Home Tin tức Lễ Cảm Tạ Và Kỷ Niệm 80 Năm Thành Lập HT Thọ An – Hà Nội

Lễ Cảm Tạ Và Kỷ Niệm 80 Năm Thành Lập HT Thọ An – Hà Nội

by Ban Biên Tập
30 đọc

Trong chương trình buổi sáng, Mục sư Hội Trưởng Nguyễn Hữu Mạc rao giảng lời Chúa trong II Cô-rinh-tô 9:11-15 – Với đề tài: “Tạ ơn Đức Chúa Trời” để thúc giục và khích lệ mỗi tôi con Chúa hết lòng cảm tạ Chúa về những ơn lành Chúa ban cho Hội Thánh và chính mình. Bày tỏ lòng biết ơn Chúa không chỉ lời nói mà còn cả đời sống và việc làm của mình.

Buổi chiều, Hội Thánh được tiếp tục thờ phượng Chúa và lắng nghe sứ điệp Bồi Linh của tôi tớ Chúa – Mục sư Bùi Văn Sản. Với đề tài: “Phục vụ Chúa” nương trên lời Chúa trong I Cô-rinh-tô 15:58 và Giăng 12:26. Mỗi con dân Chúa thấy được trách nhiệm cần phải phục vụ Chúa và tinh thần ấy cần được thể hiện cách mạnh mẽ trong những ngày tiếp tới.

Trong ngày Lễ Cảm Tạ, những người tham dự không khỏi xúc động khi nhìn lại hình ảnh của Hội Thánh, của những tôi tớ Chúa, những người hết lòng hầu việc Ngài tại Thọ An qua những giai đoạn thăng trầm của lịch sử. Hầu hết quí đầy tớ Chúa đã về nghỉ yên trong nước Chúa như: Cố Mục sư Nguyễn Đích (quản nhiệm Hội Thánh từ năm 1932-1937); Cố Mục sư Bùi Hoành Thử ( Quản nhiệm Hội Thánh từ năm 1942-1945; 1954-1958); Cố Mục sư Vũ Đan Chính (quản nhiệm Hội Thánh từ năm 1954-1958), Cố Mục sư Lư Văn Nên (quản nhiệm Hội Thánh từ năm 1961-1977), Cố Mục sư Hoàng Kim Phúc (quản nhiệm Hội Thánh từ năm 1980 – 1988).

Sự cảm động càng sâu sắc hơn khi những hình ảnh của ngôi đền thờ mục nát và trống rỗng trong thập niên những năm 60 và 70 hiện ra. Và rồi tiếng Trống của đền thờ vẫn vang lên từ cánh tay của cụ bà Lê Thị Ơn để thúc giục tín hữu đến nhóm lại thờ phượng Chúa dù có lúc chỉ còn lại một số cụ bà. Thế nhưng Hội Thánh của Đức Chúa Trời vẫn được Ngài thương xót gìn giữ và ban phước cho. Để rồi niềm vui và hạnh phúc bừng lên với những ơn ban của Chúa cho Hội Thánh ngày hôm nay: Đền thờ đã được khang trang và đầy đủ trang thiết bị cần thiết, không kể người già và em nhỏ thì riêng số những người trung tráng niên và những thanh thiếu niên trẻ trong Hội Thánh giờ đây cũng lên tới gần 100 người với tấm lòng hăng hái phục vụ Đức Chúa Trời.

Trước đó, tối ngày 23/07 với sự cộng tác của Trường Kinh Thánh TBC – Hội Thánh đã tổ chức đêm Thánh Nhạc – Truyền Giảng cho người dân địa phương. Không có điều kiện để tổ chức Truyền giảng ngoài trời nên Hội Thánh tổ chức tại khuôn viên nhà thờ.  Có khoảng hơn 300 người tham dự và có hơn 20 thân hữu đã tiếp nhận Chúa.

Tạ ơn Chúa, ngày Lễ Tạ ơn của Hội Thánh Thọ An diễn ra thật phước hạnh, tôi tớ Chúa và những anh em tín hữu khắp nơi chia tay trong quyến luyến và cầu chúc ân điển và bình an cho hết thảy mọi người.


