Home Tin tức Kỷ Niệm 83 Năm Tin Lành Đến Bình Thuận

Kỷ Niệm 83 Năm Tin Lành Đến Bình Thuận

by Ban Biên Tập
30 đọc

Đến dự lễ có Mục sư Lưu Văn Giáo – Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Phẩm, Mục Sư Lê Khắc Hóa – Trưởng Ban Đại Diện Tin Lành tỉnh Bình thuận, MSNC Lưu Niêm, MSNC Nguyễn Văn Dũng – thành viên trong Ban Đại Diện Tin Lành tỉnh Bình thuận cùng các vị Mục Sư – Truyền đạo và đông đảo quý Con Dân Chúa trong tỉnh Bình Thuận.

Mục sư Lưu Văn Giáo Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Phẩm là diễn giả chính trong kỳ hội đồng lần này. Với chủ đề: Nhìn xem Đức Chúa Giê-Xu, câu gốc Hêbêrơ 12:2a “…nhìn xem Đức Chúa Jêsus, là cội rễ và cuối cùng của đức tin… ”, Lời Chúa đã nhắc nhở và khích lệ nhiều con dân Chúa dù trong hoàn cảnh nào cũng phải biết nhìn xem Chúa để bước đi theo Ngài trong mọi nẻo đường, Ngài là cội rễ và cuối cùng của đức tin cho Cơ đốc nhân xưa cũng như nay.

Điều lo ngại cho hội đồng lần này đó là thời tiết mưa gió rất nhiều nhưng bởi sự cầu nguyện của hết thảy Tôi Con Chúa, Ngài đã nhậm lời ban cho ngay trong ngày lễ trời tạnh ráo, khiến cho hội đồng được diễn ra thật phước hạnh.

Tất cả số lượng người về tham dự lễ có khoảng trên 450 người, vượt với dự định của ban tổ chức khiến cho việc lo ẩm thực có phần trở ngại. Dầu vậy, ai nấy cũng vui vẻ với nhau trong kỳ hội đồng lần này. Vì chính là để thông công với nhau trong tình yêu thương của Chúa ban cho.

Một số hình ảnh trong ngày hội đồng:

1

MSNC Nguyễn Văn Dũng hướng dẫn chương trình

2

Mục sư Lê Khắc Hóa cầu nguyện khai lễ

3

Thư ký Hội Thánh Võ Đắt dâng hoa trong ngày Hội Đồng

4

Ban hát Hội Thánh Võ-đắt 

5

Ban hát Hội Thánh Võ-xu

6

Hợp ca của Hội Thánh Phúc Âm I

a

Ban hát Mục Sư Truyền Đạo tôn vinh Chúa.

7

Mục sư Lưu Văn Giáo rao giảng Lời Chúa

10

Quang cảnh trong ngày hội đồng

13

14

12

 

bia

 

Tỉnh Bình Thuận có 27 dân tộc sinh sống trải khắp 07 huyện, 01 thị xã và 01 thành phố, với tổng dân số khoảng 1.200.000 người. Riêng dân tộc Kinh chiếm đa số, các sắc dân còn lại khoảng 72.000 người. Trong số các dân tộc ít người, chỉ có Châu Ro, K’ho, Rơglai, Chăm, có người tin Chúa ước khoảng 1.000 người, tập trung nơi các Hội Thánh MéPu 2 (K’ho), Tà Pứa, Măng Tố, Đức Bình…

Sự sinh hoạt và phát triển Hội Thánh Chúa trong toàn tỉnh, có thể xem qua 3 mốc thời gian sau:

                                                              1975              1978              2011

  – Tổng số tín đồ:                                   3.000             2.500             7.000

  – Tổng số Hội Thánh:                              17                  03                  36

     Trong đó:    + Chi hội tự lập                  07                  00                  09

                        + Chi hội tự dưỡng            10                  03                  14

                        + Hội Nhánh                      00                  00                  12

  – Người hầu việc Chúa                            10                  07                  26

  – Hiện nay:     + Mục sư………………………………………………………….. 03

                        + Mục sư Nhiệm chức…………………………………………. 10

                        + Truyền đạo…………………………………………………….. 12

                        + Nữ Truyền đạo……………………………………………….. 01

22

Ban hát Mục sư Truyền đạo tỉnh Bình Thuận tôn vinh Chúa năm 2010 tại Nhà thờ Phúc Âm 1


