Home Bài Viết Sức Mạnh và Điểm Yếu Của Các Mô Hình Nhóm Nhỏ

Sức Mạnh và Điểm Yếu Của Các Mô Hình Nhóm Nhỏ

by Ban Biên Tập
30 đọc

Sức Mạnh và Yếu Điểm Của Các Mô Hình Nhóm Nhỏ

Sức Mạnh và Yếu Điểm Của Các Mô Hình Nhóm Nhỏ

Hiện nay các mô hình nhóm nhỏ (dưới nhiều tên gọi khác nhau: nhóm tế bào, nhóm thông công, nhóm chăm sóc…) được áp dụng trong rất nhiều Hội thánh, trên toàn thế giới. Tuy nhiên, rất ít mục sư và lãnh đạo Hội thánh có thời gian để hiểu và so sánh các mô hình nhóm nhỏ khác nhau. Thường thì họ chỉ đọc một hoặc hai cuốn sách về tổ chức nhóm tế bào hoặc tham gia một hội thảo về nhóm nhỏ. Thực tế là đa số các sách viết về đề tài này đều rất thuyết phục nhưng những mô hình và lời khuyên đưa ra lại có thể rất khác nhau. Làm sao để biết mô hình nào là thích hợp nhất với Hội thánh, phong cách lãnh đạo và cộng đồng của bạn? Đâu là những nguyên tắc Kinh thánh và kiến thức thực tế mà bạn cần biết để tạo ra một hệ thống nhóm nhỏ tăng trưởng? Làm thế nào để bạn học từ kinh nghiệm của người khác nhưng vẫn nhạy cảm với sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh và hoàn cảnh riêng của mình? Mục đích của bài viết này là cung cấp cho bạn những thông tin căn bản về các mô hình nhóm nhỏ phổ biến nhất hiện nay và đưa ra một số câu hỏi then chốt mà bạn cần trả lời khi tính đến mô hình nhóm nhỏ trong Hội thánh của bạn.

Tham khảo và nghiên cứu về các mô hình nhóm nhỏ giúp bạn lực chọn hoặc tạo ra một mô hình phù hợp cho Hội thánh của bạn

Hệ thống nhóm tế bào 5×5 tại Hội thánh Phúc âm Toàn vẹn Yoido

Phong trào nhóm nhỏ hiện tại được bắt đầu ở Hội thánh Phúc âm Toàn vẹn Yoido, Hàn Quốc. Mục sư quản nhiệm, Yonggi Cho, lúc đó còn trẻ tuổi và đầy nhiệt huyết, với ước mơ xây dựng Hội thánh của mình thành Hội thánh lớn nhất Hàn quốc. Tuy nhiên, khi con số tín đồ lên đến con số 2400 thì ông đã bị bệnh tim do làm việc quá sức. Trong thời gian dưỡng bệnh, Mục sư Cho đã tra xem Kinh Thánh và bị ấn tượng trước cách Môi-se chia hàng triệu người mà ông đang chăm sóc thành các nhóm 100, 50 và 10 (Xuất 18:13-26). Mục sư Cho cũng nhận thấy cách Hội thánh non trẻ trong sách Công vụ đã có thể chứa được hàng ngàn tân tín hữu bằng cách sử dụng các buổi nhóm tại gia đình (Công vụ 2:46). Ông cảm nhận Chúa đang nói với mình: “Ta đang phá chức vụ của con và phân phát nó cho những người khác.”

Cảm thấy mình đã nhận được sự chỉ dẫn rõ ràng từ Chúa, MS Cho đã tiến tới áp dụng hệ thống nhóm gia đình với mục đích học Kinh thánh, chăm sóc và truyền giảng. Ông đã đối diện với những sự cản trở khủng khiếp. Các chấp sự đã khước từ kế hoạch của ông và đề nghị người khác làm mục sư thay ông. Họ từ chối tham gia dẫn các nhóm nhỏ. Nhưng trong khi những nam lãnh đạo trong Hội thánh khước từ kế hoạch mới của MS Cho, thì những người nữ lại sẵn sàng giúp đỡ. Điều đó đi ngược với thần học của Hội thánh và văn hóa Hàn quốc, nhưng họ vẫn quyết định tiến tới do cảm nhận đây là sự kêu gọi của Chúa. Những nhóm đầu đã hoạt động không được tốt lắm, nhưng MS Cho vẫn kiên nhẫn và liên tục chỉnh đốn cách thức hoạt động của hệ thống nhóm tế bào. Đã nhiều năm nay, Hội thánh này vẫn là Hội thánh đông tín đồ nhất thế giới, với hơn 20 ngàn nhóm tế bào.

