Home Tin tức Hội Thánh Hòa Mỹ – Ân Điển Được Tuôn Tràn Suốt 60 Thành Lập

Hội Thánh Hòa Mỹ – Ân Điển Được Tuôn Tràn Suốt 60 Thành Lập

by Ban Biên Tập
30 đọc

Với lòng biết ơn Chúa vì ân điển của Đức Chúa Trời luôn tuôn đổ và sự giữ gìn của Ngài trên Hội Thánh Hòa Mỹ, gần 1000 tôi con Chúa khắp nơi đã hiệp lòng dâng lên Chúa lời tạ ơn, sự vinh hiển lên cho Ba Ngôi Đức Chúa Trời.

Chương trình được bắt đầu với sự nóng cháy, tạ ơn trong những lời ngợi khen Chúa với những hình ảnh mô phỏng về các hạt giống đầu tiên được gieo trên mảnh đất Đà Nẵng nói chung và Hòa Mỹ nói riêng. Với bề dày 60 năm hình thành và phát triển, Hội Thánh Tin Lành Hòa Mỹ đã trải qua những thăng trầm, khó khăn nhưng trong suốt những điều đó ân điển của Đức Chúa Trời luôn đổ đầy trên dân sự Ngài; để cho đến ngày hôm nay với gần 1000 tín đồ cùng với những tấm lòng nóng cháy cho công việc Chúa tại địa phương cũng như một số nơi khác.



Gần 1000 tôi con Chúa đã về chung lời tạ ơn với HT Hòa Mỹ
Gần 1000 tôi con Chúa đã về chung lời tạ ơn với HT Hòa Mỹ





Ban hát Hội Thánh Hòa Mỹ tôn tinh Chúa
Ban hát Hội Thánh Hòa Mỹ tôn tinh Chúa


LƯỢC SỬ HỘI THÁNH TIN LÀNH HÒA MỸ

Trong ý định diệu kỳ của Đức Chúa Trời, Ngài đã lựa chọn Đà Nẵng, một thành phố nằm trên dải đất miền Trung khô cằn và nghèo khó, là nơi để gieo ra hạt giống Tin lành cứu rỗi đầu tiên cho người dân Việt Nam cách đây hơn 100 năm. Bởi sự thương xót và sự chăm sóc của Chúa, hạt giống Tin lành ấy đã nẩy mầm, phát triển và kết nhiều quả. Bắt đầu từ Hội thánh đầu tiên là Hội thánh Tin lành Đà Nẵng, nhiều Hội thánh của Đức Chúa Trời lần lượt được thành lập, trong đó có Hội thánh Tin lành Hòa Mỹ. Lịch sử Hội thánh Tin lành Hòa Mỹ có thể chia làm 7 giai đoạn.

  1. 1.      Giai đoạn gieo giống Tin Lành.

Hơn 80 năm về trước, bởi sự cảm động và hướng dẫn của Đức Chúa Trời, các đầy tớ Chúa tại trường Kinh thánh Đà Nẵng và Ban Chứng đạo  Hội thánh Tin lành  Đà Nẵng đã đi đến các vùng phụ cận như Hòa Mỹ, Hòa An và Đà Sơn để gieo giống Tin lành. Quả thật, “kẻ nào gieo giống mà giọt lệ, sẽ gặt hái cách vui mừng” (Thi 126:5). Công khó trong việc gieo giống của các tôi con Chúa đã đem lại những kết quả rõ ràng.

Năm 1922, ông Nguyễn Hữu Tín đã tiếp nhận Chúa Giê-xu và trở thành tín hữu đầu tiên tại vùng Hòa Mỹ cùng với vợ và năm người con. Sau đó, tại vùng Hòa An, ông Huỳnh Kim Luyện, ông Huỳnh Văn Sỹ, ông Huỳnh Cận, bà Huỳnh Thị Tý và ông Nguyễn Kim Chúc cũng đã bằng lòng tin nhận Chúa Giê-xu làm Cứu Chúa của đời sống mình.

Năm 1924, ông Huỳnh Kim Luyện được Đức Chúa Trời kêu gọi dâng mình làm người hầu việc Chúa. Trong chức vụ của mình, Mục sư đã trải qua quá trình hầu việc Chúa với nhiều Hội thánh ở khắp các miền Trung, Nam, Bắc, và cuối cùng làm Chủ Nhiệm Địa hạt Bắc Trung Phần. Sau đó, Mục sư nghỉ hưu tại quê nhà và góp phần hầu việc Chúa với Hội Thánh Hòa Mỹ.

