Home Chuyên Đề Để Con Cái Của Chúng Ta Giữ Vững Đức Tin

Để Con Cái Của Chúng Ta Giữ Vững Đức Tin

by Loisusong.net
30 đọc

Vấn đề

Tính sơ cũng thấy trung bình con cái của chúng ta dành 30 giờ/1 tuần ở trường, tại đó các em được dạy nhiều ý tưởng ngược lại so với Kinh thánh. Rồi các em dành 30 giờ/tuần trước tivi, hoặc kết nối với bạn bè trên các trang mạng xã hội, chat-chit hoặc chơi điện tử. Trong khi thời gian hàng tuần dành cho trường Chúa nhật chỉ là khoảng 45 phút (đó là ở những hội thánh có trường Chúa nhật). Vì vậy, không có gì lạ là con cái của chúng ta nhiều khi chưa hình thành một thế giới quan Cơ đốc. Không chỉ vậy, các em lại chưa được dạy dỗ để xem xét quan điểm của những người không tin, là những người chắc chắn sẽ thách thức đức tin của các em. Phần lớn sinh viên không được chuẩn bị để bước vào giảng đường đại học, nơi mà đa số giảng viên không tin Chúa và tìm mọi cơ hội để coi nhẹ đức tin và người có đức tin.

Một nghiên cứu khác do chủng viện Fuller tiến hành cho thấy yếu tố quan trọng nhất quyết định một thanh niên sẽ bỏ hội thánh hay tiếp tục ổn định trong đức tin là có một môi trường để các em bày tỏ một cách cởi mở kể cả những nghi ngờ hoặc e ngại về Kinh thánh và niềm tin, và được giải đáp thấu đáo. Bằng cách đặt câu hỏi mở: “Vì sao bạn từ bỏ niềm tin mà mình được nuôi dạy từ bé?” nghiên cứu trên cho thấy có tới hơn 30% câu trả lời đưa ra được xếp vào nhóm có những hoài nghi về mặt lý trí.

Vì vậy, vấn đề cực kỳ quan trọng là giới trẻ có những người lớn định hướng và dẫn dắt chúng khi chúng có những nghi ngại về niềm tin. Một nơi an toàn như thế cần được tìm thấy ở gia đình (bố mẹ) và hội thánh (mục vụ thanh niên); ngoài ra, hai nơi ấy (hội thánh và gia đình) cần có sự phối hợp thật ăn ý.

Để Con Cái chúng Ta Giữ Vững Đức Tin

Vai trò của Hội thánh

Hội thánh chắc chắn cần nghiêm túc xem xét các chương trình dành cho giới trẻ. Bên cạnh giải trí lành mạnh, vui chơi, ăn uống, truyền đạt sứ mạng, mục tiêu của hội thánh… là những điều cần thiết, hội thánh cũng cần nghĩ đến việc xây dựng và củng cố niềm tin cho giới trẻ, kể cả về mặt lý trí, để giới trẻ không rơi vào tình trạng thiếu trang bị khi đối diện với thế giới, mà giữ vị trí ảnh hưởng, để là muối, là ánh sáng nữa.

Một nhà biện giáo xuất sắc đã nói rằng: Đức tin duy nhất hợp tình hợp lý là đức tin Cơ đốc. Tuy nhiên, những bài nói chuyện rất thuyết phục và tâm huyết của ông lại ít có ý nghĩa cho giới trẻ vì những người nghe ông lại đa số ở độ tuổi trung niên hoặc gần trung niên.Ở độ tuổi sớm hơn, các con em của chúng ta cần được trang bị để đưa ra lý do cho hy vọng và niềm tin của mình (1 Phi-e-rơ 3:15). Thượng đế có tồn tại thật không? Nếu có Chúa thì vì sao Ngài cho phép nhiều đau khổ trên thế giới? Kinh thánh có đáng tin không? Tuổi của vũ trụ thì sao? Thuyết tiến hóa thì thế nào? Vấn đề tình dục nữa?… Rõ ràng không phải bậc cha mẹ nào cũng có đủ khả năng (và sự cởi mở) để đưa ra câu trả lời thấu đáo cho một số câu hỏi như trên. Hội thánh cần dạy các em quan điểm Kinh thánh, dạy cả tính hợp lý, chân thật của đức tin Cơ đốc.

