Người Việt chúng ta rất trọng ơn nghĩa, bằng chứng là trong ngôn ngữ có rất nhiều từ nói đến cách chúng ta đáp ứng khi nhận được ân huệ. Trước hết chúng ta biết ơn, đây là ý thức đầu tiên rằng mình biết ơn người khác làm ơn cho mình. Câu chuyện mười người phung được Chúa chữa lành, có một người quay trở lại biết ơn Chúa.
Sau rồi mới đến cảm ơn. Biết ơn chỉ ở trong phần lý trí, bước thứ hai là cảm ơn, tức là phần tình cảm. Từ chỗ biết ơn chúng ta sẽ cảm động trước nghĩa cử và tấm lòng của ân nhân đã dành cho mình.
Ru tơ là một phụ nữ nghèo song hiếu thảo, lại là một phụ nữ ngoại quốc. Nhưng bà được Bô ô giúp đỡ với lòng quý trọng, nên bà đã sấp mình trước mặt Bô ô và nói: “Vì cớ duyên nào tôi được ơn trước mặt ông, đến nỗi ông đoái xem tôi vốn là một người ngoại bang.” Ru tơ: 2:10.
Biết ơn, cảm ơn thì tốt nhưng chưa đủ, chúng cần phải nhớ ơn. Trong lịch sử dân Do Thái đã từng quên ơn Đức Chúa Trời, là Đấng cứu rỗi mình. Họ quên ơn lớn lao công việc Ngài tại Ai cập.
Sau khi biết ơn, cảm ơn, nhớ ơn chúng ta mới có thể tạ ơn một cách đúng nghĩa.
Vậy tạ ơn là gì? Xin mời quý vị và các bạn đọc mấy câu Kinh thánh sau đây:
Thi Thiên 107 câu 22 chép như sau: “Nguyện họ dâng tế lễ tạ ơn và công bố những công việc của Ngài qua những bài ca vui vẻ”.(BDM), Xin xem Bản diễn ý: “Họ hãy dâng tế lễ cảm tạ, hát ca, tường thuật việc Ngài làm.” Vậy, tạ ơn Chúa là sự bày tỏ ra bên ngoài một cách cụ thể tấm lòng biết ơn, cảm ơn, nhớ ơn của chúng ta.
Hằng năm, cứ vào những ngày cuối của tháng 11 người Mỹ có lễ Tạ ơn. Xuất xứ Lễ Tạ ơn của họ từ một sự kiện như sau:
Trên con tàu Mayflower mang theo 102 người đầu tiên di cư đến đất Mỹ, họ đã gặp những cơn giông bão, đói và rét đã làm 46 người đã chết. Đến nỗi thuyền trưởng muốn quay trở về Anh quốc. Nhưng tất cả mọi người trên tàu đều muốn tiếp tục cuộc hành trình, cuối cùng Chúa đã cho họ đặt chân đến vùng đất tự do.
Nhưng những người trên tàu đã phải chiến đấu với thiên nhiên để sinh tồn. Trên vùng đất khai phá phải đương đầu với những cơn hạn hán, cơ cực, họ đã hiệp nhau cầu nguyện để Chúa ban phước cho mùa màng. Trong mùa thu hoạch đầu tiên năm 1621, để tỏ lòng biết ơn Chúa đã cho họ sống sót trên biển cả và nuôi họ trong vùng đất tự do. Những người di cư đã tổ chức Lễ Tạ ơn Chúa trong ba ngày, với bửa ăn đạm bạc gồm gà tây và khoai tây cùng với những người bản xứ da đỏ. Cho dù cuộc sống còn cơ cực nhưng sự nghèo nàn vẫn không ngăn cản lòng biết ơn Chúa của họ. Sau nầy, cứ đến thứ năm của tuần lễ thứ tư trong tháng 11 người Mỹ đều tổ chức Lễ Tạ ơn trên phạm vi toàn quốc.
Trở lại Kinh thánh Thi Thiên 107 câu 22:
A/ Nguyện chúng dâng của lễ thù ân. Thi Thiên 107:22a
Trong sách Lê vi ký: 7:11-21 Người Do Thái dâng của lễ thù ân, khi một người nào muốn dâng cảm tạ thì họ sẽ đem vào đền thờ một con sinh tế. Họ dâng một phần con sinh tế, phần còn lại họ cùng thầy tế lễ và người nhà ăn chung một cách vui vẻ. Chúng ta cũng dâng lên của lễ thù ân (cảm tạ) bằng cách dâng của cải của mình có cho nhà Chúa, vì bạc là của Chúa, vàng là của Chúa. Chúng ta nên biết ơn, tạ ơn và dâng cho Ngài những của lễ tốt nhất, của lễ không tì không vít. Tạ ơn Chúa, Hội thánh đã ý thức được vấn đề nầy, nên luôn luôn tạ ơn Chúa và dâng cho Ngài những lễ vật.
