Home Dưỡng Linh Nặng Lòng Về Sự Phục Hưng

Nặng Lòng Về Sự Phục Hưng

by Ban Biên Tập
30 đọc

     Chỉ cần nhìn xung quanh chúng ta và xem thái độ của người chưa tin Chúa đối với Hội Thánh, chúng ta sẽ thấy
ngay: Phục Hưng là nhu cầu cấp bách của chúng ta hiện nay. Hội Thánh dường như đang có tinh thần thờ ơ chủ bại làm người bên ngoài có cảm giác là Hội Thánh đang ở trong cảnh cùng đường tuyệt vọng. Vì vậy chúng ta cần phải có điều mà nhà tiên tri Ê-sai nói trong đoạn 64.
Chúng ta là con dân Chúa trong Hội Thánh của Chúa Cứu Thế, chúng ta có thấy lòng mình lo đến Hội Thánh, là hội
mà Chúa đã mua bằng huyết của Ngài không? Chúng ta phải thú nhận là quá nhiều người trong Hội Thánh chỉ lo nghĩ đến các vấn đề, các khó khăn cá nhân mà chẳng bao giờ nhìn Hội Thánh cách khách quan, để thấy rõ tình hình của Hội Thánh mà khóc lóc cho Hội Thánh.
Nếu chúng ta thấy Hội Thánh như sự mô tả trong Tân Ước, vinh quang của Hội Thánh sau lễ Ngủ Tuần, Hội Thánh trong mấy thế kỷ đầu tiên và Hội Thánh trong các cuộc phục hưng, rồi đem so với Hội Thánh hiện nay, thì chắc chắn lòng của chúng ta đau buồn, tan nát.
Thưa các anh chị em Cơ-đốc-nhân, các anh chị em có thỏa lòng với tình hình Hội Thánh hiện nay không? Có bao giờ các anh chị em định trí để so sánh Hội Thánh hiện nay với Hội Thánh ngay sau lễ Ngủ Tuần, rồi làm người cầu thay cho Hội Thánh, như Ê-sai đã cầu thay cho dân Y-sơ-ra-ên không?
Trong lịch sử Hội Thánh, những người được Đức Chúa Trời dùng để khuấy động Hội Thánh ra khỏi tình trạng ngủ
mê, để đem Phục Hưng đến đều có khải tượng đó. Chúng ta đơn cử trường hợp của Martin Luther, là người thấy rõ Giáo Hội trong đó ông đã được nuôi dưỡng chỉ là một cái xác không có sức sống nào của Chúa, tất cả chỉ là “kẻ bị bỏ, là đất hoang vu”. Rồi ông thấy trong Tân Ưóc hình ảnh của Hội Thánh thật của Đức Chúa Trời, đúng với địa vị của “giá đèn bằng vàng” (Khải 1:13,20) với “sự cứu rỗi nó chói lòa như ngọn đèn”, và khải tượng đó đã khuấy động cảm xúc lòng ông. Đó là điểm bắt đầu của cuộc Cải Chánh.
Mỗi chúng ta cũng phải có khải tượng về Hội Thánh “đúng mức”. Đó là Hội Thánh trong sách Công Vụ, chỉ bắt
đầu với một nhóm nhỏ nhưng khi Thánh linh giáng xuống, “sự công bình rực rỡ như ánh sáng và sự cứu rỗi chói lòa như ngọn đèn”. Đó là Hội Thánh của các thời kỳ Phục Hưng, như khi Whitefield, Wesley giảng ở Luân Đôn với sự xức dầu của Thánh Linh có nhiều biến động phi thường đã xảy ra. Nhưng đa số chúng ta không có một khái niệm thế nào là Hội Thánh với vinh quang và quyền năng phi thường của Đức Chúa Trời. Chúng ta có thể coi lời cầu nguyện của Ê-sai bắt đầu với lời nài xin “Ôi! ước gì Ngài xé rách các từng trời, Ngài ngự xuống và làm rúng động các núi trước mặt Ngài” (Esai 64:1) là lời cầu nguyện tối cao để xin Đức Chúa Trời ban cho Phục Hưng.
Những lời cầu xin Chúa ban phước, che chở, bảo vệ chúng ta trong ân điển của Chúa là những lời cầu xin đúng và