Vai trò của gia đình

Tuy nhiên, các bậc cha mẹ mới có vai trò không thể thay thế. Như Châm ngôn có nói: “Hãy dạy cho trẻ tho con đường nó phải theo, Dầu khi nó trở về già, cũng không hề lìa khỏi đó” (Châm ngôn 22:6). Một nghiên cứu gần đây tại Mỹ cho thấy khi cả hai cha mẹ đều trung tín và tích cực trong hội thánh, 93% con cái của họ tiếp tục trung tín. Khi chỉ có một người trung tín, tỷ lệ giảm xuống 73%, khi cả hai cùng không tích cực, tỷ lệ giảm xuống 53%, còn khi cả hai cha mẹ đều hiếm khi đến hội thánh, tỷ lệ giảm xuống còn có 6%. George Barna trong cuốn “Biến trẻ em thành những nhà vô địch thuộc linh” có nói: Đến 9 tuổi là con em chúng ta đã hình thành cơ bản nhân cách đạo đức; đa số làm quyết định phục vụ Chúa trước 13 tuổi. Rõ ràng các bậc cha mẹ phải tuôn đổ cuộc sống của mình vào những năm tháng còn trẻ của các em.

Gia đình cùng nhau đọc Kinh thánh

 

Tích cực, chủ động dạy đức tin cho con cái

“Ngươi phải hết lòng, hết ý, hết sức kính mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi. Các lời mà ta truyền cho ngươi ngày nay sẽ ở tại trong lòng ngươi, khá ân cần dạy dỗ điều đó cho con cái ngươi, và phải nói đến, hoặc khi ngươi ngồi trong nhà, hoặc khi đi ngoài đường, hoặc lúc ngươi nằm, hay khi trỗi dậy. Khá buộc nó trên tay mình như một dấu, và nó sẽ ở giữa hai con mắt ngươi như ấn chỉ, cũng phải viết các lời đó trên cột nhà, và trên cửa ngươi.” (Phục truyền 6:5-8).

Điểm bắt đầu là đức tin và thái độ của chính các bậc cha mẹ (ngươi phải…). Không thể cho con cái điều chúng ta không có, không thể đòi các con làm cái chúng ta không thực hiện. Có một người mẹ dẫn cậu con trai đến với một nhà tâm lý nọ và nhờ ông khuyên con mình thôi không ăn kẹo trước khi đi ngủ nữa. Nhà tâm lý nói với bà mẹ hãy đưa con về và trở lại sau 3 tuần. Ba tuần sau, người mẹ dẫn con đến gặp nhà tâm lý. Ông nói chuyện riêng với đứa bé 15 phút, và từ ngày hôm đó đứa bé không còn ăn kẹo trước khi đi ngủ. Người mẹ rất ngạc nhiên, đến hỏi nhà tâm lý vì sao ông phải đợi 3 tuần rồi mới nói chuyện với con mình. Nhà tâm lý trả lời: “Vì tôi cũng mất đến 3 tuần để bỏ thói quen ăn kẹo trước khi đi ngủ.”

Những câu Kinh thánh trên rõ ràng ra lệnh cho chúng ta phải có thái độ chủ động để dạy dỗ đức tin cho con cái mình. Việc dạy dỗ này cần diễn ra liên tục, hằng ngày, tận dụng mọi cơ hội. Có lần con trai của một mục sư không vâng lời bố. Ông mục sư đã yêu cầu con đứng trước mặt mình. Rồi ông giơ roi, và tự quất roi vào mông của mình. Sau đó, ông ôm con, nói rằng lỗi của con đã được tha. Đứa con trai rất ngạc nhiên, và không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Câu trả lời sau đó của vị mục sư này về cách Chúa đối xử với loài người trên thập tự giá hẳn sẽ ghi dấu ấn sâu sắc trên cậu con trai.