Chúng ta cảm động vì thấy con cái Chúa biết tạ ơn Chúa, mỗi nhà, mỗi gia đình, thậm chí mỗi cá nhân cũng biết cách tạ ơn Chúa. Mua một chiếc xe, dù lớn dù nhỏ họ cũng tạ ơn Chúa. Làm một ngôi nhà dù lớn dù nhỏ, họ cũng tổ chức mời Mục sư và đại diện Ban Chấp sự đến cầu nguyện tạ ơn Chúa. Của lễ đó dâng lên cho Đức Chúa Trời. Sau đó, họ thông công với nhau bằng một bửa ăn thân ái.
Người Do Thái giữ lễ Ngũ tuần hằng năm, đây là một trong ba kỳ lễ lớn. Trong ngày lễ Ngũ tuần họ dâng lên hai ổ bánh để tỏ lòng biết ơn Chúa, vì họ đã thu hoạch xong vụ mùa. Lâu nay, có ai trong chúng ta biết cảm tạ Chúa như tinh thần lễ Ngũ tuần chưa? Nhiều con dân Chúa chưa kinh nghiệm sự tạ ơn nầy. Chúa ban cho chúng ta rất nhiều tài vật, sức khỏe, tiền bạc, công ăn việc làm, ấy thế mà có mấy ai tạ ơn Ngài đúng cách đâu. Đôi khi chúng ta cứ nghĩ rằng: Đó là do công sức và tài năng chúng ta tạo dựng nên mà chúng ta quên ơn Đức Chúa Trời chúc phước.
Trong thư tín Rô ma 12 câu 1:
“Vậy hỡi anh em, tôi lấy sự thương xót của Đức Chúa Trời khuyên anh em dâng của lễ sống và thánh (thân thể mình) đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của anh em.” Đời sống chúng ta, thân thể chúng ta là của lễ phải đẹp lòng Chúa. Đừng để của lễ ấy mất giá trị, mất phẩm chất, vì là đền thờ Chúa ngự. Phải giữ cho đền thờ mình được trong sạch, phải giữ cho đời sống mình trọn vẹn tốt đẹp. Anh em hoặc ăn, hoặc uống, hoặc làm việc gì cũng vì vinh hiển danh Chúa mà làm. Đừng làm buồn lòng Thánh Linh. Đừng có lời nào tục tiểu ra từ miệng anh em. Đừng say rượu nhưng say Thánh Linh Chúa, đừng làm theo đời nầy. Bản diễn ý Rô ma 12: 2 như sau: “Đừng đồng hóa với người đời nhưng hãy để Chúa đổi mới tâm linh mình. Nhờ đó anh em có thể tìm biết ý muốn của Thượng Đế và hiểu rõ điều gì tốt đẹp trọn vẹn hài lòng Ngài.”
B/ Dâng lời ca ngợi. Thi Thiên 107:22b
Đây là cách tốt nhất để tạ ơn Chúa. Thi Thiên 35: 18 – 100: 4 và 138: 1 Hãy cảm tạ mà vào các cửa Ngài, tôi sẽ hết lòng cảm tạ Chúa, hát ngợi khen Chúa trước mặt các thần. Tôi sẽ cảm tạ Chúa trong các hội lớn, sẽ hát ngợi khen Ngài giữa các dân đông. Khi Chúa vào thành Giê-ru-sa-lem các thầy tế lễ không cho mọi người nhất là con trẻ tung hô Chúa, nhưng Chúa phán: “Nếu họ nín lặng thì đá sẽ kêu lên.” Lu-ca 19:40. Khi chúng ta tin nhận Ngài, tôn thờ Ngài là Đấng Tạo hóa, chúng ta sẽ ca tụng Ngài, tôn vinh Ngài mọi lúc, mọi nơi. Cuộc đời chúng ta là một bài ca. Chúng ta không thể nín lặng và cũng không ai có quyền bắt chúng ta phải nín lặng.
