tinh thần thờ phượng Chúa nguội lạnh ra sao! mỗi buổi sáng Chúa nhật đến giờ thờ phượng chỉ lác đác những ông bà lớn tuổi đến đúng giờ, giờ học Kinh thánh trường Chúa nhật lúc 10 giờ sáng mà họ còn cho là sớm. Trong luật pháp, giờ làm việc qui định 1 tuần là 40 giờ, nhưng những lúc quá nhiều việc làm và lòng tham muốn kiếm tiền cho nên họ ăn cắp luôn cả ngày thánh để kiếm thêm thu nhập. Hội thánh thì càng ngày càng vắng tín đồ nhóm lại, cho nên họ nghĩ ra nhiều cách chiêu dụ tín đồ bằng nhiều hình thức là: tổ chức vui chơi, ăn uống,… Đây cũng là thời điểm cảnh báo con cái Chúa hãy nhìn lại gương thờ phượng của dân Y-sơ-ra-ên khi xưa.
2. Thái độ thờ phượng ( như thể một người )
Và chúng ta sẽ lấy làm ngạc nhiên khi đọc câu nầy ( như thể một người ), bởi đâu mà cả đoàn dân đông ở nhiều lứa tuổi khác nhau nhưng họ lại giữ được thái độ im lặng như thể một người. Chúng ta vẫn thừa biết rằng: khi nơi nào có sự tập họp ( hay nhóm lại đông người ) thì nơi đó sẽ có tiếng nói, tiếng cười ồn ào. Nhưng câu Kinh thánh nầy bày tỏ cho chúng ta biết sự tôn nghiêm, kỉnh kiềng của họ trước sự thờ phượng Chúa một cách lạ lùng được mô tả rằng như chỉ có 1 người mà thôi.
Trước kia, khi nhóm hiệp thờ phượng thì thái độ của họ khác hẳn, họ dâng hiến rất nhiều của lễ nhưng mục đích là để khoe khoang về sự giàu có, tìm kiếm sự tôn trọng, vinh hiển trước đám đông
( Ê-sai 1:11-17, 11 Đức Giê-hô-va phán: Muôn vàn của lễ các ngươi nào có can hệ gì đến ta? Ta đã chán chê của lễ thiêu bằng chiên đực và mỡ của bò con mập. Ta chẳng đẹp lòng về huyết của bò đực, chiên con và dê đực đâu. 12 Khi các ngươi đến chầu trước mặt ta, ai khiến các ngươi giày đạp hành lang ta?
13 Thôi, đừng dâng của lễ chay vô ích cho ta nữa! Ta gớm ghét mùi hương, ngày trăng mới, ngày sa-bát cùng sự rao nhóm hội; ta chẳng khứng chịu tội ác hội hiệp nơi lễ trọng thể. 14 Thật, lòng ta ghét những ngày trăng mới và kỳ lễ các ngươi, là nặng nề cho ta, ta lấy làm mệt mà gánh lấy. 15 Vậy nên, khi các ngươi giơ tay, thì ta che mắt khỏi các ngươi. Khi các ngươi cầu nguyện rườm rà, ta chẳng thèm nghe. Tay các ngươi đầy những máu. 16 Hãy rửa đi, hãy làm cho sạch! Hãy tránh những việc ác khỏi trước mắt ta. Đừng làm dữ nữa. 17 Hãy học làm lành, tìm kiếm sự công bình; hãy đỡ đần kẻ bị hà hiếp, làm công bình cho kẻ mồ côi, binh vực lẽ của người góa bụa.
Mi chê 6:6-8, Ta sẽ đem vật gì chầu trước mặt Đức Giê-hô-va và quì lạy trước mặt Đức Chúa Trời rất cao? Ta sẽ đến trước mặt Ngài với những của lễ thiêu và với những bò con giáp niên sao? 7 Đức Giê-hô-va há có thích những hàng ngàn chiên đực hay là hàng vạn sông dầu sao? Ta há nên dâng con đầu lòng của ta vì sự phạm pháp ta, và trái của thân thể ta vì tội lỗi linh hồn ta sao? 8 Hỡi người! Ngài đã tỏ cho ngươi điều gì là thiện; cái điều mà Đức Giê-hô-va đòi ngươi há chẳng phải là làm sự công bình, ưa sự nhân từ và bước đi cách khiêm nhường với Đức Chúa Trời ngươi sao?)
