Home Bài Viết Cân Bằng Giữa Truyền Giảng Và Cầu Thay – Suzette Hattingh

Cân Bằng Giữa Truyền Giảng Và Cầu Thay – Suzette Hattingh

by Ban Biên Tập
30 đọc
Suzette Hattingh - Cân Bằng Giữa Truyền Giảng & Cầu Thay

Suzette Hattingh – Cân Bằng Giữa Truyền Giảng & Cầu Thay

Tái Sinh

Suzette Hattingh sinh năm 1956 tại đất nước Nam Phi đa văn hóa. Bố mẹ cô là người gốc Hà Lan, và theo lời của cô thì họ “có đạo nhưng chưa được tái sinh.” Năm 10 tuổi, Suzette bị kẹt tay vào máy gặt tại trang trại của bố mẹ. Bác sỹ nói rằng cần cắt bỏ một tay của cô. Trong cơn tuyệt vọng, bố của Hattingh đã cầu nguyện và nghe được tiếng nói từ trời, vỏn vẹn chỉ một từ: “Đừng!” Ông bảo bác sỹ đừng cắt tay của con gái, nhưng bác sỹ trả lời rằng nếu không cắt tay thì chắc chắn đứa bé sẽ chết. Tiếng nói “Đừng!” vang lên đến lần thứ ba, vì vậy bố của Hattingh ký giấy xuất viện và đưa con gái về nhà. Phép lạ đã xảy ra, Hattingh đã không chết, mặc dù tay bị liệt một phần trong vài năm và chỉ sau khi tin Chúa thì mới được chữa lành hoàn toàn.

Tuy nhiên, phải 11 năm sau tai nạn đó Hattingh mới thực sự phó mình cho Đức Chúa Trời – Đấng đã cứu cô. Dù trước khi bị tai nạn Hattingh có những câu hỏi về Chúa, nhưng đa phần người da trắng gốc Hà Lan ở Nam Phi thời bấy giờ đều tin vào thuyết tiền định, và Hattingh xác quyết rằng mình đã bị “định cho sự khước từ”.

Hattingh học ngành y và trở thành nữ hộ sinh. Một nữ đồng nghiệp là người tin Chúa đã hết sức bền bỉ để dẫn cô đến với Chúa Jê-sus, nhưng cô không chút cảm tình. “Hễ gặp nhau là cô ấy làm chứng về Chúa. Tôi bực lắm, thật là đồ cuồng tín!” – Hattingh đã nói vậy.

Nhưng Đức Chúa Trời lại bắt đầu can thiệp. Hattingh nhớ lại:

“Nhiều bệnh nhân kể cho tôi về những trải nghiệm của họ khi cận kề với cái chết. Có một ông cụ rất yếu và không cử động được nhưng tự nhiên ngồi dậy trên giường và kêu lên: “Tôi nhìn thấy Đức Chúa Trời ở trên ngôi, và tôi bị hư mất!” Thậm chí tôi còn chưa biết từ “hư mất” có nghĩa là gì. Tôi là một con người rất thực dụng, và điều đó khiến tôi hoảng sợ.

Trường hợp khác là một trưởng lão trong hội thánh. Vào lúc gần chết ông ta kêu lên: “Cứu tôi với! Chân tôi đang bị tụt vào cái hố này!” Thế rồi ông ta qua đời.

Trường hợp thứ ba là một phụ nữ bị ung thư giai đoạn cuối. “Bà ấy đau đớn nên hay la hét với chúng tôi và cực kỳ khó tính. Sau đó bà ấy được chuyển sang điều trị tại một bệnh viện khác và tại đó bà ấy tin Chúa. Khi quay lại chỗ chúng tôi bà ấy trở thành một con người khác, rất nhân hậu.”

“Bà ấy qua đời trong ca trực của tôi. Ngồi trên giường bệnh của bà, tôi nghĩ bà ấy đã đi rồi, nhưng bà ấy bất ngờ trở lại, mở mắt và mỉm cười.

“Cô,’ bà ấy nói với tôi, ‘cô có nghe thấy tiếng nhạc không? Nhìn kìa, những bông hoa! Những người mặc áo trắng!’ Rồi bà ấy lật người và nói: “Họ đến để đón tôi đấy!” – rồi bà ấy đi.”