LƯỢC SỬ TIN LÀNH TẠI BÌNH THUẬN

LỜI NÓI ĐẦU:

Nếu Đà Nẵng là cái “nôi Tin Lành” cho người Việt, thì Phan Thiết cũng có thể được xem như vậy cho Tin Lành tại Bình Thuận. Bởi lẽ từ sau khi hình thành và ổn định, Hội Thánh Phan Thiết đã từng bước, lần lượt đem Tin Lành đến khắp các huyện, xã trong tỉnh giống như vết dầu loang trên mặt nước vậy. Sau 17 năm Tin Lành đến với Việt Nam, người Việt đã tiếp nhận Đạo Chúa, sớm trưởng thành và đã đem Tin Lành đến với Bình Thuận.          

Bình Thuận hiện nay là địa giới hành chính bao gồm cả 2 tỉnh Bình Thuận và Bình Tuy trong thế kỷ trước. Vì vậy, Tin Lành đến nơi đây từ nhiều hướng và nhiều cách khác nhau. Nhằm mục đích tạ ơn Chúa và tri ân các bậc tiền nhân đã đem Tin Lành đến cho Bình Thuận, cùng khích lệ tinh thần phục vụ Chúa của những người đang và sẽ theo Chúa, chúng tôi xin tóm lược lịch sử Tin Lành tại Bình Thuận theo trình tự thời gian và địa điểm:

I. GIAI ĐOẠN HÌNH THÀNH & PHÁT TRIỂN (1928-1975):

  A. BẮC BÌNH THUẬN:

Năm 1928, Cụ cố Mục sư Phan Đình Liệu là người đầu tiên đến vùng đất Phan Rí, Bình Thuận để giảng đạo theo lời mời của một người quen từ trước, nhưng chỉ 2 ngày thì bị bắt nên chưa có kết quả gì.

Năm 1929, Cụ Liệu trở vào Bình Thuận, nhưng lần này cụ giảng tại thị xã Phan Thiết. Nhờ Chúa vùa giúp, sự hổ trợ của Giáo sĩ C. E. Travis và sự hưởng ứng của người dân nơi đây nên năm 1930 Chi hội Tin Lành Phan Thiết được thành lập. Trong vòng nữa năm, Hội Thánh đã có số tín đồ khoảng 400 người ở rải rác tại thị xã và các vùng phụ cận. Dù Cụ cố Mục sư Liệu bị cấm giảng đạo và phải đi nơi khác, song Hội Thánh  Phan Thiết vẫn tiếp tục lớn lên từng ngày, đủ để vươn mình ra khắp các nơi có thể. Chỉ trong vòng 16 năm kể từ ngày thành lập, Chi hội Phan Thiết đã mở được 4 Hội Nhánh vẫn còn tồn tại và phát triển đến nay. Cụ thể: Năm 1934 mở HT Mũi Né, 1935 mở HT Ma Lâm, 1942 mở HT Phú Long, năm 1956 mở HT đảo Phú Quý. HT Ma Lâm vào năm 1945 có mở được HT nhánh Long Thạnh nhưng nay không còn, tiếp đến khoảng năm 1955 thành lập HT Long Phú, xây nền móng nhà thờ nhưng ngay sau đó vì chiến tranh nên không tiếp tục được.

Nhà thờ đầu tiên của Chi hội Phan Thiết cũng là nhà thờ Tin Lành đầu tiên của Bình Thuận được xây  dựng vào năm 1932. Hội Thánh Phan Thiết lên tự trị tự lập hoàn toàn vào năm 1934.

Trở lại với Phan Rí, năm 1933 có hai truyền đạo được sai đến, một lo cho người Chăm và một lo cho người Kinh. Phía người Chăm, bước đầu kết quả rất khả quan, đã cất được nơi làm chỗ nhóm lại để thờ phượng Chúa và rao giảng Tin Lành tại Tịnh Mỹ, nhưng sau đó vì nhiều lý  do  nên đã sát nhập chung với người Kinh. Về phía người Kinh, sau thời gian hầu việc Chúa có kết quả, HT đã khai hoang được đất vào năm 1936, đến năm 1939 cất được một nhà thờ bằng lá để nhóm lại. Và HT tiếp tục phát triển. Cũng trong thời gian này, HT Long Hương được thành lập, nhưng rất tiếc nay không còn.