Không khí thờ phượng Chúa trong đêm Truyền giảng


Phía bên ngoài nhà thờ
 
Bên trong nhà thờ
 
Nhóm kịch do các bạn trẻ Hàn Quốc thể hiện
 
Các thân hữu cầu nguyện tin nhận Chúa
 

Các vật dụng Hội Thánh đã từng sử dụng qua các thời kỳ
  


Quang cảnh buổi Lễ Cảm Tạ và Kỷ Niệm 80 năm thành lập Hội Thánh Thọ An
 
Thanh Thiếu Niên HT Thọ An tôn vinh Chúa
 
 
MS Nguyễn Hữu Mạc giảng Lời Chúa
 
Đại diện các ban nghành trao tặng lẵng hoa
 

 

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN HTTL THỌ AN (HÀ NỘI)

Hai xã Thọ An và Thọ Xuân trong thời kỳ phong kiến gọi là Tổng Thọ Lão, thuộc phủ Hà Đông. Cho nên tiền thân của HTTL Thọ An được gọi là HTTL Thọ Lão. Sau hòa bình lập lại năm 1954, để phù hợp với sự phát triển Kinh tế Xã hội, Tổng Thọ Lão được tách ra thành hai xã Thọ An và Thọ Xuân ngày nay. Như vậy HTTL Thọ Lão cũng được gọi theo một tên mới cho phù hợp là HTTL Thọ An – Thọ Xuân. Và giờ được gọi ngắn gọn theo địa dư hành chính nơi có trụ sở của Hội thánh đó là HTTL Thọ An.

I) Quá trình hình thành HTTL Thọ An ( Thọ Lão trước đây) từ 1932-1935:

Trong thời kỳ phong kiến tại vùng Tổng Thọ Lão, Phật giáo và tín ngưỡng bản địa đã hiện  diện và phát triển ngay từ khi có dân cư sinh sống. Vào khoảng cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18, đến năm 1928 Thiên Chúa Giáo mới xuất hiện và phát triển. Song những người có chức quyền của chế độ phong kiến ở Tổng Thọ Lão đã kích động, gây nên sự bất hòa giữa người theo Phật giáo, theo tín ngưỡng bản địa với Thiên Chúa Giáo (thường gọi là mâu thuẫn Lương – Giáo). Năm 1930 mâu thuẫn Lương – Giáo trở nên sâu sắc, khiến cho người dâ Thọ Lão đã khó khăn lại càng gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Trước tình hình đó, một số người có học thức trong làng, có quan hệ và hiểu biết rộng, cùng với xóm làng muốn tìm một tổ chức tôn giáo khác có tình yêu thương, phù hợp với ý nguyện của nhân dân. 

Lúc này trong làng có cụ Giáo tính là người có học thức, quan hệ và hiểu biết sâu rộng, Cụ được nghe về tổ chức Tin lành ở phố Hàng Da – Hà Nội có thể đáp ứng được nguyện vọng của dân làng Tổng Thọ Lão. Cụ Tính và một số người dân trong làng được cử đi đến phố Hàng Da – Hà Nội để trình bày với tổ chức Tin lành ở đây, mong có một người về Thọ Lão đẻ truyền đạo và gây dựng Hội thánh. Tổ chức ở đây nhận lời.

Đầu năm 1932, cụ Mục sư Nguyễn Văn Đích đã được Tổ chức Tin lành ở Hàng Da cử về Tổng Thọ Lão để giảng Tin Lành, lấy nhà cụ Dinh ở trại Tam Đạc của Tổng Thọ Lão, có nhà rộng để làm nơi Thờ phượng, giảng Tin lành. Mới đầu chỉ có khoảng 20-30 người với khoảng 20 gia đình. Bằng lời truyền giảng Tin Lành rất cụ thể và sâu sắc, cùng với nếp sống giản dị, yêu người, cụ lại là thầy thuốc giỏi đi chữa bệnh cho nhân dân không lấy tiền. Với nếp sống đó đã cảm động nhiều người dân Tổng Thọ Lão đến với Chúa. Tín đồ ngày một đông, nhu cầu có Nhà thờ để thờ phượng ngày càng lớn. Mục sư Nguyễn Văn Đích đã mời đại biểu của các gia đình đến bàn việc xây dựng nhà thờ, mọi người đều đồng tâm nhất trí, nhà giàu góp nhiều, nhà nghèo góp ít, không có của thì góp công. Từ năm 1933 đến giữa năm 1934, tài chính và nguyên vật liệu để xây dựng đền thờ đã được chuẩn bị đầy đủ.