Trong gia đình cụ Nguyễn Hữu Tín, Đức Chúa Trời đã kêu gọi hai con gái của cụ làm người hầu việc Ngài.  Con gái đầu là Nguyễn Thị Thiệt đã hầu việc Chúa cùng chồng là Truyền đạo Nguyễn Ngưu tại miền Bắc. Còn con gái thứ của cụ là Nguyễn Thị Cậy đã lập gia đình với Truyền đạo Lê Thiện Thị; sau đó hai người đã tử vì đạo của Chúa.

Tạ ơn Chúa, với đức tin, sự cầu nguyện và công khó của các tôi con Chúa, hạt giống Tin lành ngày càng được gieo ra nhiều nơi và kết quả nhiều hơn. Lúc bấy giờ, tại làng Hòa An có ông Nguyễn Ngọc Khiết, còn gọi là ông Cửu Thông rất uyên thâm chữ Nho và giỏi tiếng Pháp. Bên cạnh đó, ông Khiết còn là người chủ trì việc thờ cúng của làng Hòa An. Suốt nhiều năm, ông Khiết đã âm thầm quan sát nếp sống của mấy người theo đạo Tin Lành ở trong làng (như ông Huỳnh Cận, ông Huỳnh Kim Luyện…) nhưng vẫn chưa chịu tin Chúa.

Mùa xuân năm 1948, ông Nguyễn Ngọc Khiết có cơ hội được đọc sách đạo của người Tin Lành. Cũng trong năm này, ông đã bị lính Pháp bắt giam trong tù vì có bốn người con tham gia hoạt động Việt Minh. Trong cơn nguy khốn, ông chợt nhớ đến Đức Chúa Trời quyền năng mà ông đã được biết đến qua các sách đạo đã đọc trước đó. Lúc bấy giờ, dù chưa tin Chúa nhưng ông đã quỳ trong ngục tù cầu xin Đức Chúa Trời giải cứu. Lạ lùng thay, ngay sau đó, viên quan Pháp đã gọi ông lên và trả tự do cho ông.

Được thoát khỏi chốn ngục tù cách kỳ diệu, ông Khiết nghĩ ngay tới việc đến nhà thờ Tin lành để tin nhận Chúa. Thế là vào lúc 10 giờ sáng một ngày thứ Năm trong tháng 8 năm 1948, ông đã đến nhà ông Huỳnh Cận để nhờ ông Cận đưa mình đến nhà thờ tin nhận Chúa. Vì hôm đó là thứ Năm, nên ông Cận hẹn Chúa nhật sẽ đưa đến nhà thờ. Nhưng ông Khiết nhất định không chịu vì lo sợ lỡ có viên đạn nào đó làm ông chết trước khi tiếp nhận Chúa thì chính ông sẽ mất linh hồn. Thế là ông Cận đành phải đưa ông Khiết xuống nhà thờ Tin Lành Đà Nẵng. Mục sư Ông Văn Huyên đã cầu nguyện cho ông Khiết tiếp nhận Chúa Giê-xu ngay trong ngày hôm đó.

Việc nhà Nho Nguyễn Ngọc Khiết tin nhận Chúa đã làm chấn động cả làng Hòa An lúc bấy giờ. Bản thân ông Khiết từ khi tin nhận Chúa đã làm chứng về Chúa Giê-xu cách hết lòng và say mê. Kết quả là ông “đã lần lượt đem cả gia đình, rồi bạn hữu, tất cả mọi chức viên trong làng đến đức tin trong Đấng Christ.”[1] Đến cuối năm 1950, ông Khiết đã làm chứng và “đem 80 người cả nam lẫn nữ đến cùng Chúa.”[2]

Với lòng yêu mến và sốt sắng hầu việc Chúa, ông Khiết đã tận tâm chăm sóc và gây dựng đức tin cho nhóm người nầy. Cứ mỗi sáng Chúa nhật, ông đưa họ đến nhà thờ Đà Nẵng cách đó khoảng 5km để nhóm thờ phượng Chúa.  Nhưng vì số con cái Chúa lúc bấy giờ có nhiều người già và trẻ em, nên việc đi nhóm lại mỗi sáng Chúa Nhật tại nhà thờ Đà Nẵng gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, ông Khiết đã đề nghị với quản nhiệm Hội thánh Tin lành Đà Nẵng là Mục sư Phan Văn Hiệu lập điểm nhóm tại Hòa An. Ông cũng vui lòng dùng ngôi nhà của mình để làm nơi thờ phượng Chúa. Các con của ông cũng hết lòng yêu mến Chúa và tận tâm trong công tác phục vụ Ngài. Đặc biệt, Chúa đã kêu gọi hai con gái của ông trở thành người hầu việc Chúa cùng với chồng.  Đó là cô Nguyễn Thị Hảo – vợ Mục sư Dương Đình Nguyện – nguyên Quản nhiệm Hội thánh Tin lành Hòa Mỹ và cô Nguyễn Thị Hưng – vợ Truyền đạo Nguyễn Bích Sơn – hiện là Quản nhiệm Hội thánh Tin lành Hòa Khánh.

