Home Tin tức Việc Lớn Chúa Làm Suốt 83 Năm Tại Phú Yên

Việc Lớn Chúa Làm Suốt 83 Năm Tại Phú Yên

by Ban Biên Tập
30 đọc


Cảm tạ Chúa vì hạt giống Phúc Âm đã được gieo tại tỉnh Phú Yên cách đây 83 năm, trải qua một thời gian khá dài với biết bao khó khăn, sóng gió nhưng hạt giống Phúc Âm mỗi ngày luôn phát triển và đơm hoa kết quả cho Nhà Chúa.

Vào lúc 9h ngày 30/08/2011, Ban đại diện Tin Lành tỉnh Phú Yên đã tổ chức Lễ kỷ niệm 83 năm Tin Lành truyền đến nơi đây tại HTTL Sông Cầu. Cảm tạ Chúa vì sự đồng hành và những công việc rực rỡ mà Chúa đã làm cho Hội Thánh Chúa trên khắp tỉnh Phú Yên. Về dự chương trình lễ gồm có: Mục sư Thái Phước Trường – Hội trưởng HTTLVN MN, quý mục sư đại diện Tin Lành cho các tỉnh như: Khánh Hòa, Gia Lai, Kon Tum, Bình Định, Đăk Lăk …, các đại biểu đại diện chính quyền địa phương cùng với hơn 700 quý con cái Chúa xa gần đã về tham dự lễ.

_MG_1640_500x333
MSNC Đinh Thi hướng dẫn chương trình
_MG_1560_500x333
Mục sư Võ Thành Phê – Trưởng BĐD Tin Lành Phú Yên

chào mừng và đọc diễn ra văn khai mạc
_MG_1696_500x333
Rất đông quý tôi con Chúa khắp nơi đã về chung lời tạ ơn Chúa với tín hữu tại Phú Yên

_MG_1597_500x333
Khu vực bên ngoài nhà thờ

_MG_1667_500x333

Cảm tạ Chúa vì chương trình lễ đã diễn ra trong sự quan phòng và ban phước của Đức Chúa Trời, Hội Thánh bước vào thì giờ thờ phượng Chúa bằng sự ngợi khen qua các bài Thánh ca. Cảm tạ Chúa sau lời cầu nguyện khai lễ của Mục sư Phan Văn Cử – UYMV TLH, các ban hát trong tỉnh Phú Yên đã dâng lên Chúa lời ngợi ca vì ơn phước lạ lùng Chúa đã ban cho.

Trong suốt thời gian diễn ra chương trình, tuy thời tiết nóng bức nhưng con cái Chúa vẫn luôn vui vẻ và hân hoan vì khi nhìn lại lịch sử Tin Lành Việt Nam nói chung và lịch sử Hội Thánh Chúa tại Phú Yên nói riêng; con dân Chúa nhận thấy được quyền năng tể trị và cánh tay của Chúa luôn gìn giữ Hội Thánh của Chúa qua mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ.

_MG_1561_500x333
Các ban hát trong các Hội Thánh tại Phú Yên tôn vinh Chúa
_MG_1581_500x333

_MG_1631_500x333

_MG_1738_500x333
Ban hát dân tộc Phú Yên tôn vinh Chúa bài Thánh ca số 40

_MG_1746_500x333
Ban hát Lớp Thánh Kinh Phục Vụ tôn vinh Chúa

Trong buổi lễ, Hội Thánh cũng đã được nghe Lời Chúa qua Mục sư Thái Phước Trường với chủ đề “Tôn Vinh Chúa Hằng Hữu”; dựa trên nền tảng Kinh Thánh trong Ê-sai 12: 1-6, với câu gốc Ê-sai 12:5 “Hãy ca tụng Đức Giê-hô-va, vì Ngài đã làm những công việc rực rỡ: nên phô cho thế gian đều biết!”. Cảm tạ Chúa vì Lời Chúa đã nhắc nhở mỗi con cái Chúa hãy luôn cảm tạ Chúa vì điều đó là mạng lệnh và chỉ có Chúa xứng đáng để chúng ta chúc tán, chính Ngài là sự ca ngợi của chúng ta.