Bắt đầu thì giờ gia đình lễ bái

Giống như Hội thánh có thì giờ biệt riêng để cùng nhóm lại và thờ phượng Chúa hàng tuần, thì gia đình lễ bái cũng là một thực hành rất hữu ích để dạy dỗ đức tin, cũng như phát triển mối quan hệ thân mật cởi mở trong gia đình. Gia đình lễ bái là thì giờ mà cả gia đình cùng thờ phượng, đọc kinh thánh, cầu nguyện với nhau.

Tuy từng hoàn cảnh mà mỗi gia đình có thể chọn cách thức khác nhau. Có nhà chọn làm điều này hằng ngày, sau giờ ăn sáng hoặc trước khi đi ngủ. 5-10 phút mỗi ngày cùng cầu nguyện và đọc lời Chúa với nhau cũng có thể mang lại tác dụng lớn. Bên cạnh việc cùng nhau cầu nguyện mỗi ngày, có gia đình còn biệt riêng một thời gian “đặc biệt”, lâu hơn trong tuần, chẳng hạn 8h-9h tối thứ sáu, để làm gia đình lễ bái. Lưu ý thời gian không nên quá dài, làm sao cho thích hợp với lứa tuổi của các con trong gia đình, và giữ được sự thu hút của các con.

Trách nhiệm hướng dẫn gia đình lễ bái chắc chắn thuộc về người bố, là “đầu” của gia đình. (Tất nhiên, trong trường hợp người bố chưa tin Chúa thì người mẹ phải đảm nhận phần này, trong “thái độ” vâng phục chồng). Người bố cũng nên “ủy thác” các phần việc cho các thành viên trong gia đình, như để con đọc đoạn Kinh thánh, để mẹ “dẫn ca đoàn” (chọn bài hát)… Một số ông bố hay đưa ra lý do “Vợ tôi biết kinh thánh giỏi hơn tôi” để đùn đẩy trách nhiệm cho vợ. Không nên như vậy, người vợ có thể giúp chồng chọn đoạn Kinh thánh, đóng góp ý kiến, nhưng trách nhiệm “làm đầu” vẫn cần đặt trên vai người đàn ông.

Phần Kinh thánh có thể theo lịch đọc Kinh thánh, theo sách tĩnh nguyện gia đình (hy vọng sớm có văn phẩm trong tiếng Việt về chủ đề này), hoặc đoạn kinh thánh được chia sẻ  ở hội thánh. Lưu ý không nên giảng luận, mà cùng nhau chia sẻ, thậm chí nhiều khi chỉ cần đọc Kinh thánh đã là một việc rất hữu ích. Con cái càng lớn, việc dạy dỗ càng cần phải hai chiều, cho các con được bộc lộ các ý kiến của mình hơn.

Hãy chọn những bài hát mà cả nhà đều biết hoặc đều thích. Cảnh cả gia đình cùng nắm tay, nhảy múa hát tôn vinh Chúa thật là đẹp! Rồi cả nhà có thể cùng cầu nguyện theo đoạn Kinh thánh vừa đọc hoặc theo những gì có trong lòng mình. Đây cũng là dịp tiện để chia sẻ những nan đề để cùng cầu nguyện, hoặc phước hạnh để cùng cảm tạ Chúa. Một số gia đình còn có phần thi thuộc lòng Kinh thánh, hoặc chơi trò chơi cùng nhau. Hãy sáng tạo trong cách thực hiện và nhớ rằng: “Phước hạnh cho gia đình nào có Chúa Giê-su làm chủ!”

Đ.Hưng tổng hợp

Bình Luận:

You may also like