Tháng 8/1934, Đền thờ được khởi công xây dựng. Cụ mục sư Đích ngoài việc truyền giảng lời Chúa, cụ lại vừa là người thiết kế, tổ chức thi công xây dựng đền thờ, công trường thi công rất sôi động, có ngày lên tới hàng trăm người lao động. Bằng quyền năng của Đức Chúa Trời, với sự khôn ngoan trong việc chỉ đạo của mục sư Đích cùng sự đồng tâm hiệp lực của Hội thánh. Sau sáu tháng liên tục thi công, đến đầu năm 1935 đền thờ được khánh thành với tường xây, mái ngói, diện tích sử dụng hơn 80 mét vuông, nằm trên mảnh đất của trại tam đạc thuộc Tổng Thọ Lão, nay thuộc địa bàn cụm dân cư số 6 – Xã Thọ An (như hiện tại về vị trí và cấu trúc).

Như vậy HTTL Thọ An được hình thành sơ khai từ đầu năm 1932, chỉ ba năm sau đầu năm 1935 Hội thánh phát triển toàn diện, có Mục sư, đền thờ và có gần 100 người tới thờ phượng Chúa, với trên 100 gia đình ghi tên theo Chúa. Mặc dù đời sống người tín hữu còn rất nhiều khó khăn, nghèo túng, nhưng bằng đức tin và ơn phước của Đức Chúa Trời cho nên tín đồ Tin lành của Tổng Thọ Lão đã xây được Đền thờ khang trang, mà nhiều người ngày nay vẫn coi đó là một việc kỳ diệu, lạ lùng.

II) Quá trình phát triển Hội thánh

1. Thời kỳ Hội thánh gặp khó khăn (1935 – 1960).

 Sau khi Đền thờ xây dựng xong, Hội thánh có sự phát triển mạnh mẽ, từ 20 – 30 tín hữu với khoảng 20 gia đình tin Chúa. Tới năm 1935, số lượng đã gần 100 người tới thờ phượng và trên 100 gia đình tin Chúa trong tổng số trên 400 gia đình của Tổng Thọ Lão ( chiếm 1/4 số gia đình). Nhưng Đức Chúa Trời lại có chương trình khác cho Hội thánh.

– Năm 1937, do yêu cầu của Tổng hội Tin lành Đông Pháp, cụ Mục sư Đích về Thanh Hóa hầu việc Chúa. Hai cụ Mục sư Đỗ Phương và cụ Mục sư Hạnh về hầu việc Chúa tại Hội thánh Thọ Lão.

– Đầu năm 1942, Tổng hội cử Mục sư Bùi Hoành Thử về tiếp tục chăm lo Hội thánh, tiếp tục gây dựng và phát triển Hội thánh.

– Năm 1946, Thực Dân Pháp quay lại chiếm Việt Nam, Mục sư Thử cùng gia đình tản cư theo kháng chiến, các tín hữu có đủ điều kiện về sức khỏe thì cầm súng bảo vệ Tổ quốc. Lúc này Hội thánh gặp khó khăn, Hội thánh không có quản nhiệm, một số tín hữu trung tín thay nhau duy trì giờ thờ phượng Chúa vào sáng Chúa nhật. Do điều kiện lúc bấy giờ vào thời chiến, các tín hữu hàng ngày phải đi làm ăn nuôi sống gia đình. Để tạo điều kiện cho tín hữu có thời gian đi nhóm tại Nhà thờ, Hội thánh đã chuyển giờ thờ phượng Chúa vào buổi trưa mỗi Chúa nhật hàng tuần.

– Từ năm 1950 đến năm 1954, cụ Mục sư Vũ Đan Chính được cử về chăm sóc Hội thánh. Nhưng do điều kiện chiến tranh, cụ Chính phải ở tại thị trấn Phùng (nay là huyện lỵ – huyện Đan Phượng), cách nhà thờ 6km, hàng tuần các tín hữu phải đi bộ sang Phùng để thờ phượng Chúa. Từ đây số lượng tín hữu giảm sút.

– Năm 1954 đất nước hòa bình, cụ Mục sư Thử lại được cử về Hội thánh Thọ An, đến năm 1958 cụ được cử về Hà Nội giữ cương vị  mới. Lúc này đời sống của người dân quá khó khăn, xã hội chuyển sang thời kỳ mới nên đời sống tín đồ sa sút đáng kể, mỗi buổi thờ phượng chỉ còn dưới 20 tín hữu.