Không lâu sau đó, nhóm tín hữu tại Hòa An đã trở thành  một trong những chi phái của Hội thánh Đà Nẵng. Lúc bấy giờ, Mục sư Phan Văn Hiệu cùng với các sinh viên trường Kinh Thánh Đà Nẵng là Thầy Lê Hoàng Phu, Thầy Trần Thượng Hiền, Thầy Lê Văn Từ, Thầy Nguyễn Mạnh đã hết lòng thường xuyên thăm viếng, giảng dạy Lời Chúa cho các tín hữu tại Hòa An mỗi chiều thứ Năm và Chúa nhật. Nhờ đó, đức tin của con cái Chúa ngày càng vững mạnh và đời sống thuộc linh của họ ngày càng tăng trưởng.

  1. 2.      Giai đoạn hình thành chi hội tự dưỡng (1953 – 1966).

Đầu mùa xuân 1953,  theo ước nguyện của nhóm tín hữu tại Hòa An, Mục sư Phan Văn Hiệu và Ban Trị Sự Hội thánh Đà Nẵng xúc tiến thành lập chi hội tại đây. Bắt đầu từ đó, Hội Thánh Tin Lành Chi Hội Hòa Mỹ được thành lập như một hội thánh tự dưỡng với Ban Trị sự lâm thời gồm:

            Thư ký: Ông Nguyễn Ngọc Khiết

            Thủ quỹ: Ông Nguyễn Cặp Đệ

            Nghị viên: Ông Nguyễn Đình Hòe

Nghị viên: Ông Nguyễn Hữu Tứ

            Nghị viên: Ông Đào Ngọc Khánh

            Nghị viên: Ông Huỳnh Cận

Sau đó, Hội thánh đã tiến hành mua đất xây dựng nhà thờ. Đến đầu năm 1954, cậy ơn Chúa, các con cái Chúa kẻ góp của, người góp công tiến hành xây dựng nhà thờ trên lô đất mà Hội thánh đã mua của ông Nguyễn Hữu Kiệt thuộc thôn Hòa Mỹ, bên cạnh quốc lộ 1A. Ngôi nhà thờ nhỏ bé đơn sơ được xây cất bằng gạch và mái ngói với tổng kinh phí 118,950 đồng (một trăm mười tám nghìn chín trăm năm mươi đồng) đã trở thành nơi nhóm lại thờ phượng Chúa. Sau khi nhà thờ được hoàn tất, dưới quyền kiêm nhiệm của Mục sư Phan Văn Hiệu, Lễ Cung hiến đền thờ Hòa Mỹ đã được tổ chức long trọng và phước hạnh vào ngày 27 tháng 12 năm 1955.

Cảm ơn Chúa, đến tháng 7 năm 1956, Truyền đạo Lê Văn Từ được Địa hạt bổ làm Quản nhiệm chính thức của Hội thánh Hòa Mỹ. Sau đó, Hội thánh đã bầu cử một Ban Trị sự mới gồm: ông Nguyễn Đình Hòe (Thư ký), ông Đào Ngọc Khánh (Tư hóa), và các nghị viên là ông Nguyễn Ngọc Khiết, ông Nguyễn Hữu Tứ, ông Huỳnh Cận.

Trong quá trình hầu việc Chúa, thầy cô Truyền đạo Lê Văn Từ đã chuyên tâm giảng dạy và gây dựng Hội thánh. Thầy cô cùng với Ban Trị sự đã xây dựng được một tư thất bằng tôn trị giá 12.000 đồng (mười hai nghìn đồng). Sau khi kết thúc nhiệm kỳ 2 năm (1956 – 1958), Thầy cô Truyền đạo Lê Văn Từ trở về Trường Kinh Thánh Đà Nẵng để tiếp tục học khóa tốt nghiệp. Thế là Hội thánh thiếu vắng Quản nhiệm trong vòng 4 tháng.

