Home Dưỡng Linh Nợ Yêu Thương

Nợ Yêu Thương

by Ban Biên Tập
30 đọc

       Đọc thư Phao-lô chúng ta thấy, hầu như tất cả các thư tín của ông viết là để đối phó với những hoàn cảnh khó khăn mà các Hội Thánh ấy gặp lúc đương thời, nhưng thư Rô-ma thì lại khác, ông viết cho một Hội Thánh không phải do ông thành lập. Nên đây là một bức thư viết có ít vấn đề liên quan đến hoàn cảnh cấp thời nhất, mà là một bức thư Phao-lô dùng để giải thích hệ thống thần học của mình cho Hội Thánh ở đó.

Ngày nay Rô-ma được nhắc đến như là một trong những thành phố lớn, nhưng vào thời các sứ đồ thì ấy là một thành phố vĩ đại nhất, là đế đô của một đế quốc to lớn mà thế giới từng biết. Phao-lô viết lá thư Rô-ma khoảng năm 57 SC trong lúc ông đang ở tại Cô-rinh-tô, về một thành phố mà cho đến bấy giờ ông chưa bao giờ đến đó và không biết sẽ có dịp đến được hay không. Nhưng như một học giả viết: “Suốt đời, sự suy nghĩ về Rô-ma ám ảnh ông. Được đến thăm và giảng dạy tại Rô-ma chính là giấc mơ của ông.” Nên có lẽ đây chính là một trong những động cơ khiến ông viết thư này đến một Hội Thánh mà không phải ông thành lập, để nêu rõ trung tâm và trọng điểm niềm tin của mình.

Vào thời ông chính quyền Rô-ma qui định nhiều loại thuế cho các dân tộc trong đế quốc. Như thuế điền thổ, tức thuế ruộng và đất, đóng bằng tiền hoặc bằng sản phẩm, một phần mười tổng số lúa gạo, một phần năm rượu và trái cây. Thuế lợi tức bằng một phần trăm lợi tức của một người. Thuế thân, đánh vào mỗi đầu người từ 14 đến 65 tuổi. Với những sắc thuế địa phương phải đóng như thuế hải quan, thuế xuất nhập cảng, thuế sử dụng đường lộ chính, thuế qua cầu, thuế nhập thị, thuế bến cảng, thuế chủ quyền một con vật hay sử dụng một chiếc xe. Phao-lô nhấn mạnh rằng Cơ Đốc Nhân phải làm tròn bổn phận của mình trong việc đóng thuế cho chính quyền, rồi thì ông quay sang món nợ riêng tư giữa người với nhau, ông viết: “Đừng mắc nợ ai chi hết, chỉ mắc nợ về sự yêu thương nhau mà thôi” (Rô-ma 13:8a).

Giáo phụ Origen bảo: “Món nợ yêu thương ở với chúng ta thường xuyên, không rời, đây là món nợ chúng ta phải xuất trả mỗi ngày, nhưng vẫn thiếu mãi mãi.” Kinh nghiệm cho thấy, trong thương trường người ta mắc nợ nhau tiền bạc, người có tiền cho người thiếu vốn vay lấy lời lãi. Trong cuộc sống ở thôn quê người ta mắc nợ nhau lúa gạo, những khi túng thiếu chạy qua nhà hàng xóm mượn đỡ lúa gạo về ăn qua ngày. Trong công việc đồng áng người ta còn mắc nợ nhau công sức, người này rảnh rỗi sang phụ giúp người kia để khi cần thì người sẽ qua trả công lại. Và trong Hội Thánh, Phao-lô nói đến một món nợ bắt buộc mà chúng ta phải trả và tiếp tục trả mãi, dầu không bao giờ chúng ta sẽ trả xong, tức là “nợ yêu thương.”

Trong sinh hoạt của Hội Thánh có rất nhiều việc chúng ta cần phải làm, phải tổ chức, thành lập nào là nhóm này ủy ban nọ v.v… Nhưng nếu làm mà không đặt dựa vào một nền móng nào hết, thì sẽ có một lúc nào đó chúng ta cảm thấy mệt mỏi, thối chí và buông xuôi, rồi tất cả những công việc chúng ta gắng sức làm lên đó sẽ đua nhau sập đổ. Chẳng khác gì như xây một căn nhà chúng ta thấy nhiều việc cần phải làm, phải sắp xếp cái nào trước cái nào sau, cái nào chính, cái nào phụ cho rập ràng hầu có được một căn nhà vững chắc có thể đủ sức chống chỏi với bão tố phong ba, chứ không là công mình làm sẽ ra vô ích.