Những kinh nghiệm này đã khiến Hattingh bắt đầu tìm kiếm Chúa trở lại. Vào ngày 14 tháng ba, 1977, bị thúc giục bởi những cơn ác mộng cáo trách, cuối cùng Hattingh cầu nguyện. “Chúa ơi, nếu Ngài đúng như mấy người cuồng tín kia nói thì xin hãy làm một điều gì đó!” Một ánh sáng giáng trên tôi, và tôi đã được sinh lại.”

Đời sống của cô y tá trẻ đã bị “đảo lộn hoàn toàn”. Chồng sắp cưới chấm dứt quan hệ. Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc đã ăn sâu vào lối tư duy của người da trắng tại Nam Phi khiến gia đình đã từ Hattingh vì cô bắt đầu giao du với những người da đen. Cảm ơn Chúa, về sau bố mẹ Hattingh đã tin Chúa và rất vui mừng với con đường mà con gái họ đã chọn!

Nói về sự kêu gọi của Chúa cho mình, Hattingh cảm nhận: “Có những người quyết định [tiếp nhận] sự kêu gọi của Chúa, nhưng cũng có những người mà sự kêu gọi đã quyết định cho họ. Và đó là cách tôi cảm nhận về cuộc sống của mình!”

Chức vụ cầu thay

Vào năm 1980, khi 24 tuổi, Hattingh bắt đầu tham gia tổ chức Christ for All Nations (Đấng Christ cho mọi dân tộc – Cfan) do nhà truyền đạo Reihard Bonnke lãnh đạo. Hattingh đảm nhận nhiều vai trò khác nhau, nhưng chủ yếu là lĩnh vực cầu thay và chứng đạo cá nhân. Cô được chứng kiến các chiến dịch truyền giảng của Bonnke ở Châu Phi tăng trưởng từ hàng ngàn đến hàng trăm ngàn, rồi hàng triệu người tham dự. Một trong những chìa khóa dẫn đến sự thành công là mục vụ cầu thay của Hattingh. “Mức độ chinh phục phụ thuộc vào mức độ cầu nguyện”, Hattingh khẳng định.

Đằng sau những buổi truyền giảng như thế này là sự cầu thay sốt sắng

Cô đã làm việc với tổ chức này trong 16 năm, cho đến khi Chúa gọi bước vào giai đoạn khác của sự phục vụ. Mối quan hệ giữa họ rất tốt, và thậm chí ngày nay Hattingh vẫn nói rằng nếu ai muốn bắn vợ chồng Reinhard và Anni thì bà sẵn sàng đỡ đạn cho họ. Trong một hội nghị Cơ đốc năm nay tại Anh, có cả Reihard Bonnke, Daniel Kolenda (người kế tục chức vụ của Reihard Bonnke) và Suzette Hattingh. Thật là một tấm gương về những người hầu việc Chúa hiểu sự kêu gọi và sự xức dầu trên người khác và hiệp nhất với nhau trong sự phục vụ Đấng Christ!

Chức vụ truyền đạo

Hattingh làm bước rời khỏi mục vụ của Bonnke và thành lập mục vụ riêng do cảm nhận sâu xa rằng Đức Chúa Trời muốn cô không chỉ là người cầu thay mà còn là một người truyền đạo, tại vùng đất mà Hattingh cảm nhận dù vật chất giàu có nhưng “bần cùng” về thuộc linh.

“Nhiều năm trước đây, ngày bố tôi qua đời vào năm 1980, tôi đã có một khải thị hiếm có,”– Hattingh nhớ lại. “Đây là lần duy nhất tôi đã nhìn thấy thiên sứ.”

“Tôi còn nhớ rất rõ. Thiên sứ không nói gì mà chỉ tiến đến gần và đổ một hộp mực to trên tôi. Cảm giác như dầu nóng vậy.”

Vào năm 1995 Chúa bảo Hattingh đọc Ê-xê-chi-ên 9, chương nói về vị thiên sứ với hộp mực. Nhiệm vụ của thiên sứ là đánh dấu trên trán những người sẽ được tha khi cơn giận phán xét của Chúa giáng trên sự bất công trong thành phố.