Đến tháng 9 năm 1958, Truyền đạo Dương Thạnh được Địa hạt bổ làm Quản nhiệm Hội thánh Hòa Mỹ cho đến tháng 7 năm 1961. Trong suốt thời gian hầu việc Chúa với Hội thánh, Thầy cô đã dành nhiều thời giờ cầu nguyện, thăm viếng, giảng dạy, đi ra làm chứng đem nhiều người trở lại tin nhận Chúa và mở được hai Hội nhánh tại Nam Ô và Cẩm Nê. Bên cạnh đó, Thầy cô đã cùng với Ban Trị sự xây cất lại tư thất bằng gạch mái ngói khang trang với tổng kinh phí là 40.000 đồng (bốn mươi nghìn đồng).

Từ tháng 7 năm 1961 đến tháng 7 năm 1964, Truyền đạo Lê Đình Ân được Địa hạt bổ đến hầu việc Chúa thay cho Truyền đạo Dương Thạnh đã chuyển đến Hội thánh Quy Nhơn. Trong thời gian 3 năm Thầy cô hầu việc Chúa với Hội thánh, công việc Chúa đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp. Sau đó, Thầy cô trở về Thánh Kinh Thần Học Viện Nha Trang để tiếp tục học khóa tốt nghiệp.

Tháng 7 năm 1964, địa hạt đã bổ Mục sư Nguyễn Văn Phú từ Hội thánh Huế vào làm Quản nhiệm Hội thánh Tin lành Hòa Mỹ. Bấy giờ, con cái Chúa được phấn hưng, lòng yêu mến Chúa nhiệt thành và tinh thần hầu việc Chúa mạnh mẽ. Trong thời gian này, Hội thánh đã xây dựng một phòng học cho thiếu nhi, đóng thêm bàn ghế, xây lại tường rào, cổng ngõ trị giá trên 50.000 đồng (năm mươi nghìn đồng).

  1. 3.      Giai đoạn phát triển (1966 -1974).

Đến hè năm 1966, Hội thánh Tin lành Hòa Mỹ bước sang một trang sử mới trong sự trưởng thành khi được Ban Trị sự Địa hạt và Tổng Liên hội Hội Thánh Tin lành Việt Nam công nhận là Hội thánh tự trị. Đó là lần đầu tiên Hội thánh tổ chức Hội đồng Thường niên của chi hội để mời Mục sư Nguyễn Văn Phú làm Quản nhiệm.

Trong nhiệm kỳ này, ông bà Mục sư đã để nhiều thì giờ cầu nguyện và mở các lớp học Trường Chúa nhật, đồng thời xây dựng một trường tiểu học. Giữa lúc công việc Chúa đang tiến hành thì Mục sư Nguyễn Văn Phú đã về Nước Chúa sau một tai nạn giao thông, để lại cho Hội thánh nhiều nỗi tiếc thương.

Sau đó, Địa hạt đã cử Truyền đạo Lê Cao Quý – Quản nhiệm Hội thánh Tin lành Tân An – đến kiêm nhiệm kể từ tháng 9 năm 1967 đến hết năm 1968. Dù chỉ hầu việc Chúa với Hội thánh trong thời gian ngắn ngủi, Thầy cô đã gây dựng Hội thánh phát triển và tiếp tục công việc xây dựng cơ sở nhà Chúa còn đang dở dang.

Hội đồng Thường niên năm 1968, Hội thánh đã mời Mục sư Lê Châu đến làm Quản nhiệm. Trong chức vụ của mình, ông bà Mục sư Lê Châu được con cái Chúa kính trọng và yêu mến. Điều đó được thể hiện rõ khi Hội thánh Hòa Mỹ đã lưu mời ông bà hầu việc Chúa hơn 3 nhiệm kỳ. Trong quá trình hầu việc Chúa, ông bà đã để lại cho Hội thánh nhiều kỷ niệm khó quên. Mục sư đã cùng với Ban Trị sự tái thiết nhà thờ, xây lại mặt tiền, nới rộng hai bên hông nhà thờ, đúc lầu chuông, và xây trường học. Công việc này được hoàn tất vào cuối năm 1969 với tổng kinh phí là 540.000 đồng (năm trăm bốn mươi nghìn đồng). Vào Chúa nhật ngày 21 tháng 12 năm 1969, Hội thánh đã tổ chức Lễ Cảm tạ về những việc Chúa đã làm trên Hội thánh. Đến năm 1974, Mục sư Lê Châu được Hội thánh Huế mời làm Quản nhiệm.