_MG_1671_500x333
Mục sư Thái Phước Trường chia sẻ Lời Chúa

Sau lời cầu nguyện đáp ứng Lời Chúa của MSNC Võ Hoàng Phong, đại diện các tỉnh tham dự và các cấp chính quyền đã đến để chúc mừng Hội Thánh Chúa tại Phú Yên trong ngày vui hôm nay. Bên cạnh đó, Hội Thánh Chúa cũng đã có thì giờ để tri ân các vị mục sư đã từng hi sinh và gắn bó chức vụ tại nơi đây. Cảm tạ Chúa vì tình yêu của Chúa đã đến với đồng bào tại Phú Yên trong suốt những năm tháng qua, và cho đến ngày hôm nay sự thương xót và ơn của Chúa tiếp tục thăm viếng người dân địa phương. Với 7800 tín hữu tại Phú Yên, xin Chúa ban phước dư dật để mỗi đời sống của con cái Chúa sẽ phô bày công việc rực rỡ và tình yêu của Chúa cho gần một triệu người dân tại tỉnh Phú Yên.


_MG_1680_500x333

MSNC Võ Hoàng Phong cầu nguyện đáp ứng Lời Chúa

_MG_1704_500x333
Tri ân các đầy tớ Chúa đã có công khó cho công việc Chúa tại tỉnh Phú Yên

_MG_1716_500x333
Ông Lê Xuân Ngọc – phó chủ tịch UBMTTQ tỉnh Phú Yên

đại diện cho chính quyền đọc thư chúc mừng Hội Thánh Chúa

_MG_1756_500x333
MSTS Đinh Thống cầu nguyện chúc phước

LƯỢC SỬ HỘI THÁNH TIN LÀNH PHÚ YÊN HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN (1928 – 2011)

          Cảm tạ sự thương xót của Ba Ngôi Đức Chúa Trời đã đoái đến dân tộc VN, Đạo Sự Sống đã bắt đầu chiếu sáng trên quê hương cách đây 100 năm. Thật Chúa đã kêu gọi và chọn lựa con dân Chúa giữa bao nhiêu người trên một đất nước đa tôn giáo và chịu nhiều khó khăn… ân điển của Ngài thật lớn lao cho mỗi chúng ta, để giờ đây HTTL Phú Yên lớn tiếng tạ ơn Chúa khi nhen lại ơn cứu rỗi của Ngài cho đất nước Việt Nam, trong đó có mảnh đất Phú Yên và con dân Chúa ở nơi đây:

          Năm 1928 đánh dấu bước chân Tin lành đặt trên vùng đất Phú Yên của miền Trung đầy nắng gió, với cánh đồng lúa trải rộng. Những khó khăn trên chặng đường của các tiền nhân còn khắc nghiệt hơn nhiều để xây dựng Hội thánh của Chúa trong những bước đầu, nhưng cám ơn Chúa, sự chín vàng của cánh đồng thuộc linh mà quý Tôi con Chúa tiên phong thu hoạch được, đã đặt nền tảng cho sự hình thành và phát triển của Hội Thánh Chúa tại Phú Yên.

Phú Yên là tỉnh ven biển Nam Trung Bộ, phía Bắc giáp tỉnh Bình Ðịnh, phía Nam giáp tỉnh Khánh Hoà, phía Tây giáp tỉnh Gia Lai và Ðắk Lắk, phía Ðông giáp biển Ðông. Dân số khoảng: 900.000 người (1/4/2009: 861.993 người), thành thị 20%, nông thôn 80%. Trên địa bàn tỉnh có gần 30 dân tộc, đông nhất là dân tộc Kinh chiếm 95%; các dân tộc thiểu số như dân tộc Êđê 18.000 người, chiếm 2%; dân tộc Chăm chiếm 2,06%, dân tộc Ba Na, dân tộc H’roi, dân tộc Hoa, dân tộc Mnông, dân tộc Raglai, dân tộc Tày; dân tộc Nùng và các dân tộc khác…

          Nơi đây, vào năm 1927 tại Sông Cầu, lúc bấy giờ là tỉnh lỵ của tỉnh Phú Yên, Truyền đạo sinh Phan Đình Liệu đã rảo bước nhiều nơi phát sách Tin Lành. Năm 1928, Địa hạt Nam Trung Bộ chính thức bổ nhiệm Truyền đạo Lưu Văn Mão đến Sông Cầu mướn nhà giảng đạo, tín đồ đầu tiên là ông Nguyễn Văn Liền ở xóm chài Dân Phước, và gia đình ông Nguyễn Phát (con cháu cụ Nguyễn Phát nhiều người đã góp phần mở mang nước Chúa sau nầy).

msPhanDinhLieu_445x336

msmao_477x336

Năm 1929, Truyền đạo Nguyễn Văn Phú từ Nha Trang ra Tuy Hòa, vùng nam của Phú Yên để phát sách và rao truyền danh Chúa Giê xu, Thật “Bàn chân người rao giảng Tin Lành là tốt đẹp biết bao”, mặc dầu các tôn giáo khác đã có mặt tại Tuy Hòa từ rất lâu, nhưng chỉ trong thời gian ngắn có nhiều người đã tiếp nhận Tin Lành, đầu tiên là bà Lê Thị Nổi ở Hòa An, rồi gia đình cụ Lê Bích… Hội Thánh Chúa được thành lập nơi gian nhà thuê ở bến xe ngựa, đường Lê Lợi.