Trong khi đó đời sống của họ thì bại hoại, hà hiếp anh em mình, ức hiếp người nghèo khổ, cho nên Chúa phán rằng: Ta chán chê các của lễ của các ngươi. Họ đã giày đạp hành lang đền thờ Chúa, họ đã biến nhà Chúa thành nơi buôn bán, hang trộm cướp
(Mathiơ 21:12-13, 12 Đức Chúa Jêsus vào đền thờ, đuổi hết kẻ bán người mua ở đó; đổ bàn của người đổi bạc, và ghế của người bán bồ câu. 13 Ngài phán cùng họ rằng: Có lời chép: Nhà ta sẽ gọi là nhà cầu nguyện; nhưng các ngươi thì làm cho nhà ấy thành ra ổ trộm cướp.;
Ê-sai 56:7, 7 thì ta sẽ đem họ lên trên núi thánh ta, làm cho họ vui mừng trong nhà cầu nguyện ta. Của lễ thiêu và hy sinh họ dâng trên bàn thờ ta, sẽ được nhận lấy; vì nhà ta sẽ gọi là nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc.;
và Giê-rê-mi 7: 11, 11 Vậy thì các ngươi xem nhà nầy, là nơi được xưng bằng danh ta, như hang trộm cướp sao? Nầy, ta, chính ta, xem thấy mọi điều đó, Đức Giê-hô-va phán vậy.)
Trong thời gian vừa qua, khi có dịp nhóm lại với một số hội thánh tại nước Mỹ, tôi đã chứng kiến tình trạng phổ biến xảy ra khắp trong các hội thánh. Vào một buổi sáng đầu giờ nhóm tại Wasinton D.C, khi tôi vào nhóm thì được mấy anh em trong ban tiếp tân chìa ra những tấm phiếu cơm và phở, họ mời tôi mua ủng hộ để gây qũy cho nhà thờ. Sau đó, khi tôi nhóm hội thánh khác thì có nơi mời mua phiếu gà quay, nơi thì chả giò chiên, nơi thì hủ tiếu… và sự biến tướng đó trở thành một phong trào trong các hội thánh khắp nước Mỹ. Riêng những ngày cuối tuần thì họ tổ chức rửa xe tại nhà thờ, họ cho số thanh thiếu niên ra giữa đường để mời mọi người đem xe vào ủng hộ; cho nên khi tôi chứng kiến cảnh đó thì lời Chúa được tái hiện trong tâm trí tôi hình ảnh ngày xưa trong kinh thánh được chép ở sách Ê-sai, Giê-rê-mi và hình ảnh giận dữ của Chúa Jesus đối với những kẻ đã tổ chức buôn bán trong nhà Chúa. Thậm chí nó còn lan truyền đến nhiều hội thánh các nước bắt chước theo, trong đó có hội thánh tại Việt nam. Ở đây chúng ta thấy một khung cảnh chỉ toàn là ồn ào, loạn lạc, khi mới bắt đầu bước vào giờ nhóm thì ông mục sư quản nhiệm đứng trên bục giảng mời gọi mọi người đứng lên quay phải, quay trái và phía sau để bắt tay chào hỏi nhau. Lúc đó không gian trong hội thánh trở nên náo loạn, hỗn độn, tưởng chừng như cái chợ, sau đó ông đề nghị mọi người giữ trật tự, im lặng nhưng điều đó không hề xảy ra như ông mong muốn, thậm chí ông nói rằng quí vị có nghe tôi nói không! Chính sự hướng dẫn của ông làm cho buổi thờ phượng trở nên hỗn loạn, là con cái Chúa họ phải hiểu rằng khi bước vào sự thờ phượng, tất cả phải hướng lòng dâng sự vinh hiển cho Chúa, ngược lại họ lại giành sự vinh hiển cho nhau trong giờ thờ phượng.
