Home Dưỡng Linh Sự Chịu Đựng

Sự Chịu Đựng

by Ban Biên Tập
30 đọc

 

Chín mươi phần trăm của thành công là sự kết cuộc. Kinh Thánh dạy “Ai bền lòng cho đến cuối cùng, thì sẽ được cứu rỗi” (Mathiơ 10:22b), và “nếu chúng ta chịu thử thách nổi, thì sẽ cùng Ngài đồng cai trị” (IITimôthê 2:12a). Sự chịu đựng có hai khía cạnh : Thứ nhất là sự hứa nguyện của chúng ta rằng chúng ta sẽ không bỏ cuộc. Sự cương quyết đi đến cùng. Thứ nhì liên quan đến sự tác động của Chúa. Những gì Chúa kêu gọi chúng ta, Ngài sẽ ban ân điển để chúng ta kết thúc. Mạng lệnh của ngài cũng đồng thời là lời hứa để đem đến chiến thắng. Chúa dạy, “Hãy nên thánh, vì ta là thánh” (I Phierơ 1:16). Đây không chỉ là một mạng lệnh, nhưng cũng là một lời hứa. Lời hứa là chúng ta sẽ nên thánh!

Đôi khi bạn cảm thấy không thể đi đến cùng, không thể chịu đựng nổi. Và có lẽ bạn nghĩ đúng! Nhưng đến lúc chúng ta không thể chịu đựng hơn nữa, thì chúng ta sẽ thấy Chúa làm những việc con người không thể làm được. Chúng ta không cần đức tin để làm những việc có thể làm được! Vậy nếu bạn đang đối đầu với một tình cảnh không thể chịu nổi, hãy ngợi khen Chúa. Đây là lúc bạn bắt đầu sử dụng đức tin.

 Tin cậy Chúa để làm một điều gì con người không làm được thì cũng như bước ra trên một cành cây vì Chúa. Bạn đang bước vào một tình huống đầy nguy hiểm, mà bạn biết bạn cần giúp đỡ. Nếu bạn đang cảm thấy bị chôn vùi bởi nhu cầu, nan đề hoặc một tình cảnh không chịu nổi, quỉ Satan rất vui mừng và nói với bạn rằng bạn sẽ thất bại, sẽ đầu hàng. Nó sẽ lải nhải rằng, “cành cây sẽ gãy!”. Vì thế khi bạn trên cành cây này, quỉ Satan sẽ làm gì? Nó sẽ cưa cành cây này đi! Nó không những nói, nhưng cũng cố gắng thực hiện lời nói này của nó. Nhưng cứ đứng yên và tin cậy Chúa. Khi quỉ Satan cưa đứt cành cây này, cây ấy sẽ ngã trên nó, và cành cây sẽ vẫn đứng y nguyên trên không trung!

Tại sao sự chịu đựng là một bước trong quá trình chữa lành của Chúa cho chúng ta? Vì chúng ta bỏ cuộc nên chúng ta đã nhượng bộ vào sự oán giận, tức tối, đau khổ, ruồng bỏ, dục vọng, thói quen xét đoán, nghi ngờ, hay bất cứ điều gì mà làm chúng ta quẩn trí. Đôi khi chúng ta muốn Chúa làm một phép lạ và cất đi nan đề của chúng ta ngay lúc này. Nhưng Chúa muốn hướng dẫn chúng ta vào một quá trình để chuẩn bị chúng ta trong sự cai trị với Ngài ở Thiên đàng. Vì thế chúng ta cần gây dựng bản tính của mình, vượt qua và chịu đựng được những sự khó khăn hoặc cám dỗ và có những quyết định đúng.

Thiên đàng không chỉ dành cho những thiên sứ chơi đàn cầm và sống trong biệt thự nguy nga lộng lẫy. Chúa muốn chúng ta cai trị với Ngài. Chúa muốn mỗi người có một phần trong sự cai trị những tạo vật của Ngài. Nhưng việc này bắt đầu từ mối liên hệ của chúng ta với Chúa trên thế gian. Chúa muốn chuẩn bị chúng ta là con cái Ngài để cai trị tất cả sự sáng tạo của Ngài. Làm thế nào chúng ta làm được điều này? Tôi không biết. Nhưng những khúc Kinh Thánh như IICôrinhtô 4:16-18 xác định rằng Chúa đang chuẩn bị chúng ta cho sự sống vĩnh cửu: “Vậy nên chúng ta chẳng ngã lòng, dầu người bề ngoài hư nát, nhưng người bề trong cứ đổi mới càng ngày càng hơn. Vì sự hoạn nạn nhẹ và tạm của chúng ta sanh cho chúng ta sự vinh hiển cao trọng đời đời, vô luợng vô biên, bởi chúng ta chẳng chăm sự thấy được, nhưng chăm sự không thấy được, vì những sự thấy được chỉ là tạm thời, mà sự không thấy được là đời đời không cùng vậy”.

Một người bạn tôi có lần nói, “Điều quan trọng là chúng ta kết thúc như thế nào!”. Sứ đồ Phaolô trong thư đầu tiên gửi đến hội thánh Côrinhtô đã viết rằng, “Anh em há chẳng biết rằng trong cuộc chạy thi nơi trường đua, hết thảy đều chạy, nhưng chỉ một người được thưởng sao?”.

Khi chúng ta xưng tội, lánh xa chúng và quyết định thù ghét tội lỗi để chứng tỏ một hành động trong đức tin, chúng ta nhận sự tha thứ của Chúa và Chúa ban cho chúng ta cơ hội để làm lại từ đầu. Ngài là Đức Chúa Trời của sự khởi đầu mới. Phần của chúng ta là hạ mình xuống và lánh xa tội lỗi và sự thất bại. Phần của Chúa là tha thứ và ban cho chúng ta sự khởi đầu mới. Ngài rất muốn làm điều đó, vì Ngài là Đức Chúa Trời của tình yêu thuong. Khi “thất bại một lần nữa” nhưng không chịu nhận sự tha thứ của Chúa thì chúng ta quá kiêu ngạo. Nếu chúng ta thất bại, chúng ta phải thành thật và thú nhận điều này, hạ mình xuống trước Chúa, và nhận sự tha thứ của Ngài.

Ngài đang làm việc trong bạn. Sự tranh đấu là một phần của sự chiến thắng. Bạn đang học những bài học, bạn đang học về sự tiếp nhận sự tha thứ của Chúa. Bạn đang học sự chịu đựng. Bạn đang rút kinh nghiệm từ những sai lầm và thất bại của mình. Bạn đang học cách giúp đỡ người khác và bạn đang học cách chiến đấu với kẻ thù là quỉ Satan.

Chúng ta đang trong trận chiến! Đừng đầu hàng! Bạn đang bên phe chiến thắng!

Tôi tin chắc rằng Đấng đã khởi làm việc lành trong anh em sẽ làm trọn hết cho đến ngày của Đức Chúa Jesus Christ.

Floyd Mc Clung

Bài vở cộng tác và góp ý xin gởi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like