Năm 1931, ông Đỗ Cường là người tin Chúa đầu tiên ở Hòa Phú, đây là cơ hội để TĐ Nguyễn Văn Phú, rồi đến TĐ Lê Khắc Chấn sau đó lên thăm viếng, chứng đạo cho công nhân ở Nhà máy đường Đồng Bò, có một số người tin Chúa và Hội Thánh Hòa Phú được thành lập (lúc đầu là HT Thạch Bàn)

Năm 1932 – 1938, ở Sông Cầu có TĐS Phan Lang, TĐS Nguyễn Phụng, và TĐS Nguyễn Linh đã rao giảng Đạo Chúa ra nhiều vùng phụ cận.

Tại La Hai, những năm kế tiếp nầy nhiều Tôi tớ Chúa và các đoàn truyền giáo đã đến tổ chức những cuộc truyền giảng lưu động. Giáo sĩ Travis cũng đã đến để cao rao về Chúa Cứu Thế Giê Xu, đã có những người tin Chúa đầu tiên, lại là những người giàu có, tri thức trong làng như ông Cao Ngạn, ông Giáo Phải, ông Phan Cái…Năm 1937, Truyền đạo Nguyễn Linh ở Sông cầu cùng Đoàn Truyền giáo đến La Hai giảng Tin Lành và thành lập Hội Thánh La Hai năm 1938.

Nam Phú Yên lúc bấy giờ TĐ Nguyễn Xuân Hảo đến tiếp tục công việc của TĐ Nguyễn Văn Phú, rồi đến TĐ Lê Khắc Chấn (1938), TĐ Lê Khắc Chấn cũng đã mở điểm nhóm Hòa Xuân cách Tuy Hòa 14 km. Sau TĐ Lê Khắc Chấn là TĐ Trần Như Tuân (1940 – 1942), TĐ Nguyễn Văn Nhung (1942 – 1944), TĐ Trần Trọng Giao (1044 – 1946).

MsTranTrongThuc_500x334
Mục sư Trần Trọng Thục

          Năm 1938 – 1942, TĐ Trần Trọng Thục, TĐ Nguyễn Xuân Khôi tiếp nhau làm chủ tọa HT Sông Cầu, và kiêm HT La Hai, nhưng vùng đất Sông Cầu lòng người cứng cỏi nên công việc Chúa không kết quả là bao.

Ở Tuy Hòa, Khi TĐ Trần Trọng Giao đến, đã mua được miếng đất 4 sào (cách Nhà thờ hiện nay khoảng 200 m) để cất lên một nhà giảng, rồi chiến tranh đến đã san bằng… TĐ Nguyễn Kim Khánh đến thay (1946 – 1954) địa điểm nhóm lại dời lên Đông Bình (Hòa An). Gia đình cụ Lê Bích nhường căn nhà mình làm nơi nhóm lại.

          Năm 1942 – 1944, TĐ Nguyễn Ất (nhạc phụ của Mục sư nguyên Hội trưởng Dương Thạnh) chủ tọa HT Sông Cầu và kiêm cả HT La Hai. Có lần Giáng Sinh, với chiếc xe đạp của mình, TĐ Nguyễn Ất đã thồ 3 em là ban hát thiếu nhi của mình từ Sông Cầu lên La Hai, qua đường đèo 21 km đễ diễn Lễ Giáng Sinh (những thiếu nhi thời đó nay là Bà Mục sư Dương Thạnh, Mục sư Nguyễn Văn Hai ở Hoa Kỳ, và bà cụ Trần Tùy tín hữu Sông Cầu). Năm 1944, chiến tranh với Pháp trong thời điểm gay gắt, Sông Cầu là bãi chiến trường, nên Hội thánh Sông Cầu phải dời về La Hai để duy trì sinh hoạt. Sau thời gian nầy, Hội thánh Sông Cầu và La Hai không có chủ tọa, như chiên không người chăn…TĐ Nguyễn Kim Khánh, quê ở Tuy Hòa, hàng tháng cỡi xe đạp đến Sông Cầu, La Hai thăm viếng, giảng dạy và gây dựng suốt nhiều năm…

          Năm 1954, TĐ Trần Trọng Giao trở lại HT Tuy Hòa, tháng 11/1954 xây cất nhà thờ mái tranh vách đất tại đường Lê Lợi, có 1 tín hữu vô danh ở Đà nẵng đã đóng góp hơn 6 cây vàng để mua đất và xây dựng. Cụ MS Hội trưởng Lê Văn Thái đến dự lễ khánh thành.