  B. NAM BÌNH THUẬN:

Dù Tin Lành  được truyền đến La Gi từ năm 1934 bởi các tôi con Chúa tại Phan Thiết, song mãi đến năm 1957 mới có những người tín đồ Tin Lành từ các nơi đến sinh sống tại vùng đất này. Và cũng từ đây có sự nhóm họp để thờ phượng Chúa mỗi sáng Chúa nhật do những người này tự hướng dẫn. Đến năm 1958 Hội Thánh Tin Lành tại đây  được thành  lập với tên gọi Chi hội Bình Tuy (tên tỉnh lúc bấy giờ), đây là chi hội Tin Lành đầu tiên của tỉnh Bình Tuy được thành lập. Năm 1959, Truyền đạo Nguyễn Lập Mà được cử đến để làm chủ tọa đầu tiên của HT này.

Năm 1973, lúc Truyền đạo Nguyễn Tấn Cảnh đang làm chủ tọa HT Bình Tuy, đã giúp đỡ đắc lực trong việc thành lập “Trung tâm định cư” cho các gia đình tín đồ Tin Lành từ các tỉnh miền Trung vào. Từ đây, các Hội Thánh Tin Lành mang tên Chi hội Phúc Âm 1, Phúc Âm 2 và Phước Hiệp được hình thành.

  C. TÂY BÌNH THUẬN:

Năm 1959, có rất nhiều người từ các tỉnh miền Trung đến Dinh điền Huy Khiêm thuộc tỉnh Bình Tuy (cũ) lập nghiệp. Trong số đó, có những tín đồ Tin Lành đã hiệp cùng nhau thành lập HT, và xây dựng Nhà thờ Tin Lành Huy Khiêm vào năm 1960.

Cùng năm 1960 ấy, cụ Hà Hữu Quảng, nhân viên của Thánh thơ công hội hồi hưu, từ Sài Gòn đến thăm Dinh điền Võ Xu và đã trình bày lẽ thật của Đức Chúa Trời một cách rõ ràng, nhân đó ngay buổi đầu đã có một số đông đồng bào bằng lòng đầu phục ăn năn tội, tin Chúa. Vậy là Hội Thánh Tin Lành Võ Xu được thành lập từ đây. Chỉ trong khoảng thời gian rất  ngắn, chưa đầy một tháng, những tân tín hữu tại đây đã hết lòng, kẻ công người của cùng nhau cất lên một ngôi nhà thờ bằng tranh, cũng có tư thất cho tôi tớ Chúa ở nữa.

Năm 1961 Hội Thánh Tin Lành Nghị Đức được thành lập, đến năm 1963 Nhà thờ được xây xong và tổ chức Lễ Khánh thành vào ngày 24/11 có rất đông quý Mục sư, Truyền đạo và con cái Chúa tham dự.

Hội Thánh Mépu (kinh) được thành lập năm 1961, năm 1962 làm Nhà Nguyện. Nhưng năm 1963, chiến tranh bùng nổ, Nhà Nguyện bị tàn phá, con cái Chúa tản lạc khắp nơi, HT cũng từ đó rơi vào trạng thái yên lặng, chờ ngày hồi sinh.

Từ những năm 1960-1961 đã có một vài gia đình tín đồ Tin Lành từ xa đến tại Võ Đắt để tìm sinh kế, năm 1965 chiến tranh tàn phá dữ dội ở các vùng phụ cận. Những nơi có HT như Huy Khiêm, Nghị Đức, Võ Xu…cũng đã phải hứng chịu sự hủy diệt của bom đạn. Các con cái Chúa ở những vùng này đều phải  tập trung về Võ Đắt hoặc những nơi an ninh khác. Từ đó, Hội Thánh Tin Lành Võ Đắt được hình thành, song chưa có nhà thờ, HT phải nhóm tạm trong một gia đình tín hữu tại chợ Võ Đắt. Mãi đến năm 1967 mới có một nhà thờ, một năm sau mới có tư thất.