2. Thời kỳ Hội thánh xa xút nghiêm trọng (từ 1961 – 1989):

– Năm 1961 Tổng hội HTTL Việt Nam (Miền Bắc) cử Mục sư Lư Văn Nên cùng gia đình từ Lạng Sơn về quản nhiệm HTTL Thọ An.

Mục sư Nên tiếp quản Hội thánh với cơ sở vật chất hoang tàn, tài chính trống rỗng, tín hữu đến thờ phượng Chúa lúc này chỉ còn trên 10 người  đều đã hết tuổi lao động. Mục sư Nên và gia đình phải giữ vững chức vụ, vừa phải tự kiếm sống bằng việc làm ruộng, chăn nuôi và làm nghề phụ. Đời sống tín hữu cũng trong cảnh ngộ khó khăn, cho nên số lượng tín đồ đến Nhà thờ cũng teo tóp dần.

Tháng 7 năm 1975, Mục sư Nên lâm bệnh nặng đến tháng 10 năm 1977 thì Mục sư Nên về với Chúa. Bà quả phụ mục sư Lê Thị Ơn được Tổng hội Tin Lành Miền Bắc cử tiếp tục duy trì sự Thờ phượng và quản nhiệm HTTL Thọ An. Hàng tháng có một đến hai Chúa nhật, cụ Mục sư Hội trưởng Hoàng Kim Phúc về giúp đỡ thêm.

Sang những năm thập niên 80 lớp các cụ trung tín cuối cùng cũng lần lượt về với Chúa, lớp con cháu lớn lên nhưng phải làm lụng kiếm sống và không đến Nhà thờ. Hội thánh gần như không có tín đồ. Nhưng Đức Chúa Trời không bỏ Hội thánh, các cụ ông trung tín thì đã qua đời về với Chúa, nhưng Chúa còn để lại trong Hội thánh một số cụ bà, bằng quyền năng của Đức Chúa Trời, bà Quản nhiệm Hội thánh cũng kiên trì động viên các cụ bà đến nhà thờ, và từ đây chính những cụ bà làm nền tảng cho Hội thánh đứng vững và phát triển.

III) Thời kỳ Hội thánh phục hưng và phát triển:

Bước sang thập niên 90, đất nước có sự đổi mới và phát triển mọi mặt. HTTL THọ An có sự chuyển mình, số lượng tín đồ bắt đầu tăng dần, đã có thế hệ tín đồ mới tiếp bước đức tin của Ông cha mình.

Hội thánh bắt đầu được sự quan tâm của các con cái Chúa ở nhiều nơi đến thăm hỏi, chia sẻ và khích lệ động viên. Một số Truyền đạo sinh khóa II (1988 – 1993), nhất là Truyền đạo sinh Âu Quang Vinh là người thường xuyên được cử về giúp đỡ Hội thánh.

Hội thánh từng bước được phục hồi và phát triển, Ban chấp sự cần phải có để duy trì mọi hoạt động của Hôi thánh. Tháng 4 năm 1995, Ban chấp sự của Hội thánh được kiện toàn có 7 thành viên ( 3 nam 4 nữ).

Đến năm 1995, trải qua 60 năm tồn tại, Đền thờ đã bị xuống cấp nghiêm trọng cần phải tu sửa gấp, nhưng tài chính của Hội thánh không có gì. Ban chấp sự đặt chương trình cầu nguyện. Sang năm 1996, bằng sự dâng hiến của tín hữu trong Hội thánh, sự giúp đỡ của các con cái Chúa ở nhiều nơi, Hội thánh đã có đủ tiền để xâu dựng sửa chữa lại Đền thờ. Cuối tháng 9 năm 1996, công việc tu sửa lại Đền thờ lần thứ nhất được tiến hành đến giữa tháng 12 năm 1996 hoàn thành với chi phí hơn 31 triệu đồng.

Từ năm 1998 đến năm 2003, Hội thánh được Ban Thanh niên Hội thánh Hà Nội về chăm sóc, giảng lời Chúa cho các em thiếu niên, thiếu nhi, hàng tuần vào mỗi tối thứ 7 có từ 60 – 70 em tham gia sinh hoạt và học lời Chúa.