Mô hình nhóm 5×5: Cứ khoảng 5 nhóm thì lại có một người “trưởng khu vực” giám sát. Cứ trên 5 trưởng khu vực thì có một mục sư giám sát.
Cách thức giám sát này được bổ nhiệm theo khu vực địa lý.

Trong mô hình nhóm nhỏ của MS Cho có một số điểm quan trọng:

• Những nhóm nhỏ tồn tại với hai mục đích song song: gây dựng và truyền giảng. MS Cho nhấn mạnh rằng các nhóm nhỏ có thể và cần phải thực hiện đồng thời hai mục tiêu này.

• Các buổi nhóm có phần học Kinh thánh nhưng nhóm tế bào không phải là nhóm chỉ để học Kinh thánh. Người thư ký riêng lâu năm của MS Cho cho biết ban đầu các buổi nhóm dành 2/3 thời lượng học Kinh thánh, 1/3 thời lượng để cầu nguyện và kết quả không được tốt lắm. Khi họ đổi lại, 1/3 học Kinh thánh và 2/3 cầu nguyện, thì sự tăng trưởng đã cất cánh.

• Nhấn mạnh đến truyền giảng qua mối quan hệ, phục vụ nhu cầu của những người chưa tin trong những cách thức thực tế. Hội thánh nhắc nhở các thành viên bày tỏ tình yêu của Chúa cho những người xung quanh: “Hãy tìm nhu cầu và đáp ứng!”

• Hội thánh đã thiết lập mô hình ngày nay hay được biết đến với cái tên mô hình 5×5. Cứ khoảng 5 nhóm thì lại có một người “trưởng khu vực” giám sát. Cứ trên 5 trưởng khu vực thì có một mục sư giám sát. Cách thức giám sát này được bổ nhiệm theo khu vực địa lý.

MS Cho cũng cho thấy tầm quan trọng của tính bền bỉ. Nếu nhóm nhỏ chưa thành công ngay lần đầu, hãy thử lại và thử lại. MS Cho nói bạn cần lường trước là thất bại ít nhất 2 lần, giống như tập đi xe đạp hay trượt băng vậy.

Nhờ sự quảng bá và phát triển của những người tiên phong trong phong trào Hội thánh tăng trưởng, như Donald McGavran và Ralph Neighbour, vào những năm 1990, mô hình nhóm tế bào của MS Cho đã được biết đến và áp dụng tại rất nhiều Hội thánh, trên khắp thế giới. Tuy nhiên, kết quả không phải lúc nào cũng là thành công. Mô hình này có yếu điểm gì không? Có mô hình phát triển nào khác để khắc phục những yếu điểm đó không? Những câu hỏi này được trả lời theo nhiều cách thú vị khác nhau.

Hội thánh Yoido phát triển mạnh mẽ theo mô hình 5×5

Mô hình Nhóm 12 (G12)

Năm 1982, Cesar Castellanos từ bỏ chức vụ mục sư. Ông rất thất vọng với những gì mình đang gặp phải trong mục vụ và Hội thánh của ông tại Colombia. Trong giai đoạn thất vọng này, ông đã tập trung tìm kiếm Chúa. Ông đã kinh nghiệm một sự hiện thấy từ Chúa, trong đó Chúa nói với ông:“Hãy ước mơ về một Hội thánh rất lớn, bởi vì mơ ước là ngôn ngữ của Thần Ta. Dân sự trong Hội thánh mà con sẽ coi sóc sẽ nhiều như sao trên trời và cát dưới biển, một đám đông không thể đếm được.” Đáp lại với khải thị ấy, vào tháng hai năm 1983, Hội thánh Truyền giáo Ân tứ Quốc tế (International Charismatic Mission – ICM) đã được ra đời tại Bogota, Colombia. Hội thánh trẻ tuổi, sung sức và được cảm hứng bởi MS Cho, đã sử dụng chiến lược nhóm tế bào.