Hattingh cảm nhận Chúa nói với mình phải chinh phục các thành phố – để càng nhiều thành được tha càng tốt.

Năm 1986, khi còn làm việc cho tổ chức Cfan của Bonnke, Hattingh chuyển đến Frankfurt, Đức, và rất ghét thành phố này. Nhưng sự kêu gọi của Chúa rất rõ ràng, và qua năm tháng sự vâng phục biến thành nỗi đam mê. Cô trở thành công dân Đức, và tổ chức Voice in the city (Tiếng nói trong thành phố) mà cô thành lập vào năm 1997 có trụ sở tại Frankfurt.

 “Hãy thử nghĩ mà xem” – Hattigh giải thích sự ác cảm ban đầu của mình – “vào những năm 80 tôi đang bay “cùng chim ưng” tại Châu Phi! Mọi thứ đều xảy ra tại đó, thế mà Chúa lại chuyển tôi đến Châu Âu và thả tôi giữa những bộ xương khô của hội thánh Châu Âu!”

Hattingh nhớ lại lần bị mắc kẹt vì tuyết tại Tromso, Na-uy – thành phố cực bắc của thế giới – vào năm 1987, cảm thấy cực kỳ cô đơn và bị mọi người, kể cả Chúa, dường như bỏ quên. “Tôi đã thực sự vật lộn” – cô nói về thời kỳ ở Châu Âu lúc đó. “Nhưng đúng lúc ấy tôi lại có sự hiện thấy. Tôi nhìn thấy một cái bút, và cái bút ấy khắc Châu Âu vào tâm linh tôi.”

Gánh nặng gia tăng, vào mùa Giáng sinh năm 1991, Hattingh cùng với 6 người bạn khác mang thức ăn đến cho những người vô gia cư tại quận đèn đỏ ở Frankfurt.

“Các đường phố hôm ấy không có người ăn xin nào, vì vậy chúng tôi chia nhóm để tìm họ. Tôi đang vào khu chợ thì có người gí súng vào lưng tôi. Ông ta bắt tôi đi tiếp, và tôi thấy mình rơi vào ổ ma túy với khoảng hơn một trăm người đang ở đó.”

“Tôi nhìn thấy những người, cả nam lẫn nữ, đang chích ma túy. Tôi nhìn thấy những cô gái điếm đang hành nghề. Và những cảnh tượng hãi hùng khác…” Người đàn ông cầm súng hỏi: “Mày muốn gì? Tôi quay lại và nói: “Tôi chẳng muốn gì từ các anh, nhưng có thể các anh muốn cái tôi có chăng. Tôi muốn phát quà Giáng sinh.”

Rồi cô phát quà cho họ. Đó cũng là lúc cô nghe tiếng Chúa hỏi: “Hội thánh của Ta đang ở đâu?”Hattingh biết câu trả lời: Hội thánh đang ở trong nhà thờ, đang quây quần hát “đêm xuống êm đềm”. Lần trải nghiệm ấy ghi dấu ấn mãi trong đời cô.

Tuy nhiên, phải mất 10 năm nữa thì các kế hoạch cho Châu Âu mới chín muồi đối với Hattingh. Năm 1996, sau khi hoàn tất dự án “từ dấu trừ sang dấu cộng” cho Cfan, và sau khi Chúa đã phán cùng Reihard Bonnke: “Hãy để Suzette bay như chim ưng”, Hattigh chính thức rời Cfan và thành lập tổ chức “The Voice in the City” (Tiếng nói trong thành phố). Đó là một tổ chức truyền giáo quốc tế và liên hệ phái, với khải tượng năm mặt: cầu nguyện, chữa lành, truyền giảng, chức vụ giúp đỡ và dạy dỗ.

Trong những năm sau đó Hattingh và đội ngũ được thấy Chúa làm những phép lạ kỳ diệu tại Indonesia. Ngoài những sự chữa lành bệnh và cải đạo, còn có một số dấu hiệu khác cho thấy tay Chúa ở trên công việc này: Chính phủ Hồi giáo đã cung ứng hậu cần cho những buổi truyền giảng đông người của tổ chức Cơ đốc Tiếng nói trong thành phố, các đài phát thanh Hồi giáo truyền đi sứ điệp Phúc âm, và mục vụ đã nhận được sự bảo vệ siêu nhiên khỏi những kẻ đánh bom cực đoan.