Xây nhà thì dựng vách, đặt khung cửa, để cột kèo, lợp mái, quét sơn là cần nhưng nếu không trọng cái nền là thất bại. Tường dày, mái đẹp, cửa kín là những thứ cần có để giữ sự ấm áp, che nắng trú mưa. Nhưng nếu chỉ những thứ đó thì một cơn mưa lớt phớt, một luồng gió nhẹ hiu hiu thì được. Chứ nếu mưa to, gió lớn, bão tố nổi lên thì một căn nhà như vậy không thể nào đủ sức chống chỏi nổi, nó sẽ sập, và cột, kèo với những thứ khác sẽ theo chiều gió cuốn bay đi. Vậy muốn cho chắc, căn nhà có thể đứng vững với phong ba, bão táp, thì xây nhà chúng ta phải cần chú trọng ở cái nền! Cái nền là quan trọng, nền nghiêng căn nhà xiêu vẹo; nền chắc, thăng bằng cầm giữ được cả căn nhà.

Hội Thánh của Chúa cần phải được xây dựng trên một nền thật vững chắc, nền ấy không phải xây bằng những viên gạch, những tảng đá, những khối đất, những đống cát, hay là những lớp xi-măng, mà là bằng tình yêu thương. Nền tảng của Hội Thánh là sự yêu thương. Hội Thánh muốn đứng vững phải đặt nền tảng trên sự yêu thương! Hội Thánh muốn phát triển phải đặt nền tảng trên sự yêu thương! Hội Thánh muốn thực thi sứ mệnh cao cả của Đức Chúa Trời phải đặt nền tảng trên sự yêu thương!

Thiếu sự yêu thương lòng hăng hái của chúng ta rồi sẽ nguội lạnh. Thiếu sự yêu thương những mối quan tâm của chúng ta cho nhau rồi dần dần sẽ bị xao lãng. Thiếu sự yêu thương sự tôn kính của chúng ta đối với Đức Chúa Trời rồi cũng sẽ bị mất. Sự yêu thương rất quan trọng nên có chép trong I Côrinhtô 13:13 rằng: “Nên bây giờ còn có ba điều này: Đức tin, sự trông cậy, tình yêu thương; nhưng điều trọng hơn trong ba điều đó là tình yêu thương.””

Tình yêu thương thật là quan trọng! Vì chính từ lòng yêu thương nhắc nhở chúng ta quan tâm đến nhau, thúc đẩy chúng ta gây dựng đức tin cho nhau, cảm động lòng chúng ta ra đi rao giảng Tin Lành. Sự yêu thương quan trọng đến nỗi mà có người đã nói: “Sống thiếu tình yêu như đời không biết thở!” Và trong Rôma 13:8a Phao-lô nói đến một món nợ mà thông thường nhiều người không biết đến, đó là “nợ yêu thương.”

Có câu chuyện kể về một người đàn bà không hề biết sự yêu thương của loài người là gì. Bà là một người nghèo khổ bị bỏ quên, bị bạc đãi, bị xử bất công lâu ngày đến nỗi bà thù nghịch với tất cả mọi người mà mọi người dường như nghịch cùng bà. Một lần kia có một mục sư đến gặp bà để nói về tình yêu thương của Đức Chúa Trời, song bà chẳng hiểu tình yêu là gì cả. Bà ngước mắt lên nhìn mục sư và nói: “Tôi không hiểu ông nói gì. Chưa hề có ai yêu thương tôi, tôi cũng không hiểu yêu thương là gì cả.””

Mục sư trở về nói cùng tín đồ trong Hội Thánh rằng, có một người chưa hề biết tình yêu thương của Chúa là gì, vậy mọi người hãy giúp cho bà ấy biết được tình yêu của Chúa bằng cách mỗi người trong Hội Thánh lần lượt từng người một đến thăm bà, tỏ cho bà biết có người yêu thương, thăm viếng, an ủi và giúp đỡ bà. Mấy tháng trôi qua, rốt lại, một ngày kia, khi vị mục sư tới thăm bà tại ngôi nhà tồi tàn bà ở, bà ngước mắt lên nhìn mục sư và nói rằng: “Thưa mục sư, tôi hiểu biết sự yêu thương là gì rồi, và bây giờ tôi có thể tiếp nhận sự yêu thương của Đức Chúa Trời.” Bà liền quì xuống cầu nguyện tiếp nhận Chúa Cứu Thế Giê-su làm Chúa của cuộc đời bà và bước đi trong tình yêu thương của Ngài.

    Thật phải nói là trong cuộc sống chung quanh ta ngày nay có nhiều người, không chỉ những đồng hương trong cộng đồng thôi, mà ngay cả có người đang sinh hoạt trong Hội Thánh nhưng chưa kinh nghiệm được tình yêu thương thật sự là gì, không khác chi người đàn bà trong câu chuyện này. Vì vậy mà Chúa kêu gọi chúng ta phải sống như thế nào để có thể bày tỏ tình yêu thương của Ngài cho họ biết, và Sứ đồ Phao-lô gọi đó là nợ, “nợ yêu thương” mà chúng ta phải hoàn trả cho nhau.

      Yêu thương quan trọng lắm, vì sự yêu thương là giềng mối của cảm thông, là phương thuốc hóa giải bất đồng, là chất keo dán nối liền những tan vỡ. Chỉ có sự yêu thương mới xóa bỏ được lằn ranh giữa vua với tôi, tớ với chủ, và muôn người khác chủng tộc màu da. Yêu thương quan trọng, vì chỉ có sự yêu thương và tình yêu thương mà thôi mới có thể hàn gắn lại những đổ vỡ giữa vợ chồng, cha mẹ con cái, anh em, bằng hữu, chủ tớ, vua dân lại thành một với nhau được.