  1. 4.      Giai đoạn khó khăn (1974- 1991)

Hội đồng Thường niên năm 1974, Hội thánh đã mời Mục sư Bùi Tấn Lộc làm Quản nhiệm. Đây là thời kỳ Hội thánh gặp khó khăn nhiều nhất vì chiến tranh ác liệt. Thêm vào đó, sau năm 1975, con cái Chúa phải trở về quê sinh sống và nhiều người đã lui đi trong đức tin của mình. Nhờ ơn Chúa, Mục sư Bùi Tấn Lộc đã hết lòng cầu nguyện, thăm viếng và chuyên tâm giảng dạy Lời Chúa. Nhiều tín hữu trong Hội thánh ngày hôm nay vẫn còn nhớ rõ hình ảnh Mục sư lặn lội đạp xe đi hết nhà này đến nhà khác để thăm viếng và khích lệ đời sống đức tin của các tín hữu trong Hội thánh, đồng thời chứng đạo cho những người chưa tin Chúa. Lúc bấy giờ, tủ sách bồi linh của gia đình Mục sư cũng trở thành một công cụ hữu ích để gây dựng đời sống tâm linh của nhiều con cái Chúa trong Hội thánh. Dần dần, Chúa đã đem con cái Chúa trở lại sinh hoạt thờ phượng Chúa. Dù việc truyền giảng Tin lành không được thuận lợi, Mục sư vẫn quyết tâm tổ chức những đêm truyền giảng Tin lành. Điều đó không chỉ giúp cho những người chưa tin Chúa có cơ hội được biết đến Tin lành, mà còn khích lệ tinh thần truyền giảng của con cái Chúa trong Hội thánh. Con cái Chúa cũng không thể quên việc Mục sư đã bỏ công sức vun trồng nhiều cây thuốc quý trong khu vườn nhà thờ để giúp chữa bệnh cho các tín hữu trong Hội thánh khi đau ốm.

Vào một buổi sáng Chúa nhật năm 1988, khi đang giảng Lời Chúa trong giờ thờ phượng thì Mục sư Bùi Tấn Lộc đã bị đột quỵ ngay trên bục giảng. Trong ý muốn tốt lành của Đức Chúa Trời, Ngài đã đem Mục sư về trong Nước của Chúa vào ngày 26 tháng 3 năm 1991. Tang lễ của cụ đã được tổ chức long trọng tại thánh đường Tin lành Hòa Mỹ với sự tham dự của rất nhiều tôi con Chúa trong và ngoài Hội thánh.

  1. 5.      Giai đoạn phục hồi (1991 – 2003)

Sau khi Mục sư Bùi Tấn Lộc về nước Chúa, Đức Chúa Trời đã dự bị Mục sư Dương Đình Nguyện làm Quản nhiệm Hội thánh. Thực ra, trước khi chính thức trở thành Quản nhiệm Hội thánh Hòa Mỹ kể từ ngày 21 tháng 11 năm 1989, Mục sư Dương Đình Nguyện đã góp phần hầu việc Chúa với Mục sư Bùi Tấn Lộc trong vai trò Phụ tá Quản nhiệm kể từ năm 1987. Với lòng yêu mến Chúa và Hội thánh, ông bà đã đem hết sức lực để hầu việc Chúa với Hội thánh. Tuy chỉ Quản nhiệm trong thời gian ngắn, Mục sư đã đem đến cho Hội thánh nhiều thay đổi rất tích cực. Nhiều sinh hoạt thuộc linh trong Hội thánh bắt đầu được hình thành như việc tổ chức cầu nguyện mỗi buổi sáng tại nhà thờ, tổ chức các ban ngành, các chi phái, các lớp Thánh kinh mùa hè, đi thăm viếng hằng tuần. Có thể nói rằng, việc Hội thánh Hòa Mỹ có đầy đủ các hoạt động thuộc linh như ngày hôm nay phần lớn là nhờ vào công lao của Mục sư Dương Đình Nguyện. Bên cạnh đó, Mục sư cũng đẩy mạnh công tác truyền giảng Tin lành đến các vùng phụ cận như Hòa Liên, Hòa Sơn, và Lệ Trạch. Một điều khá đặc biệt trong nhiệm kỳ của Mục sư Dương Đình Nguyện là những bài giảng dạy của ông. Cảm tạ Chúa đã ban ơn cho Mục sư giảng ra những bài giảng để hàn gắn những đổ vỡ, giải quyết những xung đột và chữa lành những tổn thương trong các mối quan hệ giữa các con cái Chúa trong Hội thánh. Nhờ đó, Hội thánh ngày càng thêm hiệp một và yêu mến nhau. Các con của ông bà cũng đã hết lòng hầu việc Chúa cùng với Hội thánh. Vì thế, Hội thánh đã vượt qua những khó khăn của giai đoạn trước và tăng trưởng mạnh mẽ hơn.