          Năm 1956, MS Nguyễn Văn Thìn chủ tọa HT Tuy Hòa, được sự thúc giục ra đi về hướng bắc Tuy Hòa để giảng đạo, cứu được một số gia đình đến với Chúa tại khu vực Tuy An.

          Thời gian 1957 – 1959. Địa hạt bổ nhiệm TĐS Đinh Thống đến làm chủ tọa Hội thánh Sông Cầu và cũng kiêm HT La Hai. Lúc nầy TĐS Đinh Thống hiệp tác với giáo sĩ Tôn Thất Bình đi truyền giảng và thăm viếng ở nhiều nơi như: Xuân Lộc, La Hai, Tuy An… để mở mang thêm các Hội Thánh ở những nơi nầy. Năm 1957, thầy TĐ Đinh Thống và Ban Trị sự HT La Hai mua một miếng đất và khai phá thêm để xây cất được một ngôi nhà tranh, vách đất và Nhà giảng đã được dời về Long Thăng từ lúc đó. Tại Sông Cầu, Hội thánh cũng đã mua được đất cất nhà thờ (3 lô trên đường Nguyễn Huệ, cách nhà thờ hiện tại khoảng 50m)

          Từ năm 1959, TĐ Nguyễn Hữu Dục, TĐ Phan Tân, TĐ Phạm Tư lo cho HT Hòa Phú cho đến khi Nhà thờ bị bom nổ sập năm 1965.

          Năm 1959 – 1961, TĐS Ngô Tấn Phi đến thay TĐS Đinh Thống tại Sông Cầu. 1961 – 1965 TĐS Đặng Đăng Khoa đến thay, Hội thánh đã xin chính quyền được lô đất 2500m2, như hiện có ngày nay. Hội Truyền Giáo giúp đỡ 1/3, cho mượn 1/3, Hội thánh dâng 1/3 để xây lên ngôi nhà thờ mới 7m x 14m. Hội thánh có thêm người mới. Ở La Hai thì TĐ Trương Đoan Dương được bổ nhiệm đến, Hội thánh xây dựng được ngôi nhà bằng vật liệu nặng 6m x 9m, thời gian chức vụ TĐ Đinh Thống và TĐ Trương Đoan Dương trong thôn Long Thăng có đến 1/4 số hộ tiếp nhận Chúa.

          Tại Tuy Hòa, năm 1960 TĐ Nguyễn Liêm Ân được bổ nhiệm chủ tọa, một Nhà thờ mới được xây dựng tại vị trí hiện nay, khánh thành tháng 1/ 1961 trong dịp Hội đồng Địa hạt được tổ chức tại đây. Sau đó TĐ Nguyễn Liêm Ân cũng đã xây được Trường tiểu học Thiên Ân và Nhà thờ bằng gạch tại Đông Tác.

nhatho_500x328
Nhà thờ Tin Lành Tuy Hòa năm 1960

          Năm 1962, TĐ Lê Khắc Hóa được Địa Hạt bổ nhiệm chủ tọa HT La Hai, tôi tớ Chúa thật vất vả trong chức vụ để lo cho HT La Hai, HT An Nghiệp, HT An Dân…Năm 1964 – 1965, TĐ Nguyễn Thành Đông bổ về chủ tọa HT La Hai, TĐ Nguyễn Phú Ngọc đến thay TĐ Đặng Đăng Khoa ở Sông Cầu. Năm 1965 – 1967, TĐ Lê Ngọc Quang chủ tọa HT La Hai. Năm 1967 – 1968, HT La Hai và Sông Cầu không có người chăn. Năm 1968, TĐ Đinh Thống tình nguyện trở lại Hội Thánh Sông Cầu và kiêm lo HT La Hai lần thứ hai. Năm 1969, TĐS Võ Văn Tự Cường bổ nhiệm chủ tọa HT La Hai, lúc nầy các ban ngành được gây dựng, và đã đặt những cầu nối với cộng đồng trong công tác chứng đạo và xã hội.

