Home Quốc Tế Nhà Truyền Giáo Luis Palau Nói Về Tân Giáo Hoàng

Nhà Truyền Giáo Luis Palau Nói Về Tân Giáo Hoàng

by Ban Biên Tập
30 đọc
Nhà Truyền Giáo Luis Palau

Ông đã cảm thấy như thế nào khi nghe tin Hồng y Bergoglio đã được bầu làm Giáo hoàng?

Tôi phấn khích vì đất nước Argentina, vì con người của ông, và về sự cởi mở của ông đối với các tín đồ Tin lành. Tôi đã khá cảm động, đơn giản vì tôi biết ông ấy. Ông về thứ hai sau Giáo hoàng Benedict XVI trong lần bầu cử trước, và ông đã tình nguyện không ứng cử, vì nghĩ rằng: “Chúng ta không nên làm thế, bầu hết lần này đến lần khác”. Sau đó, tôi gặp và có nói với ông: “Tiếc quá! Tôi đã tưởng sẽ được nói tôi quen với Đức Giáo hoàng, Giáo hoàng là bạn tôi”. Tôi đã nói có lẽ ông ấy sẽ được bầu vào lần tới, nhưng ông trả lời: “Không, tôi quá già rồi.” Hôm qua (khi biết tin) tôi đã vô cùng ngạc nhiên, bởi vì tôi nghĩ ông ấy đã quá tuổi. Vì lần trước ông đã không được bầu, nên lần này tôi nghĩ cũng thế. Thế mà ông ấy lại được bầu – Ông ấy không quá già!

Ông coi Đức Giáo hoàng như một người bạn. Vậy ông có thể cho tôi biết gì về tính cách của ông ấy – như một con người, như một tín đồ, không chỉ như một Hồng y?

Tôi biết rằng ông ấy biết Đức Chúa Trời cách cá nhân. Cách ông ấy cầu nguyện, cách ông ấy nói với Chúa, là của một con người biết Chúa Giê-su Christ và tâm linh rất gần gũi với Chúa. Không phải cố gắng thì ông ấy mới cầu nguyện được. Ông ấy không chỉ đọc lời cầu nguyện, ông cầu nguyện với Chúa tự phát nữa. Đó là dấu hiệu cho thấy những điều tốt sẽ xảy ra trên cả thế giới trong những năm ông ấy làm Giáo hoàng.

Ông ấy là một người rất ấm áp, nhẹ nhàng và thuộc linh. Có thể không phải lúc nào ông ấy cũng mỉm cười, ở khắp mọi nơi – ông ấy không phải là một diễn viên Hollywood. Nhưng ông ấy là người rất nồng hậu. Bạn sẽ không cảm thấy ông ấy lạnh lùng hoặc xa cách. Ông ấy luôn nồng hậu, ông ấy thích trà trộn với mọi người. Ông ấy nhẹ nhàng khi nói chuyện. Ông ấy luôn nhờ người khác cầu nguyện. Khi ông làm vậy (trong bài nói chuyện đầu tiên) đã khiến người ta ngạc nhiên, nhưng những ai đã biết ông đều biết rằng ông ấy luôn hay nói: “Xin hãy cầu nguyện cho tôi”. Ông ấy thật lòng muốn thế, và ông ấy luôn nói thế.

Hồng y Jorge Bergoglio hay Giáo hoàng Francis (Phan-xi-cô) người Argentina 

Ông có thể cho tôi biết về phong cách lãnh đạo của Bergoglio?

Ông ấy là người rất hay lấy Kinh thánh làm trọng tâm, lấy Chúa Giê-su Christ làm trọng tâm. Khả năng thuộc linh của ông ấy tốt hơn là khả năng quản trị, mặc dù bây giờ thì ông ấy sẽ phải thực hành kỹ năng quản trị. Nhưng về cá nhân, ông ấy được biết đến nhiều hơn vì tình yêu với Đấng Christ. Ông ấy thực sự coi Chúa Giê-su và Tin Mừng, Tin Mừng thuần khiết, là trọng tâm.

Chúng ta sẽ thấy những tác động trên các mối quan hệ quốc tế và sự cởi mở, bởi vì ông ấy không phải là người điều khiển. Ông ấy là người thẳng thắn, trực diện. Ông ấy nói điều ông ấy nghĩ và làm điều đó một cách chân thật.

Dù là người nhẹ nhàng, ông ấy có những xác quyết đạo đức vững chắc và giữ vững quan điểm kể cả khi phải đối đầu… Trước đây ông ấy đã làm như vậy. Với cộng đồng Tin lành, thực sự là một ngày lớn khi chúng tôi nhận thấy ông ấy thực sự cởi mở, rất tôn trọng những Cơ đốc nhân tin Kinh thánh, và về cơ bản ông ấy đứng cùng phía với họ… Họ làm việc cùng nhau. Để làm được điều ấy phải có lòng can đảm, phải có sự tôn trọng, phải có sự xác quyết. Vì vậy những người lãnh đạo Hội thánh Tin lành ở Argentina rất tôn trọng ông ấy, đơn giản vì nếp sống cá nhân của ông ấy, vì ông ấy có sự tôn trọng, chìa tay ra và dành thời gian ở với họ trong tư cách cá nhân.

Giới truyền thông đã nói rất nhiều về tấm lòng của Bergoglio với người nghèo. Ông có cho rằng đó là điều mà ông ấy sẽ tập trung khi là Giáo hoàng không?