Ngày 1 tháng 10 năm 1991, Mục sư Dương Đình Nguyện rời Việt Nam đến định cư tại Hoa Kỳ. Sự ra đi của Mục sư Dương Đình Nguyện để lại nhiều trống vắng và nhớ thương. Trong hoàn cảnh ấy, Địa hạt đã cử Mục sư Nguyễn Hữu Dục – Quản nhiệm Hội thánh Tin lành Trung Lập – đến kiêm nhiệm và Truyền đạo sinh Nguyễn Xuân Sanh làm phụ tá. Sau 3 tháng, Địa hạt đã bổ Truyền đạo sinh Nguyễn Xuân Sanh làm quản nhiệm Hội thánh. Trong thời gian hầu việc Chúa tại Hội thánh Hòa Mỹ, ông đã được phong chức Mục sư.

Tại Hội thánh Hòa Mỹ, Mục sư Nguyễn Xuân Sanh đã dành nhiều thời gian thăm viếng và chăm sóc tín hữu. Điều đó không chỉ góp phần gây dựng đức tin và khích lệ con cái Chúa tích cực hầu việc Chúa mà còn giúp cho mối quan hệ giữa Quản nhiệm và tín hữu trong Hội thánh ngày càng thêm gần gũi và gắn bó. Bên cạnh đó, Mục sư đã quan tâm đến chương trình bồi linh của Hội thánh vào mỗi tối thứ Sáu hằng tuần bằng cách thường xuyên mời các đầy tớ Chúa giảng bồi linh cho Hội thánh. Số lượng tín hữu tham dự chương trình bồi linh trong giai đoạn này tăng lên đáng kể.

Một đặc điểm đáng chú ý khác trong giai đoạn này là trong Hội thánh đã xuất hiện ngày càng nhiều những sinh viên Cơ đốc từ các nơi khác về Đà Nẵng học tập. Họ đã gắn bó với Hội thánh và trở thành một trong những nguồn lực quan trọng để phát triển Hội thánh, nhất là trong lĩnh vực truyền giáo.

Ngoài ra, việc mở rộng quốc lộ 1A nhiều lần đã khiến cho khuôn viên nhà thờ bị cắt đi 1/3 diện tích. Vì thế, diện tích nhà thờ bị thu hẹp lại trong khi số tín hữu trong Hội thánh thì ngày càng gia tăng. Trước tình hình đó, Hội thánh phải nới rộng hai bên hiên nhà thờ để có đủ chỗ cho con cái Chúa thờ phượng Ngài.

Trong lúc Hội thánh gặp nhiều khó khăn về tài chính, Đức Chúa Trời đã cảm động ông bà Eric và một số tín hữu cho Hội thánh mượn một số tiền để mua thêm phần đất phía sau nhà thờ với diện tích gần 1000 m2. Sau đó, Hội thánh đã làm đơn xin xây dựng nhà thờ. Con cái Chúa hết lòng cầu nguyện và dâng hiến cho việc xây dựng nhà thờ bằng nhiều cách khác nhau, đặc biệt là dâng hiến bằng cách bỏ bùng binh tiết kiệm. Cứ mỗi ba tháng, số tiền dâng bùng binh được tổng kết một lần để dâng vào quỹ xây dựng nhà thờ. Tổng số tiền tiết kiệm bằng bùng binh là hơn bảy trăm triệu đồng.

  1. 6.      Giai đoạn xây dựng đền thờ mới (2003 – 2007).

Đến tháng 3 năm 2003, Mục sư Nguyễn Xuân Sanh được bổ đến Quản nhiệm Hội thánh Tin lành Đà Nẵng theo quyết định của Tổng Liên hội Hội thánh Tin lành Việt Nam (Miền Nam). Bấy giờ, Ban Chấp sự Hội thánh đã cử ông Thư ký Nguyễn Đình Lập làm Xử lý thường vụ để cùng với Ban Trị sự điều hành công việc Hội thánh cho đến khi có Quản nhiệm mới.

