Home Tôi Viết Tình Cha

Tình Cha

by Ban Biên Tập
30 đọc

Tôi còn nhớ ngày tôi đau ruột thừa nhập viện, y tá hỏi: “Anh chị muốn nằm phòng dịch vụ hay phòng thường?” Ba bảo: “Nằm dịch vụ đi cho con nó khỏe.” Ngày ba bệnh y tá cũng hỏi như thế, tôi nói: “Dịch vụ.” Ba bảo: “Thôi, ba có nằm bao nhiêu đâu dịch vụ làm gì, nằm phòng thường đi cho đỡ tốn kém.” Nhìn ba mắt tôi cay cay. Ba của tôi là người như thế đó! Ba không phải là thạc sĩ, kĩ sư, không là doanh nhân vĩ đại, ba của tôi chỉ là bác thợ hồ, là công nhân, là chú bảo vệ nghèo đã lam lũ cả cuộc đời mình vì vợ và vì các con… Nhưng tôi yêu ba, yêu ba thật nhiều. Trong tôi ba vĩ đại hơn bất kì ai hết!

Cha của Sonora Smart Dodd, người khởi xướng Ngày Lễ Cha, dù sống ở trong khoảng không gian và thời gian khác như người cha trên, nhưng tình thương yêu hi sinh cho con không khác. Vốn là một cựu chiến binh trong cuộc nội chiến Hoa Kỳ, từ giã chiến trường trở về ông buông súng nắm tay cày làm lụng vất vả để nuôi sống gia đình. Chẳng may vợ mất sớm, trong cảnh đơn chiếc ông gắng công làm việc trong một trang trại nhỏ thuộc miền đông tiểu bang Washington. Để nuôi sáu đứa con – năm trai một gái – thành người. Nên ký ức về người cha trong lòng bà thật khó phai.

Vì vậy, vào Chúa Nhật tuần lễ thứ hai của tháng 5 năm 1910, chỉ hai năm sau Ngày Lễ Mẹ đầu tiên được tổ chức tại West Virginia. Ngồi trong băng ghế nhà thờ ở Spokane, Washington dự Ngày Lễ Mẹ, nghe nhắc đến công ơn người mẹ, Sonora chợt nhớ đến phụ thân mình. Nhớ lại tình thương của cha, Sonora chợt liên tưởng đến bao nhiêu người cha khác khắp nơi đã hy sinh cuộc đời cho con cái nên quyết định kêu gọi thành lập một ngày để tưởng nhớ công ơn người cha. Đề nghị của bà nhanh chóng được hưởng ứng, đa số dân chúng đồng lòng ủng hộ. Dẫu vậy, mãi đến năm 1972 Quốc Hội Hoa Kỳ mới chịu thông qua đạo luật và Tổng thống Richard Nixon ký duyệt công bố Ngày Lễ Cha trở thành một quốc lễ, hằng năm tổ chức vào Chúa Nhật thứ ba trong tháng 6. Mỗi năm tại Hoa Kỳ, hơn 85 triệu cánh thiệp đã được bán ra trong ngày tri ân người cha. Cảm ơn Chúa, đã có người còn nghĩ đến bậc sinh thành của mình.

Vì: “Đồi mô cao bằng đồi danh vọng,

Nghĩa mô trọng bằng nghĩa mẹ cha.”

Nếu như mẹ có Ngày Lễ Mẹ, ngày Quốc Tế Phụ Nữ, ở Việt Nam còn có ngày Phụ Nữ Việt Nam, thì cha lại rất cần có ngày lễ của riêng mình. Ngày Lễ Cha để nhắc nhở mọi người luôn nhớ đến, tôn vinh người giữ vai trò quan trọng nhất trong gia đình.

Công cha như núi ngất trời,

Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông.

Núi cao biển rộng mênh mông,

Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi!”

Là người con thì dù sống trong xã hội nào, phải nhớ ghi lòng công ơn và có bổn phận hiếu kính cha mẹ. Lời Chúa dạy trong Xuất Ê-díp-tô Ký 20:22 rằng: “Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi, hầu cho ngươi được sống lâu trên đất mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi ban cho.” Là người con dù đang sống tại Hoa Kỳ hay một nơi nào trên thế giới, chúng ta nên dành một ngày để tưởng nhớ đến tình thương yêu và công ơn của cha mình.

Bởi lẽ: “Con người có bố, có ông,

Như cây có cội, như sông có nguồn.”