Tuy nhiên, sau 7 năm, MS Castellanos trở nên chán nản vì Hội thánh dậm chân ở con số 3000 thành viên. Một lý do khiến ông bực bội là mất quá lâu để sản sinh ra những trưởng nhóm tế bào mới. Ít người hoàn thành được quy trình đào tạo kéo dài 2 năm mà họ đang sử dụng, những người đã hoàn thành thì bây giờ lại chủ yếu chỉ chơi với Cơ đốc nhân và còn rất ít bạn bè chưa tin Chúa để chinh phục khi trở thành trưởng nhóm. Castellanos tìm kiếm Chúa để có sự đột phá và tăng trưởng không hạn chế. Ông kể lại Chúa đã phán cùng ông “Ta sẽ cho con khả năng huấn luyện người một cách nhanh chóng”, Ngài đã “gỡ đi bức màn” và bày tỏ cho ông mô hình 12.

MS. Castellanos  và bên trong Hội thánh International Charismatic Mission

Trung tâm ICM tại Bogota, Columbia

Mô hình “Nhóm 12” hay “G12” (Group 12) là sự kết hợp của các nguyên tắc và phương pháp đã khiến ICM trở thành Hội thánh tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Đâu là những đặc điểm của mô hình này?

• Người mới tin nhanh chóng được gửi đi tham dự một đợt bồi linh “Gặp gỡ Đức Chúa Trời”(Encounter retreat) để giúp họ được tự do khỏi nô lệ thuộc linh và được đầy dẫy Thánh Linh. Liền sau đó họ được chuyển sang “Trường Lãnh Đạo” (School of Leaders). Hệ thống môn đệ hóa này trang bị cho từng thành viên bắt đầu nhóm nhỏ truyền giáo của mình ngay trong năm đầu tin Chúa.

• Nhấn mạnh để sự nhân lên các nhóm đồng dạng, nhắm tới những nhóm dân cụ thể, chẳng hạn doanh nhân, nữ giới, sinh viên, cặp vợ chồng… Sự nhân lên ở đây không phải do chia đôi nhóm tế bào đã đủ điều kiện (số lượng, nhân sự), mà các nhóm mới được thành lập nhờ những cá nhân nhóm lại những người mới từ vòng ảnh hưởng của chính họ.

• Mỗi trưởng nhóm đều là thành viên của một nhóm 12 do một người trưởng nhóm khác lãnh đạo. Điểm trung tâm của hệ thống này là mục sư trưởng và nhóm 12 của chính ông.

Mô hình G12 là tương đối căng thẳng. Mỗi tuần một người trưởng nhóm có 3 buổi nhóm – nhóm nhỏ mà người đó trực tiếp dẫn, nhóm nhỏ mà người đó là thành viên, và nhóm 12 mà người đó khích lệ và trang bị những người trưởng nhóm dưới quyền. Một số nơi đã giảm con số 12 xuống, thậm chí xuống 3, để bớt căng thẳng.

Đến lượt mình, mô hình G12 cũng đã tác động trên các Hội thánh khắp thế giới, nhưng ít Hội thánh được kinh nghiệm kết quả nổi bật như tại ICM. Người ta cũng còn tranh luận đâu là yếu tố dẫn đến thành công của G12 tại ICM: ở bản thân cơ cấu G12, hay là ở khả năng thích ứng và môn đồ hóa?

Mô hình G12 tiếp tục phát triển mạnh mẽ tại nhiều nơi trên thế giới

Mô hình Thị trường Tự do (Free Market Model)

Vào cuối những năm 1990, Hội thánh New Life ở Colorado Springs (Hoa Kỳ) gặp khó khăn. Dù đã là Hội thánh lớn (4800 người) nhưng tỷ lệ tăng trưởng đang giảm xuống còn có 4%. Lúc bấy giờ Hội thánh đang có nhóm tế bào tổ chức theo khu vực địa lý, gặp lại để cùng thảo luận bài giảng ngày Chúa nhật.