… Ông ấy giúp người nghèo, ông làm việc cho họ… Nhưng trong những cuộc nói chuyện của chúng tôi qua nhiều năm, ông ấy đã luôn đặc biệt quan tâm đến giới trẻ… Xu hướng hướng tới người nghèo của ông đã được nhấn mạnh một cách đúng đắn, nhưng trong những cuộc nói chuyện cá nhân, tôi lại nhớ nhiều hơn về những người trẻ tuổi của Argentina, là những người đang ngày càng trở nên thế tục hơn. Mỗi lần trò chuyện về tình trạng của Cơ đốc giáo thế giới, ông ấy đều nhắc đến hiện tượng thế tục hóa và việc giới trẻ đang lìa xa giáo hội…

Đã có cuộc nói chuyện về làn sóng rao giảng phúc âm mới trong Giáo hội Công giáo La mã… Và có sự ước ao để tin mừng thuần khiết của Chúa Giê-su được đi ra khắp thế giới. Tôi nghĩ điều đó sẽ có tác động, bởi vì chắc chắn ông ấy biết và cam kết với tin mừng thuần khiết.

Có một lần chúng tôi đang ở trong một chiến dịch truyền giảng…. và ông ấy cùng tôi đã gặp nhau để cầu nguyện và tôi hỏi ông một lời tư vấn. Ông ấy nói: “Hãy cho giới trẻ tin mừng… Họ cần nghe tin mừng thuần khiết.” Và ông ấy biết mình đang nói gì khi dùng từ tin mừng.

Nếu đúng vậy thì những người Tin lành có thể chờ đợi gì từ Giáo hoàng Francis (Phan-xi-cô)?

Ông ấy là người của những xác quyết mạnh mẽ. Ông ấy không bị lay động bởi bất cứ dạng quyền lực nào, kể cả chính trị. Ông ấy là người rất mạnh mẽ về các vấn đề đạo đức. Tôi nghĩ chúng ta sẽ thấy một Giáo hoàng làm cho các mối quan hệ dễ dàng hơn và bớt căng thẳng hơn. Điều đó không có nghĩa là (Tin lành và Công giáo) sẽ đồng ý về tất cả mọi khía cạnh, cũng cần phải nói vậy. Ông ấy là một Giáo hoàng Công giáo La mã, và có những vấn đề cần trò chuyện, cần cầu nguyện, cần tra xem Kinh thánh… Có những khác biệt trong giáo lý, nhưng khi có thái độ đúng đắn với nhau và với Lời Chúa, và khi bạn nghiêm túc, thì Chúa sẽ soi sáng.

Số người Công giáo đông nhất đang sống tại châu Mỹ La tinh. Mặc dù gần đây hàng triệu người đã chuyển sang đến với Chúa Giê-su trong cách của Tin lành… vẫn không có ít hơn 70% người Mỹ La tinh tuyên bố mình là người Công giáo La mã. Chắc chắn đó là một lý do khiến ông được bầu – để đại diện cho họ trên thế giới. Cách đây vài chục năm thôi còn có thái độ đối kháng và không dễ chịu. Tại một số rất ít địa phương còn có những nguy hiểm cho thân thể của tín đồ, nhưng khoảng 50 năm gần đây thì không còn thế nữa. Giờ đây sự căng thẳng chủ yếu mang tính thần học nhiều hơn… chủ yếu là về giáo lý khi có khác biệt trong niềm tin. Vì vậy sự căng thẳng sẽ dịu bớt. Sẽ không có cách thức đối đầu… Ông ấy đã chứng minh điều đó nhiều lần khi làm Hồng y ở Argentina. Có nhiều cầu nối hơn, bày tỏ sự tôn trọng, biết những khác biệt nhưng nhắm tới những gì chúng ta có thể cùng đồng ý: như thần tính của Chúa Giê-su, việc Ngài sinh ra từ nữ đồng trinh, sự phục sinh của Chúa, và sự tái lâm của Ngài.

Ông có câu chuyện riêng hoặc kỷ niệm nào về ông ấy mà thực sự bày tỏ mối quan hệ của ông ấy với người tin lành không?

Có lần tôi đã nói với ông ấy: “Ông có vẻ rất yêu Kinh thánh”. Và ông ấy nói: “Ông biết đấy, người quản lý tài chính của tôi (cho giáo phận Buenos Aires)… là người Tin lành mà.” Tôi hỏi: “Tại sao lại thế?” và ông ấy nói: “Chà, tôi có thể tin tưởng anh ta, và chúng tôi dành hàng giờ cùng đọc Kinh thánh, cầu nguyện và uống maté (một loài trà xanh Argentina)”. Người ta làm điều đó với bạn bè, chia sẻ và mời nhau maté, và mỗi khi ông ấy ở thị trấn, cũng khá thường xuyên đấy, sau bữa trưa ông ấy và người quản lý tài chính cùng ngồi với nhau, đọc Kinh thánh, cầu nguyện và uống maté. Đối với tôi, qua điều đó ông ấy đang nói (về mối quan hệ với người tin lành) rằng: Tin tưởng và tình bạn.

PS. Trong bài nói chuyện đầu tiên trước các Hồng y, vị Tân Giáo hoàng đã cảnh báo giáo hội nếu không tuyên xưng Chúa Giê-su thì sẽ trở thành một tổ chức cứu trợ phi chính phủ (NGO). Vị Tân Giáo hoàng nói: “Khi chúng ta đi mà không có Thánh Giá, khi chúng ta xây dựng mà không có Thánh Giá, và khi chúng ta tuyên xưng Đức Kitô mà không có Thánh Giá, chúng ta không phải là môn đệ của Chúa: Chúng ta thuộc về thế gian, chúng ta là Giám Mục, Linh Mục, Hồng Y, Giáo Hoàng, nhưng không phải là môn đệ của Chúa”.

Theo Loisusong.net

Bài vở cộng tác và góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like