Chẳng những ồn ào về lời nói thôi, nhưng điều phụ họa đáng sợ hơn đó là âm nhạc và những khí cụ mà họ đem ra sử dụng trong buổi thờ phượng. Trước đó dân Y-sơ-ra-ên đã từng bày vẽ đủ thứ nhạc khí và sáng tác những bài hát bậy bạ đến nỗi Chúa đã sai ông A-mốt đến rao án về tình trạng đó
( A-mốt 6:5, 5 Thật, các ngươi hát bài bậy bạ họa theo đàn cầm, bày vẽ ra những đồ nhạc khí cho mình như vua Đa-vít. ).
Lúc bấy giờ, lời Chúa lên án những kẻ cầm đầu trong dân Y-sơ-ra-ên, Chúa sai các tiên tri lên án họ nhưng họ phản ứng và biện luận lí lẽ rằng: ngày xưa vua Đavít cũng từng sử dụng những nhạc khí đó ( Như vua Đavít ). Ví suốt quãng thời gian dài Chúa đã đổ phước xuống đất nước tuyển dân và chính đời sống sung sướng, giàu có đó đã làm cho lòng họ sanh ra sự bại hoại. Trong lúc thờ phượng họ bắt đầu chán những bài hát thơ ca, thánh vịnh mà tổ phụ họ đã được Chúa cảm động viết ra, sau đó bởi lòng xác thít họ đã sáng tác ra những bài hát bậy bạ ( chữ bậy bạ đây không có nghĩa là không có chữ Chúa trong đó ) nhưng bậy bạ đây là tự họ viết chứ không hề được cảm động và họ đã đưa nhiều thể loại theo cách thế gian vào hát trong buổi thờ phượng Chúa. Trong lúc tôn vinh Chúa thì họ bày vẽ đủ thứ nhạc khí và họ lại lí luận rằng hãy sử dụng tất cả những thứ nhạc khí đó giống ( như vua Đavít ) ngày xưa đã làm. Họ đã làm cho âm thanh hỗn độn và ồn ào trong lúc thờ phượng; bởi vậy lời Chúa lên án những kẻ chăn dắt dân sự thời bấy giờ rằng: Chẳng biết phân biệt cái gì là tục, cái gi là thánh
(Ê-xê-chi-ên 22:26, Các thầy tế lễ nói phạm luật pháp ta, và làm dơ vật thánh ta; chẳng phân biệt cái gì là thánh, cái gì là tục; chẳng khiến người ta phân biệt cái gì là ô uế, cái gì là tinh sạch; nhắm mắt chẳng xem các ngày sa-bát ta, và ta bị nói phạm giữa chúng nó.).
Cho nên ngày nay khi chứng kiến những điều đó, chúng ta sẽ thấy rằng những người chăn bầy, mục sư họ không còn khả năng phân biệt được cái gì là tục, cái gì là thánh. Đối với họ, miễn sao bài hát nào có chữ “ CHÚA” trong đó là được, nếu như vậy! khi chúng ta tổ chức lễ cưới thì mình cho sử dụng những bài hát và nhạc khí thường sử dụng trong đám tang thì họ chịu không? Hay ngược lại!
3 .Vị trí nơi thờ phượng ( tại phố ở trước cửa Nước )
Và yếu tố thứ 3 trong sự thờ phượng thánh của dân sự lúc bấy giờ là gì? ở đây cho thấy vị trí và điều kiện mà họ đang thờ phượng Chúa là ( tại phố ở trước cửa Nước ). Chúng ta biết thành Giêrusalem thì có nhiều vách thành và có những cánh cửa được gọi là cửa Nước, cửa Phân, cửa Cá, cửa Trũng,…) cho nên lúc nầy họ không còn đền thờ, vách thành, nhà cửa đều đã đổ nát, tan hoang,… bấy giờ họ phải hiệp nhau lại ở ngoài phố ( ngoài trời ) ở gần trước cửa Nước, và họ phải làm 1 cái sạp bằng gỗ để thầy thông giáo E-xơ-ra đứng trên đó mà giảng
( câu 4a;Thầy thông giáo E-xơ-ra đứng trên một cái sạp bằng gỗ mà người ta làm nhân dịp ấy;)
hay ngày nay người ta thường ví sánh giống như sân khấu lộ thiên.