Năm 1999, Hội thánh xây dựng thêm được một ngôi nhà, diện tích khoảng 15 mét vuông để có đủ chỗ cho các em sinh hoạt và hiện nay cũng dùng làm phòng thư viện cho Hội thánh.

Tháng 7 năm 2004, Ban điều hành Thanh thiếu niên, thiếu nhi của Hội thánh được thành lập, có đủ khả năng tổ chức các hoạt động cho ban vào tối thứ 7 hàng tuần, hiện nay có khoảng 40 – 60 em tham gia sinh hoạt.

Cũng đầu năm 2004, Hội thánh đã chuyển giờ thờ phượng buổi trưa sang buổi sáng Chúa nhật hàng tuần. Như vậy qua 58 năm Hội thánh thờ phượng vào trưa Chúa nhật thì đến nay đã cùng Hội thánh Chúa trên cả nước đồng lòng hiệp ý trong giờ thờ phượng.

Tháng 3 năm 2005, được sự giúp đỡ của Ban Phụ nữ Tổng hội, Hội thánh đã thành lập được Ban phụ nữ của Hội thánh, sinh hoạt vào tối thứ 5 hàng tuần.

Hội thánh cũng duy trì lại Lễ Tiệc Thánh vào tuần đầu hàng tháng và Tổ chức Lễ Báp Tem cho các tín hữu. Năm 2005 Hội thánh làm lễ Báp tem cho 39 tín hữu. Năm 2006 làm Báp tem cho 41 tín hữu, năm 2007 là 12 tín hữu và năm 2009 là 19 tín hữu.

Giữa năm 2006, Hội thánh được các tín hữu Hàn Quốc tại Hà Nội giúp đỡ xây dựng công trình vệ sinh với chi phí hơn 40 triệu đồng đã đáp ứng như cầu cấp thiết trong Hội thánh.

Tháng 3 năm 2008, cũng được sự giúp đỡ của  HTTL Hàn Quốc tại Hà Nội và một số tín hữu, HTTL Thọ An tiến hành cải tạo, tu sửa Đền thờ lần thứ 2 từ 10/03/2008 đến 14/04/2008 thì hoàn thành với tổng chi phí trên 47 triệu đồng. Đền thờ Hội thánh Thọ An giờ đây khang trang và đẹp đẽ nhưng vẫn giữ được kiến trúc từ năm 1935. Trong Đền thờ có đầy đủ trang thiết bị âm thanh và ánh sáng, quạt mát để phục vụ trong sự Tôn vinh Đức Chúa Trời.

Cho đến hết năm 2009, Hội thánh đã đi vào hoạt động ổn định, hàng tuần có các buổi nhóm họp:

–          Tối thứ 2: Nhóm học Kinh thánh của một số Thanh thiếu niên.

–          Tối thứ 4: Hội thánh nhóm cầu nguyện.

–          Tối thứ 5: Nhóm Ban Phụ nữ.

–          Tối thứ 7: Nhóm , sinh hoạt Thanh thiếu niên với khoảng 40 em tham dự.

–          Sáng Chúa Nhật: Thờ phượng Chúa chung với khoảng 40-60 tín hữu.

Hội thánh cũng tổ chức các lớp tập huấn cá nhân chứng đạo, tổ chức truyền giảng Tin lành các buổi lễ Giáng sinh, Phục sinh, Truyền giảng cho lứa tuổi Thanh thiếu niên, Truyền Giảng của Ban Phụ nữ. Hiện nay Hội thánh tổ chức các chương trình học kinh thánh để tín hữu thêm lên nền tảng lời Chúa với các chương trình: Học nhóm kinh thánh hàng tuần, Tĩnh nguyện hàng ngày, Đọc Kinh thánh trọn cuốn và bài kiểm tra Kinh thánh hàng tuần.

Lịch sử hình thành và phát triển HTTL Thọ An (1932 – 2009) có những biến cố thăng trầm. Tuy nhiên sự tồn tại qua các bước thăng trầm của Hội thánh cho đến sự phát triển như ngày nay là nhờ  có ơn phước lớn của Đức Chúa Trời ban cho và gìn giữ.

                                                                                                          


Tin và Ảnh: Lê Hải Dương – Thanh Tùng
Bài vở cộng tác và góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com 

Bình Luận:

You may also like