Home Dưỡng Linh Lòng Biết Ơn

Lòng Biết Ơn

by Ban Biên Tập
30 đọc


Trước đây tuần báo Newsweek có một bài viết khá nặng chê trách Tổng Thống Bill Clinton là một con người vô ơn khi chỉ hai ngày sau khi tái đắc cử đã sa thải ông Harold Ickes, một cộng sư viên đắc lực đã giúp ông thành công trong cả hai lần tranh cử vào năm 1992 và 1996. Hiển nhiên dù ở trong nền văn hóa nào, không ai chấp nhận thái độ vô ơn. Tuy nhiên điều nghịch lý là, ở nơi sâu kín trong lòng của con người lại tiềm ẩn ít nhiều sự vô ơn, cho nên dựa vào kinh nghiệm đau thương đó người Việt mình đã có những câu nói chua chát như “vô ơn bạc nghĩa,” hay “thói đời đen bạc,” hoặc “cứu vật vật trả ơn, cứu nhân nhân trả oán” là vậy.

Trong Kinh Thánh có ghi lại câu chuyện Chúa Jêsus chữa lành cho mười người phung, nhưng chỉ có một người trở lại tạ ơn, nên Chúa đã phải thốt lên: “Không phải mười người đều được lành sao? Còn chín người kia ở đâu?” Như vậy là dù ở thời đại nào và trong nền văn hóa nào chúng ta đều thấy có những con người vô ơn, và tất nhiên không ai tán thưởng lòng vô ơn cả. Cho nên trong bối cảnh đạo đức tiêu điều của xã hội ngày hôm nay, khi mối quan hệ giữa con người với nhau và với Đức Chúa Trời ngày càng suy sụp, thì phải nói Ngày Lễ Tạ Ơn còn lại trong đất nước Hoa Kỳ này, là một sự nhắc nhở cần thiết cho mỗi chúng ta rằng, làm người sống trong cuộc đời này cần phải biết ơn. 

Lòng biết ơn quả thật là một đức hạnh rất quý báu mà chúng ta cần có. Phát xuất từ tấm lòng biết ơn Chúa của những người đầu tiên đến Hoa Kỳ lập quốc hơn 300 năm về trước mà có Ngày Lễ Tạ Ơn. Theo thời gian, tục lệ này đã trở nên phổ thông khắp nước Mỹ rồi cuối cùng Quốc Hội đã chấp thuận để thành một quốc lễ. Lễ Tạ Ơn là dịp để mỗi chúng ta tỏ lòng cảm ơn Chúa và cảm ơn những người Chúa dùng làm ơn cho chúng ta. Đây chính là ý nghĩa đích thực mang đúng tinh thần tạ ơn của những người đã lập nên lễ này. Nên hôm nay trong bài viết về sự tạ ơn, nhằm vào dịp Lễ Tạ Ơn của đất nước Hoa Kỳ, tôi thiết nghĩ là người sống trong đất nước này chúng ta cần biết sơ qua về lịch sử của ngày này.

1

Lễ Tạ Ơn đầu tiên được cử hành vào ngày 4 tháng 12 năm 1619 ở vùng New England, nơi mà ba mươi chín người di dân từ bên Anh đến lập nghiệp đã nhóm lại để bày tỏ lòng biết ơn Chúa cho họ đến được vùng đất mới an toàn. Năm 1621 Lễ Tạ Ơn ở Mỹ tổ chức vào đầu mùa thu. Ấy là một kỳ lễ lớn nhưng cũng là ngày cầu nguyện thiết tha, vì sau một năm gian nan khốn khó, lại phải trải qua thời tiết khắc nghiệt của mùa đông 1620 khiến cho hơn một nửa những người đến lập nghiệp đầu tiên đã chết vì bệnh tật, đói khát. Nên những người còn lại đều làm lễ tạ ơn Đức Chúa Trời đã gìn giữ họ, giúp họ lập nghiệp vững chắc tại vùng đất mới này và ban cho họ có được thức ăn.

Nhưng Lễ Tạ Ơn chính thức là do Thống Đốc William Bradford ở thuộc địa New England qui định vào ngày 30 tháng 7 năm 1623. Rồi từ đó tục lệ kỷ niệm Ngày Lễ Tạ Ơn lan truyền đi khắp nước Mỹ và đến năm 1863 thì Tổng Thống Abraham Lincoln ký nghị định tuyên bố ngày Thứ Năm cuối cùng của tháng 11 là một ngày đặc biệt để tạ ơn Đức Chúa Trời. Đến năm 1941, Quốc Hội Mỹ thông qua đạo luật xác nhận Ngày Lễ Tạ Ơn là một ngày lễ chính thức trên toàn thể nước Mỹ vào ngày Thứ Năm tuần lễ thứ tư của tháng 11.