chúng ta phải đừng bỏ qua. Nhưng chúng ta phải tiến xa hơn, phải vượt quá những nhu cầu thông thường của Hội Thánh mà dâng lên Chúa lời cầu nguyện đặc biệt, khẩn cấp, để xin Thánh Linh Đức Chúa Trời thăm viếng Hội Thánh cách đặc biệt và ban cho chúng ta một cuộc Phục Hưng.
Ông Cowper đã trình bày lời khẩn xin tối hậu đó trong lời thánh ca: “Ôi! Xin Chúa xé rách các từng trời và ngự
xuống, để biến cả ngàn tấm lòng thành đền thờ Chúa ngự.” Cowper bắt chước tiên tri Ê-sai cầu xin Chúa xé rách các từng trời và ngự xuống thăm viếng Hội Thánh, ban Phục Hưng để mỗi ngày có một ngàn người hay ba ngàn người tiếp nhận  Chúa, như trong ngày lễ Ngũ Tuần. Đây là lời cầu xin Chúa làm một việc phi thường là cứu rất nhiều người khi Phục Hưng đến. Tất cả mọi công việc của Đức Chúa Trời làm đều là việc phi thường, siêu nhiên, diệu kỳ. Kinh Thánh cũng cho chúng ta thấy sự khác biệt giữa những việc Chúa làm thông thường, với những việc Chúa làm phi thường khi Ngài giáng xuống, khi Chúa “xé rách các từng trời và ngự xuống”. Trong tập nhật ký của George Whitefield kể lại rằng trong một buổi thờ phượng tại Cheltenham, khi ông đang giảng thì: Đức Chúa Trời đã ngự xuống”. Trước đó, Whitefield đã được ở trong sự hiện diện của Chúa và đã nhận được rất nhiều ơn phước của Chúa, nhưng đây là một biến động kỳ diệu, Đức Chúa Trời đã ngự xuống. Đó cũng chính là biến động xảy ra khi Hội Thánh được Phục Hưng. Vì Phục Hưng là ý thức rõ ràng, là nhận thức được sự hiện diện thật của Thánh Linh Đức Chúa Trời giữa vòng dân sự ngài. Có lẽ đa số chúng ta chưa hề biết điều nầy, nhưng đó là việc đã xảy ra mỗi khi có Phục Hưng, vượt xa tất cả các kinh nghiệm sống trong sinh hoạt bình thường của Hội Thánh. Muc sư George Whitefield kể lại, những người đang nhóm họp lại thình lình cảm biết rõ ràng có Chúa đến giữa vòng họ, họ cảm biết vinh quang, họ cảm biết sự hiện diện của Chúa. Họ không thể định nghĩa, không thể mô tả, không thể nói ra lời, mà chỉ biết rằng trước nay họ chưa hề bao giờ có kinh nghiệm đó. Họ gọi thời gian đó là “ngày trời trên đất”. Họ cảm thấy đang ở thiên đàng. Họ quên cả thời gian, hay nói đúng hơn thời gian không còn ý nghĩa gì với họ nữa, thời gian dường như đã biến mất vì họ đang sống trong cõi thuộc linh. Đức Chúa Trời đã giáng xuống giữa vòng họ, đầy dẫy nơi nhóm họp và ban cho người đang nhóm được cảm biết sự hiện diện vinh hiển của Chúa.

Chúng ta hãy tìm cầu Chúa, khích lệ chính mình để kêu cầu danh thánh của Ngài. Ngài là “Thợ Gốm” còn chúng ta
là đất sét. Hãy kêu la với Chúa, nài xin Ngài một cơn phấn hưng “Ôi, ước gì Ngài xé rách các tầng trời ngự xuống, núi non rung chuyển trước mặt Ngài. Như lửa đốt củi khô; như lửa làm nước sôi sục, để các kẻ thù biết đến danh Ngài và các nước run rẩy trước mặt Ngài” (Esai 64: 1-2).

Theo D. MARTYN LLOYD JONES 

Bài vở cộng tác và góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com.

Bình Luận:

You may also like