Dù với hoàn cảnh và điều kiện cơ sở vật chất không có nhưng họ vẫn thể hiện một tinh thần thờ phượng Chúa cách tin kính. Ở đây cho chúng ta thấy rằng: tiêu chuẩn để được Chúa nhìn nhận là sự nhóm hiệp thánh không bởi có đền thờ xa hoa lát bằng vàng, hay các nhà thờ ngày nay phải xây cất cho thật đẹp, thật tốt, thật đầy đủ các điều kiện về máy lạnh, thang máy và những thứ vật chất khác…
Trước kia, thời Giê-rê-mi, vua Giêhôgiakim làm điều ác trước mặt Chúa, ông không lo nghĩ gì đến nỗi khốn khổ của dân sự, mà chỉ lo xây cung điện, nhà cửa sang trọng, đẹp đẽ và mục đích là để ganh đua lẫn nhau mà thôi. Lúc bầy giờ, để có nhiều tiền của để thực hiện xây cất ông đã sử dụng nhiều sắc lệnh để bắt dân sự nộp thuế cao, làm cho đời sống dân sự càng thêm khốn khổ
( Giê-rê-mi 22:13-19, Khốn thay cho kẻ xây nhà trái lẽ công bình, làm phòng bởi sự bất nghĩa; dùng kẻ lân cận mình làm việc vô lương, và chẳng trả tiền công; 14 nói rằng: Ta sẽ xây tòa nhà rộng rãi, có những phòng khoảng khoát; xoi những cửa sổ, lợp trần bằng gỗ bách hương, và sơn son. 15 Ngươi lấy gỗ bách hương ganh đua sự đẹp, há nhân đó được làm vua sao? Cha ngươi xưa đã ăn đã uống, làm ra sự công bình chính trực, cho nên được thạnh vượng. 16 Người đã làm ra lẽ thẳng cho kẻ nghèo và thiếu thốn, cho nên được phước. Đức Giê-hô-va phán: Như vậy há chẳng phải là biết ta sao? 17 Nhưng mắt và lòng ngươi chăm sự tham lam, đổ máu vô tội, và làm sự ức hiếp hung dữ.
18 Vậy nên, về Giê-hô-gia-kim, con trai Giô-si-a, vua của Giu-đa, Đức Giê-hô-va phán như vầy: Người ta sẽ chẳng khóc người mà nói rằng: Ôi, anh em ta! Ôi, chị em ta! Cũng sẽ chẳng than tiếc mà rằng: Thương thay chúa! Thương thay vinh hiển chúa! 19 Người sẽ bị chôn như chôn con lừa; sẽ bị kéo và quăng ra ngoài cửa thành Giê-ru-sa-lem.;
và II Các-vua 23:34-37, 34 Đoạn, Pha-ra-ôn Nê-cô lập Ê-li-a-kim, con trai Giô-si-a, làm vua thế cho Giô-si-a, cha người, và cải tên người là Giê-hô-gia-kim. Còn Giô-a-cha bị bắt làm phu tù tại Ê-díp-tô, và người qua đời tại đó. 35 Giê-hô-gia-kim nộp cho Pha-ra-ôn những bạc và vàng ấy. Nhưng để lo cho có số tiền Pha-ra-ôn đòi, thì người phải đánh thuế dân của xứ; người định thuế vàng bạc mỗi người phải giữ đóng; đoạn người giao hết cho Pha-ra-ôn Nê-cô.
36 Giê-hô-gia-kim được hai mươi lăm tuổi khi lên làm vua, và người cai trị mười một năm tại Giê-ru-sa-lem. Mẹ người tên là Xê-bụt-đa, con gái Phê-đa-gia ở Ru-ma. 37 Người làm điều ác tại trước mặt Đức Giê-hô-va, theo trọn gương các tổ phụ mình đã làm.)
Nhưng câu hỏi đặt ra ở đây là: con cái Chúa không được xây nhà thờ và nhà cửa cho lớn và đẹp sao?