Từ đó đến nay, Ngày Lễ Tạ Ơn trở thành một ngày lễ thiêng liêng và có ý nghĩa nhất đối với nước Mỹ, một quốc gia được tạo lập nên bởi những người di dân từ khắp nơi đến, nên ngày này có một ý nghĩa rất đặc biệt. Tuy mang màu sắc tôn giáo nhưng Ngày Lễ Tạ Ơn cũng được tất cả mọi người dân Mỹ, bất kể thuộc tôn giáo nào, tưởng niệm vì là một ngày lễ của người di dân đến Tân Lục Địa để xây dựng cuộc đời. Ảnh hưởng của Lễ Tạ Ơn rất to lớn lên văn hóa tư tưởng và tình cảm của người dân Mỹ, đặt rất nặng vấn đề ơn nghĩa và đối xử lễ độ với nhau ở trong nhà cũng như ở nơi công cộng. Bất cứ một việc lớn nhỏ gì chúng ta cũng thấy người Mỹ cảm ơn lẫn nhau một cách rất tự nhiên, rất niềm nở.

Điều này ở đây lâu chúng ta thấy, chúng ta sống tại đây và cái cung cách của mình cũng được ảnh hưởng hồi nào cái cung cách của họ mà không hay. Thay vì tiêm nhiễm những thói hư tật xấu thì chúng ta lại đã học được cái hay của họ, đó là tinh thần biết cảm ơn khi nhận gì nơi người khác hoặc khi thấy ai đó làm điều gì tốt cho mình. Và cũng với tinh thần này, khi được Chúa ban phước, chúng ta không nên quên cảm tạ Chúa ngay. A-sáp đã viết rằng: “Hãy dâng sự cảm tạ làm của lễ cho Đức Chúa Trời, Và trả sự hứa nguyện ngươi cho Đấng Chí Cao” (Thi-thiên 50:14).

Đọc Kinh Thánh chúng ta thấy, khi dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ê-díp-tô họ phải đối diện với một nan đề rất lớn lao: Trước mặt là Biển Đỏ, sau lưng là đội quân của Pha-ra-ôn đuổi theo. Đức Chúa Trời đã khiến Biển Đỏ rẽ ra cho tuyển dân của Ngài đi qua như đi trên đất khô và Ngài cũng chôn vùi đạo quân của Pha-ra-ôn dưới lòng biển. Môi-se và dân Y-sơ-ra-ên đã không chậm trễ mà cảm tạ ơn Đức Chúa Trời. Và đây không chỉ là sự khổ nạn của dân Y-sơ-ra-ên đã gặp và được Chúa giải cứu, rồi họ cảm tạ Ngài không thôi. Nhưng đây cũng là hoàn cảnh của nhiều người Việt Nam chúng ta đã gặp trên con đường chạy nạn. Khi chiến tranh bùng nổ tại quê nhà, khi phải chạy ra nước ngoài tị nạn, trên bước đường gian nan ấy họ đã gặp biết bao nhiêu khổ nạn. Có người đã phải lênh đênh trên chiếc thuyền nhiều ngày đói khát, rồi khi chiếc thuyến của mình được cứu. Lên khỏi nước bước lên bờ, họ đã quỳ xuống trên bãi cát giơ tay lên cảm tạ ơn Trời đã cứu giúp họ.

2

Thật đây là kinh nhiệm tuyệt vời mà một số người đã có được! Vâng, chỉ những ai đã từng kinh qua những điều gian nan cực khổ, cận kề với sự chết mà được giải thoát thì mới có kinh nghiệm này. Tôi nhớ khi còn ở trại tị nạn Thái Lan, chính mình đã từng nhiều lần chứng kiến những giọt nước mắt vui mừng chảy dài trên đôi má của nhiều người Việt Nam chúng ta, khi lọt qua được chặn đường dài chông gai và bước vào trong trại tị nạn.

Họ vui mừng vì vừa thoát nạn, phải chịu đói khổ có khi phải chết ở ngay dọc đường. Nên ngày hôm nay khi chúng ta cùng nhau tưởng niệm Ngày Lễ Tạ Ơn này, chúng ta phải đặt mình trong hoàn cảnh của những người di dân đầu tiên đến Mỹ cách đây hơn 300 năm chúng ta mới có thể hiểu phần nào lòng biết ơn của họ với Đức Chúa Trời thâm sâu và chân thành như thế nào. Họ đã rời bỏ quê hương, phiêu lưu đến một lục địa mênh mông, hoang dã. Đức Chúa Trời không những đã bảo tồn họ suốt hành trình vượt biển gian nguy, đưa đến bến bờ bình an mà sau đó còn ban phước lành cho mùa màng, là yếu tố giúp họ tồn tại trên vùng đất mới.