Tạ ơn Chúa vì Ngài đã ở cùng và hướng dẫn Hội thánh đi trong ý muốn tốt lành của Ngài trong suốt thời gian Hội thánh không có Quản nhiệm. Ban Trị sự Hội thánh cùng với ông Thư ký Xử lý thường vụ đã hết lòng vừa chăm lo đời sống thuộc linh của các con cái Chúa bằng cách thăm viếng, chăm sóc và mỗi tuần mời các Mục sư, Truyền đạo trong thành phố đến giảng dạy vừa lo thủ tục xin giấy phép để xây dựng nhà thờ và nhà Cơ đốc giáo dục. Chúa đã nhậm lời cầu nguyện của con dân Chúa khi Ngài cảm động một ân nhân từ Quỹ Phúc lợi Xã hội Tin Lành Hàn Quốc là bà Chấp sự Kim Hye Ja dâng hiến 65,000 USD (sáu mươi lăm nghìn đô-la Mỹ) để góp phần xây dựng nhà thờ.

Vào ngày 28/6/2003, lễ khởi công xây dựng nhà thờ Hòa Mỹ với chiều rộng 19m, dài 27.5m, cao 20m, tháp chuông cao 30m với tổng kinh phí 1.700.000.000 vnđ (một tỷ bảy trăm triệu đồng) đã được tổ chức cách long trọng dưới sự Chủ lễ của Mục sư Lê Cao Quý, Phó Tổng Thủ quỹ Tổng Liên hội và đông đủ tôi con Chúa tham dự. Sau hơn một năm thi công, công trình nhà thờ được hoàn thành. Hội thánh đã tổ chức lễ khánh thành và cung hiến đền thờ vào ngày 23/4/2005 dưới quyền chủ lễ của Mục sư Thái Phước Trường, Hội trưởng Hội thánh Tin lành Việt Nam (Miền Nam). Kể từ đó, Hội thánh có nơi nhóm lại khang trang và phước hạnh như ngày hôm nay.

Đến ngày 20/4/2006, Hội thánh lại tiếp tục khởi công xây dựng khu Cơ đốc Giáo dục và Tư thất Mục sư. Một tòa nhà ba tầng xây bằng gạch sàn đúc bê tông mái lợp tôn với tổng kinh phí trên 800.000.0000 vnđ (tám trăm triệu đồng) đã được xây dựng để có đầy đủ phòng sinh hoạt cho các ban ngành trong Hội thánh và Tư thất cho quản nhiệm.

Quả thật, trong lịch sử 60 năm hình thành và phát triển thì đây là giai đoạn đặc biệt nhất của Hội thánh Hòa Mỹ. Đó là 5 năm mà Hội thánh kinh nghiệm một cách sống động về ân điển, sự tể trị và sự thành tín của Đức Chúa Trời ở trên Hội thánh của Ngài.

  1. 7.      Giai đoạn tăng trưởng (2007 – hiện nay)

Sau khi hoàn thành công việc xây dựng cơ sở nhà Chúa, Hội thánh ước ao sớm có một Quản nhiệm để điều hành công việc Chúa. Vì vậy, Hội thánh đã tổ chức Hội đồng mời Quản nhiệm vào ngày 14 tháng 01 năm 2007. Ban Trị sự Tổng Liên hội đã bổ Mục sư Mã Phúc Hiệp làm Quản nhiệm Hội thánh. Lễ Bổ Nhiệm đã được tổ chức long trọng dưới sự Chủ lễ của Mục sư Nguyễn Xuân Sanh, Ủy viên Mục vụ, trong sự vui mừng của con cái Chúa sau 5 năm khuyết quản nhiệm.

Gần 2 nhiệm kỳ qua (từ năm 2007 cho đến nay), Mục sư Mã Phúc Hiệp và bà đã hết lòng hầu việc Chúa, chuyên tâm cầu nguyện, thăm viếng và củng cố lại các ban ngành. Đặc biệt, ơn giảng dạy mà Chúa ban cho Mục sư đã giúp Hội thánh ngày càng thêm sâu nhiệm và yêu mến Lời Chúa. Trong giai đoạn này, Hội thánh đặc biệt quan tâm và phát triển công tác truyền giáo; đặc biệt là tập trung vào ba nhóm thân hữu tiềm năng ở tại địa phương là giới tiểu thương, giáo viên, và sinh viên. Hội thánh đã xác định rõ công tác truyền giáo là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu và là trách nhiệm chung của mọi tín hữu. Cho nên, Hội thánh đã khích lệ và tạo mọi điều kiện để tất cả các ban ngành, các độ tuổi trong Hội thánh đều có cơ hội tổ chức những chương trình truyền giảng phù hợp với những thành phần thân hữu khác nhau.