“Nhà trẻ” – một trong các mục vụ của tổ chức Tiếng nói trong thành phố

Nhà trẻ tại Indonesia sau thảm họa sóng thần, với sức chứa trên 100 trẻ em và nhiều phụ nữ mang thai “ngoài ý muốn”. Các thiếu nữ mang thai sẽ được chăm sóc tại đây cho đến sau khi sinh. Đây là cách tốt nhất để các bé ra đời chứ không bị phá bỏ.

Nhưng đối với Hattingh, mục tiêu chủ đạo và thách thức lớn nhất trong những năm tới là sự cứu rỗi Châu Âu. “Châu Âu khô cằn, nhưng tôi tin rằng không có đất nước nào là không thể chinh phục (bởi Phúc âm)!” – Cô nói.

Khác với quy trình truyền giảng thông thường, cách tiếp cận của tổ chức Tiếng nói trong thành phố đòi hỏi rất ít ngân sách quảng bá. Hattingh chia sẻ có lần Chúa đã hỏi cô vì sao người ta phải đến với buổi nhóm của cô. Tôi trả lời: “Họ đến vì tình yêu của Ngài, thưa Chúa!” Hattigh cảm nhận Chúa trả lời:“Thế thì hãy trình bày tình yêu của Ta đến cho họ thay vì ném tờ quảng cáo vào hộp thư của họ!”

Trong một chiến dịch tại Deggendorf, một thị xã phía nam nước Đức, các Cơ đốc nhân địa phương đã chia thành từng đôi để đến thăm các hộ gia đình, hỏi xem có thể giúp đỡ họ điều gì một cách thực tế. Thậm chí họ đã lập ra đường dây nóng “cánh tay giúp đỡ.” Hattingh nói cô vô cùng hạnh phúc vì đáp ứng của người dân.

“Tôi tự hỏi không biết người Đức có đóng cửa với chúng tôi không, nhưng chỉ có khoảng 15 phần trăm làm vậy thôi. Người ta đã trò chuyện với chúng tôi, mời chúng tôi vào nhà. Một số người rất ngạc nhiên là chúng tôi làm điều đó mà không đòi hỏi cái gì. Cách làm mới và có sức hút đến mức truyền thông đã lập tức để ý, và chúng tôi… được nổi bật trên báo chí.”

“Người dân Deggendorf nhờ chúng tôi hút bụi hoặc dọn đồ giúp họ. Có những phụ nữ muốn được làm tóc, nhà khác thì cần người trông trẻ trong vài tiếng. Có một số nhu cầu chúng tôi xin phép dâng lời cầu nguyện. Chúng tôi chỉ phục vụ, và bằng cách đó, đã đạt được 45 phần trăm số hộ gia đình bên trong thành phố!”

Một phương thức khác của chiến dịch Chiếm thành được Hattingh gọi là “làm trọn gói”. Công thức là tinh thần đầy tớ cộng với truyền giảng đường phố, cộng với cầu thay, cộng với các buổi nhóm truyền giảng. “Ở Châu Phi người ta chạy đến các sự kiện, nhưng ở Châu Âu thì khác. Những người hư mất không đến với chúng ta, chúng ta phải đến với họ, đi từng nhà như chúng tôi đã làm ở Deggendorf. Vấn đề là chúng ta muốn nhập khẩu phấn hưng từ những quốc gia khác, nhưng bạn không thể nhập khẩu phấn hưng. Đức Chúa Trời có những mô hình khác nhau cho những nơi khác nhau, và chúng ta cần tìm kiếm Chúa để biết mô hình của Ngài trong từng đất nước. Không phải mọi cánh đồng của Chúa đều chín cùng một lúc.”

Hattingh tin rằng các cánh đồng tại Tây Âu đang chín vàng. Cô cho rằng người chưa được cứu sẽ luôn cởi mở, vấn đề là các hội thánh có mở và trở nên can đảm hơn không.