Hội Thánh Lạc Tánh  được thành lập năm 1972, nhưng đến năm 1975 bị ngưng trệ hoàn toàn.

II. GIAI ĐOẠN KHÓ KHĂN & PHỤC HỒI: (1975-2011)

Cùng chung cảnh trạng trên toàn đất nước, các HT Chúa tại Bình Thuận cũng không ngoại lệ. Đây là giai đoạn phải trải qua nhiều thử thách, gian nan. Nhưng theo quy luật thuộc linh, càng bị bắt bớ, HT càng được phát triển. Trong giai đoạn này, nhiều HT được hồi sinh sau những năm tháng dài nằm yên bất động, nhiều HT mới được thành lập, nhiều cơ sở nhà Chúa được tái thiết và xây dựng mới hoàn toàn. Thật như lời Chúa Giêxu nói: “…các cửa âm phủ chẳng thắng được Hội đó” (Mat 16:18). Ngài đã “…mở thì không ai đóng được, đóng thì không  ai mở được” (Khải 3:7)

     A. BẮC BÌNH THUẬN:

Hội Thánh Tin Lành Phan Thiết phải trải qua nhiều năm thiếu vắng  Quản nhiệm. Đến năm 1987, mới có Truyền Đạo Nguyễn Hoài Trân thường trực lo công việc Chúa ở đây. Lúc đầu là tinh thần tự nguyện, về sau mới có giấy bổ nhiệm chính  thức. Nhà Thờ đã được tu sửa, không còn cảnh điêu tàn, mục nát của những tháng ngày cơ sở không người trông coi.

Năm 1978, HT Sa Ra được thành lập, sau nhiều khó khăn, sinh hoạt thầm lặng, đến nay đã được công nhận chính thức, đã xây được Nhà Nguyện, tư thất, và Cơ Đốc giáo dục.

Năm 1989, Nhà Thờ Ma Lâm được mở cửa trở lại và tiến hành việc xây dựng Nhà Thờ.  HT được trở về Nhà Chúa nhóm thờ phượng đúng vào dịp Lễ Phục sinh năm 2000.

Năm 1992, HT Phú Long  tái sinh hoạt, Nhà thờ được mở cửa sau 14 năm bị sử dụng vào công việc khác.

Năm 1993, HT Phú Quý được tái sinh hoạt, nay đang xây dựng Nhà Thờ mới.

Hội Thánh Mũi Né được tái sinh hoạt năm 1993, đã xây lại Nhà Thờ mới, tư thất và Cơ Đốc giáo dục.

Năm 1994, Nhà Thờ Phan Rí được mở cửa¸ mọi sinh hoạt của HT được công khai, đã xây dựng Nhà Thờ mới, Cơ Đốc giáo dục và tư thất thật rất khang trang.

Năm 1995, Ban Hiệp nguyện tỉnh đã cùng HT Phan Rí  mở HT Vĩnh Tân, và nơi đây đã xây Nhà Nguyện, tư thất, cho gia đình tôi tớ Chúa ở.

Năm 2004, HT Phan Rí tiếp tục cùng với Ban Hiệp nguyện tỉnh và HT Sa Ra để mở HT Bình Tân.  Đến nay đã xây được Nhà Nguyện, có nơi nhóm thờ phượng Chúa, cũng có nơi cho tôi tớ Chúa ở nữa.

     B. NAM BÌNH THUẬN:

     – Trong giai đoạn khó khăn, khi nhiều nhà thờ bị đóng cửa, thì Hội Thánh Tin Lành La Gi (Bình Tuy cũ) là nguồn an ủi cho những tín hữu trung kiên đã về đây hằng tuần để thờ phượng Chúa và tìm kiếm Ngài. Bởi lẽ, La Gi là một trong số rất ít những Nhà Thờ ở Bình Thuận còn được sinh hoạt trong giai đoạn này. Bởi ân điển Chúa, Nhà Thờ La Gi mặc nhiên trở thành nơi đào tạo các Truyền đạo tình nguyện, để ra đi khắp các nơi trong tỉnh mở mang HT mới và phục hồi HT cũ. Chi hội La Gi đã mở được 3 HT mới là Tân Xuân năm 1985, Tân Lập năm 1993, và Tân Tiến 2004. Các nơi này đều đã có Nhà Nguyện và sinh hoạt rất tốt. Đến năm 2007, HT La Gi đã xây dựng được ngôi Đền thờ mới rất khang trang đẹp đẽ.

