Home Dưỡng Linh Đi Bộ

Đi Bộ

by Ban Biên Tập
30 đọc

Cho đến khi tôi viết những dòng này thì tôi đã đi bộ được bảy năm. Tôi đi mỗi ngày vào lúc sáng sớm, sau khi đọc Kinh thánh và cầu nguyện, trừ ra ngày Chủ nhật. Tôi giới hạn chỉ đi trong vòng ba dặm, tức là khoảng 4 cây số 8. Xét ra,  tôi có thể đi bất cứ nơi nào,  nếu tôi tìm ra chỗ để đi.

Có người cho rằng đi bộ rất chán và chỉ thu hút thêm bụi ngoài đường. Tôi không nghĩ như thế, vì trong gần một tiếng đồng hồ đi bộ mỗi ngày, tôi có riêng thì giờ để suy nghĩ và cầu nguyện. Có lúc tôi còn đem theo những đoạn Kinh thánh mà tôi ưa thích để nhẩm đọc cho thuộc nữa. 

Kết quả của bẩy năm đi bộ mỗi ngày (trừ ngày Chủ Nhật và khi trời mưa bão) là tôi không bị đau lưng và đau chân là hai chứng bệnh thường xảy ra cho người lớn tuổi. Tôi cũng bình thường trong mọi sinh hoạt cá nhân và không tật bệnh. Dĩ nhiên là tôi không dám nêu gương cho ai khác, vì mỗi người có thể lực khác hẳn nhau.

Ngoài thời giờ yên tĩnh riêng biệt trong khi đi bộ, tôi còn nhận thấy những điều quan sát được mỗi ngày cũng đáng kể lại.

Mỗi ngày tôi gặp nhiều người cùng đi trên con đường như tôi và như thế là chúng tôi cùng đồng ý về một số vấn đề, đó là thời giờ và phương cách tập luyện thân thể.

Nhưng tôi cũng thường gặp những người không chủ trương đi bộ như tôi. Ít ra cũng là ba người sau đây:

Người thứ nhất là ông Đôn (tên tôi đặt cho ông ta). Ông Đôn lớn tuổi, mỗi ngày đạp xe đạp từ trong xóm ra tiệm bán bánh ngọt, mua một cốc cà phê sau đó ra ngoài đường đứng nhìn ra đường vừa hút thuốc lá vừa nhấp nháp cà phê. Ông không chú ý đến ai cả và miệng luôn lẩm bẩm một câu nói hay câu hát vu vơ nào đó. Điều đáng nói là trong suốt bảy năm tôi đi bộ, ông luôn luôn có mặt ở trước tiệm bánh ngọt này trong bất cứ mùa và thời tiết nào. Tôi tự đặt ra nhiều câu chuyện về ông, nhưng vẫn không thấy hợp lý. Đối với tôi, ông Đôn mỗi ngày phí phạm một số thời giờ mà đáng ra ông có thể dùng làm việc khác, hay tệ lắm là đi bộ như tôi cũng còn chút hữu ích. Ông Đôn tiêu biểu cho những người nghĩ rằng có lẽ cuộc đời mình đã gần chấm dứt nên chỉ còn chờ đợi phút ra đi. Có lẽ ông ấy không còn gia đình đầm ấm và rất nghèo nữa. Nghĩ như thế tôi rất buồn.