Và câu trả lời là được và không ( tức là tuỳ theo thời kì hay thời điểm Chúa cho phép thực hiện ) vì trong sách truyền đạo lời Chúa có phán rằng:
Đức Chúa Trời định kỳ cho muôn vật: phàm sự gì có thì tiết, mọi việc dưới trời có kỳ định: có kỳ phá dở, và có kỳ xây cất ( Truyền Đạo 3:1-3 ).
Cho nên trong thời tiên tri Giê-rê-mi thi hành chức vụ, Chúa có sai ông đi rao báo rằng: thành Giêrusalem và đất nước sẽ bị trong thời kỳ phá dở và lưu đày họ đi làm phu tù vì cớ tội lỗi của họ.
Nhưng những người đứng đầu dân sự thì không hề lắng nghe và run sợ, họ cứ tiếp tục ra sức xây cất để thách thức mạng lệnh của Chúa. Và thời gian không lâu sau đó đã được ứng nghiệm lời Chúa phán
( Giê-rê-mi 52: 12-15, 12 Ngày mồng mười tháng năm, năm thứ mười chín về đời Nê-bu-cát-nết-sa, vua Ba-by-lôn, thì Nê-bu-xa-ra-đan, quan đầu thị vệ, hầu vua Ba-by-lôn, vào thành Giê-ru-sa-lem. 13 Người sai đốt nhà Đức Giê-hô-va, cung vua, và hết thảy nhà cửa trong thành Giê-ru-sa-lem. Mọi nhà lớn cũng đều phó cho lửa. 14 Rồi cả đạo binh của người Canh-đê thuộc quyền quan đầu thị vệ, phá hết thảy các vách thành chung quanh Giê-ru-sa-lem. 15 Những kẻ rất nghèo trong dân, với những kẻ sống sót đương ở trong thành, những kẻ đã đầu hàng vua Ba-by-lôn, và từ trong đám đông sót lại, thì Nê-bu-xa-ra-đan, quan đầu thị vệ, bắt đem đi làm phu tù hết thảy.)
Ngày nay, nhiều hội thánh khắp nơi luôn hô hào kêu gọi con cái Chúa dâng hiến để xây nhà thờ cho lớn và thật đẹp, họ cho rằng xây cất như thế là làm vinh hiển danh Chúa.
Nhưng thật ra, mục đích và động cơ thật của họ là ganh đua lẫn nhau trong sự khoe khoang về cơ sở vật chất nhà thờ mà thôi.
Trong khi đó, chính môi miếng họ thì luôn rao giảng rằng: Hãy sửa soạn đời sống để gặp Chúa sắp tái lâm.
Đáng lẽ ra họ đã được nghe về sứ điệp sự phán xét của Đức Chúa Trời và thời kì sắp phá dỡ xảy ra thì họ nên thức tỉnh và ăn ăn. Những nguồn tài chính đó nên tập trung mà lo cho công việc nhà Chúa là truyền giảng, chia xẻ, cứu giúp con cái Chúa đang gặp khốn khó, nghèo khổ, hoạn nạn khắp nơi.
Và những người chăn đó họ vẫn thấy và cảm nhận được tình hình diễn biến của thế giới ngày nay đang trong sự khủng hoãng và tuyệt vọng như thế nào! Nhưng họ vẫn bịt mắt, bịt tai lại không muốn thấy và không muốn lắng nghe, cho nên giờ đến chính những người cầm đầu trong dân sự phải trả lời về việc làm của mình.
Chúng ta trở lại bài học cho thấy đứng trước điều kiện không còn gì nhưng dân Y-sơ-ra-ên vẫn thể hiện được tinh thần nhóm hiệp thánh của mình.
4. Mục đích sự thờ phượng ( xin người đem quyển sách luật pháp của Môi-se mà Đức Giê-hô-va đã truyền dạy cho Y-sơ-ra-ên )
Và bây giờ, chúng ta đi đến yếu tố cuối cùng là mục đích sự thờ phượng của dân Y-sơ-ra-ên là gì? Chúng nói với E-xơ-ra là thầy thông giáo: xin người đem quyển sách luật pháp của Môi-se mà Đức Giê-hô-va đã truyền dạy cho dân Y-sơ-ra-ên mà đọc và giảng dạy cho họ hiểu.