Trong một buổi nhóm của ban điều hành Hội thánh, khi bàn bạc việc làm sao để tín đồ kết nối tốt hơn với Hội thánh, vị mục sư phụ trách nhóm tế bào đã hỏi MS Ted Haggard, mục sư trưởng của Hội thánh: “Mục sư Ted, bản thân ông có tham gia một nhóm nhỏ không?” Trong câu trả lời, Haggard đưa ra một số lý do tại sao ông không tham gia nhóm nhỏ dù chính ông đang khích lệ các thành viên khác tham gia: “Tôi không muốn gặp những người mà tôi không cảm thấy thích thú”. Vì các nhóm nhỏ được tổ chức theo khu vực địa lý, Haggard thú nhận rằng nếu tham gia nhóm nhỏ thì ông phải vào nhóm với những người mà bình thường ông sẽ không chọn giao thiệp. Ông cũng không muốn tham gia một nhóm thảo luận bài giảng, không muốn mắc kẹt vào một nhóm mà không biết bao giờ được thoát ra. Ông cũng không muốn vào một nhóm mà bị người khác can thiệp và nói rằng họ phải nhân ra.

Những câu trả lời chân thật của Haggard lại đã trở thành cơ sở cho một hệ thống nhóm nhỏ được chỉnh sửa cho Hội thánh của ông. Họ đã thiết kế ra một hệ thống với những đặc điểm sau:

• Các nhóm nhỏ được tổ chức dựa theo mối quan tâm chung, chứ không phải độ gần về địa lý, để kéo cả thành viên Hội thánh lẫn những người chưa đi Hội thánh – Ted Haggard đã viết một cuốn sách có tựa đề “Nuôi dạy chó, câu cá bằng ruồi nhân tạo & chia sẻ về Đấng Christ vào thế kỷ 21”.

• Các nhóm có điểm khởi đầu và kết thúc rõ ràng, với ba kỳ hay vòng nhóm nhỏ mỗi năm, như vậy người ta dễ dàng tham gia hoặc rời khỏi các nhóm nhỏ.

• Môn đồ hóa được diễn ra “tùy chọn” – nghĩa là người ta sẽ tham dự các nhóm hoặc lớp học mà họ cần hoặc cảm thấy có nhu cầu.

Giả định then chốt đằng sau triết lý nhóm nhỏ và môn đệ hóa này là con người vào thế kỷ 21 không muốn được người khác bảo cần phải làm gì. Họ muốn tự lựa chọn. Giả định khác là giống như các doanh nghiệp trong kinh tế thị trường tự do, những nhóm khỏe mạnh sẽ phát triển còn những nhóm yếu kém sẽ tự chết. Vì vậy chúng ta cần khích lệ sự đa dạng của các nhóm và để sự việc tự lớn lên hoặc héo đi.

Trong mô hình này hầu như mọi thứ đều có thể được coi là nhóm nhỏ, dù đó là nhóm cầu nguyện, nhóm cùng chơi bowling, nhóm học Kinh thánh, nhóm Alpha, nhóm hôn nhân và gia đình… Tác giả bài báo này cho rằng mặc dù các nhóm cùng sở thích rất quý báu và có thể là một phần trong quá trình môn đệ hóa và chiến lược truyền giáo nói chung nhưng chúng không phải là cộng đồng Cơ đốc chân chính – nơi mà người ta cần phải có sự cam kết, yêu thương lẫn nhau, cùng nhau chinh phục bạn bè thân hữu của mình. Điểm yếu nữa của mô hình này là công tác quản lý hành chính nặng nề hơn, do mỗi năm có khoảng 3 đợt bắt đầu và kết thúc nhóm nhỏ.

Dù vậy một số Hội thánh đã được ích lợi đáng kể từ mô hình Thị trường Tự do này. Tác giả cho rằng một trong những đóng góp giá trị của Haggard là để thành công, hệ thống nhóm nhỏ cần theo mô hình thích hợp với tính cách của vị mục sư trưởng, mô hình mà ông/bà ta cảm thấy hứng thú.