     – Dù Nhà Thờ đóng cửa, nhưng HT Chúa không hề bị đóng, con cái Chúa vẫn nhóm thờ phượng Chúa tại bất cứ nơi nào có thể, dù phải nay nhà này mai nhà khác. Đến Năm 1990, nhà thờ Phúc Âm 1 được mở cửa, mọi sinh hoạt lại được công khai và đã xây dựng được Đền Thờ mới, cơ sở Cơ Đốc giáo dục và tư thất cũng đã hoàn tất. Từ Phúc Âm đã mở được các HT mới tại Tân Nghĩa và Suối Kiết năm 1993, Tân Đức năm 1994, Sông Dinh năm 1995, và Tân Minh năm 2005. Các HT này đều đã Có Nhà Nguyện, tư thất và có tôi tớ Chúa ở tại chỗ để dẫn dắt con cái Ngài.

     – Điều đặc biệt và mới nhất là HT Phúc Âm 2 đã được tái thành lập sau 32 năm yên lặng, buổi lễ Công bố quyết định và ra mắt Chi hội đã tổ chức vào ngày 19/4/2011 vừa qua. Nhà thờ cũ vẫn còn đó, song không thể sử dụng, cần phải xây dựng Nhà thờ mới trong những ngày đến.

     C. TÂY BÌNH THUẬN:

     Các Hội Thánh được tái sinh hoạt trong giai đoạn này gồm có: 

     – HT Mé Pu Kinh năm 1978, , HT Huy Khiêm & HT Lạc Tánh năm 1990, HT Nghị Đức & HT Võ  Xu năm 1993. Các HT này, hiện nay đã xây dựng được Nhà Nguyện, tư thất và cơ sở Cơ Đốc giáo dục, đã có các tôi tớ Chúa hầu việc Ngài. Riêng tại HT Lạc Tánh chưa có đất, nên chưa xây dựng được Nhà Nguyện.

     – Năm 2004, đất HT Võ Đắt được trao trả lại và đã xây dựng được một Nhà Thờ mới, khang trang, đẹp đẽ.

     Bên cạnh đó còn có các Hội Thánh Mới được thành lập gồm có:

     – HT Tà Pứa 1975, HT Trà Tân 1990, HT Gia An 1994, HT Đồng Kho 1996, HT Mé Pu K’ho 1998, HT La Ngâu 2001, HT Đức Bình 2002. Tất cả các HT này đều có tôi tớ Chúa chăm lo, đã và đang xây Nhà Nguyện để con cái Chúa có nơi nhóm lại thờ phượng Chúa và được gây dựng đức tin.

III. NHỮNG SINH HOẠT HIỆN NAY:

     A. LINH VỤ:

– Hằng năm có tổ chức các lớp Bồi linh, huấn luyện cho các Chấp sự, Nhân sự, và tín hữu. Đặc biệt, có lớp Thánh Kinh Căn Bản đã hoàn tất 4 năm của Khóa I, và năm nhất của khóa II, đã cấp Chứng chỉ cho các học viên đủ tiêu chuẩn.

– Các Mục sư, Truyền đạo trong tỉnh hiệp nguyện mỗi tháng một lần để được nghe Lời Chúa, biết công việc chung, trình cho Chúa và cùng khích lệ nhau hầu việc Ngài hiệu quả hơn.

– Hằng năm đều có tổ chức Lễ Giáng sinh cho các tôi tớ Chúa và Chấp sự trong các HT toàn tỉnh.  

     B. TRUYỀN GIẢNG:

– Năm 2010, Cậy ơn Chúa, các tôi con Chúa đã thành lập Ban Truyền giảng tỉnh, tổng cộng có 60 thành viên, chia ra nhiều bộ phận để cùng nhau thực hiện. Gồm có các Tiểu Ban: Điều hành, Âm nhạc, Âm thanh, Ánh sáng, Thiết kế sân khấu, Kỷ thuật, đạo diễn, vận chuyển, tiếp thân hữu…cũng đã sắm được những  thiết bị chuyên dùng tương đối đủ để thực hiện.