Chúng ta thấy lúc nầy dân sự thể hiện chỉ có 1 mục đích duy nhất là xin giảng dạy lời Chúa cho chúng tôi được nghe. Tại sao họ lại khao khát lời Chúa đến mức độ như vậy?
Như tôi đã có đề cập trong bài vì sau khi được trở về lại quê hương, họ đã kinh sợ những gì mà trước đó cha ông và họ đã chống nghịch mạng lệnh Chúa và phải trả giá như thế nào.
Giờ đây họ ăn năn và họ thật sự muốn được nghe lời Chúa dạy dỗ, soi sáng cho họ biết con đường nào phải đi theo ý Chúa.
Còn trước kia lời Chúa phán cùng họ rằng: mỗi sáng sớm Tai sai các tôi tớ của Ta đến cùng các ngươi nhưng các ngươi không muốn nghe, lời Ta dầu có phán dạy một vạn điều nhưng các ngươi không muốn nghe một điều nào hết. Đến nỗi khi Chúa sai đưa quyển sách luật pháp ( Kinh thánh ) cho họ đọc thì họ từ chối với lí do rằng :
(Ê-sai 29: 11-13, 11 Vậy nên mọi sự hiện thấy đối với các ngươi đã nên như lời của quyển sách đóng ấn, đưa cho người biết đọc, mà rằng: Xin đọc sách nầy! Thì nó trả lời rằng: Tôi không đọc được, vì sách nầy có đóng ấn; 12 hoặc đưa cho người không biết đọc, mà rằng: Xin đọc sách nầy! Thì nói rằng: Tôi không biết đọc.
13 Chúa có phán rằng: Vì dân nầy chỉ lấy miệng tới gần ta, lấy môi miếng tôn ta, mà lòng chúng nó thì cách xa ta lắm; sự chúng nó kính sợ ta chẳng qua là điều răn của loài người, bởi loài người dạy cho;).
Người biết đọc thì nại lí do là lời đó là lời mầu nhiệm (đóng ấn ) nên không đọc được, còn người không biết đọc thì cho rằng tôi không biết đọc, tức là họ có đủ lí do để khước từ đọc và nghe giảng lời Chúa.
Cho nên Chúa Jesus từng dung câu chuyện “ Xem gì? Xem chi?” để phán dạy cho họ biết mục đích của họ đến với Chúa là gì?
( Luca 7: 24-35; 24 Hai người của Giăng sai đến đã đi rồi, Đức Chúa Jêsus mới phán cùng đoàn dân về việc Giăng rằng: Các ngươi đã đi xem chi nơi đồng vắng? Xem cây sậy bị gió rung chăng?… 25 Lại các ngươi còn đi xem gì? Xem người ăn mặc tốt đẹp chăng? Kìa, những người mặc áo sang trọng, và ăn ở sung sướng, thì ở trong đền đài các vua! 26 Song, rốt lại, các ngươi đi xem gì? Xem một đấng tiên tri ư? Phải, ta nói, một đấng trọng hơn tiên tri nữa. 27 Ấy về đấng đó mà có lời chép rằng:
Nầy, ta sẽ sai sứ ta đến trước mặt ngươi,
Người sẽ dọn đường trước ngươi.
28 Ta nói cùng các ngươi, trong những người bởi đàn bà sanh ra, không có ai lớn hơn Giăng Báp-tít đâu; nhưng trong nước Đức Chúa Trời, kẻ rất nhỏ còn lớn hơn Giăng vậy. 29 Cả dân chúng cùng kẻ thâu thuế chịu Giăng làm phép báp-têm, đều xưng Đức Chúa Trời là công bình. 30 Song người Pha-ri-si cùng các thầy dạy luật không chịu Giăng làm phép báp-têm, nên chê bỏ ý Đức Chúa Trời định về mình.