Mô hình Hội thánh Kết nối

Giống như trường hợp trên, hệ thống nhóm nhỏ của Hội thánh Kết nối do MS Frazee quản nhiệm được sinh ra từ một cuộc thảo luận hết sức chân thật và cởi mở giữa các mục sư của Hội thánh này. Một trong các mục sư đã nói rằng ông không thích nhóm nhỏ của mình. Sau đó tất cả các mục sư khác đều công nhận là họ cảm thấy thất vọng với nhóm nhỏ của họ. Điều này khiến họ bắt đầu phân tích xem vấn đề nằm ở đâu. Nếu như trong trường hợp trên, cùng sở thích được coi là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng tình thân giữa các tín đồ thì ở mô hình này các mục sư lại cho rằng khoảng cách địa lý mới là yếu tố quyết định. Khi sống gần nhau người ta gặp nhau thường xuyên hơn và khi gặp khó khăn thì cũng dễ giúp đỡ nhau hơn.

Theo tác giả bài báo, đóng góp ích lợi nhất của MS Frazee là sự nhấn mạnh đến việc cần sống chậm lại. Điều ông đã nói là điều mà nhiều nhà nghiên cứu thế tục hiện đang nói. Cuộc sống ở Mỹ đang quá bận rộn khiến người ta mất kiểm soát! Đại ý điều MS Frazee dạy dỗ là các Cơ đốc nhân ngày nay không thể kinh nghiệm mối quan hệ thực sự với Chúa và với nhau nếu họ không học cách sống quân bình và để không gian cho đời sống cộng đồng thật sự. Ngoài ra MS Frazee cũng đưa ra nhiều lời khuyên sáng suốt và thực tế trong các cuốn sách của mình. Ông nhận thấy ngày xưa các tín đồ mới đã nhận được sự hướng dẫn rất căn bản về các vấn đề trong cuộc sống, Phao-lô đã bảo những người hay ăn trộm đừng ăn trộm nữa, John Wesley đã khích lệ những người công nhân đi làm việc đều. Ngày nay các Cơ đốc nhân cũng cần sự dạy dỗ căn bản về cách dành thời gian cho gia đình, cho Chúa, và cho tình bạn. 

Mô hình Nhóm nhỏ tại Hội thánh Cộng đồng North Point, bang Atlanta.

Một trong những mô hình nhóm nhỏ mới nổi hiện nay là ở Hội thánh của Mục sư Andy Stanley, mục sư Hội thánh Báp-tit ở North Point, bang Atlanta. Bắt đầu cũng bằng sự thất vọng vì cảm thấy thiếu những mối quan hệ Cơ đốc thật sự, vợ chồng mục sư cùng bốn cặp vợ chồng khác đã thành lập một nhóm nhỏ để chia sẻ cuộc sống với nhau. Những gì họ trải nghiệm phong phú và ý nghĩa đến mức vị mục sư này đã bắt đầu mô hình nhóm nhỏ tương tự trong Hội thánh của mình từ cuối năm 1995.

Hội thánh của Andy Stanley có chiến lược rõ ràng để dẫn đưa một người từ là khách mời tham dự lễ thờ phượng trở thành thành viên thuộc về một nhóm nhỏ trong Hội thánh. Họ so sánh quy trình này với việc mời một vị khách từ ngoài hàng lang vào phòng khách rồi vào phòng ăn.

Tại hành lanh – hay buổi nhóm thờ phượng – mục đích là thay đổi lối suy nghĩ của người ta về Hội thánh. Tại phòng khách – những nhóm thân thiện cho những người đã có gia đình hoặc độc thân – mục đích là thay đổi cách nghĩ của người ta về đời sống cộng đồng. Còn tại bàn ăn – hay các nhóm nhỏ – mục đích là thay đổi cách nghĩ của người ta về thứ tự ưu tiên trong cuộc sống.