          Cuối năm 1968, MS Đinh Thống được bổ đến HT Tuy Hòa. Từ năm 1969 – 1975, các buổi truyền giảng được tổ chức quy mô ở những nơi công cộng như: Bến xe, Lao xá, Phố chợ, các Trung tâm của tỉnh; Thư Viện Tin Lành được xây dựng, nhà trường Thiên Ân mở rộng.

          HT Hiếu Xương (Đông Tác) từ năm 1969 – 1975 đã được TĐ Bùi Phụng, TĐ Hoàng Nhị Công, TĐ Tăng Văn Hiệp, TĐ Phan Văn Cử, TĐ Phạm Thanh Sơn chăm lo.

          Năm 1970 – 1972. TĐ Văn Đài đến chủ tọa Hội thánh Sông Cầu, dầu chiến tranh leo thang, nhưng Hội thánh ngày càng đông thêm lên và bước vào cấp tự trị. Trong thời gian nầy TĐS Đặng Văn Phước được Địa hạt cử đến La hai, rồi chủ tọa HT Xuân Lộc. TĐ Tăng Văn Hiệp ở Hiếu Xương được Địa hạt chỉ định kiêm La Hai 1972 – 1973.

          Năm 1972 – 1973, TĐ Tạ Xù đến chủ tọa HT Sông Cầu, rồi TĐ Võ Văn Tự Cường được bổ nhiệm thay thế, Hội thánh phát triễn mở mang thêm, lúc nầy Nhà thờ Chí Thạnh được xây dựng và thành lập Chi hội mới. 1973 – 1974 TĐ Nguyễn Hữu Thiện, 1974 – 1975 TĐ Nguyễn Duy Linh chủ tọa Chí Thạnh kiêm HT La hai; tại Sông cầu thì TĐ Lê Văn Đoàn đến thay thế, công việc Chúa chưa được bao nhiêu thì biến cố 1975 xảy ra…

          Năm 1975, TĐ Võ Thành Phê tốt nghiệp TKTHV Nha Trang được bổ nhiệm về Sông cầu hầu việc Chúa. Buổi nhóm đầu tiên chỉ có 4 người, vì nhiều con cái Chúa về quê hoặc chưa hồi cư… Hội thánh trở nên thưa thớt.

          Thời gian nầy, TĐ Phạm Thanh Sơn từ HT Hiếu Xương được cử lên HT Hòa Phú và cùng với MS Đinh Thống xây dựng một nhà thờ mái tranh vách đất trên nền củ. Hội Thánh nhóm lại trong sự vui vẻ nhưng cũng bắt đầu những năm tháng đầy khó khăn cho chức vụ của tôi tớ Chúa và con dân Chúa…

          TĐ Trần Thế Thiên Phước đang chủ tọa HT Chí Thạnh, được cử lên kiêm lo La Hai năm 1976 – 1978. Năm 1978, TĐ Võ Thành Phê chủ tọa HT Sông cầu tiếp tục được Địa hạt cử lo La Hai. Năm 1980, nhà thờ Chí Thạnh bị hóa giá và cơ sở không còn nữa. Thời gian sau TĐ Phan Văn Cử tình nguyện về cùng lo cho HT La hai va những vùng phụ cận.

Đến năm 1981, Hội thánh vùng bắc Phú Yên mới khởi sắc trở lại, sau 2 ngày Hội đồng Bồi Linh, Mục sư Chủ nhiệm Địa hạt Phạm Xuân Tín ra giảng, Hội thánh được Chúa thăm viếng…mở lại Hội thánh Xuân Lộc, Chí Thạnh, phát triển Hội thánh La Hai, mở Hội thánh kinh tế mới Đa Lộc và nhiều nơi vẫn sinh hoạt trong thầm lặng. Một số thầy dâng mình đi học Lời Chúa và mở các Điểm nhóm mới như thầy Trần Văn Sơn, thầy Đinh Thuận, thầy Lê Minh Kính, thầy Đinh Thi… và được Địa hạt cử đi thực tập tại các địa phương.