Ngày 1 tháng 1 năm 2009, Hội thánh Hòa Mỹ đã mở được một điểm nhóm tại Hòa Khánh với số tín hữu là 160 người. Sau đó, vào ngày 17 tháng 4 năm 2010, điểm nhóm đã phát triển thành Hội nhánh Hòa Khánh với số tín hữu trên 200 người. Đến ngày 27 tháng 1 năm 2011, Hội nhánh Hòa Khánh đã được Ban Trị sự Tổng Liên hội công nhận Chi hội và bổ nhiệm Truyền đạo Nguyễn Bích Sơn làm Quản nhiệm Hội thánh. 

Một điểm đáng chú ý trong giai đoạn này là việc Hội thánh quan tâm đến việc bày tỏ tình yêu của Chúa qua các công tác xã hội tại địa phương bằng những việc làm cụ thể và thiết thực. Với sự hổ trợ của một số con cái Chúa tại thành phố Hồ Chí Minh, Hội thánh đã có cơ hội thực hiện chương trình “Nồi cháo tình thương” cho các bệnh nhân ở tại Bệnh viện Tâm thần Hòa Khánh và Trung tâm điều dưỡng người tâm thần thành phố Đà Nẵng mỗi tháng hai lần. Ngoài ra, Hội thánh cũng có một phòng đọc sách Tin lành để phục vụ công tác truyền giáo và gây dựng đời sống tâm linh của con cái Chúa trong Hội thánh.

Bên cạnh đó, bởi sự thăm viếng của Chúa, tinh thần dâng hiến và sẻ chia của Hội thánh trong giai đoạn này được nâng cao rõ rệt. Tôi con Chúa không chỉ dâng hiến rời rộng cho công việc Chúa tại Hòa Mỹ mà còn hết lòng hỗ trợ những Hội thánh khác và góp phần với Tổng liên hội trong việc xây dựng Viện Thần học.

Song song với công tác truyền giảng, công tác dạy đạo và chăm sóc tân tín hữu cũng được đẩy mạnh. Các lớp dạy đạo cho tân tín hữu được các nhân sự tổ chức thường xuyên. Việc thăm viếng và chăm sóc những người mới tin Chúa cũng được thực hiện đều đặn. Nhờ đó, số lượng những người tin Chúa và đứng vững ở trong Chúa được tăng lên đáng kể. Ngoài ra, tín hữu trong Hội thánh cũng tham gia vào công việc Chúa nhiều hơn khi họ được trao nhiều cơ hội để phục vụ Chúa.

Với nỗ lực của cả Hội thánh, hằng năm có trên 100 người trở lại tin nhận Chúa và có trên 60 người chịu lễ báp-têm. Hội thánh ngày càng tăng trưởng. Tất cả các ban ngành đều tổ chức sinh hoạt thuộc linh đều đặn và mạnh mẽ. Tính đến nay, Hội thánh đã có 260 hộ gia đình với gần 1000 tín hữu được chia làm 8 chi phái.

Quả thật, “CHỈ BỞI ÂN ĐIỂN” của Đức Chúa Trời mà Hội thánh Tin lành Hòa Mỹ mới có thể được hình thành, phát triển và vững mạnh sau 60 năm với nhiều thăng trầm của lịch sử. Vì thế, nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Hội thánh Chúa tại Hòa Mỹ, khi đọc những dòng lược sử này, chúng ta không thể nào nín lặng trước những ơn lành mà Đức Chúa Trời đã dành cho Hội thánh Hòa Mỹ. Bên cạnh đó, chúng ta cũng không thể nào quên sự hy sinh và công khó của các đầy tớ Chúa, các bậc tiền nhân trong Hội thánh đối với công việc Chúa để Hội thánh Hòa Mỹ có được vóc dáng như ngày hôm nay. Với lòng tin quyết Hội thánh Hòa Mỹ là Hội thánh của Đức Chúa Trời, được chính Ngài thành lập và “các cửa âm phủ không thể thắng được hội đó” (Ma-thi-ơ 16:18), mỗi tôi con Chúa hãy tiếp tục gìn giữ sự yêu thương, hiệp một trong Đức Thánh Linh và hết lòng góp phần vào công tác gây dựng và phát triển hội thánh với quyết tâm: Thực Thi Đại Mạng Lệnh của Chúa. Đó là hành động thiết thực và ý nghĩa nhất của lòng biết ơn Chúa và ghi nhớ công khó của các bậc tiền nhân.


Phạm Cường

Bài vở cộng tác và góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like