Home Lời Chứng “Học Đại Học Cũng Là Thời Gian Tuyệt Vời” – Phỏng Vấn Mục Sư Nguyễn Quang Hòa

“Học Đại Học Cũng Là Thời Gian Tuyệt Vời” – Phỏng Vấn Mục Sư Nguyễn Quang Hòa

by Ban Biên Tập
30 đọc

Mục sư Nguyễn Quang Hòa cùng vợ và con trai

Bản thân anh nghĩ gì khi mình là một mục sư rất là trẻ, một mục sư thanh niên giữa vòng những mục sư rất kỳ cựu trong Hội Thánh?

Mục sư trẻ có nhiều lợi thế chứ! Nếu mà làm sai thì người ta sẽ nói: “Thôi, vẫn còn trẻ” (Cười) nên không ngại gì hết. Cái thứ hai là khi đang trẻ tuổi, hầu việc Chúa cùng các mục sư khác giúp mình học được sự khiêm nhường, dễ dàng học hỏi và đón nhận người khác. Nhiều người nhìn nhận tôi là mục sư trẻ, nhưng đối với Ti-mô-thê ngày xưa thì tôi già hơn rất nhiều. Đúng không ạ? Ti-mô-thê rất trẻ, tôi già hơn rồi.

Anh tin Chúa trước hay sau khi học đại học?

Tôi tin Chúa vào năm thứ nhất học đại học.

Trước khi tin Chúa anh định hướng gì hay ước mơ gì cho cuộc sống sau này của mình?

Tôi học về ngành Kinh tế quản lý. Bước vào trường đại học, mong muốn lúc đó của tôi là làm sao học thật giỏi, sau đó ra ngoài kiếm tiền, kiếm thật nhiều tiền thôi.

Mất bao lâu anh mới tìm được sự kêu gọi của Chúa trên cuộc sống mình?

Cái ngày đầu tôi tin Chúa không phải là tin thật, chỉ là thử tin thôi. Mất khoảng tầm 6 tháng để tôi tìm hiểu về Chúa, ‘thử thách’ Chúa, thử Chúa xem có thật hay không. Ngay từ lúc biết Chúa là Đấng sống, là Đấng hiện hữu, tôi đã cảm nhận thấy có sự kêu gọi rằng cuộc đời của tôi dành để đi rao giảng Tin Lành, để phục vụ Ngài. Tôi liền bước vào sự hầu việc Chúa.

Nhưng sau đó anh có tiếp tục học ở trường đại học không?

Có. Nhưng tất nhiên lúc đó mình học không phải để nhận bằng cấp nữa.Tôi tin là để hầu việc Chúa có kết quả, thì mình cần phải có kiến thức. Đó là cái thứ nhất. Cái thứ hai đáng nói ở đây là, đối với anh chị em trong Chúa thì bằng đại học có hay không không quan trọng lắm, người ngoài lại khác. Sau này lâu dài hơn trong sự hầu việc Chúa, bằng cấp là cái gì đó giúp cho người ngoại họ cũng nhìn nhận đánh giá được là: “Ô không phải Cơ Đốc nhân là mấy cái người thất học hay vô học gì cả. Họ học hành đàng hoàng, có khi lại còn giỏi hơn cả mình chứ!”

Cầu nguyện tiếp nhận Chúa cho những người mới tại một khu lao động của người Việt ở Nga

Trong khi đó tại rất nhiều Hội Thánh, những người trẻ tin Chúa khi sắp bước vào đại học hoặc đang học đại học rất hay có suy nghĩ là: “Đấy, có những mục sư học giỏi đấy, như mục sư Hòa chẳng hạn, học đại học xong rồi cũng đi hầu việc Chúa đấy thôi. Đằng nào mình cũng có sự kêu gọi hầu việc Chúa, cố gắng học làm gì cho ‘đầu to mắt cận’!”. Anh nghĩ sao?