Một khía cạnh độc đáo trong chiến lược của Hội thánh này là cách thức họ hướng dẫn người ta vào các nhóm nhỏ. Mỗi năm 4 lần, Hội thánh tổ chức các cuộc gặp “Kết Nối Nhóm” (GroupLink), tại đó người ta được mời gặp với những người có hoàn cảnh sống tương tự và ở cùng khu vực địa lý. Trong cuộc gặp kéo dài 2 tiếng, người ta được giới thiệu kỹ càng về các nhóm nhỏ trong Hội thánh và lợi ích của nhóm nhỏ đối với họ, sau đó người ta được giới thiệu với những người đang sắp bắt đầu nhóm mới ở gần nhà của họ. Hai tuần sau, “Nhóm Khởi Động” được bắt đầu và kéo dài trong 8 tuần và cho người ta cơ hội thử tham gia nhóm. Những nhóm diễn tiến tốt sẽ được tiếp tục và người ta được mời tham gia bằng cách ký vào một giao ước nhóm. Khi đã tham gia nhóm, họ cam kết ở cùng nhau từ 1,5-2 năm. Người ta không được mời bạn bè tham gia vào nhóm nhỏ của mình, nhưng được khích lệ mời bạn bè đến dự các buổi nhóm thờ phượng của Hội thánh. Lý do đưa ra cho việc các nhóm nhỏ được tổ chức như “hội kín” là để người ta được kinh nghiệm tình thân sâu đậm hơn. Mặc dù vậy, sau mỗi “vòng đời” của các nhóm nhỏ, số lượng người đến Hội thánh nói chung gia tăng và thực tế là mỗi nhóm nhỏ đều đã “nhân lên” thành vài nhóm trong chu kỳ kế tiếp. Hội thánh North Point hiện có mục vụ nhóm nhỏ sống động và tăng trưởng, tuy nhiên tác giả bài báo này cho rằng việc tổ chức nhóm đóng (kín) không đảm bảo tình thân tốt hơn so với nhóm mở mà thậm chí có thể ngược lại. Tác giả cho rằng mục vụ nhóm nhỏ thành công của Hội thánh North Point lại là ở khải tượng đầy sức hút (với những buổi nhóm thờ phượng vào cuối tuần thật hấp dẫn) và một chiến lược rõ ràng.

Đưa Ra Mô Hình Nhóm Nhỏ Cho Hội thánh Của Bạn

Tác giả bài viết đi đến kết luận không có mô hình nhóm nhỏ nào là “vạn năng”, thích hợp cho tất cả các Hội thánh. Một vài nhận xét (và cảnh báo) được đưa ra là:

• Thường thì các sách viết về một mô hình nào đó đều có vẻ tuyệt đối hóa mô hình đó. Thực tế là mô hình nào cũng chỉ hoạt động tốt trong khoảng 10-18 tháng rồi đòi hỏi phải cải tiến, chỉnh sửa… nên đến khi bạn áp dụng máy móc mô hình của một Hội thánh nào đó thì bản thân Hội thánh đó có lẽ đã không còn làm giống hệt như vậy nữa rồi.

• Một số điều có tác động tốt trong thời gian ngắn nhưng lại không cho kết quả lâu dài. Ví dụ ngày nay có xu hướng hạ thấp yêu cầu với trưởng nhóm nhỏ để tăng số lượng nhóm. Một số Hội thánh chỉ cần một người trưởng nhóm biết cách bật máy DVD và điều đó có thể làm bùng nổ số lượng nhóm nhỏ trong tháng đầu, tuy nhiên sự tăng trưởng lâu dài vẫn đòi hỏi những trưởng nhóm cam kết, chiến lược phát triển lãnh đạo kỹ lưỡng và hệ thống hỗ trợ đồng bộ. Để có thành công dài hạn luôn cần các cuộc họp nhân sự sôi nổi, sự huấn luyện chất lượng và kèm cặp tích cực, chủ động.

• Có nhiều điều chúng ta có thể học từ các mô hình trên thế giới, nhưng thành công dài hạn đòi hỏi sự chuyên cần, khiêm nhường và tìm kiếm Chúa. Hãy nhận thức rằng Chúa muốn Hội thánh của bạn có hệ thống nhóm nhỏ sống động và tăng trưởng. Đức Thánh Linh sẵn sàng dạy dỗ và hướng dẫn Hội thánh của chúng ta.

Theo Đ. Hưng (loisusong.net) 

Nguồn: www.churchleaders.com

Bài vở cộng tác và góp ý xin gởi về tintuc@hoithanh.com 

Bình Luận:

You may also like