31 Vậy, ta sẽ sánh người đời nầy với gì, họ giống như ai? 32 Họ giống như con trẻ ngồi ngoài chợ, nói cùng nhau rằng: Ta đã thổi sáo, mà bay không nhảy múa; ta đã than vãn, mà bay không khóc. 33 Vả, Giăng Báp-tít đã đến, không ăn bánh, không uống rượu; thì các ngươi nói rằng: Người mắc quỉ dữ. 34 Con người đến, ăn và uống, thì các ngươi nói rằng: Ấy đó là người ham ăn mê uống, bạn với người thâu thuế và kẻ có tội. 35 Song sự khôn ngoan được xưng công bình nhờ những việc làm của nó.),
và Ngài bắt đầu bằng câu 24 để hỏi họ rằng: các ngươi đã đi xem chi nơi đồng vắng? vì trước đó Giăng Báp tít đã giảng tại nơi đồng vắng, bởi vậy Ngài muốn hỏi họ rằng: Mục đích các ngươi đến đồng vắng để nghe Giăng giảng hay xem cây sậy bị gió rung chăng?
Vì trong đồng vắng lúc bấy giờ, quang cảnh ngay sông Giô đanh cũng rất thơ mộng và đẹp trong sách Gióp có đề cập
( Gióp 40:16-18, 16 Nó nằm ngủ dưới bông sen,Trong bụi sậy và nơi bưng.
17 Bông sen che bóng cho nó,Và cây liễu của rạch vây quanh nó.
18 Kìa, sông tràn lên dữ tợn, nhưng nó không sợ hãi gì;
Dầu sông Giô-đanh bủa lên miệng nó, nó cũng ở vững vàng).
Và ý nghĩa thứ 2 là ông Giăng Báp tít rất ốm yếu vì cách sống đơn sơ và đạm bạc trong ăn uống đã làm cho thân thể ông như cây sậy. Thậm chí nhóm thầy tế lễ và dòng Pharisi nhạo báng ông và cho rằng cách sống của ông bị mắc quỉ dữ
( câu 33, Vả, Giăng Báp-tít đã đến, không ăn bánh, không uống rượu; thì các ngươi nói rằng: Người mắc quỉ dữ )
Vì không biết hoà hợp với thế gian. Và Chúa lại hỏi về mục đích của họ tiếp rằng: Lại các ngươi còn đi xem gì? Xem người ăn mặc tốt đẹp chăng? Kìa, những người mặc áo sang trọng, và ăn ở sung sướng đều ở trong đền đài các vua.
Và điều Chúa muốn dạy và chỉ cho họ về mục đích- động cơ là gì: Nếu muốn xem người thì tới những nơi nào tổ chức thi hoa hậu mà xem, còn muốn xem mặc áo đẹp thì tới những nơi tổ chức những buổi trình diễn thời trang mà xem.
Muốn xem bóng đá thì tới câu lạc bộ đá bóng mà xem, muốn chơi những trò chơi thế gian thì hãy đến những địa điểm đó mà chơi.
Và câu 26 Chúa Jesus kết luận rằng: nơi đây chỉ có một mục đích duy nhất để phục vụ chương trình của Đức Chúa Trời là rao giảng tin lành về sự cứu rỗi mà thôi. Và trong phân đoạn nầy, chính Chúa đã lên án những ai đã làm sai lệch mục đích về hội thánh của NGài ở thế gian.
Ngày nay họ đã biến hội thánh thành những câu lạc bộ bóng đá, các loại hình thức thể thao, thi đấu, nấu ăn, buôn bán, vui chơi, thi thố,… Trong khi đó Chúa phải kêu gọi bao nhiêu người phải bỏ lưới đánh cá thuộc thể để trở thành người đánh cá thuộc linh. Nhưng ngược lại nhiều người khi nghe được về tin lành cứu rỗi của Chúa họ đã bằng lòng bỏ mọi thứ để tiếp nhận Chúa và khi đến hội thánh thì chính những người chăn bầy, mục sư đã khiến họ trở thành những cầu thủ đá bóng, những nhân viên rửa xe, những nhà đầu bếp nấu ăn, cơm, phở, hủ tíếu…. Mà Chúa Jesus phải giận dữ về việc làm của họ rằng: các ngươi đã biến hội thánh thành nhà buôn bán, hay trộm cướp.
Cho nên trở lại phân đoạn Nêhêmi, sau khi nghe thầy thông giáo E-xơ-ra giảng xong thì dân sự họ khóc thật nhiều và ăn năn về đời sống của họ vừa qua.