Vùng nam Phú Yên, số tin hữu mới tiếp tục gia tăng, thay thế cho nhiều gia đình ly tán và ra nước ngoài. Số tín hữu gia tăng nhiều nhất ở phía Huyện và các vùng phụ cận thị xã Tuy Hòa. Từ năm 1990, Chúa đã thăm viếng anh em dân tộc vùng cao ở các huyện Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân…nhiều người đã nghe được Tin lành và tiếp nhận Chúa từ các tín hữu dân tộc tin Chúa trước 1975 ăn năn trở lại thờ phượng Chúa, và từ một số Mục sư và Nhân sự ở Đắc Lắc và Gia Lai xuống truyền giáo…

          Chúa đã thăm viếng mảnh đất Phú Yên, bàn chân người rao truyền Tin Lành đi đến đâu Hội Thánh được mở đến đó. Nhìn lại khoảng thời gian từ 1975 đến nay… tình hình Hội Thánh bước vào giai đoạn mới, âm thầm, khó khăn nhưng vẫn lan ra mạnh mẽ hơn, Thật ân điển sẽ càng dư dật trong hoàn cảnh khó khăn hơn… Sau 1975, chỉ còn 4 nhà thờ được thờ phượng Chúa chính thức là Chi hội Tuy Hòa, Chi hội Sông Cầu, Chi Hội La Hai, và Chi Hội Hòa Phú. Trong sự thăng trầm của xã hội, MS Đinh Thống lúc bấy giờ là Quyền Chủ Nhiệm Địa Hạt NTB và MS Võ Thành Phê về quản nhiệm HT Sông Cầu, vẫn đeo đuổi khải tượng mở mang Hội Thánh và đào luyện người hầu việc Chúa kế thừa cho tỉnh nhà ngay giữa những khó khăn… Hội thánh tiếp tục được mở, các Điểm nhóm tiếp tục mọc lên, nhất là những vùng miền núi anh em dân tộc, và Lớp Thánh Kinh Phục Vụ được hình thành từ năm 1996 tại Sông cầu để đáp ứng nhu cầu gây dựng Hội Thánh. Sau đó Chính quyền cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho các Nhân sự và Chấp sự đi học Lời Chúa và kinh nghiệm chức vụ.

          Đến năm 2008, hai Chi hội được thành lập mới: Chi Hội Hòa Hiệp và Chi Hội Tuy An (tái lập). Năm 2010, Tổng Liên Hội tiếp tục công nhận 9 Chi Hội và 1 Hội Nhánh nữa. Ngày nay, tại Thành phố Tuy Hòa có Chi Hội Tuy Hòa, Thị xã Sông Cầu có Chi Hội Sông Cầu, Chi Hội Xuân Bình, 7 Huyện (Huyện Đồng Xuân: Chi Hội La Hai, Chi Hội Soi Nga, Chi Hội Da Dù, Hội Nhánh Đa Lộc; Huyện Tuy An: Chi Hội Tuy An; Huyện Đông Hòa: Chi Hội Hòa Hiệp, Chi Hội Hòa Xuân; Huyện Tây Hòa: Chi Hội Hòa Phú, Hội Nhánh Hòa Bình; Huyện Sông Hinh: Chi Hội Buôn Thô, Chi Hội Buôn Dô; Huyện Sơn Hòa: Chi Hội Suối Bạc, Chi Hội Krôngpa, Chi Hội Suối Trai và Huyện Phú Hòa) ,14 phường, 7 thị trấn, 91 xã. Tất cả các huyện, phường, thị trấn và phần lớn các xã đều có tín hữu Tin lành và Điểm nhóm. Thật tạ ơn Chúa.

 Hội Thánh Tin Lành Phú Yên hiện có 16 Chi Hội, trên 60 Điểm Nhóm, với hơn 7800 tín hữu (trong năm 2010), trong đó 1 Mục sư, 2 Mục sư hưu trí, 5 MSNC, 5 TĐ, 4 Thầy hoàn tất CT BT Thần học, 8 Sinh viên đang học trong Viện TKTH, nhiều TĐTN, Nhân sự và Trưởng Điểm nhóm…

Đồng lúa đang chín vàng nhưng con gặt còn quá ít, cầu xin Chúa sai thêm con gặt đến trong mùa mình. Trong thời gian ngắn ngủi còn lại, chúng ta hãy hết lòng cầu nguyện, nhiệt tình ra đi cứu người, để có thể dâng lên Chúa tấm lòng biết ơn và thành quả là dắt đem nhiều người đến với Chúa, để thật sự ghi nhớ các tiền nhân và lớn tiếng ca ngợi Chúa nhân Lễ Kỷ Niệm 100 Năm Tin Lành Đến Việt Nam, và 83 Năm Tin Lành Đến Phú Yên đầy ý nghĩa nầy.

Phạm Cường

Bài vở cộng tác và góp ý xin gởi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like