Hồi đầu tôi cũng có ý nghĩ hệt như vậy. Cũng nghĩ là: “Mình học xong cái này để làm gì nhỉ?” Nhưng khi tôi tiếp tục theo học ngành quản lý kinh tế, có những mô hình rất thú vị được học mà sau này tôi đưa vào áp dụng trong Hội Thánh. Không phải mình áp dụng hết tất cả, nhưng có sự kết hợp những kiến thức đó trong sự hầu việc. Những kiến thức này, hỡi các bạn trẻ, bây giờ bạn chưa thấy được nó có ích gì cho nhà Chúa đâu, nhưng sau này chính nó sẽ bổ sung cho các bạn rất nhiều. Ví dụ đơn giản là khi mình nhìn nhận một vấn đề, nếu không học đại học, nhiều khi cái nhìn này không được sâu. Tôi nghĩ học đại học là thời gian tuyệt vời, mình vừa có thời gian để học lời Chúa, vừa có cơ hội học những kỹ năng, kiến thức về xã hội mà mình đang sống.

Vậy chắc chắn thế hệ hầu việc Chúa mới sẽ có nhiều điều mới mẻ?
Chúa sẽ dấy lên những người trẻ hầu việc Chúa mạnh mẽ. Những tài năng mà Chúa cho mình, Chúa sẽ sử dụng. Tôi cũng thấy rất nhiều người nói: “ Mọi sự đều do Chúa tạo dựng”, vậy những kiến thức mà mình học cũng do Chúa tạo dựng để dành cho chính công việc của Ngài thôi.

Gia đình mục sư Nguyễn Quang Hòa

Về dự kỳ trại nhân sự vừa rồi, cảm xúc của anh thế nào?

Trước hết, tôi rất vui. Tôi gặp tất cả tôi tớ Chúa, con cái Chúa từ khắp nơi đổ về đây. Tôi được giao lưu và kết nối đúng như tinh thần của kỳ trại. Quan trọng hơn là tôi nhận được lời Chúa từ các mục sư cũng như sự dẫn dắt và tỏ ra từ Chúa. Kỳ trại này chắc chắn sẽ giúp ích cho sự hầu việc Chúa của tôi rất nhiều. Hướng đi như có cánh, và khải tượng của Chúa sẽ được thành nhanh hơn, không chỉ theo cái nhìn riêng của bản thân tôi.

Ở trong kỳ trại, anh kêu gọi sự sai phái từ Việt Nam cách nửa thật nửa vui. Anh có đang nghiêm túc với điều này?

Tôi tin điều này đến từ Đức Chúa Trời. Nếu tôi không nói ra nó, những nhân sự khác cũng vậy, thì có thể những anh chị em khác không biết được. Vui mừng hơn nữa, sau khi tôi kêu gọi, có một người anh em đến với tôi và nói: “Trong giấc mơ, anh nhìn thấy anh đi trên máy bay, thấy những rặng thông. Anh tin có một ngày anh sang Nga.” Những gì tôi nói ra vô hình chung là sự khẳng định điều Chúa ấn chứng trong lòng người anh em đó, ảnh hưởng đến người anh em đó. Nói, để cho anh chị em mình thấy rằng sự hầu việc Đức Chúa Trời không chỉ giới hạn ở trong Hà Nội, ở miền Nam … mà có thể hướng đi tới những thành phố khác, những đất nước khác nữa.

Điều này đầy hứa hẹn. Hầu việc Chúa ở Nga, về dự trại anh có bị bỡ ngỡ không?

Tôi cũng như nhiều anh chị em khác không thường xuyên được về với Hội Thánh, được thăm Hội Thánh lẽ ra là không biết nhiều về công việc của Hôi Thánh. Nhưng từ Nga về, tôi không bị bỡ ngỡ. Tôi cũng theo dõi trang web Loisusong.net và biết được những gì đang diễn ra tại Việt Nam, biết được anh chị em mình ở đây đã và đang làm gì, cũng giục lòng mình phải cố gắng như thế nào. Nó giúp tôi không cảm thấy xa lạ với Hội Thánh Chúa. Trái lại, rất gần gũi bởi vì hằng ngày, hằng tuần, tôi nhận được thông tin qua trang web.