Người thứ hai tôi gặp mỗi tuần một lần, tôi đặt tên là ông Bạch (không phải tên thật).  Ông Bạch đi chiếc xe đạp khá mới. Đàng sau xe ông có nguyên một hệ thống hộp sơn,  chai lọ, bàn chải đủ loại và cả giẻ lau nữa. Ông có vài loại sơn như màu nâu, màu xám và màu trắng. Ông cũng có những chai dầu xăng hay dầu hỏa dùng để chùi các vết sơn,  và các bàn chải cũng như giẻ lau để tiện dụng. Ông Bạch thường đạp xe đạp trên đường tôi đi bộ và quan sát các cột đèn hay các cột khác nếu có những nét vẽ ngoằn ngoèo của các thiếu niên nghịch ngợm về đêm, ông liền dừng xe, lấy dụng cụ ra tuỳ theo trường hợp xử lý,  sao cho chiếc cột điện hay tấm bảng không còn các vết xấu xa đó nữa. Ông làm việc rất nhanh, chùi, tẩy, sơn chồng lên, rồi thu xếp đồ nghề tiếp tục đi nơi khác. Ông không đi nhanh, nhưng vừa đi vừa để ý từng chi tiết một. So về tuổi thì ông Đôn và ông Bạch cũng xấp xỉ, nhưng một đàng đứng nguyên một chỗ mỗi buổi sáng từ ngày này sang ngày khác, qua nhiều năm, vô mục đích và chán nản, một đằng có mục đích tự chọn và thực hiện trong nụ cười vui vẻ. Gặp ông Bạch tôi được phấn khởi, vì ông là một gương mẫu tốt.

Người thứ ba mà tôi gặp hầu như mỗi ngày là cô Luông. Tên này cũng do tôi đặt. Cô Luông là một người khoảng 35 tuổi, da đen nhánh. Luông thường vào chỗ cây xăng mua thuốc lá và ra ngồi ngoài trụ đèn vừa hút vừa nhìn ra đường. Luông khác hẳn ông Đôn, cô rất ồn ào. Có khi lên giọng như chửi rủa, mắng một nhân vật vô hình nào đó; khi khác vừa đi vừa la hét vang trời. Vì buổi sáng sớm và chỗ cô đi là bức tường khá dài, nên cũng chẳng ai quan tâm. Luông cũng xuất hiện mỗi ngày và khi nào tôi thấy cô ta là phải rảo bước tránh cho xa. Ban ngày, nếu gặp cô ta ở chỗ bãi đậu xe, cô sẽ ngửa tay xin vài nghìn  để mua thuốc lá. Nhưng Luông không làm phiền ai và cũng không bị ai cản trở.  Đây là mẫu người do hoàn cảnh đưa đến đã không còn lý trí để phán định việc mình làm và cũng rất khổ sở.

Nhưng ngoài ba nhân vật trên đây, nhân vật thứ tư là tôi. Ngày nào tôi cũng đi đúng lộ trình tôi đã chọn và về trong vòng ngót một tiếng đồng hồ. Đôi khi cũng nhàm chán. Dù tôi có mục đích tập đi bộ, sau đó về nhà tắm và chuẩn bị đi làm việc.

Ba người vừa kể có những hoàn cảnh khác nhau mà tôi không tiện tìm hiểu. Tôi là người quan sát các mẫu người này và suy nghĩ. 

Dĩ nhiên là bạn đọc có thể không thuộc về cả ba loại người mà tôi gặp mỗi ngày, nhưng bạn có thể đôi lúc mang tâm trạng như những người này, nghĩa là cô đơn, suy tư, vô mục đích, chán nản và đều đều, nhàm chán.

Có thể bạn bảo rằng đây là suy tư của những người cao tuổi, nhưng suy tư và hoàn cảnh nhiều khi cũng không trong giới hạn tuổi nào.

Thực ra cuộc đời là một chuyến đi bộ. Đi từng bước, từng ngày, tháng, năm. Gặp gỡ nhiều người hay không gặp ai cả. Trao đổi hay im lặng. Cô đơn, nhàm chán hay có một mục đích theo đuổi và thích thú.

Đối với tôi thì kinh nghiệm đi bộ thật tốt. Tốt cho thể chất và tinh thần, vì những lúc đi một mình như thế, tôi thấy mình gần với Chúa hơn và thích thú. Chính những cảm nghĩ này làm cho tôi hi vọng, phấn khởi để vào đời mà sống.

Theo Tinlanhmienbac.org
Bài vở cộng tác và góp ý xin gởi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like