Mỗi nhà Cơ-đốc-nhân nếu có điều kiện nên cho hát những bản nhạc Cơ-đốc, những bài Thánh ca, biệt Thánh ca bằng những cuộn băng Cassette, đĩa VCD, DVD và nhiều phương tiện truyền thông khác để ca ngợi Chúa hằng ngày. Những giai điệu, ca từ, âm hưởng rất lớn, tác động đến những người chung quanh, đến xóm làng, những kẻ qua đường đều biết đến Chúa chúng ta. Sự ca ngợi, cảm tạ thể hiện trên khuôn mặt, lòng bình an vui vẻ. Cảm tạ về những phước lành Chúa ban, nhưng cũng cảm tạ trong hoạn nạn được Ngài giải cứu, thăm viếng. Thế nhưng cũng có những Cơ-đốc-nhân có những người luôn buồn bã, âu sầu. Cuộc đời là những chuỗi ngày buồn chán, than vãn, không vui. Chúa ban cho chúng một Tin Lành, ban cho ta sự bình an, thế nhưng chúng ta chưa từng nhận được, nên cứ hay than vãn trách móc, âu lo và buồn phiền. Chúa không muốn chúng ta buồn, Chúa muốn chúng ta vui mừng. Phi-líp 4:6 “Chớ lo phiền chi hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin và sự tạ ơn”. Có một câu chuyện vui:
Có hai vị Thiên sứ được Đức Chúa Trời sai xuống trần gian. Họ đi từ rất sớm. Một vị mang một giỏ trống để đựng lời cầu xin, vị kia đựng lời tạ ơn. Chẳng mấy chốc vị mang lời cầu xin đã đầy giỏ đem về cho Đức Chúa Trời. Còn vị kia, mang giỏ đựng lời tạ ơn, cũng đi từ rất sớm đến tối mịt mà chẳng có mấy lời tạ ơn dâng lên đem về cho Đức Chúa Trời. Matthew Henry một học giả Kinh thánh nỗi tiếng ở thế kỷ 19 một lần nọ bị cướp giật lột sạch hết đồ đạc. Ông bày tỏ sự kinh nghiệm nầy trong nhật ký của ông như sau: Tôi tạ ơn Chúa vì tôi bị cướp vừa qua. Lý do thứ nhất là: Mặc dù tôi bị mất cái bóp nhưng không cướp được sự sống của tôi. Thứ hai: Chúng lấy hết tiền trong ví nhưng không lấy được tài sản, của cải của tôi. Thứ ba: Vì tôi là người bị cướp chứ không phải là tên ăn cướp.
C/ Thuật lại những ân huệ Chúa ban. Thi Thiên 107:22b tiếp:
Thi Thiên 66 câu 16 chép: “Hỡi hết thảy người kính sợ Đức Chúa Trời hãy đến nghe: Tôi sẽ thuật đều Đức Chúa Trời đã làm cho linh hồn tôi.” Đây là cách chúng ta tôn cao Chúa và đây cũng là cách chúng ta và người khác cùng tôn cao danh Chúa. Cảm tạ ơn Chúa là cách thích đáng của con người trước Thiên Chúa giàu kinh nghiệm. Có gì khác nhau giữa tu viện và nhà tù? Cả hai nơi đều thiếu tự do và đầy cam khổ. Điều khác nhau là một nơi vui mừng chịu giam cầm tự nguyện, còn nơi kia là đau khổ vì cưỡng bức, ép buộc, là giam cầm.
Cuộc đời chúng ta đầy tiếng thở dài hay là tu viện đầy tiếng hát ca, tùy theo chúng ta có biết ơn, cảm ơn, nhớ ơn và tạ ơn Chúa hay không? Tạ ơn trong mọi sự, có nghĩa là tạ ơn giữa những khó khăn, hoạn nạn, bách hại mà mình đang gặp phải. Đây là sự dạy dỗ mới nghe tưởng chừng như vô lý và khó thực hiện. Chúng ta thường hay than phiền, trách cứ trong trường hợp nầy nhiều hơn sự tạ ơn. Làm sao chúng ta có thể tạ ơn Chúa khi trong gia đình có người bị tai nạn chết hoặc bị trọng thương, bị bệnh ung thư trong giai đoạn cuối cùng. Hay là mình đang mất việc làm v.v… Vấn đề chúng ta tạ ơn Chúa cần phân biệt, chúng ta không tạ ơn Chúa về những hoạn nạn mà tạ ơn Chúa trong hoàn cảnh hoạn nạn? Tại sao?