– Đã tổ chức được nhiều đêm ca nhạc Thánh Truyền giảng các dịp lễ lớn như Thương Khó & Phục sinh, Giáng sinh, Ngày Hiếu kính cha mẹ…đã có nhiều người bằng lòng tin Chúa, tôi con Chúa trong tỉnh được khích lệ rất nhiều.

     C. THANH THIẾU NHI:

– Hằng năm, cứ vào mùa hè, Ban Đại diện tỉnh đã cậy ơn Chúa tổ chức kỳ trại hè cho các em Thiếu niên trong toàn tỉnh. Đây là dịp cho các em được lắng nghe Lời Chúa, xác định mục tiêu cho cuộc đời mình. Cũng là cơ hội để các bạn cùng lứa được quen biết, kết thân trong tình yêu Chúa và giúp nhau học tập, chuẩn bị hành trang bước vào đời một cách vững chắc trên nền tảng Lời Chúa.

– Có các hoạt động thể thao cho Thanh, thiếu nhi. Năm 2010 đã tổ chức ngày hội thao cho các em thiếu nhi trong tỉnh. Các em hưởng ứng nhiệt tình, vui chơi, học tập một cách rất vui vẻ.

     D. PHỤ NỮ:

     – Mỗi năm ít nhất một lần, tỉnh có tổ chức bồi linh cho các Phụ nữ. Những ngày này, chị em có cơ hội để được khích lệ hầu việc Chúa trong vai trò người nữ tại gia đinh, Hội Thánh và sống giữa xã hội.

     E. Y TẾ XÃ HỘI:

     Đã phối hợp với Ban Y Tế Xã Hội Tổng liên hội, Xây dựng 20 nhà tình thương cho các gia đình nghèo trong vùng Đức Linh, Tánh Linh. (10 nhà cho tín hữu, 10 nhà cho người chưa tin.)

     – Giúp 13 tủ thuốc cho 13 HT có nhiều tín hữu nghèo thiếu. 

     – Khám chữa bịnh, phát thuốc miễn phí cho đồng bào nghèo, vùng sâu, vùng xa.      

     – Giúp xe đạp làm phương tiện cho 35 HT, mỗi HT một chiếc hiệu Martin 107, cũng có giúp hơn 10 giếng nước cho các hộ tín  hữu nghèo.

* Qua đó, đã đem lại sự vui mừng cho tín hữu và đồng bào. Đặc biệt chính quyền các địa phương cũng rất hoan nghinh những việc làm thiết thực của Hội Thánh Tin Lành và có lời khích lệ thực hiện nhiều công tác từ thiện tại địa phương Bình Thuận.

NHỮNG NHÀ THỜ, NHÀ NGUYỆN ĐÃ XÂY MỚI

nha_tho                                    

                                   B. Nhà Nguyện:

nha_nguyen


NHỮNG MỐC SON ĐÁNG NHỚ TRÊN ĐẤT BÌNH THUẬN:

     – Nơi được nghe Tin Lành đầu tiên tại Bình Thuận: Phan Rí, 1928

     – Hội Thánh đầu tiên thành lập tại Bình Thuận: Chi hội Phan Thiết, 1930

     – Cơ sở Tin Lành đầu tiên trên đất Bình Thuận: Nhà thờ Phan Thiết, 1932

     – Người giảng Tin Lành đầu tiên cho cư dân Bình Thuận: Cụ Cố Mục Sư Phan Đình Liệu, 1928. Giảng đạo tại Phan Rí được 2 ngày, bị bắt dẫn về Phan Thiết. 

     – Giáo sĩ đầu tiên đến Bình Thuận: C. E. Travis, 1930 cùng với Cố MS Phan Đình Liệu đến giảng Tin Lành tại Phan Thiết.

     – Người tin Chúa đầu tiên  tại Bình Thuận: Ông Xã Lợi, 1928

     – Người tuận đạo đầu tiên tại Bình Thuận: Truyền đạo Nguyễn Văn Tài, chủ tọa HT Ma Lâm. Sau khi can thiệp cho một tín hữu bị hoạn nạn ở Phan Thiết, trên đường trở về Ma Lâm đã bị mất tích năm 1946. Hai con trai của Cố Truyền đạo Tài sau đó được nuôi dưỡng tại Cô Nhi viện Nha Trang, cả hai đều đã về Nước Chúa.       