     Do đó mà phải nói rằng, chỉ có sự yêu thương và một mình sự yêu thương thôi mới có thể san bằng được bức tường thành ngăn cách giữa chúng ta, dù rằng tôi với anh có mỗi người một ý. Vì hễ yêu thì dễ, chỉ có không yêu thương mới khó. Như trong Ca Dao Việt Nam có câu:

Khi thương củ ấu cũng tròn,

Khi ghét bồ hòn cũng méo.

     Yêu thương nhau thì dù méo cũng thấy tròn, ở xa cũng vẫn hiệp. Nhưng không yêu thương rồi thì dù tròn cũng thấy méo, ở gần cũng chẳng được thuận hiệp nhau điều gì.

     Chỉ có sự yêu thương con người mới có thể dễ dàng chấp nhận nhau. Ngay trong đời sống vợ chồng chăng nữa, nếu không có sự yêu thương trọn vẹn thì khó mà có thể chấp nhận được nhau. Do đó mà trên thực tế chúng ta thường thấy là nhiều cuộc hôn nhân bắt đầu bởi những cuộc tình đẹp đẽ, quí giá, nhưng sau hôn nhân, giá trị nó theo thời gian phôi pha đi, phai nhạt dần. Rồi đưa ra kết luận:

Tình chỉ đẹp khi còn dang dở

Đời mất vui khi đã vẹn câu thề

                                                            (Xuân Diệu)

     Để rồi cuộc sống gia đình: “Vợ là rợ buộc chân, chồng là gông đeo cổ, con cái là nợ nần.” Tại sao? Tại vì sau hôn nhân hai người sống chung nhau lâu ngày, những cái xấu của nhau khi xưa trong lúc yêu nhau đắm đuối ấy họ không thấy được, giờ dần dần hiện ra, rồi thì không thể chấp nhận cái xấu của nhau được nên đưa đến sự đổ vỡ. Đây là thực tế phũ phàng mà chúng ta thường thấy từ gia đình đến xã hội, và rồi ngày hôm nay nó cũng đã lọt vào trong Hội Thánh. Sau một thời gian cùng sinh hoạt, thờ phượng, phục vụ Chúa với nhau có điều chúng ta thấy nơi anh em khác biệt hơn mình mà mình không thỏa lòng, nên không thể chấp nhận!

      Yêu thương là chấp nhận, vì đây là nợ, “nợ yêu thương.” Cho nên nếu như thấy ai đó mà mình cảm thấy không thể chấp nhận, hoặc giả nếu tình yêu thương của mình đã lỡ nguội lạnh rồi đối với một anh em nào đó, thì Chúa bảo “hãy nhen lại,” hãy làm cho ấm áp trở lại. Nếu trong chúng ta có ai vì một chuyện nào đó đã làm cho mình lâu nay không thể đến với anh em mình được, thì hãy nhớ rằng Chúa bảo chúng ta hãy trở lại với tình yêu thương ban đầu, lúc mới gặp nhau tay bắt mặt mừng, miệng cười nói “anh anh em em” dịu ngọt, để mà có thể chấp nhận nhau, yêu thương nhau cách thân thiết trở lại. Phải trở lại tình yêu thương thật sự chứ không chỉ là những cái bắt tay gượng gạo, những tiếng hỏi chào lấy lệ. Đó là những cái không thật, nó không giúp được gì cả! Đã vậy, còn làm tổn thương nhau thêm khi anh em khám phá ra cái không thật của mình.

     Nếu đến với nhau, tỏ vẻ quan tâm đến nhau mà không xuất phát từ tấm lòng, thì thay vì phước, mình chỉ thấy gánh nặng rồi một lúc nào đó chúng ta sẽ bỏ cuộc. Và rồi người mà mình đi đến, ngay cả được sự quan tâm của mình ấy họ cũng sẽ rất đau buồn. Vì việc làm thiếu thiện chí của mình đã không đem an ủi nào tới rồi mà còn làm cho họ tổn thương. Hãy yêu thương nhau thật lòng, có thế mình mới có sự thỏa lòng và người khác mới thật sự nhận được cái phước hạnh.

     Cảm ơn Chúa cho chúng ta có gia đình, có Hội Thánh và có cộng đồng nơi chúng ta sống để chúng ta có cơ hội mà hoàn trả món “nợ yêu thương.” Hãy yêu thương nhau thật sự! Yêu thương nhau trong lời nói, trong việc làm, ngay cả trong tư tưởng khi suy nghĩ về nhau cũng chỉ nên có yêu thương mà thôi. Hầu qua đó mà Chúa mới có thể dùng mỗi chúng ta, để mỗi chúng ta sẽ cùng nhau đem nguồn phước đến cho muôn người.   

Theo Mục Sư Ức Chiến Thắng.

Bài vở cộng tác và góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com.

Bình Luận:

You may also like