Home Tin tức Lễ Kỷ Niệm Thương Khó – Phục Sinh HT Lời Sự Sống HN

Lễ Kỷ Niệm Thương Khó – Phục Sinh HT Lời Sự Sống HN

by Ban Biên Tập
30 đọc

Kỷ Niệm Ngày Lễ Thương Khó Của Chúa Jêsus

Buổi lễ dành thời giờ đầu tiên cho sự cầu nguyện riêng tư – cách tốt nhất nhớ lại sự thương khó của Chúa. Bởi lẽ, suy cho cùng, mỗi người có những kinh nghiệm, những sự trải nghiệm rất khác nhau với Chúa. Mỗi ngày, chúng ta ghi nhớ một cách vô thức hay có ‎ thức tất cả những trải nghiệm của cuộc đời mình: những gì chúng ta đã từng nhìn thấy, cảm nhận hay những việc chúng ta đã từng làm – những điều tốt và xấu, những niềm vui và nỗi đau – tất thảy hòa vào nơi những ý niệm rất riêng về chính nỗi đau đớn không gì tả nổi của Chúa chúng ta.

Tiềm thức hòa cùng sự cầu nguyện riêng tư

“Ai tin điều đã rao truyền cho chúng ta, và cánh tay đức Giê-hô-va đã được tỏ ra cho ai? Người đã lớn lên trước mặt Ngài như một cái chồi, như cái rễ ra từ đất khô. Người chẳng có hình dung, chẳng có sự đẹp đẽ, khi chúng ta thấy người , không có sự tốt đẹp cho chúng ta ưa thích được”. Những câu đầu của Ê-sai 53 vang lên, hẳn làm cho lòng người dâng trào bao cảm xúc. Cùng nhau đọc Thi thiên 22, Ê-sai 53, nơi những con người thời Cựu Ước được tỏ ra về sự thương khó, sự chết và làm nên vinh hiển của tôi tớ Đức Giê-hô-va – tức Đấng Mê-si đã hứa mà càng thấm thía hơn tình yêu thương Thiên Chúa cho loài người bé mọn và hay thay đổi.

 

Nhắc lại những lời tiên tri Cựu ước

Bài giảng ngày hôm qua của Mục sư cũng thật khác. Có lẽ Mục sư không giảng, mà là kể. Kể rằng gần hai nghìn năm trước, Chúa Giê-su đã làm thành điều Đức Chúa Trời đã định thể nào. Ngài chịu khổ vô cớ, nhưng không hề tự vệ. Kể rằng vì lẽ nào, mà giờ đây Đức Chúa Trời không còn chống lại loài người nữa, con người được hòa thuận với Đức Chúa Trời và Ngài trở thành bình an của tôi và bạn. Kể về những câu nói cuối cùng của Chúa Giê-su trên thập tự giá, mà mỗi tiếng phát ra, thân hình “đếm được các xương” của Ngài, phải rướn lên trong đau đớn xé lòng:

“Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết mình làm điều gì”( Lu-ca 23:34)

“Thật, Ta bảo con, hôm nay con sẽ được ở với ta trong Pa-ra-đi”(Lu-ca 23:43)

“Thưa bà, đó là con của bà” và “Nầy là mẹ của con”(Giăng 19:26-27)

“Ê-li, Ê-li, lam-ma-sa-bách-ta-ni?” nghĩa là : “Đức Chúa Trời của con! Đức Chúa Trời của con! Sao Ngài lìa bỏ con?”(Ma-thi-ơ 27:46, Mác 15:34)

“Ta khát.”

“Mọi việc đã hoàn tất”(Giăng 19:28)

“Lạy Cha, con xin giao linh hồn lại trong tay Cha”(Lu-ca 23:46)

Suy ngẫm những lời cuối cùng này, hầu cho con cái Chúa học được tấm gương trong sự tha thứ, giải hòa, tin tưởng, về sự vâng phục và giao phó, về tình yêu thương và lòng thương xót. Chúa Giê-su lẽ ra có thể kết tội loài người, đoán xét họ trong lúc đó nhưng Ngài đã bênh vực loài người, và đứng về phía con người, và sẽ luôn luôn như vậy.

 

Những lời kể đáng suy ngẫm

Mọi người sau đó cùng nhau dự lễ tiệc thánh. Câu nói của Chúa Giê-su như đang vang lên, gần thật gần, và yêu thương biết mấy: “Vì thịt ta thật là đồ ăn, huyết ta thật là đồ uống. Người nào ăn thịt ta và uống huyết ta, thì ở trong ta, và ta ở trong người.”(Giăng 6:55-56) . Sự sống đời đời là ở đây.

 

Tiệc thánh – sự sống đời đời là ở đây

Thật, đến với lễ thương khó thật không phải đến chỉ để khóc thương về sự chịu khổ của Chúa, mà để tự nhắc mình không mệt mỏi, sờn lòng trước khó khăn thử thách còn chờ đợi ta trên đất này. Giao linh hồn lại cho Đức Chúa Trời như Chúa Giê-su đã làm, dâng mọi sự cho Cha, thì nó sẽ trở lại, hẳn rồi…

 

Theo Nguyễn Hằng(loisusong.net)

Bài vở cộng tác và góp ý xin gởi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like