Người hầu việc Chúa đầu tiên xuất thân từ Bình Thuận: Cụ Cố Mục sư Lê Khắc Chấn. Tin Chúa 1936 đến năm 1937 cụ dâng mình cho Chúa, đi học Trường Kinh Thánh, trở nên người hầu việc Chúa rất có ơn. Cụ cũng đã đóng góp nhiều công sức cho HT quê nhà tại Phan Thiết. Nhiều con cháu cụ cũng đã tiếp gót cụ trên con đường phục vụ Chúa đến ngày nay. 

     – Lễ Dâng con trẻ đông nhất tại Bình Thuận: 99 em tại HT Võ Xu ngày 05/6/1960

     – Lễ Báp-têm đông nhất ở Bình Thuận: 125 người vào một chiều Chúa nhật năm 1987, do Mục sư Lê Khắc Hóa hành lễ tại nơi nhóm lại của Hội Thánh Phúc Âm. (thời gian nhà thờ bị đóng cửa)

     – Các Truyền đạo tình nguyện được đào tạo ngay trong giai đoạn khó khăn nhất 1992-2001. Hiện nay tỉnh Bình Thuận có 18 Mục sư Nhiệm chức và Truyền đạo vốn là TĐTN đang trung tín trong chức vụ.

ĐỊNH HƯỚNG TƯƠNG LAI:

– 10% dân số toàn tỉnh tin nhận Chúa

– Mỗi xã có ít nhất một Hội Thánh..

– 50% số chi hội trong tỉnh là Chi hội Tự lập

– Để đạt được điều này, cần đẩy mạnh công tác truyền giảng và cá nhân chứng đạo.

– Có chương trình hổ trợ cho sinh viên Thần học để khích lệ nhiều người bước vào công trường thuộc linh.

– Quan tâm thiết thực đến nhiều mặt cho giới trẻ trong Hội Thánh toàn tỉnh. Cụ Thể:

     + Hổ trợ học bổng cho học sinh & sinh viên nghèo, yêu mến Chúa. (không đòi hỏi phải học giỏi, chỉ cần yêu Chúa và ham học là đủ)

     + Tạo nhịp cầu cho các bạn trẻ giao lưu, học hỏi và quen biết nhau, để tiến đến hôn nhân trong Chúa. Giảm và tiến đến tránh hoàn toàn việc kết hôn với người ngoại.

– Có những nhà tư vấn hôn nhân và giải quyết xung đột trong cuộc sống gia đình cho các Cơ Đốc nhân trong tỉnh.

– Công tác Y Tế Xã Hội cần được quan tâm đúng mức, cần có hệ thống tổ chức chung cho toàn tỉnh. Xây dựng nhà tình thương, khám bịnh phát thuốc cho những vùng sâu, vùng xa trong tỉnh.

– Kêu gọi những Doanh nhân Cơ Đốc tìm cách đầu tư tại Bình Thuận để giúp công việc làm cho các tín hữu tại địa phương.

– Những Hội Thánh đang sinh hoạt sẽ xây được Nhà Nguyện trong thời gian sớm nhất.

(Theo TĐ Phan Chu và Ban Biên Soạn tỉnh Bình Thuận)

       Các nguồn tài liệu và hình ảnh được trích từ:

+ Thánh Kinh Báo năm 1931-1975

+ 46 năm chức vụ của Mục sư Lê Văn Thái

+ Lịch sử Hội Thánh Tin Lành Việt Nam của MS. Lê Hoàng Phu

+ Các bài viết về Lược sử các HT trong tỉnh Bình Thuận

+ Những câu chuyện được Truyền khẩu từ những tín hữu lớn tuổi   hiện đang sống và trung tín với Chúa.

+ Phỏng vấn các Mục sư và tín hữu lớn tuổi đang hiện hữu.

+ Phỏng vấn Ông Hồ Đắc Châu, Nguyên chấp sự HT Phan Thiết, Nguyên Thư ký HT Phan Rí, Bình Thuận.


Hà Võ

Bài vở cộng tác và góp ý xin gởi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like