Phao-lô nêu lý do là vì:
1/ Chúa đang ở gần. Phi-líp 4:5b ý nói ở đây là ngày Chúa sắp tái lâm. Phi-líp 4:7 Ngài gần đến để mang chúng ta vào cõi đời đời, phước hạnh nơi không còn đau khổ nữa. Đời sống thì ngắn ngủi nhưng vấn đề khó khăn làm chúng ta lo sợ, mất vui, làm cho chúng ta cứ thấy nó to lớn và lâu dài. Nhưng thật sự nó không còn kéo dài mãi vì Chúa Giê xu có thể tái lâm bất cứ lúc nào. Khi Chúa tái lâm sẽ chấm dứt mọi đau khổ.
2/ “Ta ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế.” Ma-thi-ơ 28:20.
Ngài luôn hiện diện trong mỗi phút giây trong đời sống của mỗi một chúng ta. Vì Ngài không bỏ chúng ta, Ngài sẽ mở cho chúng ta cánh cửa, một con đường, hoàn cảnh chúng ta không phải là cuối cùng. Nhưng là khởi đầu cho một việc mới có ích lợi cho mỗi một chúng ta. Chúng ta tạ ơn Ngài, vì Ngài có thể cho chúng ta vượt qua. Chúng ta tạ ơn Ngài vì chúng ta tin vào sự thành tín của Ngài. Vì hoạn nạn bây giờ không thể so sánh với sự vinh hiển hầu đến. Chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời. Chúng ta cũng phải luôn nhớ rằng: Đức Chúa Trời là Đấng tể trị mọi sự.
Vì vậy, trong mùa Lễ Tạ ơn nầy, chúng ta hãy để lòng trông cậy, hãy luôn vui mừng trong Chúa, đừng lo phiền chi hết. Hãy tạ ơn Ngài vì những ơn lành, phép lạ. Chúng ta tạ ơn Ngài vì chúng ta ít đau khổ, tạ ơn Ngài giữa những khó khăn mà mình đang đối diện. Đó là ý muốn của Đức Chúa Trời đối với chúng ta. Khi chúng ta sống với tinh thần tạ ơn, chúng ta sẽ làm vui lòng Chúa. Vì ý muốn Chúa là tâm hồn chúng ta luôn bình an khi sống trong thế gian, thế giới bất an và đầy lo sợ nầy.
Bài Thánh ca số 292 Hằng nương trong Chúa muôn đời, nhạc và lời của Mrs. Will L. Murphy câu 1 mà tôi rất thích:
“…Thật tôi có sự bình an mà trần thế không thể ban/ Cũng không ai đoạt khỏi tâm tôi rày/ Dầu thử thách trên đường tôi dường một đám mây áng ngang/ Giữa cảnh kia hằng thấy tâm an thái thay/ Hằng nương trong Chúa muôn đời/ Giê xu Chúa tôi/ Hằng nương trong Chúa muôn đời/ Thỏa vui ngọt ngào/ Christ ngày đêm luôn phán êm dịu/ Quyết ta chẳng xa ngươi/ Có Chúa bên tôi suốt đời/ Chiếc đơn đâu nào…?
Tóm lại, hạnh phúc không tùy thuộc vào những gì chúng ta đang có. Nhưng tùy thuộc vào sự nhận biết những gì Chúa đã làm cho chúng ta. Cùng một sự việc có thể người nầy thấy những sự tiêu cực để rồi than phiền oán trách, nhưng người kia sẽ thấy những điểm tích cực để cảm tạ vui mừng. Nhìn một bó hoa, người nầy có thể thấy vẻ đẹp cả bó hoa, nhưng người kia có thể thấy một chiếc hoa héo úa trong bó hoa đó. Giữa những thử thách, hoạn nạn thay vì nhìn thấy những đau đớn và bất hạnh, bạn hãy tìm thấy những ơn phước trong hoạn nạn. Lúc đó, bạn sẽ thấy những ơn phước nhiều hơn bất hạnh và đau đớn. Khi nghe một bài giảng luận, chia sẻ lời Chúa bạn sẽ thấy được sự dạy dỗ ít nhiều thay vì chỉ trích phê bình.
Một em bé trước khi đi ngủ đã xin mẹ kể cho nghe câu chuyện Đa-ni-ên trong hang sư tử. Người mẹ không muốn kể cho em nghe vì sợ em sẽ sợ hãi, rồi trong giấc mơ em sẽ thấy sư tử mà giật mình. Nhưng cô bé đáp không đâu. Con sẽ chỉ mơ thấy Đa-ni-ên bước ra khỏi hang sư tử mà thôi.
Lời chào thân ái trong Mùa Lễ Tạ ơn Chúa năm 2015.
Hồ Thi Thơ