Home Văn Nghệ Mùa Thu Trong Thơ Xuân Diệu

Mùa Thu Trong Thơ Xuân Diệu

by Ban Biên Tập
30 đọc

Xuân Diệu đã tặng cho đời những bài thơ của ông, những bài thơ từ lòng ông, từ hồn ông, từ tuổi xuân của ông và từ cả sự sống của ông nữa, trong đó có những vần thơ viết về mùa Thu rất đặc sắc của thi sĩ.

Nói đến mùa thu là người ta nghĩ ngay đến nỗi buồn, một nỗi buồn man mác, một nỗi buồn cô quạnh, một nỗi buồn vời vợi, xa vời khôn tả. Hãy nghe nỗi buồn mùa thu đó dưới mắt của  Xuân Diệu:

Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang/ Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng/ Đây mùa thu tới-mùa thu tới/ Với áo mơ phai dệt lá vàng/ Hơn một loài hoa đã rụng cành/ Trong vườn sắc đỏ rủa màu xanh/ Những luồng run rẩy rung rinh lá…/ Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh”. (Đây mùa thu tới)

Còn có nỗi buồn nào hơn thế chăng?

Viết về mùa thu, không gì hơn là viết về chiều thu, chiều thu có cái đặc biệt của nó: đi qua rất chậm và rất hiu quạnh, cùng với gió, với trăng, với sương mù, với lá rụng, khiến thi sĩ phải … tương tư. Xuân Diệu đã viết về chiều thu như sau:

“Thôi hết rồi! còn chi nữa đâu em!/ Thôi hết rồi, gió gác với trăng thềm/ Với sương lá rụng trền đầu gần gũi/ Thôi đã hết hờn ghen và giận dỗi/ (Được giận hờn nhau, sung sướng biết bao nhiêu/ Anh một mình nghe tất cả buổi chiều/ Vào chầm chậm ở trong hồn hiu quạnh”. (Tương tư chiều)

 Hai động từ “nghe”“vào” thật độc đáo, như lột tả được tất cả cái quạnh hiu của chiều thu.

 Ở một chỗ khác, chiều thu cũng thật buồn, buồn đến lạnh cả người, buồn đến thê lương, chắc chắn là do cảnh mây biếc, trời rộng, sương mù đem lại:

 “Mây biếc về đâu bay gấp gấp/ Con cò trên ruộng cánh phân vân/ Chim nghe trời rộng dang thêm cánh/ Hoa lạnh chiều thưa sương xuống dần/ Ai hay tuy lặng bước thu êm/ Tuy chẳng băng nhân gạ tỏ niềm/ Trông thấy chiều hôm ngơ ngẩn vậy/ Lòng anh thôi đã cưới lòng em”. (Thơ duyên).

 Nói đến mùa thu thì không thể nào không nói đến cảnh lá rụng, hoa rơi, vì chính cảnh ấy “vẽ” nên nét  đặc thù của mùa thu: buồn man mác:

 “Những chút hồn buồn trong lá rụng/ Bị nhàu ai tưởng dưới trăm chân/ Bông hoa rứt cánh, rơi không tiếng/ Chẳng hái mà hoa cũng hết dần”. (Ý thu)

 Mùa thu thường đem đến cho con người sự vắng lặng, sự cô quạnh đến ngẩn ngơ cả tâm hồn:

 “Không gian như có dây tơ/ Bước đi sẽ dứt, động hờ sẽ tiêu/ Êm êm chiều ngẩn ngơ chiều/ Lòng không sao cả, hiu hiu khẽ buồn”. (Chiều)

Nói đến mùa thu thì phải nói đến trăng, vì không có trăng thì mùa thu đâu còn có ý nghĩa gì nữa, mùa thu đâu còn gì để người ta nói chung, thi sĩ nói riêng mơ mộng, nghĩ suy những điều xa xăm, hão huyền, dịu vợi, nhưng rất thú vị, thú vị một cách huyền ảo:

“Trăng của xa xôi, trăng của hão huyền/ Ngươi vĩnh viễn như lòng trăng ý gió/ Trăng của mắt, trăng của hồn rạng tỏ/ (Trăng rất trăng là trăng của tình duyên)/ Trăng của xa xôi, trăng của hão huyền/ Trăng, vú mộng của muôn đời thi sĩ”. (Ca tụng)