Việc làm của họ bây giờ là yêu thương, chia xẻ với nhau từng miếng bánh, dù cho lúc đó họ còn nhiều thiếu thốn và khó khăn. Vì chính tinh thần và thái độ thờ phượng thật của họ trong việc tôn vinh Chúa giữa hoàn cảnh vật chất không có gì hết, nhưng Chúa rất đẹp lòng và nhìn nhận đây mới là “ Sự nhóm hiệp thánh”
( câu 10b, vì sự vui vẻ của Đức Giê-hô-va là sức lực của các ngươi ). Khi Chúa vui vẻ có nghĩa là Chúa đẹp lòng về họ.
Bài học áp dụng ngày nay!
Qua hình ảnh của dân Y-sơ-ra-ên khi xưa đã để lại cho hội thánh và chúng ta điều gì?
- Đâu là giá trị thánh thật sự trong sự thờ phượng Chúa.
- Tinh thần thờ phượng của chúng ta như thế nào?
- Thái độ lúc chúng ta thờ phượng Chúa ra sao?
- Những điều kiện hay cơ sở vật chất nhà thờ phải sang trọng và đẹp đẻ tới mức nào?
- Mục đích sự thờ phượng khi chúng ta đến với Chúa là gì? Xem gì? Hát cái gì? Nói cái gì? Mục đích là ca ngợi Chúa hay là ca ngợi chúng ta? Và điều cảnh báo cho thấy ngày xưa dân Y-sơ-ra-ên đã có đời sống băng hoại, chống nghịch Chúa như thể nào! Thì hình ảnh và việc làm đó đã thể hiện y hệt như trong hội thánh Chúa ngày nay. Nơi mà bắt đầu làm gương xấu đó chính là hình ảnh hội thánh tại nước Mỹ và từ đó đã lan truyền cho các hội thánh khắp toàn cầu. Và chính ngay những mục sư ở Việt nam khi sang đó thông công, tham quan du lịch và họ đã sao chép y hệt những hình thức và cách thức để thực hiện tại hội thánh việt nam. Và cũng tại đó đã chu cấp cho họ tiền bạc tài chánh cho nên mới dẫn đến sự đấu đá, tranh giành tiền bạc và đưa hội thánh cùng dân sự đến gần với sự đoán phạt của Chúa.
Ngày nay lời Chúa đã lên án họ là những người chăn: không còn phân biết được cái gì là tục cái gì là thánh, họ chỉ lo tham lam làm tan lạc bầy chiên của Chúa. Và thật vậy! bao lâu nay trong dân gian người ta thường nói câu nầy rằng: “ Rác của nước Mỹ cũng thơm” cho nên khi thời kỳ hội thánh tại nước Mỹ lệch lạc, băng hoại nhưng vì tiền bạc, sự giàu có đã làm cho mù lòng những người chăn bầy khắp nơi. Và lời Chúa có chép rằng:
( Khải Huyền 18:3, 3 vì mọi dân tộc đều uống rượu dâm loạn buông tuồng của nó, vì các vua thế gian đã cùng nó phạm tội tà dâm, và vì các nhà buôn trên đất đã nên giàu có bởi sự quá xa hoa của nó.)
Đây cũng là lời kêu gọi dân sự của Chúa hãy ăn năn và thức tỉnh về đời sống của mình, vì giờ phán xét của Chúa đã gần. Và chúng ta cũng thấy rằng: Ngày nay không có môi miếng nào thờ phượng và ca ngợi Chúa nhiều bằng tín đồ tin lành và cũng không có đời sống và việc làm nào để cho danh Chúa bị nói phạm giữa thế gian bằng tín đồ tin lành
(Ê-sai 29:13, 13 Chúa có phán rằng: Vì dân nầy chỉ lấy miệng tới gần ta, lấy môi miếng tôn ta, mà lòng chúng nó thì cách xa ta lắm; sự chúng nó kính sợ ta chẳng qua là điều răn của loài người, bởi loài người dạy cho).
Nguyễn Quốc Dân
Mọi ý kiến đóng góp, xin gởi về tintuc@hoithanh.com