Cho nên buổi Lễ Tạ Ơn đầu tiên với ba mươi chín di dân họp lại là một lễ thờ phượng tạ ơn Đức Chúa Trời đã bảo toàn họ suốt hành trình gian khổ, rồi thì buổi Lễ Tạ Ơn sau đó là một lễ hội tạ ơn Chúa về mùa màng và vô số phước lành trong cuộc sống Chúa ban cho. Nên khi mọi người tụ tập quanh bàn ăn, họ ôn lại phước lành, nhắc lại quyền năng của Đức Chúa Trời dẫn dắt trong những năm tháng ban sơ. Sống trên một lục địa hoang dã với đại dương ngăn cách quê hương nghìn dặm, những di dân này biết rằng họ đã vĩnh viễn xa rời quê hương cũ để xây dựng tương lai trên đất mới và giao trọn tương lai đó trong tay dìu dắt nhân từ của Chúa.

Hơn ai hết, là người Việt tha hương, chúng ta rất dễ chia sẻ tâm trạng này của những di dân đầu tiên. Câu chuyện của nhiều ngưòi có thể khởi sự từ tháng Tư năm 1975, hay từ những ngày đầu tiên nào đó đặt chân lên đất Mỹ. Với tâm trạng hoang mang khi nhìn về tương lai vô định, trong những ngày đó người ta dễ tin nhận Chúa để được phù hộ và ban phước. Nhiều tín hữu cũng thấy đó là những tháng năm sống rất gần Chúa. Nhưng rồi thời gian trôi qua, khi không còn phải đối diện với những bấp bênh trong cuộc sống thì đức tin nơí Chúa cũng dần dần phôi pha.

Nhiều người từng có quyết định tin Chúa trong trại tị nạn, hoặc ngay trong những tháng đầu đến Mỹ, nhưng ngày nay những quyết định đó đã bị lãng quên từ lâu. Cuộc sống ổn định nhưng lại quá nhanh, quá bận rộn, nhiều cơ hội kiếm tiền, nhiều sinh hoạt tiêu khiển làm cho người ta không thấy cần Chúa nữa. Mùa Tạ Ơn chỉ có nghĩa là thêm một dịp để họp mặt gia đình ăn uống vui chơi cho nên tinh thần biết ơn Đức Chúa Trời có lẽ là điều cuối cùng người ta nghĩ đến. Do đó không khéo chúng ta sẽ trở thành là người “vô ơn” mà không biết!

Vua Đa-vít là tác giả Thi Thiên 103:2 nổi tiếng nói về những ân huệ dư dật của Chúa, vì có lẽ sợ hay quên mà phải bị mang chung tiếng là “bạc tình bạc nghĩa” nên đã phải tự nhủ với mình rằng: “Hỡi linh hồn ta, hãy ngợi khen Đức Giê-hô-va, chớ quên các ân huệ của Ngài.”

Thật ra không phải chỉ có vụ mùa con người mới có cớ để tạ ơn, mà còn rất nhiều cái cớ khác để con người tạ ơn Đức Chúa Trời. Một làn không khí để thở, một ngụm nước mát giọng, một chiếc lá thay đổi màu vàng báo hiệu mùa thu trở lại cũng đủ để cảm ơn Chúa rồi. Cám ơn Ngài vì sự sắm sẳn, cảm ơn Chúa vì sự chính xác của Ngài để bảo tồn sự sống con người trên mặt đất này. Nói một cách khác, Chúa không bao giờ quên loài người trong sự chăm sóc. Nên sống chúng ta phải biết tạ ơn!

Đối với những người đã làm cho chúng ta, tự nhiên trong chúng ta xuất phát một tình cảm yêu thương nồng ấm khiến chúng ta luôn luôn muốn làm một điều gì đền đáp. Không một con người bình thường nào có thể dửng dưng với người đã cứu giúp mình trong cơn nguy khốn. Đó là đối với con người, còn đối với Đức Chúa Trời thì sao? Ngài không những chỉ ban cho chúng ta sự sống mà còn cung cấp các phương tiện vật chất duy trì sự sống: Không khí, nước và thực phẩm là những thứ con người không thể tạo ra nhưng do Đức Chúa Trời ban sẵn trên địa cầu cho mọi loài sống, và một khi chúng ta tận hưởng sự ban cho ấy chúng ta phải tạ ơn Ngài!

Mục Sư Ức Chiến Thắng

Bài vở cộng tác và góp ý xin gởi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like