 Nói đến mùa thu là nói đến sự trống vắng, cô liêu, tĩnh mịch, chính những điều đó làm cho lòng người nhung nhớ, thương yêu một cái gì đó, một ai đó đến độ… tương tư, một nỗi nhớ, niềm thương lâng lâng, bay bổng  cả tâm hồn:

Cây cỏ bình yên: khuya tĩnh mịch/ Bỗng đâu lên khúc Lạc âm thiều…/ Nhị hồ để bốc niềm cô tịch/ Không khóc, nhưng mà buồn hiu hiu/ Điệu ngả sang bài Mạnh Lệ Quân/ Thu gồm xa vắng tự muôn đời/ Sương nương theo trăng ngừng lưng trời/ Tương tư nâng lòng lên chơi vơi. (Nhị hồ).

Hai câu thơ sau trong khổ thơ trên thi sĩ cho gieo toàn vần bằng thật “đắc địa”, lột tả được sự chơi vơi của tâm hồn thi sĩ trước mùa thu tịch liêu.

Mùa thu trong thơ Xuân Diệu hiện lên với một hương vị buồn man mác, hiu hiu  khó tả, vì nó lặng lẽ, kín đáo:

Hôm nay, trời nhẹ lên cao/ Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn…/ Lá Hồng rơi lặng ngõ thuôn/ Sương trinh rơi kín từ nguồn yêu thương”. (Chiều).

Là thi sĩ của tình yêu, cho nên Xuân Diệu có một tâm hồn rất mơ mộng. Mà một tâm hồn mơ mộng như thế thì chắc chắn phải “mê” mùa thu thôi, vì chỉ có mùa thu mới có thể đáp ứng được và đáp ứng đủ những mơ mộng cho trái tim đầy ắp yêu thương của thi sĩ. Chỉ có mùa thu mới chiếm được “hồn” của chàng thi sĩ đa tình Xuân Diệu:

Làm sao cắt nghĩa được tình yêu!/ Có nghĩa gì đâu một buổi chiều/ Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt/ Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu…” (Vì sao)

Tôi rất yêu thơ Xuân Diệu và nhất là những vần thơ viết về mùa thu của thi sĩ. Những vần thơ viết về mùa thu của thi sĩ mới đẹp làm sao, mới dễ thương làm sao! Đọc những vần thơ ấy ta như thấy tâm hồn mình nhè nhẹ, lâng lâng, bay bổng, mơ mộng một cách khó tả, làm cho ta thêm yêu mùa thu của đất trời, yêu cảnh vật thiên nhiên xinh đẹp quanh ta. Giữa biết bao nhiêu bận rộn, xô bồ của cuộc sống trong thời đại điện tử, tin học nầy, đọc những vần thơ thơ mộng, êm đềm của Xuân Diệu viết về mùa thu, ta như thấy lòng nhẹ nhỏm hơn, bớt mệt mỏi hơn nhiều.

Cảm ơn Xuân Diệu đã để lại cho đời những vần thơ đầy ắp tình yêu và cả những vần thơ đẹp mơ màng về mùa thu nữa.

Ô kìa! “Đây mùa thu tới” rồi bạn ơi! Hãy “Gởi hương cho gió” đi để mà mơ, mà  mộng, để mà “Tương tư chiều” cho đời thêm yêu thương và đẹp đẽ bạn nhé!

Cảm ơn Tạo Hóa đã ban tặng cho con người một thiên nhiên đẹp đẽ, một cảnh thu tuyệt vời cho con người thưởng thức. Phải là Đấng tuyệt mỹ thì mới có thể tạo nên được một thiên nhiên tuyệt mỹ như thế được phải không bạn? Cứ mỗi lần nhìn ngắm thiên nhiên tươi đẹp là tôi lòng tôi luôn hân hoan ca ngợi Thiên Chúa vì Ngài đã ban cho chúng ta thế giới đẹp đẽ như thế nầy để chúng ta sống và thưởng thức, khám phá và tôi thầm hát: “Khi xem muôn vật do tay Thiên Chúa sáng tạo chúng. Cứu Chúa của tôi, lòng cảm xúc bao kinh sợ…” (Bài hát “Lớn bấy duy Ngài” của Carl Gustav Boberg).

Hãy cùng tôi chúc tụng Thiên Chúa tuyệt mỹ vì Ngài đã ban cho chúng ta thiên nhiên  mỹ tuyệt nầy!

Bình Tú Ngọc

Bài vở cộng tác và góp ý xin gởi về tintuc@hoithanh.com

                                                         

Bình Luận:

You may also like