Cân bằng giữa cầu thay và truyền giảng

Hattigh xác quyết rằng công tác truyền giảng cần phải đi đôi với lượng cầu nguyện tương ứng và ngược lại. Cô viết: “Cầu nguyện là sự thân mật với Chúa còn truyền giảng là sự biểu lộ ra bên ngoài của sự thân mật ấy và được “bơm” bởi nhịp đập trái tim của chính Đức Chúa Trời. Cầu thay chuẩn bị đường còn truyền giảng là hành động. Con gặt gặt sự đáp lời cho những lời cầu nguyện xin các linh hồn.”

Lời Chúa dạy về sự cân bằng. Giô-ên 2:17 viết: Các thầy tế lễ, là những kẻ hầu việc Đức Giê-hô-va, khá khóc lóc giữa hiên cửa và bàn thờ, và nói rằng: Hỡi Đức Giê-hô-va, xin hãy tiếc dân Ngài, và chớ để cơ nghiệp Ngài bị sỉ nhục, và bị các nước cai trị! Làm sao để người ta nói giữa các dân tộc rằng: Nào Đức Chúa Trời chúng nó ở đâu?”

Hattigh chỉ ra rằng các thầy tế lễ được gọi than khóc giữa hiên cửa và bàn thờ. Chúng ta là những thầy tế lễ nhà vua, là dân thánh được mời gọi dạn dĩ đến trước Chúa (xem Hêb 10:19). Nhờ huyết báu của Chúa Jê-sus, giờ đây chúng ta có thể tự do và cởi mở dâng lời cầu nguyện sốt sắng đến tận nơi Chí Thánh trên bàn thờ của sự cầu nguyện. Hattingh chia sẻ tiếp trong một bài viết của mình:

Nhưng trong Cựu ước, thầy tế lễ không ở lại nơi thánh mà phải đến hiên cửa, nơi dân sự đang chờ đợi sứ điệp của Chúa. Một số người trong chúng ta muốn cầu nguyện nhưng không muốn gánh trách nhiệm mang sứ điệp đến với những người đang rất có nhu cầu. Có những người thì lại chỉ muốn giảng và phục vụ mà không chịu dành thời gian ở với Chúa để Ngài làm tan vỡ lòng chúng ta bởi những cái đang làm tan vỡ lòng Ngài.

Chính Chúa Jê-sus đã làm gương khi cầu nguyện cả đêm rồi giải phóng kẻ phu tù, chữa lành người bệnh và giảng Tin mừng vào ban ngày. Bạn có thể nói: “Đó không phải là sự kêu gọi của tôi – tôi chẳng phải là người truyền đạo, cũng chẳng phải là người cầu thay.”

Ai là người truyền đạo hoặc cầu thay? Không nhất thiết phải là người đi đến quốc gia khác mà là người cầu nguyện sốt sắng và coi việc mang Tin lành đến cho những người xung quanh là sứ mạng của mình.

Bạn được tạo nên với sự cân bằng – chúng ta có hai tay, hai chân, hai tai… Trong thuộc linh cũng vậy, bạn cần cả “cầu nguyện” và “ra đi”, cắt cả hai phía, như gươm hai lưỡi.

Sứ điệp “khẩn cấp”

Trên trang mạng của Tiếng nói trong thành phố có đăng sứ điệp gần nhất mà Suzette cho rằng đó là sứ điệp “khẩn cấp.”

“Cách đây vài đêm tôi có một giấc mơ có tính tiên tri mà tôi cho rằng rất quan trọng nên muốn chia sẻ với các bạn.

Khoảng 4 giờ sáng, tôi tỉnh dậy và thấy vẫn còn vài phút trước giờ phải dậy, nên tôi nằm ngủ lại. Trong thời gian đó tôi đã có một giấc mơ (xin hãy hiểu theo nghĩa thuộc linh).

Tôi đang yêu, và người đàn ông mà tôi sắp cưới đứng cạnh tôi. Tôi hỏi khá ngạc nhiên: “Vậy chàng là người tôi sẽ cưới sao?” Người ấy quay sang tôi và nói: “Hãy đến, Ta muốn chỉ cho nàng cung điện mà Ta đã xây cho nàng. Ta đã xây cung điện ấy trên đá, không phải trên cát”.