 

Có một câu chuyện cảm động kể là: Năm 1988 tại Mỹ có một trận động đất lớn, san bằng toàn bộ khu vực và làm cho rất nhiều người chết chỉ trong vòng bốn phút. Giữa khung cảnh hoảng loạn đó, một người cha vội chạy đến trường mà con ông ta theo học để chỉ thấy toà nhà trước kia là trường học nay chỉ còn là đống gạch vụn. Sau cơn sốc, ông nhớ lại lời hứa với con mình: Cho dù chuyện gì mắt ông lại trào ra.

Nhìn vào đống đổ nát không còn hi vọng, dẫu vậy trong đầu ông lại không thể xoá đi lời hứa với con và ông đã hành động theo những gì mà trái tim mình mách bảo. Ông cố nhớ lại cửa hành lang, nhớ phòng học con trai mà ông đưa đi học mỗi ngày, rồi vội chạy đến đó và bắt đầu đào bới. Những người cha, người mẹ khác cũng chạy đến, và từ khắp nơi vang lên những tiếng khóc lóc kêu than. Nhiều người với lòng tốt cố kéo ông ra, ngay cả người chỉ huy cứu hỏa và những viên cảnh sát cũng cố thuyết phục đưa ông ra khỏi đống đổ nát. Họ nói: Đã quá muộn không còn giúp được gì cho chúng nữa đâu, bọn trẻ chết hết rồi, nên tốt nhất là ông hãy về nhà đi! Với mỗi người, ông chỉ đặt một câu hỏi: “Anh có giúp tôi không?” Nhưng để chỉ nhận được sự từ chối! Ông hiểu rằng mình phải tự thực hiện lời hứa với con, dù con còn sống hay đã mất! Và sau đó, một mình với từng miếng gạch, ông lại đào bới tìm đứa con mình. Ông đào tiếp tục… 12 giờ… 24 giờ… mảng tường cuối cùng được lật ra thì cũng là lúc dây thần kinh ông căng ra đến tột độ, ông đang chờ đợi điều xấu nhất. Nhưng may thay, trong số 14 học sinh còn sống lại có tên con trai mình.

Ấy là tình cha! Đức Chúa Trời tạo dựng nên con người, có nam có nữ và qua đó mà có chúng ta. Vậy nên con người có cha và có mẹ, trong việc dạy dỗ nuôi nấng con cái cũng vậy, công cha nghĩa mẹ đông đầy như nhau. Nên là con chúng ta phải hiếu kính cả hai, vai trò của người cha cũng quan trọng như chức năng của mẹ trong sự nuôi dạy con cái. Tục ngữ Việt Nam có câu:

“Mẹ dạy thì con khéo,

Cha dạy thì con khôn.”

Người nào sinh trưởng trong gia đình có được người cha nhân từ và người mẹ hiền đức thì không có phước nào sánh bằng. Trong khi mẹ nuôi dưỡng con trong tình yêu, người cha dạy con trong kỉ luật. Cần sự quân bình giữa tình yêu và kỉ luật để đứa trẻ có thể phát triển thành một con người cân bằng về tâm trí.Khi con ra đời, con là niềm vui của mẹ. Tình thương của mẹ dịu dàng, đầm ấm. Khi con chập chững biết đi mẹ nhìn không nói, nhưng từ trong sâu thẳm ánh mắt mẹ hiền long lanh dòng lệ vui mừng. Đối với con tình thương của cha luôn giấu kín, và đôi khi tiềm ẩn trong lời nói nghiêm nghị. Mẹ là tình cảm, cha là lý trí. Mẹ mềm lòng, cha phải giữ kỷ cương. Mẹ “chín bỏ làm mười,” cha phải “cầm cân nảy mực.” Tình thương của cha luôn được thể hiện qua sự giáo dục nghiêm khắc, có được sự giáo dục của cha người con mới có đủ điều kiện để trau dồi cho mình một nhân cách vững vàng, hầu có thể đối diện và vượt qua bao sóng gió của cuộc đời.

Sứ đồ Phao-lô trong Ê-phê-sô 6:1 bảo: “Hỡi kẻ làm con cái, hãy vâng phục cha mẹ mình…, vì điều đó là phải lắm.” Hãy tôn kính cả cha lẫn mẹ, vì không biết được bao giờ cha mẹ khuất. Trong Ngày Lễ Cha, tôi cầu mong quý vị có thể sống trong “phụ tử tình thâm” với người cha thương yêu của mình. Riêng tôi, hình ảnh người cha sẽ mãi mãi là ngọn lửa thiêng liêng, sưởi ấm tâm hồn tôi mãi tận sau này.

Mục sư Ức Chiến Thắng

Bài vở cộng tác và góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like