Trang web là một công cụ đắc lực để mở rộng vương quốc của Đức Chúa Trời, không chỉ là với con cái Chúa trong Hội Thánh, mà cả những người chưa một lần được nghe về Chúa. Riêng về khía cạnh hầu việc Chúa, loisusong.net giúp cho anh chị em ở nước ngoài dễ hòa nhập hơn vào công việc Chúa ở tại đây, từ việc họ nhìn thấy dòng chảy Lời Sự Sống đang ở  Việt Nam như thế nào mà cuốn mình vào cùng. Nó như một phương tiện cho mọi người đón nhận nguồn sống từ dòng chảy này vậy.

Mục sư Nguyễn Quang Hòa chia sẻ trong kỳ trại nhân sự

Tôi được biết là mỗi lần trở về nhà, anh vẫn bị gia đình phản đối.  Anh có buồn vì điều này?

Có những lúc theo cảm xúc,  nếu nghĩ bố mẹ chưa được cứu thì rất dễ bị buồn. Nhưng mình chỉ có thể bám vào lời Chúa, lời hứa của Đức Chúa Trời, để tiếp tục vững tin rằng một ngày bố mẹ mình được cứu. Tôi còn tin là sau này khi tin Chúa rồi, bố mẹ tôi còn rất mạnh mẽ nữa.

Ma-thi-ơ đoạn 5 có nói “Phước cho những người bị bắt bớ”. Trong sự bắt bớ của gia đình, mình sẽ luôn được phước. Biết đâu được. Với tôi, mỗi lần về mà bị bố mẹ bắt bớ, tôi cảm thấy mình lại càng mạnh mẽ hơn. Lần đầu tiên về, sang Nga tôi bắt đầu bước vào chức vụ trưởng ban thanh niên. Lần thứ hai bị bắt bớ rồi trở lại Nga, thì không chỉ ban thanh niên mà tôi còn tham gia thêm nhiều ban ngành khác, ban thông tin chẳng hạn. Lần thứ ba, tôi trở thành mục sư của Hội Thánh. Đó, biết đâu trong sự bắt bớ Chúa muốn dạy dỗ và đào tạo mình và cho mình thực sự hiểu điều gì là quý giá nhất.

Tôi có lời khuyên đối với những thanh niên – những người có cùng hoàn cảnh như tôi là trước hết hãy cầu nguyện cho gia đình mình, đứng trên lời hứa của Đức Chúa Trời mà cầu nguyện. Thứ hai, kiềm chế cái mong muốn nói thật nhiều, bày tỏ thật nhiều cho bố mẹ người thân biết về Chúa đi. Nên nói ít thôi. Có thể là không nói. Hãy thay lời nói bằng hành động. Thanh niên mình, luôn bị bố mẹ coi là trẻ con. Chứng tỏ mình là một người trưởng thành bằng việc hết lòng yêu thương bố mẹ, làm việc nhà, chăm sóc quan tâm tới bố mẹ và nghĩ có trách nhiệm với gia đình hơn. Lời nói của một người có trách nhiệm với gia đình rõ ràng có sức mạnh hơn một đứa trẻ con. Bố mẹ sẽ nhìn nhận mình khác, và thấy được Chúa thay đổi mình, Chúa làm mình trưởng thành hơn, tốt hơn. Đó là sự làm chứng tốt nhất, sự công bố đức tin khôn ngoan nhất.

Cảm ơn Chúa. Xin Chúa ban phước dư dật trên đời sống của anh và gia đình, cũng thêm hơn quyền năng của Ngài trên anh, cho sự hầu việc Chúa của anh.


Theo Nguyễn Hằng (loisusong.net)

Bài vở cộng tác xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like