Tôi nhìn và thấy một ngôi nhà lớn xây trên đỉnh đồi. Đó không phải ngôi nhà hai tầng, không hiện đại giống như nhà ngày nay nhưng rất chắc chắn và rộng lớn. Rất ngạc nhiên, tôi hỏi: “Ôi, ngôi nhà thực sự trên đá và đẹp quá!”

Khi đó người ấy nói: “Hãy đến, Ta muốn cho nàng thấy vườn cho nàng dâu của ta.”

Chúng tôi bước vào một khu vườn, nơi cũng có một vài tảng đá. Tôi được thấy một khu vườn đẹp nhất, trồng rất nhiều rau và hoa. Tôi nhìn thấy một dây leo với nhiều loại quả khác nhau. “Người” ấy hái vài quả và cho tôi ăn… đó không phải là nho mà là một loại quả chín ngon tuyệt.

Nguyện lương nhân tôi vào trong vườn người,
Và ăn các trái ngon ngọt của người!

Nhã ca 4:16

Tôi quay sang người đàn ông đó và nói: “Vậy nếu tôi cưới chàng, chàng đã từng có gia đình chưa? Chàng có con không?” Người ấy nhìn vào tôi và nói: “Chưa, Ta chưa từng lấy vợ, và Ta đến để tìm nàng dâu của Ta…”

Tôi choàng tỉnh… Tôi biết rằng Chúa đang nói rõ ràng về nàng dâu của Ngài và Ngài đang chuẩn bị rước ai.

Tôi không biết khi nào Chúa Jê-sus lúc nào sẽ đến để đón nàng dâu của Ngài, hay Ngài sẽ gọi tôi về trước khi Ngài tái lâm. Tuy nhiên đây không phải là lần đầu tiên tôi có giấc mơ như thế này. Vào tháng mười hai năm 1999, tôi có giấc mơ gần giống như vậy. Xin hãy đọc những gì tôi viết hồi đó…”

Sứ điệp Lễ cưới, tháng mười hai, 1999

“Trong mơ, chỉ còn nửa tiếng nữa thì đám cưới diễn ra! Mọi người quanh tôi đều hối hả và chạy lăng xăng chuẩn bị cho lễ cưới. Nhìn vào đồng hồ, tôi biết rằng nàng dâu, là chính tôi, cũng chỉ còn nửa tiếng nữa để chuẩn bị! Tôi vội liếc mắt về phía nhà thờ, nơi đã có một số vị khách đến dự lễ. Bị choáng, tôi thấy nhà thờ chưa hề trang trí cho buổi lễ.

Tôi bật khóc và kêu lên: “Tại sao đến giờ rồi mà hội thánh chưa chuẩn bị gì cả?”

Rồi tôi choàng tỉnh, và Thần Chúa nói rõ ràng với tâm linh tôi: “Thời điểm Ta trở lại ngắn hơn dân Ta tưởng mà họ lại chưa hề sẵn sàng.”

Thực chất thì chúng ta đang khôn hay dại đây (Ma-thi-ơ 25:1-13).

Ngay khi bắt đầu cầu nguyện về giấc mơ của mình, tôi thấy rõ là chúng ta như nàng dâu của Đấng Christ đang thật bận rộn và hối hả chuẩn bị cho sự trở lại của Ngài. Có rất nhiều hoạt động (đó là điều rất tốt), nhưng chúng ta đang dành bao nhiêu thời gian ở với chính Chàng Rể? Chúng ta có đang thực sự chuẩn bị về thuộc linh cho sự tái lâm của Ngài không?

Các bạn yêu dấu! Tôi cầu nguyện để lời này chúc phước cho bạn. Chúng ta hãy sẵn sàng. Tôi không biết “nửa tiếng” trong giấc mơ của mình là bao lâu, chỉ biết rằng nó ngắn hơn chúng ta tưởng…”

 

Theo Đ. Hưng (loisusong.net) 

Bài vở cộng tác và góp ý xin gởi về tintuc@hoithanh.com 

Bình Luận:

You may also like